Luận Về ‘‘THỤ NHÂN CHI KẾ’’ (Gs Vũ Quốc Thúc)

23 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 27976)
Luận Về ‘‘THỤ NHÂN CHI KẾ’’ (Gs Vũ Quốc Thúc)


LUẬN VỀ ‘‘THỤ NHÂN CHI KẾ’’


Bài nói chuyện của Giáo sư Vũ Quốc Thúc
nhân lễ giỗ Đức Ông Nguyễn Văn Lập do Hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu tổ chức tại Giáo Xứ chủ nhật 18 tháng 12 năm 2011.



Kính thưa Quý Cha, Quý Thầy, Quý Vị,


Các bạn Cựu Sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt thân mến,


Nhân ngày giỗ Đức Ông Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập, tôi muốn kể lại một chuyện vui liên can đến hai chữ ‘‘Thụ Nhân’’ và ý nguyện của Cha Lập, khi dùng hai chữ này đặt tên cho Đại Giảng Đường Viện Đại Học Đà Lạt.

Tôi nhớ, hôm đó là ngày tôi giảng bài đầu tiên về môn ‘‘Tiền tệ’’ trong chương trình Ban Chánh Trị Kinh Doanh. Sau buổi học, lúc dùng cơm chiều với Cha Viện Trưởng, tôi nói đùa với Cha : ‘‘Cha cần cho khắc dấu kỹ lưỡng tên Giảng đường Thụ Nhân kẻo bọn giảng viên và sinh viên chúng tôi bị chế diễu’’. Cha Lập ngạc nhiên hỏi tôi : ‘‘Tại sao ?’’ Tôi nói : ‘‘Nếu người ta đọc lầm là ‘‘thú nhận’’, thì có thể nhạo là nơi đây chúng tôi xưng tội tập thể ! Nếu đọc lầm là thu nhận, thì nhạo tôi dạy cách làm tiền, còn sinh viên thì học cách thâu tiền ! Nếu đọc lầm là thư nhàn thì tưởng rằng ở giảng đường chúng tôi, thầy cũng như trò, chỉ nghỉ ngơi, chẳng làm chi hết !’’ Cha phì cười, rồi giải thích cho tôi nghe tại sao đã dùng hai chữ Thụ nhân.

Hai chữ này trích từ một câu của Quản Trọng (管仲), có lẽ trong một bản điều trần đệ trình Hoàn Công (桓公), lãnh chúa nước Tề là một nước chư hầu của Triều đình nhà Chu, ở Trung Hoa, thời Xuân Thu (từ năm 722 tới năm 481 trước Công Nguyên). Hồi đó, nước Sở ở phương Nam có ý đồ xâm lăng Trung nguyên. Sách Trung Hoa Sử Cương của Đào Duy Anh kể như sau: Trong chư hầu có Hoàn Công nước Tề và Văn Công nước Tấn lấy danh nghĩa tôn vương để hiệu triệu chư hầu xuất binh mà đánh nước Sở. Bấy giờ Hoàn Công và Văn Công làm lãnh tụ chư hầu, nghiễm nhiên thay Thiên tử nhà Chu mà cầm giữ chính quyền, đương thời gọi là Bá Vương. Câu nói của Quản Trọng như sau : ‘‘Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân’’ (Kế một năm không có gì bằng trồng lúa, kế mười năm không có gì bằng trồng cây, kế một trăm năm không có gì bằng trồng người). Dùng hai chữ thụ nhân, phải chăng Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập muốn nói lên ý nguyện của các vị sáng lập Viện Đại Học Đà Lạt, là hướng về một tương lai rất dài, hàng trăm năm, để góp phần vào công cuộc kinh bang tế thế, bằng sự đào luyện những sĩ tử có đủ tài năng và đạo đức khả dĩ phục vụ trong guồng máy chính trị và kinh tế của quốc gia ? Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Viện Đại Học Đà Lạt bị bãi bỏ. Các sinh viên phân tán người thì ở lại quê hương, hoạt động trong những ngành phù hợp với sở học của mình, người thì di tản ra nước ngoài để học thêm rồi lập nghiệp ở hải ngoại. Xét chung, có thể nói là hầu hết đều thành công.

