DALAT va TOI

29 Tháng Tư 201012:00 SA(Xem: 14360)
DALAT va TOI

 Lời nói đầu:634081530682003156_400x300

Trong cuộc đời gần 60 năm của tôi, có lẽ thời gian đi học ở Dalat là sung sướng và vàng son nhất . Bây giờ đôi khi có ít thì giờ rảnh rỗi, tôi thường ngồi viết lại những kỷ niệm ngày xưa, mà thường là những kỷ niệm thời Dalat. Viết đây là viết cho chính mình, để sau này khi trí nhớ không còn minh mẫn, sẽ đọc lại và tự nhủ là dầu sao mình cũng đã “Vang bóng một thời”. :-)

Bài viết này sẽ gồm những đoản khúc ngắn, vụn vặt... về những kỷ niệm đời mình và những bạn bè khóa 5 Chánh Trị Kinh Doanh. Viết theo trí nhớ của sau 40 năm mà bây giờ đã bắt đầu mai một. Gửi đến mong bạn bè cũ đọc cho vui và chỉ ao ước có vậy, không hơn không kém. Những nhân vật trong truyện đều có thật và liên hệ ít nhiều đến tác giả. Cũng chính vì vậy, mà những bạn đọc không có liên quan gì đến câu truyện, có thể cảm thấy phần nào nhàm chán.

Trong bài viết nếu có gì sai sót hay nhầm lẫn, xin các bạn thứ lỗi.


San Diego, 01/16/08

Nguyễn Ninh /K5 

Khóa 5 Chánh Trị Kinh Doanh


Đà Lạt và Tôi

 
Phần 1


Vài Hàng về “Tôi”


Tôi học trễ một năm, đậu tú tài lúc 19 tuổi . Thời trước năm 1968, vấn đề quân dịch còn tương đối dễ dàng. Học hết năm nếu được lên lớp là không phải đi lính. Nhưng sau Tết Mậu Thân 1968, tình hình quân sự khẩn trương hơn, nên dù được lên lớp nhưng nếu quá tuổi luật định, vẫn phải nhập ngũ. Tuổi 19 là thời hạn cuối cùng để học đệ Nhất, thi tú tài 2, sau đó vào Đại Học. Lớp mình khóa 5, tuổi sàn sàn như nhau, bạn nào trẻ sinh 1950, còn đa số sinh năm 1949, trong đó có tôi .

Vào khoảng năm 1968, phong trào đi Du học tự túc cực thịnh, nhất là dưới thời Bác Sĩ Nguyễn Văn Thơ làm Tổng Trưởng Giáo Dục. Người nào học giỏi xin học bổng Leadership đi Mỹ. Ai giỏi tiếng Pháp hoặc gốc trường Tây, đi học bổng của Pháp, còn ai dở dở ương ương thường xin du học tự túc đi Đức.

Từ lúc còn bé, tôi lúc nào cũng ao ước được đi ngoại quốc du học, nhưng vốn liếng học hành của tôi cũng thuộc loại chỉ vừa đủ để thoát lính, nên cũng chẳng dại phí thì giờ nộp đơn xin học bổng làm gì. Khoảng thời gian đó nghe thiên hạ đồn rằng, xin du học tự túc đi Đức dễ lắm, nên thừa lúc nước đục thả câu, nhân tiện một buổi chiều đang ngồi uống cà phê ở Pagode thấy chán, tôi chạy xẹt ra Nha Du Học gần góc đường xin ngay cái đơn về điền và nộp. Cũng may nhờ hồng phước kiểu như nằm mê trúng số đề, vài tuần sau nghe tin được chấp thuận. Ngày xem danh sách thấy tên, mừng mừng tủi tủi, xuôi ngay ra chợ Bến Thành mua vội một cái vali Samsonite giả cứng ngắc, ngược đường xuống chợ cũ vào mấy tiệm Ấn Độ mua ít vải len để may vài bộ vest . Bà mẹ chiều cậu con độc đinh, rút ít ngàn tiền bỏ ống dấu dưới gầm giường bao năm nay, chạy thẳng ra tiệm Văn Quân may cho vài bộ. Cụ tính nhẩm trong đầu, bây giờ tốn cho nó ít tiền, nhưng biết đâu tương lai, nhờ phúc đức ông bà, may ra cả nhà sẽ ngước mặt với đời.

Tất cả giấy tờ thủ tục của Nha Du Học kể như xong, chỉ còn chờ chữ ký của Ông Tổng Trưởng Giáo Dục là mua vé máy bay, là khăn gói quả mướp lên đường đi Đức du học.

Nhưng không may cho tôi là đúng lúc đó Nội Các lại cải tổ. Bác sĩ Thơ mất chức Tổng Trường, người thay thế là BS Lê Minh Trí. Ngay sau khi lên chức, BS Trí cho đổi tất cả luật lệ Du Học, ưu tiên cho các Quốc Gia Nghĩa Tử, chứ không còn để cho đi Du học tự túc dễ dàng như lúc trước nữa. Thành thử đang lúc nghênh ngang như một ngôi sao sang đầy hứa hẹn, tôi đột nhiên tối mờ, tụt xuống thành một cậu du học sinh hụt, không biết đi đâu, chẳng biết làm gì. Các trường Đại học lớn lúc đó đã thi xong , mà không xong thì cũng chắc gì đậu vào được. Còn nếu học Văn khoa, Luật Khoa hay tìm về cửa Phật học trường Vạn Hạnh … thì mất mặt quá. Nhất là đối với mấy em thơm như múi mít , đã bóp bụng chịu khó tốn kém không biết bao nhiêu là tiền, dắt tôi đi ăn tiễn mấy lần. Khổ tâm không kém, là còn mấy bộ vest len dầy cộm chưa có dịp mặc, may ở Văn Quân theo đúng thời trang áo không cổ, quần ống túm y hệt Pau McCartney của ban The Beatles thời đó.

 Chần chừ mãi rồi cũng phải đến lúc quyết định, thôi thì nhắm mắt đưa chân, một liều ba bảy cũng liều, đành lòng xin phép bố mẹ đi Dalat.. Vừa giải quyết được mấy bộ vest lỡ may, vừa có dịp đi xa khỏi nhà và nhất là tránh được các cặp mắt diễu cợt của các em mà mình đã lấy cớ hôn hít từ giã cả đến chục lần.

 Thế là duyên nợ của đời tôi và Dalat bắt đầu .


 Phần 2

Ngược Giòng Thời Gian.


Gia đình tôi di cư vào Nam năm 1954. Lúc đó tôi khoảng hơn 5 tuổi. Bố mẹ thường kêu đùa chị em chúng tôi là dân Tàu há mồm. Lúc nhỏ không hiểu, cứ nghĩ là mình có ít dây dưa với mấy anh Tầu. Sau lớn lên mới biết là trong làn sóng di cư vào Nam, chỉ một ít người miền Bắc may mắn được đi máy bay, còn đa số là phải đi theo đường biển bằng loại tàu đổ bộ của quân đội Mỹ, mà hồi đó nôm na gọi là tàu há mồm.

 Bố tôi gốc Kỹ Sư Canh Nông nên khi vào trong Nam, may mắn tìm được một chân dậy học Vạn Vật cho trường Trần Lục . Trần Lục là một trường trung học nhỏ, nằm trên đường Hai Bà Trưng, xế cửa chợ Tân Định. Trường này mở 2 ca, ca sang là trường Trung Học Đệ Nhất Cấp và buổi chiều lại biến thành trường Tiểu Học . Khoảng 6 tuổi tôi cũng có theo học ở trường này hình như đâu được vài ba tháng .

Chúng tôi thuê được một ngôi nhà trong một cái hẻm nhỏ đường Công Lý, lúc đó gọi là Xóm Lách. Đây là một xóm nghèo lao động, mỗi lần mưa là lụt lội ngang đến gần đầu gối. Nước và nhà vệ sinh đều không có . Ngay đầu hẻm có một cái phông ten bơm nước, khi nào cần, phải thuê người gánh giùm cho một thùng, loại thùng thiếc trước dùng làm thùng dầu hôi 25 lít. Nhưng phiền nhất là vấn đề đi vệ sinh. Cầu tiêu công cộng của xóm là một cái chòi nhỏ dựng trên một cái ao nuôi cá tra, chia là nhiều ngăn, muốn ra được cầu phải đi qua một miếng ván dài kẽo kẹt. Thật ra đối với các chị tôi thì là chuyện phiền, nhưng riêng tôi thì enjoy lắm, vì không gì thú bằng ngồi trong chòi ngắm trăng, giải quyết được những chuyện cần phải giải quyết, mà lại còn được nghe ké radio của các hàng xóm chung quanh, tiếng hát của Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết trong bài “Trăng rụng xuống cầu” . Sau này trong tôi có chút ít máu nghệ sĩ có lẽ cũng nhờ thời gian lúc bé , ngày nào tâm tư cũng có dịp hòa mình trong tiếng nhạc ít ra là một lần. Nghĩ lại mới thấy đúng mình là “Thép đã tôi thế đấy” .

Trời miền Nam rất nóng nhất là vào mùa hè . Một món ăn vặt mà tôi rất ưa thích nhất lúc đó là đá nhận, có rắc một ít sia-rô đỏ lên trên. Giá là nửa đồng, cứ việc dùng tờ giấy một đồng xé đôi ra là xong. Miền Nam cái gì cũng thoải mái đơn giản, ngay cả đến cách dùng tiền.

Tôi là cậu con trai duy nhất của gia đình nên bố mẹ rất lo lắng cho việc học của tôi. Gần nhà tôi lúc đó không có trường công lập nam tiểu học nào, chỉ có một trường đạo tên là Sao Mai, bên dưới gầm cầu Công Lý gần chùa Vĩnh Nghiêm bây giờ. Một phần mẹ tôi không muốn tôi theo học trường đạo, một phần chắc là cũng không đủ tiền cho con đi học trường tư, nên giao tôi cho một ông thầy giáo ở đầu xóm. Thầy tôi gầy gò ốm yếu lại còn nghiện thuốc phiện. Lớp học chỉ đâu 5, 7 đứa . Học trò ngôì trên cái đi văng quay quần bên cái bàn đèn thuốc phiện của thầy . Lúc đó không biết vì tôi học khá, hay là vì mẹ tôi lâu lâu biếu cho thầy chút xái thuốc, nên mỗi cuối tháng sau khi đóng tiền học phí, tôi cũng đều được phần thưởng của thầy, đó là những cuốn “Thế Giới Tự Do”, mà sau này dùng để bao sách rất đẹp và tiện. Tới lúc Tổng Thống Diệm phát động phong trào “Bài trừ tứ đổ tường”, Cảnh Sát bắt dữ quá nên thầy tôi phải bỏ nghề dạy và vì vậy tôi cũng bị thất học cũng đâu đến vài ba tháng.

 Lúc lớn lên, khi ra trường tốt nghiệp Đại Học, mỗi lần được lời khen là mình “Có công đèn sách”, tôi lại nhớ đến ông thầy giáo đầu đời dậy tôi từng chữ A, B, C…bên cạnh cái bàn đèn thuốc phiện. Có lẽ trong đám bạn bè, ít ai hân hạnh hiểu được đúng nghĩa chữ “đèn sách” như tôi .

 

Phần 3

Anh bạn đầu tiên: Trịnh Hoàng Giang K1

 

Tôi vẫn nhớ đường đến bến xe đò đi Dalat. Từ nhà tôi ở Hàng Xanh, ngược về phía Chợ Bà Chiểu, tới Lăng Ông ôm trái, thẳng qua Dakao, Hiền Vương, Trần Quốc Toản, vừa tới Viện Hóa Đạo, rẽ qua Petrus Ký, đi khoảng vài ba trăm mét là bến xe. Nơi đây không biết bao nhiêu lần đã đưa tôi xuôi ngược Dalat – Saigon trong suốt hơn 3 năm của cuộc đời sinh viên với biết bao vui buồn lẫn lộn.

 Năm 2003 có dịp về lại Việt Nam, một buổi sang sớm tôi có ghé lại bến xe Petrus Ký, bây giờ là đường Lê Hồng Phong, tên của một vị anh hùng xa lạ nào đó mà tôi nhớ mang máng có nghe qua sau năm 75 khi còn kẹt lại. Tôi lặng người, ngồi trên cái ghế đẩu trong môt quán cà phê nhỏ bên cạnh lề đường, ngắm nhìn những chuyến xe đò qua lại, cố tìm những hình ảnh của ngày xưa thân thương quen thuộc, nhưng sao cảm thấy như dửng dưng xa lạ. Cảnh cũ, tâm tình xưa tìm hoài không thấy và chính mình hình như cũng mất .

 Nói đến Saigon lại nhớ đến khu Dakao có bánh cuốn xóm Đền, tiệm chè Hiển Khánh và rạp Ciné Dakao mà hồi đó tôi hay đến xem phim kiếm hiệp của Vương Vũ, Khương Đại Vệ… mỗi khi nghỉ hè về lại Saigon. Phim chưởng của Tàu tôi xem cũng khá nhiều, nhưng có lẽ “ấn tượng” nhất có lẽ là một đoạn phim ghép của Vương Vũ quảng cáo kem đánh răng Hynos. Trong đoạn phim này Vương Vũ cỡi ngựa, đuổi theo một tên cướp, để dành lại một túi xách bị mất . Khi mở ra trong túi xách toàn là kem đánh răng Hynos, với hình ảnh anh Chà Và đen bóng có hàm răng trắng nhởn. Khúc phim quảng cáo vui nhộn và nổi tiếng này do một Công ty tiên phong trong ngành phim hình quảng cáo của Việt Nam là AFC (Advertising Film Company) sản xuất, do chính Anh Hùng (Sùi) khóa 1 sáng lập với sự phụ giúp đắc lực của 2 bạn khóa 5 là Phạm Ngọc Lâm và Nguyễn Bạch Nga. Trụ sở ban đầu ở ngay khu Dakao gần đường Nguyễn Phi Khanh. Sau này làm ăn khấm khá dọn sang một địa điểm tốt hơn ở gần ngã tư Hai Bà Trưng và Hiền Vương, bên hông Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Công Ty quy tụ nhiều “nhân tài” của CTKD nhưng điểm đáng nói nhất là ai làm việc với AFC đều không lương hoặc nếu có cũng chỉ là tượng trưng. Benefits của các chàng Đại Học Sĩ mới ra trường lúc đó là được phỏng vấn các nữ tài tử vào xin việc hoặc huấn luyện cho các em “đóng phim” chung. Đây là chỗ PN Lâm làm việc một thời gian trước khi xin được vào Nha Thuế Vụ. Tôi cũng ráng “ăn theo” Lâm một vài tháng ở AFC, nhưng tài nghệ đóng phim của tôi lúc đó có lẽ chưa đủ cứng, nên sau cũng đành khóc hận giã từ sự nghiệp điện ảnh.