Có lúc tôi đã tưởng rằng hai chữ thụ nhân chìm vào quên lãng cùng với hình ảnh xa xưa của các cơ sở Viện Đại Học Đà Lạt. Tôi đã lầm. Một sự bất ngờ khiến tôi vô cùng thích thú là thấy các anh chị em Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt đã thành lập một Hiệp Hội lấy Thụ Nhân làm danh hiệu và cây bách làm biểu tượng : như vậy ý nguyện trồng người của Cha Nguyễn Văn Lập đã trở nên một di sản tinh thần, một lý tưởng hướng dẫn cả một thế hệ trẻ trong công cuộc tranh đấu để chấn hưng đất nước .

Trong câu chuyện hôm nay, tôi không nhắc lại những điều liên can tới lý tưởng thụ nhân, vì việc này các anh chị em sáng lập Hội Thụ Nhân đã làm và sẽ làm : tôi chỉ muốn đưa ra một vài cảm nghĩ nhân dịp suy tư về câu nói của Quản Trọng. Tại sao ? Chính vì câu nói của nhà mưu sĩ kiêm chính khách này đã là nguồn cảm hứng của cá nhân tôi, ít nhất trong hai cơ hội : một lần năm 1961 với Kế Hoạch STALEY - VŨ QUỐC THÚC và lần thứ hai năm 1968 với Kế Hoạch LILIENTHAL - VŨ QUỐC THÚC

*****

1) Cảm nghĩ đầu tiên của tôi liên can đến vấn đề thời gian. Bất cứ kế hoạch nào đều phải đặt trong khung một khoảng thời gian nhất định - nói khác phải bao hàm lời hứa hẹn là từ ngày tháng nào sẽ khởi sự thực thi những dự án ghi trong kế hoạch và tới ngày tháng nào có thể hoàn tất công tác. Nếu người ta không nắm vững được thời điểm hoàn tất thì ít nhất cũng phải biết rõ ngày khởi sự : bằng không thì tất cả chỉ là những dự án ảo, những lời hứa hão ! Do đó, người ta thường phân biệt những kế hoạch ngắn hạn (không quá 1 năm), những kế hoạch trung hạn (khoảng 5 năm) và những kế hoạch dài hạn (trên 10 năm). Những con số 1 năm , 5 năm , 10 năm chỉ có tính cách chỉ dẫn mà thôi. Trong câu nói của Quản Trọng, ta thấy nhân vật này phân biệt 3 loại kế hoạch : 1 năm, 10 năm và 100 năm . Đưa ý kiến lập kế hoạch 100 năm, quả thật là một đề nghị bất thường gần như diễu cợt, vì hồi đó, chắc chắn tuổi thọ trung bình (espérance de vie) còn rất thấp. Ai cũng biết là hàng nghìn năm sau, người ta vẫn còn nói Thất thập cổ lai hi 七十古來稀 (nghĩa là : từ cổ tới nay ít ai sống đến 70 tuổi). Tại sao Quản Trọng lại dám khuyến cáo Tề Hoàn Công như vậy, mà không sợ bị khép tội phạm thượng, lộng ngôn ? Dưới chế độ quân chủ cha truyền con nối được khai sinh ở Trung Hoa từ thời Vũ Vương nhà Hạ (năm 2205 trước Công Nguyên), các dòng họ có thể nắm quyền Thiên Tử (Hoàng Đế ) trong nhiều thế kỷ (thí dụ nhà Chu : 900 năm). Đưa ra kế hoạch 100 năm, chẳng khác chi Quản Trọng coi Tề Hoàn Công như một vị Hoàng Đế. Quản Trọng có thể biện minh : ông ta chỉ nói điều này để tâng bốc Hoàn Công giống như lời chúc vạn tuế thôi : Ông không hề lộng ngôn !


Vả chăng , trong suốt Thời Thượng Cổ và Trung Cổ, nhịp tiến bộ kỹ thuật, xét với con mắt của người thời nay, có thể đánh giá là cực kỳ chậm chạp. Những cuộc phát minh có ảnh hưởng thay đổi sâu xa nếp sinh hoạt của nhân dân cần một thời gian rất lâu mới lan từ địa phương này sang địa phương khác. Các nhà cầm quyền thường cũng thụ động, không trực tiếp can thiệp vào những hoạt động kinh tế như sản xuất, trao đổi, tiêu thụ, vay mượn v.v. Do đó những kế hoạch dài hạn, thiết lập hàng chục năm trước, không sợ bị lỗi thời (obsolete), nhất là khi ai nấy trong xã hội đều có xu hướng theo gương tiền nhân.

2) Cảm nghĩ thứ hai của tôi là tính cách mập mờ trong sự phát biểu ý kiến của Quản Trọng. Tại sao Ông ta không đề nghị rõ ràng là nên có một kế hoạch 1 năm, hoặc 10 năm hoặc dài hơn nữa? Rất có thể là vì lệnh của Tề Hoàn Công ban cho Ông ta cũng không rõ ràng. Căn cứ trên đoạn văn trích từ cuốn Trung Hoa Sử Cương của Đào Duy Anh nói trên, tôi ngờ rằng cả hai nhân vật lịch sử này đều có ý che dấu thực tâm.

Một người thì không dám công khai nói lên vị thế bá vương của mình cũng như tham vọng lên ngôi Hoàng Đế ; người kia thì chỉ đưa ra giả thuyết : nếu Ngài muốn được lợi trước mắt thì nên lập kế hoạch 1 năm ; nếu Ngài muốn hưởng lộc lâu dài ở địa vị hiện có (tước Công) thì có thể lập kế hoạch 10 năm ; nếu Ngài muốn cha truyền con nối (như Hoàng Đế) thì phải tính kế 100 năm. Cả hai nhân vật đều lấp lửng, nhưng tôi tin rằng họ đã hiểu rõ thâm ý của nhau. Kinh nghiệm bản thân cho tôi biết rằng yếu tố thời hạn gắn bó mật thiết với mục tiêu của kế hoạch.
Do đó, dựa trên thời hạn dài hay ngắn của kế hoạch ta có thể đoán được ẩn ý của những người hữu trách.

3) Cảm nghĩ thứ ba của tôi liên can đến phương pháp thực thi mà Quản
Trọng đã đề nghị cho mỗi loại kế hoạch. Dĩ nhiên Ông ta chỉ đề nghị phương pháp nào được coi là hữu hiệu hơn cả.

 Sự suy tư này đã giúp tôi khám phá một số điểm bất ngờ - bất ngờ vì từ trước đến nay, tôi không hề nghĩ tới.

Điểm 1 : Quản Trọng chủ trương rằng muốn đạt được lợi lộc mau chóng, không gì bằng trồng lúa. Điều này dễ hiểu, vi thời của Ông, dân số lục địa Á châu còn thưa thớt: nhiều đất đai hãy còn hoang vu. Nông nghiệp còn ở giai đoạn đầu của tiến trình phát triển. Đa số dân là những bộ lạc sống du mục : sinh kế chủ yếu là chăn nuôi. Chỉ ở những nơi nào nhân dân định cư thì nghề trồng trọt mới thịnh hành. Ngay ở những nơi này, nguồn nhân lực thường xuyên là phụ nữ, còn các tráng đinh nam giới thì chuyên về quân sự, nếu không bận quân sự thì mới làm công việc canh tác (họ được người đương thời gọi là canh chiến chí sĩ).
Dưới chế độ phong kiến, đất đai coi là đất của Hoàng đế. Những lãnh chúa ở các địa phương là những tù trưởng bộ lạc đã thần phục Hoàng đế nên đưọc cấp cho đất đai để canh tác hay phát canh, thâu địa tô, và nộp thuế cho Triều đình. Diện tích đất được cấp tùy theo tước của lãnh chúa : tước Công, tước Hầu được 100 dặm vuông ; tước Bá được 70 dặm ; tước Tử, tước Nam được 50 dặm. Kế hoạch của Quản Trọng như vậy là khuyến khích những người có phương tiện chiêu mộ dân chúng khẩn hoang, lập ấp: nếu khẩn hoang được 50 dặm trở lên là được phong tước. Phải công nhận đây là một kế hoạch rất hợp lý : vừa tăng thêm dân số, vừa mang lại lợi lộc nhanh chóng cho lãnh chúa. Nhưng mặt trái của nó là làm nẩy sinh sự thèm muốn của những kẻ bất lương : Những kẻ này có thể dèm pha, xúi bẩy Hoàng Đế khiến cho lãnh chúa thất sủng . Khỏi cần nói, Tề Hoàn Công vào thời ấy quyền thế còn hơn cả Hoàng Đế : chắc chắn không chấp thuận thứ kế hoạch ăn sổi ở thì này.