Tôi đã xa Saigon hơn hơn 30 năm. Thời gian sống ở ngoại quốc bây giờ tính ra còn dài hơn thời gian sống ở quê nhà. Nhưng không hiểu sao không cách gì tôi có thể hội nhập vào được cái xã hội này . Lúc nào tôi cũng có cảm tưởng như đi bên cạnh giòng đời. Khi nào ăn miếng ngon tôi cũng so sánh với những món nhậu ở đường Bùi Viện. Đi ciné cũng làm tôi nhớ đến Mini Rex, trời mưa làm tôi nhớ Dalat, trời nắng tôi nhớ Saigon, ngay cả những hôm trời không mưa không nắng, buồn đi vào Body Shop xem show, cũng làm tôi nhớ đến Nữ Thần Thu Thủy của Đệ Nhất Khách Sạn, dù biết rằng nữ thần của tôi ngày nào, lúc này chắc cũng đã là bà già trầu nhăn nheo 6 bó . Cho đến bây giờ sau cả mấy chục năm xa quê hương, tôi vẫn có những buổi sáng giật mình tỉnh giấc, mắt nhắm mắt mở không định được hồn là mình đang ở đâu, cứ lẫn lộn không biết là “Saigon trong tôi” hay “Tôi trong Saigòn” . Mộng và Thực quanh quẩn với tôi như thế không biết sẽ mãi đến bao giờ ???

 Mẹ tôi từ khi biết cậu con của mình mất dịp đi Đức buồn lắm, nên khi nghe tôi xin đi Dalat là bà cụ bằng lòng ngay. Buổi tối trước hôm ra đi, chính bà cụ tự tay xếp đặt đồ đạc và sửa soạn va li cho cậu con trai lên núi tầm sư học đạo. Lúc ra tới bến xe bà cụ bắt đầu khóc và ôm vai tôi thổn thức an ủi “Thôi may quá con không đi Đức. Con đi Dalat mẹ còn có dịp đi thăm, chứ còn đi Đức chắc mẹ chịu không nổi”. Trong lòng tôi lúc đó tuy có chút xúc động , nhưng viễn ảnh đựơc sống một cuộc đời giang hồ vặt xa nhà cũng làm tôi nguôi ngoai được đôi chút muộn phiền.

Xe đò đi Dalat có hai loại. Loại xe lớn như “Đức Hòa” và “Thắng Lợi” ...chở đươc khoảng 45 người, nhưng thường “nhét cá mòi” cả hơn 50 hành khách để anh tài, anh lơ kiếm thêm chút cháo. Loại này vừa chạy chậm, chạy ẩu, bạ ai kêu ở đâu cũng ngừng.

Loại xe Minh Trung nhỏ hơn, gốc xe Peugoet 203, đầu mũi xe có tượng con cọp, chở được 7 hành khách, chỉ ngừng ở Định Quán ăn uống một lần, rồi chạy thẳng một lèo đến Dalat, nhưng gíá vé đắt quá, gần gấp đôi xe lớn .

Khoảng cách giữa Saigon và Dalat chỉ 305 cây số, tuy vậy bao giờ đi cũng gần hết một ngày. Nếu chia đoạn đường dài này ra làm 3, dựa theo những địa điểm đáng nhớ thì đầu tiên là Định Quán cây số 111, thị xã Bảo Lộc ở cây số 221, rồi là Đalat.

Tôi không biết có thể kêu Định Quán là một thị xã hay không vì chỗ này quá nhỏ, không có gì đặc biệt ngoài những tảng đá lớn chồng chất lên nhau và những tiệm ăn bình dân dành cho khách xe đò đi Đalat dừng chân tạm nghỉ. Mỗi lần xe đến Định Quán đậu trước hàng ăn, anh lơ chạy vội ra phía trước mở nắp xe cho mau nguội máy, còn hành khách lục tục kéo nhau ra gần các hòn đá lớn ngắm cảnh, các bà các cô thường đi xa hơn để hưởng thú thiên nhiên, còn mấy vị đàn ông, chỉ việc quay lưng lại là thoải mái như ở nhà . Ăn nghỉ khoảng hơn nửa tiếng, rồi lại lũ lượt leo lên xe tiếp tục cuộc hành trình .

Sau Định Quán đã thấy đất bắt đầu đỏ . Thêm hơn 2 tiếng nữa là đèo Chuối rồi đến thị xã Bảo Lộc, một thị trấn khoảng giữa đường Saigon-Dalat mà đối với tôi không có gì xa lạ. Trước đây khoảng năm 1958 tôi đã ở Bảo Lộc, hồi đó gọi là Blao. Blao là một tỉnh rất nhỏ, đặc sản là sản xuất trà và …thịt chó, điều đó cũng dễ hiểu vì đa số dân chúng sống ở đây là dân Bắc Kỳ di cư. Thịt chó ở đây thông dụng đến nổi là các đám cưới lớn đơn vị tính không phải là bao nhiêu thồi như thường thấy, mà tính là bao nhiêu con chó. Mấy em đẹp kiểu như Hoa Hậu Áo Dài Cali bây giờ, muốn lấy được chắc đám cưới cũng phải tốn cả chục chú cầy tơ là ít. Thành phố vắng vẻ đến nổi không có được một rạp hát. Năm thì mười họa mới có một gánh Cải Lương dạo ghé vào trình diễn trong một căn nhà nhỏ, cạnh một tiệm sửa xe bỏ hoang. Mỗi lần như vậy thể nào cũng có mặt tôi trong đám khán giả nhi đồng hâm mộ. Khi tuồng dứt hạ màn, tôi lại bâng khuâng lưỡng lự muốn trốn theo đoàn hát, hy vọng mai sau được nổi tiếng như hai anh Danh Hề Phúc Lai, Tư Vững của đoàn Kim Chung Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô thời đó.