- Điểm 2 : Quản Trọng đề nghị trồng cây nếu Tề Hoàn Công tính kế hàng
chục năm. Trồng cây phải đợi một số năm nào đó tùy theo loại cây, nhưng một khi bắt đầu sinh lợi thì không cần đầu tư thêm mà sẽ được thâu lời đều đặn. Thời đó, công nghiệp hãy còn dựa chủ yếu trên nhân lực : thợ khéo là một cái vốn quý báu. Làm chủ được nhiều thợ khéo thì có thể hái ra tiền nhưng cũng chính vì thế mà Triều Đình có thể trưng dụng bất cứ lúc nào những tay nghề tài giỏi. Trồng cây, dù là loại cây quý, cũng ít ai muốn bứng đi nơi khác. Do đó, nếu Hoàn Công an phận chư hầu, thì Ông ta phải chấp nhận kế hoạch thực tiễn này. Nhưng nếu Ông ta có tham vọng chiếm ngôi Thiên Tử thì sao?

- Điểm 3 : Quản Trọng đưa thêm biện pháp thụ nhân (trồng người), coi đó như một kế hoạch trường kỳ (100 năm). Có lẽ vị mưu sĩ này là người đầu tiên đã dùng khái niệm thụ nhân, vì người ta quen nghe nói : trồng lúa, trồng cây, không nghe ai nói trồng người. Thật chướng tai ! Vì khác chi coi con người như cây cỏ! Dù ta khoan dung coi việc thụ nhân là nuôi dưỡng và giáo dục con người, thì cũng không thể phủ nhận một sự thật phũ phàng : Quản Trọng đã coi người dân chỉ là môt phương tiện để đem lại hoặc tăng thêm sự giầu mạnh của Hoàng Đế và các lãnh chúa !

Đây là một điều tôi muốn cứu xét sâu xa hơn nữa.

* * * * *

Căn cứ trên tinh thần và thời hạn của công cuộc Thụ nhân như tôi đã phân tích, tôi thấy chính sách này đã được áp dụng nhiều lần trong quá khứ, với những danh hiệu và hình thức khác nhau. Kết quả ra sao ? Nếu thành công thi nhờ những yếu tố nào ? Nếu thất bại thì vì lý do gì ?

1) Trước hết, tôi nghĩ tới những cố gắng của một số cường quốc từng xâm chiếm các đất đai ở phương xa làm thuộc địa với mục đích di dân và nắm độc quyền khai thác tài nguyên.


Điển hình cho chính sách này là việc Trung Hoa đã chiếm Giao Châu (Việt Nam thời xưa) từ thế kỷ thứ 2 trước C.N. và đô hộ ta với ý đồ biến vùng đất này thành một quận huyện của mình. Các triều đình Hán,Tần, Ngụy, Đường đã dùng chính sách trồng người khi tập hợp các bộ lạc bản xứ thành làng xã, khuyến khích cư dân trồng các cốc loại, nhất là trồng lúa ở những vùng sông ngòi. Đồng thời phổ biến nếp sống, tín ngưỡng cũng như chữ Hán, được dùng làm chữ chính thức và duy nhât trong mọi sự liên lạc giữa nhân dân với nhà cầm quyền. Thời gian Bắc Thuộc tuy cộng chung tới mười thế kỷ, nhưng đã 4 lần đứt quãng do những cuộc nổi dậy của dân ta. Điều quan trọng nhất là dân ta đã ý thức càng ngày càng sâu sắc bản sắc dân tộc cũng như lai lịch (dù chỉ là huyền thoại) của mình. Nhờ vậy mà tới thế kỷ thứ 10 sau C.N., dân tộc ta đã lấy lại được quyền tự chủ và với thời gian, trở nên hoàn toàn khác biệt dân Tầu, mặc dù đại đa số có khi vẫn còn máu Tầu trong huyết quản ! Như vậy, chính sách trồng người để sáp nhập vĩnh viễn nước ta vào nước Trung Hoa rõ ràng thất bại, vì đi ngược lại một xu hướng bẩm sinh của mọi cộng đồng xã hội, là xu hướng tự quyết : nhà cầm quyền Trung Hoa đã không khắc phục được ý chí độc lập của dân tộc ta.