Từ Bảo Lộc đi thêm khoảng hơn 30 cây số là đến Di Linh, sau đó phi trường Liên Khương, vượt qua đèo Prenn khoảng 20 cây số là đến Dalat. Cảnh đường đèo thác Prenn thật đẹp với những con đường ngoằn ngoèo và những cây thông xanh cao vút. Dọc đường ngoài những bảng nhỏ gắn dính vào những cây thông cao “Coi Chừng Cháy Rừng. Cấm hút thuốc”, là những cái miếu nhỏ khói hương nguội lạnh dọc theo hai bên đường, cúng thờ những người đã chết vì những tai nạn xe cộ xảy ra. Tới đây khí hậu đã bắt đầu mát lạnh và khách vãng du đã cảm thấy hương vị núi đồi thơ mộng của Dalat với những cây hoa Anh Đào và những rừng thông xanh cao ngất.

Tôi đến bến xe Dalat vào khoảng mới gần 4 giờ chiều mà trời đã chạng vạng tối, mây trời màu xám ảm đạm với những cơn mưa bụi nhè nhẹ. Xuống xe với đống hành lý và tâm tư nặng trĩu trên vai, tôi chậm chạp bước ra đứng ngay trước cây xăng Caltech ở ngã ba đường. Bây giờ mới đúng là không biết đi đâu, rẽ trái leo dốc đi lên phía chợ Hòa Bình, hay là đi bên phải qua hướng bờ hồ ??? Đầu óc ngổn ngang trăm mối. Tới lúc này mới cảm thấy cô đơn, bỡ ngỡ. Người quen không có, chỗ ở cũng chưa kiếm ra. Nhớ lời bà cụ dặn là phải đi đánh giây thép ngay về nhà cho cụ yên tâm, nên hỏi thăm đường đến Bưu Điện. Tay xách nách mang, thất thểu đi ngược lại qua cầu hồ Xuân Huơng, leo dốc nhà thờ Con Gà rẽ trái về phía Ty Bưu Điện. Lúc đó phương tiện truyền thông nhanh nhất vẫn là đánh giây thép. Giá mỗi lần gửi là $20.00 đồng cho mười chữ. Tôi viết vội vài hàng, chữ này dính với chữ kia cho đỡ tốn, xong rồi đặt chiếc vali xuống đất ngồi lên trên, thẫn thờ chờ đợi suy tính . Ngồi như thế một lúc, không biết đợi gì, chưa biết đi đâu, bỗng thấy một anh đứng cạnh, nhìn mình từ trên xuống dưới rồi ân cần hỏi “ Cậu dân Saigon mới lên Dalat à ???”.

Tôi nhận là phải rồi kể lể sự tình là lên Dalat đi học, nhưng chưa có chỗ ăn ở, tứ cố vô thân, không biết đi đâu. May quá, đúng là có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Người hỏi tôi là một anh to lớn, ăn mặc giống hệt như Dr. Zhivago, cũng là dân ở SG lên Dalat du học, tên là Trịnh Hoàng Giang Khóa 1 CTKD. Anh Giang trông thằng nhỏ thấy thương, bèn cho về nhà tạm trú.


Phần 4

Gia Đình Bác Thái.


Anh Giang chở tôi trên chiếc xe Suzuki kiểu M15 mầu đen về nhà. Sở dĩ tôi nhớ cả mầu và kiểu xe vì lúc đó đối với tôi có được một chiếc xe gắn máy Nhật Bản là “bảnh” lắm, chắc chắn lại còn dễ được mấy em thương. Khoảng năm 1967, Chính Phủ bắt đầu cho nhập cảng xe gắn máy 50cc của Nhật vào thị trường. Hai hãng bán chạy nhất là Honda với kiểu S50, SS50 và C50 hộp số bán tự động dành cho phụ nữ. Suzuki có hai kiểu là M15 trông đứng đắn, kiểu M12 có ống pô kéo lên cao, nhìn có vẻ thể thao hơn. Kawasaki và Yamaha lúc bắt đầu không được ưa chuộng cho lắm. Thường thường xe chỉ có hai mầu chính là đen và đỏ, lâu lâu mới có một chiếc xe mầu xanh trông rất lạ mắt. Xe Honda 4 thì (4-stroke), chạy xăng nguyên chất, còn tất cả các loai xe khác 2 thì (2-stroke), phải trộn thêm nhớt mỗi khi đổ xăng. Xe Nhật bán rất chạy, chăng bao lâu sau mấy loại gắn máy như Sachs và Pusch ba đèn ba số không còn được ai mua. Ngồi sau xe ôm va li để về nơi ở mới, bây giờ tôi mới yên tâm nhìn ngắm xung quanh, thưởng thức khung cảnh đẹp và thơ mộng của Dalat. Lúc đi ngang qua hồ Xuân Hương, nhà hàng Thủy Tạ, nhìn Dalat trong cảnh chiều đang rơi, tôi chợt thấy lòng dạt dào xúc động. Bây giờ mới hiểu tại sao các thi ca nhạc sĩ không tiếc lời ca tụng Dalat bằng những câu thơ, câu hát trữ tình như “Hoa đào vương lối đi” hay là “Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi”. Sau này khi biết yêu người và trời Dalat, tôi càng thấm thía hơn mỗi khi nghe những bài thơ, những bài hát nói về Dalat. Ngay cả hiện tại, lòng tôi vẫn còn rung động mỗi khi nghe những bài hát liên hệ với Dalat, dù tất cả chỉ còn là những mộng mơ của một thời quá khứ.