Hiện tượng tương tự có thể nhận thấy trong trường hợp các cựu thuộc địa của Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở châu Mỹ. Mấy nước Âu Châu vừa nói đã cố gắng khuyến khích dân chúng sang Mỹ lập nghiệp, không ngần ngại dùng quân đội để thiết lập một nền trật tự ‘‘đế quốc’’, thậm chí buôn người da đen từ Phi Châu đưa sang Mỹ làm nông phu trong các trang trại. Ở những nơi này, ngôn ngữ của Mẫu Quốc được dùng làm ngôn ngữ chính thức duy nhất : ý muốn ‘‘đồng hóa’ thật rõ ràng. Ấy thế mà ngay từ Hậu bán thế kỷ 18, các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ đã ly khai để tự tổ chức thành những quốc gia dân tộc biệt lập. Rồi tới các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bô Đào Nha ở Nam và Trung Mỹ trong thế kỷ 19. Xem như vậy nếu kế hoạch trồng người chỉ nhằm bành trướng lãnh thổ và uy quyền của ‘‘mẫu quốc’’, ở nơi đâu, nó cũng thất bại .

2) Một hình thức trồng người khác có thể nhận thấy ở các nước Cộng Sản, do ảnh hưởng của học thuyết Mác-Lê. Theo học thuyết này, tinh thần, tư duy cũng như tâm trạng con người đã bị nhào nặn qua nhiều thế kỷ sinh sống dưới các chế độ phong kiến và trưởng giả. Nhiều thói quen đuợc duy trì và củng cố bởi những kẻ thống trị - thuộc thành phần tư sản - khiến cho những kẻ bị trị - đại đa số thuộc thành phần vô sản - tưởng lầm đó là những ‘‘quy luật tự nhiên’’, không thể thay đổi. Muốn thành lập một xã hội công bằng hơn, bình đẳng hơn, hạnh phúc hơn, như vậy phải thay thế chính quyền trưởng giả bằng một chính quyền vô sản.

Chính quyền mới này phải giáo huấn con người từ lúc còn thơ ấu, phải theo dõi, hướng dẫn các lớp tuổi thiếu nhi, thanh niên, tráng niên, phụ lão... trong mọi lãnh vực cộng đồng. Nói cách khác : những chính quyền cộng sản tưởng rằng bằng phương pháp hoạch định, tuyên truyền và kiểm soát trên quy mô toàn quốc, họ có thể tạo được một loại người mới : ‘‘người cộng sản’’. Họ đã thất bại thảm hại như chúng ta biết.

3) Ta có thể nhận định là những chính sách hay kế hoạch trồng người vừa nói đều phạm một sai lầm cơ bản : đó là coi con người như phương tiện để đạt một mục đích chính trị hay chủ nghĩa. Những kẻ hữu quyền hay hữu trách chỉ để ý đến số dân trong nước , coi mỗi người như một suất lao động, một hộ khẩu tiêu thụ và đóng thuế, vô cảm, vô tri. Họ quên mất sự thật : con người là một linh hồn, là một cá nhân có tư duy, có tình cảm. Do đó, con người có những đòi hỏi, những nguyện vọng, những ưa thích hay chán ghét, những bất mãn, những cảm thụ...

Khi những yếu tố tinh thần và tình cảm này tập họp lại, nó biến thành một lực lượng quần chúng khả dĩ làm rung chuyển mọi thể chể : vì vậy mới có câu nói Ý dân là ý Trời ! Nói cách khác, dù là Hoàng Đế, là Thiên Tử cũng không thể cưỡng lại lòng dân.

 Ngược lại, lịch sử cho ta thấy rằng khi chính sách trồng người coi dân là cứu cánh, thi hành các biện pháp cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, ảnh hưởng tốt đẹp của những biện pháp này được nhân dân tha thiết bảo vệ lâu dài. Chẳng hạn, ở Việt Nam, mặc dù không còn lệ thuộc Trung Hoa về chính trị, trong nhiều thế kỷ, nhân dân vẫn trân quý văn hóa Trung Hoa. Các thái thú Tầu có công truyền bá học thuật, chữ viết cũng như văn chương, tư tường v.v. của Trung Hoa được thờ phụng như thần thánh (thí dụ Sĩ Nhiếp, Nhâm Diên). Ngay trong ngôn ngữ của ta đến nay vẫn còn đầy rẫy vết tích của Hán tự. Ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, tiếng Anh vẫn là tiếng nói thông dụng trong nhân dân : Từ tổ chức chính trị cho tới nếp sống của quảng đại quần chúng, kiểu mẫu Anh Quốc vẫn được coi như tiêu chuẩn. Ngay ở Nam và Trung Mỹ, hai thứ tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn còn là ngôn ngữ chính thức. Đây là môt thành công không thể phủ nhận của chính sách Trồng người khi lấy sự phát triển con người làm cứu cánh.