Anh Giang chở tôi đi ngược về hướng chợ Hoà Bình, đường Hàm Nghi, dốc chùa Linh Sơn, qua đường Võ Tánh, gặp ngã ba Trường Chiến Tranh Chính Trị rẽ trái, đi vào một ngõ nhỏ gọi là xóm Thông Thiên Học. Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao khu này lại có tên là Thông Thiên Học, hỏi một vài người gốc Dalat thì họ cũng bù trất như tôi. Suy nghĩ của tôi lúc đó, bất cứ cái gì dây dưa đến Dalat, kể cả các tên của mấy cái xóm nhỏ xíu, cái gì nghe cũng có vẻ “Đại học” quá. Sau này ở lâu biết thêm vài chỗ như khu Hoàng Diệu, nhà ga, xóm bà Thái…mới biết Dalat không phải chỉ là một thành phố văn học mà còn là một thành phố hữu tình, có thể làm làm khách lãng du lưu luyến mãi, quên cả đường về .
Bà chủ nhà trọ của Anh Giang là Bác Thái. Mấy anh CTKD khóa trước ai cũng biết Bác Thái trong xóm Thông Thiên Học. Đây là một khu bình dân, toàn những căn nhà cỡ nhỏ, chỉ trừ 3 ngôi nhà lớn đầu ngõ là nhà của Bác Thái, nhà Bác Hiếu , stepmother của bà Tuyết Mai vợ cũ ông Kỳ, rồi nhà của chị Hà sau này là vợ anh Trần Văn Chang khóa 1. Trước mặt nhà Bác Thái có một anh chàng cứ mỗi buổi chiều, mặc quần ngắn, áo may ô ba lỗ, đầu đội khăn chạy lòng vòng, khi biết ra là Anh Hàng Hồng Nguyên học cùng lớp với tụi mình. Bác Thái có 2 căn nhà. Căn phía trước Bác ở cùng với gia đình và cho các sinh viên thuê. Ngôi nhà thứ nhì không ở, chỉ để cho mướn. Căn trước trông giống một cái vila nhỏ, mặt tiền đẹp có vườn hoa phía sân nhà. Còn căn thứ nhì phía sau thuộc loại nhà phố hai từng. Cả hai nhà đều rộng rãi khang trang và đặc biệt là cả hai căn đều cùng có … ma, mà tôi sẽ kể ở đoạn cuối. Các bạn đọc, tin hay không tùy ý, nhưng xin đừng rủa thầm trong bụng là nếu có viết hồi ký thì cứ lo viết, còn bầy đặt bắt chước Nguyễn Ngọc Ngạn viết truyện ma câu khách. Trước khi có tôi, anh Giang thuê nhà bác Thái cùng với anh Mai Trung Cường (Anh của Mai Việt Hưng, Hưng Voi) lúc đó đã dọn về Saigon. Căn nhà này có 4 phòng ngủ và một phòng tắm, cùng thêm một cái gác lửng trong phòng bếp, có cầu thang chạy ngay xuống cạnh bàn ăn. Chị Ấn, con gái Bác Thái và Bác mỗi người một phòng, Anh Giang riêng một phòng và còn lại một phòng lớn không có tường, chia riêng biệt bằng một tấm màn cửa, sau này Mỹ Hiệp và Bạch Nga thuê chung. Căn gác lửng có Dũng, một người cháu trai của Bác Thái và 2 người con trai của Bác ở. Ngôi nhà để cho thuê phía sau có MV Hưng (Hưng Voi), Trần Quốc Việt , và Phùng Minh Tiến (Tiến vẩu) thuê. Hưng hiện nay ở Mỹ, Việt lập gia đình với Ngọc Hương K5 đang ở VN, Tiến đi Hải Quân, đã mất ở Mỹ cách đây cũng đã lâu. Đáng lẽ ra Bác Thái không cho tôi ở, lấy lý do nhà đã quá đông, nhưng thật ra có lẽ vì Bác không biết lý lịch gốc gác và chắc nghe anh Giang nói là chỉ mới gặp tôi ngoài đường, chứ không phải là quen biết nhau từ trước. Tối hôm đó nằm ngủ vừa buồn vừa lo, không biết ngày mai sẽ trôi nổi về bến nào. Nhưng thật may, qua hôm sau khi nói chuyện về gia cảnh và lý lịch của tôi, hóa ra Bác Thái lại là bạn của mẹ tôi khi còn trẻ, lúc hai người ở Nam Định ngoài Bắc. Vì vậy không những Bác đã cho ở mà còn cho tôi ăn cơm tháng chung với gia đình, khỏi cần phải nấu nướng riêng.

Tôi không biết tên thật của Bác là gì, nhưng ai cũng gọi bác bằng tên của chồng. Bác trai tên là Phạm Xuân Thái, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm có làm Bộ Trưởng Thông Tin một thời gian. Bác cũng còn là một nhà Ngữ Học nổi danh thời đó. Tên của 5 người con của Bác nghe cũng có vẻ ngữ học lắm. Người con cả là Phạm Nhất Quốc mất từ lúc còn bé, kế đến Song Ấn, Tam Sơn, Tứ Hải và Ngũ Hoành. Nghe nói Bác dự đinh nếu có thêm một đứa con nữa sẽ đặt tên là Lục Súc. May mà Bác gái ngừng ngay ở Ngũ Hoành.Con của Bác người nào cũng dễ thương và có cá tính đặc biệt . Chị Song Ấn lúc đó học trường Luật Saigon nhưng lại ở Dalat, lâu lâu mới về Saigon một lần mỗi khi có kỳ thi. Chị ít nói, suốt ngày làm bếp và dọn dẹp cho các em và các anh sinh viên ở trọ. Sau chị Ấn là Anh Sơn, lúc đó đi HQ lâu lâu mới về nhà một lần. Anh Sơn bị điếc, một loại điếc rất lạ, là chỉ nghe được giọng đàn bà, còn đàn ông khi nào nói xấu hay chê anh ấy điếc, thì anh ấy mới nghe, lúc bình thường nói gì thì nói, anh ấy cũng bỏ ngoài tai. Hải học Ban Anh Văn trên Viện, tính tình thẳng thắn dễ thương, rất tốt với bạn bè và đặc biệt là có tính tưởng tượng rất phong phú. Hồi đó tụi này đặt tên lã Hải Sún hay là Hải Jules Verne. Sáng nào Hải cũng leo lên cửa sổ ngồi vắt vẻo đưa gần nửa người ra ngoài, để tập thiền hay luyện chưởng như trong các truyện của Kim Dung, sau khi tập xong, Hải xuống nhà dưới thu xếp đồ đạc giúp đỡ bà cụ đem hàng ra chợ bán. Có nhìn cảnh hai mẹ con một già một trẻ, dìu nhau đi trong những buổi sáng sương mù Dalat, lúc đó mới thấu hiểu thế nào là tình mẫu tử. Em kế của Hải và cũng là cậu con trai út, tên Hoành còn gọi là Hoành đầu bạc vì đầu anh ta bạc trắng lúc khoảng chưa đầy 20 tuổi. Hoành đánh đàn guitar rất hay, bài tủ là “Ai vềSông Tương” chơi rất ngọt, khi buồn nghe não cả lòng.

Bác Thái ở một mình nuôi năm người con ăn học đầy đủ. Nguồn lợi tức duy nhất là do cho sinh viên thuê nhà và có một sạp bán tạp hóa ở chợ Hòa Bình. Lâu lâu mỗi khi có dịp đi ra chợ mua đồ “My bo” tôi cũng hay ghé thăm gian hàng tạp hóa của Bác. Không biết các bạn ở Dalat còn nhớ hàng “My bo” không ??? My bo là tên gọi những loại quần áo tuy cũ nhưng còn đẹp và hợp thời trang, tương đối giá cũng không đắt lắm, dành cho mấy “tay chơi” không khá giả như tôị. “My bo” nói vậy cho có vẻ giống như đồ ngoại quốc lấy oai, chứ đúng ra gốc gác là từ chữ “Mỹ bỏ”, một loại quần áo cũ của viện trợ nhân đạo của Mỹ, giống như những loại quần áo bán ở Khu Dân Sinh Saigon thời xưa. Sau khi sống với bác vài tháng, tôi không còn thấy Bác ra chợ Hòa Bình buôn bán nữa. Không biết tại sao nhưng nghe nói lý do vì ế ẩm và không đủ tiền vốn mua hàng. Sau này Bác chỉ còn sống nhờ vào tiền cho các sinh viên thuê nhà thôi. Tôi có gặp lại Anh Sơn bên Mỹ khoảng năm 1981 ở tiệm ăn Đường Sơn trước cửa Phúc Lộc Thọ. Anh khoe với tôi là đã được giải phẫu không còn bị điếc nữa . Hải chết hôm 30/4/1975 ngay ngày cuối cùng của trận chiến, trúng đạn của người anh em bên kia giới tuyến khi bị pháo kích vào trại lính Gò Vấp. Hoành sau này đọn về Đơn Dương, nghe Hưng Voi nói đã chết khoảng gần chục năm nay. Chị Ấn hình như đã có gia đình, bây giờ ở đâu tôi không biết. Bác Thái trai có qua Mỹ, Bác gái ở lại Việt Nam và cả hai bác chắc đã ra người thiên cổ. Nếu còn sống chắc hai Bác cũng đã gần 100 tuổi.

Căn phòng tôi ở chung với anh Giang khá lớn, có hai giường xếp theo hình chữ T. Một cái giường lớn để dọc theo chiều dài của phòng và một cái giường nhỏ nằm ngang. Phòng tuy lớn nhưng anh Giang chỉ ở một mình và lại ngủ ở cái giường nhỏ. Khi dọn vào, anh Giang chỉ cho tôi cái giường lớn để nằm. Thường thường buổi tối đi ngủ, tôi luôn luôn nằm phần bên phải của cái giường vì không muốn chân mình hướng về phía đầu của anh Giang sợ như vô lễ. Nhưng có điều lạ là buổi sáng nào cũng vậy, khi ngủ dậy là cũng thấy mình nằm phía bên tay trái của cái giường thay vì phía tay mặt như buổi tối trước khi đi ngủ. Lúc đó tôi cũng chẳng để ý đến việc này, cứ nghĩ là tối trong khi ngủ mình lăn qua lăn lại đổi chỗ là thường. Cho đến một hôm có một người bạn ở Bảo Lộc lên chơi, tối ở lại ngủ chung giường. Tôi nhường cho anh ấy ngủ bên tay mặt còn tôi nằm bên tay trái. Tới nửa đêm nghe anh bạn ú ớ như đang bị bóp cổ, rồi bỗng bị nhấc bổng lên cao đến vài tấc, xong vứt mạnh xuống đất, lăn quay trên sàn nhà. Người bạn tôi sợ quá, mặt tái mét, mặt vã mồ hôi, đi ngay ra salon ngồi thức cho tới sáng. Hôm sau tôi có đem chuyện ra hỏi Bác Thái, lúc đó Bác mới cho biết là phía dưới bên tay phải của cái giường có một ngôi mộ cổ dưới nền nhà, xác vẫn còn chưa bốc. Tôi là người duy nhất không bị vứt xuống đất, chỉ bị đẩy qua một bên. Lý do vì vậy mà giường đó từ xưa đến giờ luôn luôn bỏ trống. Không phải chỉ riêng phòng tôi ở có ma, mà ngay cả nhà căn nhà phía sau của Hưng ở cũng có. Căn nhà của Hưng có hai tầng nhưng tất cả mọi người đều dồn hết vào nhà dưới, còn trên lầu bỏ trống. Ai cũng đều nghĩ là trên lầu có ma, vì tối nào cũng đều có những tràng tiếng động kỳ lạ không thể giải thích đươc. Bắt đầu là một tiếng động nhỏ giống như tiếng bước chân, tiếp là một tiếng động lớn như ai lấy gỗ đập vào sàn nhà, rồi sau cùng là mấy tiếng liên tiếp bộp bộp bộp như tiếng banh đập vào sàn, cứ như thế lập đi lập lại. Người nào cũng sợ, không ai dám lên lầu ngủ thử để tìm biết. Sau cùng có một anh tên Cương rất giỏi võ và thuộc loại gan dạ có thừa, liều mình đem chăn gối lên lầu “bắt ma”. Đến khoảng hai ba giờ sáng, khi mấy người bên dưới bắt đầu nghe các tiếng động quen thuộc, thì bỗng nghe tiếng la thất thanh của anh Cương. Anh vừa la vừa lao xuống cầu thang, hổn hển tiếng mất tiếng còn “Có thằng què chơi basket ball trên đó tụi mày ơi” . 

Khi tỉnh hồn, Anh Cương kể lại là thấy một con ma què một chân đi nạng gỗ, vừa chạy chơi, vừa nhịp quả bóng rổ dưới sàn như người đang tập basket ball, vì vậy nên cứ nghe một tiếng nhẹ của cái chân thật, một tiếng động to của cái nạng gỗ, và những tiếng bộp bộp bộp của quả banh khi bị đánh trên sàn…..


Phần 5

Lê Xuân Ái, người bạn đã khuất.


(Trong bài có viết lại những “mỹ danh” ngày xưa gọi nhau. Mục đích của tác giả chỉ là để gợi nhớ những kỷ niệm xưa cũ, chứ không có một chủ ý nào khác)

Cho đến bây giờ mỗi khi có dịp nghe lại bài hát “Happy together” hay “I started a joke” tôi lại chạnh lòng nghĩ đến Lê Xuân Ái và những kỷ niệm với anh gần 40 năm về trước. Lúc đó Ái thích và thường hát hai bài này. Tuy thời gian đã quá lâu nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn còn nhớ thật rõ ràng hình ảnh của Ái miệng vừa hát, chân vừa nhịp nhịp, đầu gật gù, một tay chỉ chỉ xuống dưới đất….

Tôi biết Ái năm Nhập Môn và bắt đầu chơi thân với Ái từ năm Khái Luận. Ái dân Dalat gốc người Huế, người tầm thước, da trắng, đeo kính cận. Tuy tướng trông rất “ngầu” nhưng tính tình Ái dễ thương, thẳng thắn, vui vẻ và nhất là rất nhiệt tình với bạn bè. Bạn thân của Ái lúc đó là Vũ Thành Tạo và một người nữa tên là Nguyễn Huệ. Huệ chỉ học một năm Nhập Môn, có đi quân trường Lam Sơn, rồi sau đó không biết lưu lạc nơi đâu. Anh này tuy tên thật là Huệ, nhưng bạn bè toàn kêu là Huế, có lẽ vì anh ta là người Huế. Tôi có gặp lại Huệ một lần ở Santa Ana vào khoảng năm 1980 và có đến nhà chơi. Ngoài Tạo ra, không biết có ai còn nhớ anh Huệ này không??? Ái thuộc nhóm “Chùa”. Nhóm này thành hình trong năm Khái Luận. Không nhớ ai là người sáng lập, nhưng dường như tên “chùa” là do Ái đặt ra. Có lẽ cũng vì vậy mà bạn bè đặt tên anh là Ái chùa. Nhóm chùa quy tụ những “tay chơi” như Hoàng Ngọc Cương tục gọi là Cương bida, Trần Quốc Khánh với mỹ danh Khánh chuồng bọ̀, Lê Quang Nghĩa tự Robert Nghĩa, Vũ Khắc Tâm hay Tâm mút, Phạm Mạnh Tiến tự Tiến cao, Giang Văn Tiến còn gọi là Tiến lùn (GV Tiến không thích tên này nên đôi khi chúng tôi phải đổi tên gọi là Tiến ngắn cho anh vui lòng), Vũ Thành Tạo với biệt danh Tạo 130, Mai Việt Hưng còn gọi là Hưng voi vì tầm vóc to lớn của Hưng, và người còn lại là tôi, được các bạn âu yếm đặt cho mỹ danh là Ninh chuột. Tôi đoán có lẽ chắc trong nhóm tôi thuộc loại nhỏ con, nhất là so sánh với Hưng Voi. (Cho đến bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy sao đời quá bất công và vẫn còn ấm ức trong lòng, vì thật ra nếu so sánh với GV Tiến, thì tôi với Tiến cũng chưa biết “Ai lùn hơn ai”….) 