Trở lại việc Đức Ông Nguyễn Văn Lập dùng hai chữ Thụ Nhân đặt tên cho Đại Giảng Đường Viện Đại Học Đà Lạt, tôi coi đó là một thông điệp nhắc nhở các sinh viên đừng quên việc thâu thập kiến thức chuyên môn chỉ là một phần của giáo dục đại học : phần khác quan trọng hơn là luyện tập để nên người. Con người có những bẩm tính do quy luật tồn tại trên Trái Đất làm nẩy sinh ở mọi sinh vật, thực vật cũng như động vật. Nhưng con người khác mọi loài cây cỏ, thú vật nhờ những bản năng thiên bẩm, khiến cho mọi người đều có xu hướng mưu tìm Chân, Thiện, Mỹ , đều muốn vươn khỏi cuộc sống Trần Thế để đạt tới cõi Thiêng Liêng.
Công cuộc trồng người, như vậy, bao gồm mọi cố gắng để phát triển những bản năng thiên bẩm này. Cố gắng phải do bản thân của từng sinh viên, không một giảng viên hay sách báo nào có thể thay được. Ta có thể coi đó là một triết lý nhân sinh.

Hôm nay, nhân ngày giỗ Đức Ông Nguyễn Văn Lập, tôi tin rằng anh linh của Ngài cũng hài lòng nhận thấy các môn đệ của Ngài đã nâng khái niệm Thụ Nhân lên địa vị một tôn chỉ tranh đấu. Nhờ vậy mà khái niệm này sẽ là một giá trị tinh thần còn lưu truyền mãi mãi ./.

Paris ngày 18 tháng 12 năm 2011
Vũ Quốc Thúc


(Nguồn: TN Nguyễn Minh Kính chuyển tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 30026)
Rõ ràng là Việt Nam không thẻ chống Trung Cộng nếu Việt Nam vẫn cứ tiếp tục duy trì guồng máy tham nhũng và chỉ biết lợi dụng thế cờ mâu thuẫn chiến lược giữa các siêu cường quốc để sống còn.
30 Tháng Năm 2011(Xem: 29643)
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường, Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?
19 Tháng Tư 2011(Xem: 30526)
Cảm ơn anh gửi lên bài viết  Kể chuyện về một lá Cờ Vàng Tôi cũng đã… mắt nhòa, môi mặn khi nghe lời hát cũ lừng vang.
19 Tháng Tư 2011(Xem: 31353)
Thắp nén nhang tịnh độ, Hồn thiêng cõi thanh cao.
19 Tháng Tư 2011(Xem: 35499)
- Lời Cô Giáo Dạy Trẻ Nhạc : Bảo Tố Giọng ca : Bích Ngọc - Em Bé Việt Nam và Viên Sỏi (Vietnamese Baby and Gravel) Thơ : Trần Trung Đạo Phổ nhạc: Phan Văn Hưng
19 Tháng Tư 2011(Xem: 30932)
Lời Cô Giáo Dạy Trẻ Nhạc : Bảo Tố  Giọng ca : Bích Ngọc
19 Tháng Tư 2011(Xem: 32711)
Hình ảnh những ngày cuối tháng 4 ở Saigon vẫn chưa phai nhòa trong tâm trí. Không gian là mây đen, thời gian màu tím ngắt.
19 Tháng Tư 2011(Xem: 36150)
Dù có đôi khuyết điểm và giá bán hơi cao, Boat People là công trình sưu tầm tài liệu đáng khen của Carina Hoang về thảm trạng thuyền nhân ...
19 Tháng Tư 2011(Xem: 32606)
Thơ : Trần Trung Đạo  Phổ nhạc : Phan Văn Hưng
19 Tháng Tư 2011(Xem: 34341)
Sống Sót Trên Sóng Biển - The Lucky Few The Story of USS Kirk
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468