Tôi lên nhập học trễ nên không ghi danh được vào ở Đại học xá. Năm đầu tiên tôi ở trọ nhà Bác Thái trong xóm Thông Thiên Học, bên hông trường Chiến Tranh Chính Trị. Cùng ở nhà bác Thái với tôi có MV Hưng (lúc đó chưa có tên Voi), Nguyễn Mỹ Hiệp được chúng tôi gọi là Hiệp Pélé (vì Mỹ Hiệp hay mặc mini jupe, đi đôi dớ cao, màu đậm giống như mấy cầu thủ đá banh), Nguyễn Bạch Nga (sau này lấy Trịnh Mã Bảo), Trần Quốc Việt (bí danh Việt hủi) sau này đi Thủy quân lục chiến, là chồng của Ngọc Hương cũng khóa 5, hiện đang ở Việt Nam, Phùng Mạnh Tiến (Tiến vẩu) học một năm rồi đi Hải quân bây giờ đã mất, và một vài đàn anh khoá trên…. Chung trong xóm có Hàng Hồng Nguyên cùng lớp ở trước mặt. Nguyên hay cuốn một cái khăn trên đầu mỗi khi chạy bộ tập.Bên hông là nhà của chị Hà, sau này là vợ của anh Trần Văn Chang khóa 1. Trong các đứa con của Bác Thái, có hai anh em cũng là bạn của tụi này , Phạm Tứ Hải là anh, học bên Văn Khoa Anh Văn (Hải còn được gọi là Hải sún, hay Hải Jules Verne vì Hảicó đầu óc tưởng tượng rất phong phú) và người em là Hoành tự Hoành đầu bạc. Phạm Tứ Hải sau khi học xong nhập ngũ, bị pháo kích chết đúng ngày 30-4-1975. Tôi ở căn nhà trước, Hưng ở phía sau. Lúc rảnh rỗi tôi với Hưng thường ra trước sân nhà ngồi tâm sự và ngắm các bông hoa biết nói cùng xóm, đi qua lại trước nhà. Hưng vừa nói chuyện, vừa ngắm mấy em bước đi cái mông lắc lắc, mà lúc đó chúng tôi thường ví “Mông em là cả một bầu trời mơ ước”, vừa lẩm nhẩm hát bài “Hey Jude” của The Beatles.

Qua năm thứ nhì tôi không còn ở nhà Bác Thái nữa. Dọn ra ở chung với Võ Thắng Cường (Văn Khoa) ở số 34 đường Võ Tánh, trước cửa chùa Linh Sơn, bên cạnh tiệm ăn Ba Dế (Anh Three réc réc). Cạnh phòng tôi là phòng của Hoàng Ngọc Cương, rồi đến phòng của Trịnh Mã Bảo và Nga. Lúc đó nhóm chùa cũng hay tụ tập ở phòng tôi hoặc pḥòng của Cương để ăn nhậu, nói dóc trong những lúc không đi học. Không biết các bạn khác ra sao, chứ tụi này đi học cũng tà tà lắm. Nắng quá cũng nghỉ, hơi mưa một chút cũng lấy cớ để cúp cua, mà trời Dalat thì mưa nhiều hơn nắng. Riêng cá nhân tôi chỉ đi học khi nào trời thật đẹp và không tìm được chỗ nào khác đi chơi. Một ngày khoảng năm 1970, Lê Xuân Ái có ghé phòng tôi ăn cơm chiều và tối hôm đó ở ngủ lại. Trong phòng chỉ có một cái giường duy nhất, cỡ full size. Ái nằm ngoài, tôi nằm giữa và Cường nằm trong cùng. Lúc đó khoảng 11 giờ đêm, tôi và Cường thiu thiu sắp ngủ, chợt thấy Ái ngồi bật dậy, bắt đầu nói chuyện một mình, nghe giống như đang nói chuyện với ai. Tôi chỉ nghe tiếng Ái nói nhưng không nghe thấy tiếng người kia trả lời. Mới đầu tôi và Cường tưởng là Ái say, nhưng qua câu chuyện tôi thấy Ái rất tỉnh táo, vì đâu có đủ bia uống để say. Lúc đó liên tưởng đến chuyện ma, sợ quá, tôi và Cường chùm chăn kín mít. Tôi còn nhớ Ái nói những câu như “Mày chết rồi à???, Bị bắn vào mặt à ???? Bị bắn ở chỗ nào vậy ???”. Ái cứ như thế nói chuyện một mình khoảng 5, 10 phút, xong rồi sau đó xoay mặt qua tụi tôi, buồn bã nói “Thằng……bạn tao đi hành quân, mới bị bắn chết rồi, để ngày mai tao chạy lại nhà nó xem ra sao”. Sáng mai Ái dậy sớm, chạy lại nhà của người bạn tối qua về báo mộng, thì quả thật là anh ấy vừa bị bắn chết đêm qua trong lúc đang đi hành quân ở đâu khoảng Tùng Nghĩa. Người bạn kém may mắn này tụi tôi không quen, nhưng có lẽ là bạn chung của Ái và VT Tạo. Sau khi ra trường năm 1972 Ái nhập ngũ, còn tôi về Saigon sinh sống và làm việc cho Việt Nam Kỹ Nghệ Phân Bón Công ty. Lúc đó bạn bè tứ tán mỗi đứa một nơi, ai cũng mải mê với công ăn việc làm và đời sống mới, ít còn có dịp gặp gỡ nhau như lúc ở Dalat đi học xa nhà.

Đến năm 1975, vật đổi sao dời, tôi kẹt lại Viêt Nam gần 2 năm. Cho măi đến khoảng gần Tết năm 1977 tôi mới xin được đi chính thức qua Pháp. Ở Pháp khoảng gần 10 tháng, đến cuối năm 1977 tôi xin được một học bổng của một trường Đại Học ở Indiana. Tháng 11/1977 , đặt chân đến phi trường O’Hare trong một buổi chiều lạnh lẽo với những cơn mưa tuyết trắng. Ra đón có mẹ tôi đi cùng với Phạm Ngọc Lâm (Lâm trí thức). Lâm đưa tôi về apartment của anh ở Chicago. Ngay tối hôm đó Lâm có ý định đưa tôi đi thăm một “Body shop” nhưng ngại Thu Hiền biết nên hai đứa không dám đi. Để đền bù sự mất mát “to lớn” đó, Lâm đưa tôi vào một tiêm ăn Mỹ sang trọng, nhưng lại bị họ từ chối không tiếp, với lý do là vì tụi tôi mặc quần jean. Nghĩ lại thấy đời tôi qua Mỹ vất vả ngay từ ngày đầu. :-). Tôi ở tiểu bang Indiana khoảng 2 năm rồi dọn xuống Orange County, California. Năm 1981 tôi có một cái business ở khu Westminster, trên đường Goldenwest Blvd. Một buổi chiều khoảng gần giữa năm 1981, Ái bất ngờ đến tìm tôi ở tiệm. Sau bao nhiêu năm không gặp, Ái cũng không thay đổi gì nhiều, trông vẫn “ngầu” và dễ thương như ngày nào. Ái cho biết là anh mới qua, đang đi học và sắp lấy vợ, người vợ sắp cưới là một cô mà Ái đưa đi vượt biên từ Việt Nam. Thấy tôi bận bịu với khách nên anh chỉ ở lại khoảng nửa tiếng rồi chào từ giã, hẹn dịp khác sẽ quay trở lại. Khoảng hai, ba tháng sau, Ái trở lại tiêm tôi một lần nữa. Lần này trông anh không thoải mái như kỳ trước, có vẻ như đang có chuyện gì lo lắng. Sau vài lời hỏi thăm thường lệ, tôi có nhắc đến chuyện đám cưới, Ái ậm ừ cho qua chuyện và hứa là nếu khi nào đám cưới sẽ cho biết. Sau đó Ái hỏi thăm sức khoẻ và công việc kinh doanh của tôi ra sao, rồi nói lời từ giã. Tôi giữ Ái lại thêm năm mười phút, rồi hẹn Ái tối đó ra một tiệm ăn Hoàng Mỹ , góc đường Brookhust St. và Hazard Ave. dùng cơm tối. Tôi đi ăn đi chơi với Ái nhiều lần, nhưng không bao giờ tôi nghĩ lần đó là bữa ăn chung cuối cùng của tôi với Ái. Cả mấy lần gặp nhau, Ái đều đi một mình, không có người vợ sắp cưới đi cùng, nên tôi cũng chưa có dịp gặp cô này. Khoảng thời gian này tôi sinh sống tại Santa Ana nhưng mẹ tôi ở San Diego. Cứ mỗi cuối tuần hôm nào không làm overtime, tôi lại lái xe về thăm bà cụ . Lúc đó gần như không có được người bạn nào học cùng Dalat ngoại trừ PM Tiến mà cũng ít có dịp gặp . Trong đám bạn mới, tôi quen khá thân với một người bạn hơn tuổi ở gần nhà, có lần ông ta nhờ đưa hộ cô cháu của vợ ông về San Diego vì nghĩ cũng tiện đường, không mất công tôi lắm. Cô này trông trẻ hơn tôi khoảng gần 10 tuổi , xinh xắn, nói chuyện nhỏ nhẹ, hỏi câu nào trả lời câu đó còn không thì ngồi im . Tôi có dịp chở cô này về San Diego vài ba lần rồi sau đó cho đến nay không có dịp gặp lại . Tôi gặp Ái lần chót ở trong Bolsa Mini Mall đâu đó khoảng cuối năm 1981. Đang có việc đi vội, nên tuy nhìn thấy Ái bước qua đường nhưng tôi không gọi. Lúc về nhà cứ ân hận mãi là lâu lâu mới gặp bạn cũ mà ngừng lại hỏi thăm hay mời được bữa ăn. Áy náy trong lòng nên ít lâu sau tôi có viết thư thăm hỏi Ái, gửi về địa chỉ của PM Tiến, lúc đó còn ở Stanton, gần đường Katella. Cho đến bây giờ mỗi lần có dịp đi vào Bolsa Mini Mall, tôi vẫn còn nhớ đến hình ảnh của Ái đang đi qua đường, đầu cúi gặp, vội vàng như không để ý đến xung quanh . Đó là lần cuối cùng tôi gặp Ái và bây giờ mỗi lúc chạnh lòng nghĩ đến, hình ảnh cuối cùng đó của Ái vẫn lẩn khuất đâu đó trong đầu óc tôi . Tôi được tin Ái mất chỉ đâu khoảng vài ba tuần Lê Xuân Ái và Gia Đình sau khi tôi gửi thư cho Ái. Bàng hoàng, xúc động vì thật quá bất ngờ. Tôi chạy đến nhà Tiến hỏi thêm chi tiết vụ ra đi của Ái và nhân tiện lấy lại lá thư vừa gửi cho Ái, lúc đó còn vẫn còn nằm trơ trọi trên kệ sách nhà Tiến. Sau khi Ái mất ít lâu, trong môt dịp tình cờ nói chuyện với người bạn già , tôi được biết là người con gái, mà ông bạn của tôi nhờ chở về San Diego hai ba lần, chính là vợ chưa cưới của Lê Xuân Ái. Quả đất thật tròn đến không ngờ.

 Thời gian trôi qua thật mau, mới đó mà đă gần 40 năm kể từ ngày lên xe đò Minh Trung lên Dalat “du học”. Bao nhiêu bạn bè cũ, bao nhiêu kỷ niệm xưa, tưởng như đã chìm vào quên lãng nhưng không biết tại sao mỗi khi nghĩ lại , tôi vẫn nhớ tất cả như mớixảy ra đâu đây tuần trước. Mỗi lần nghe một bản nhạc cũ, đọc email nhắc đến tên, hay nghe giọng nói của bạn bè qua điện thoại... tôi lại miên man nhớ đến những người bạn xưa, nhớ đến Dalat thân yêu với biết bao kỷ niệm của một thời ngày đó chúng mình. Mấy ngày nay San Diego mưa mãi không ngừng, bầu trời đầy mây xám với những luồng gió thổi từng cơn, làm rơi những cánh lá vàng cuối cùng sót lại. Tôi chùng lòng vấn vương nhớ đến Dalat với những buổi sáng sương mù, những chiều mưa nặng hạt, với thung lũng tình yêu của bao kỷ niệm học trò, nhớ con đường lên Viện, nhớ những ly cà phê demi sữa , những tối giới nghiêm... Ôi nhớ sao là nhớ . Tự nhiên trong lòng như muốn nói một lời nguyện cầu, “Phải chi có được một lần trở về Dalat, nhìn lại những con đường xưa, gặp lại tất cả bạn bè cũ, quay ngược giòng thời gian cho tôi sống lại dù chỉ một ngày…thế rồi sẽ chẳng còn gì nuối tiếc, mặc giòng đời trôi nổi, chậm dần cho đến khi ngừng hẳn. 

Thôi thế cũng xong ....


Nguyễn Ninh/K5__

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468