Edward Hopper: Bậc thầy của nghịch lý hiện thực

03 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 20534)
Edward Hopper: Bậc thầy của nghịch lý hiện thực

Edward Hopper : Bậc thầy của nghịch lý hiện thực

 

image001_309 











Tác phẩm "Chop Suey" do Edward Hopper vẽ vào năm 1929 (© Private Collection)

Tuấn Thảo, RFI


Bậc thầy của nghịch lý hiện thực. Đó là biệt danh mà các chuyên gia Pháp thường tặng cho họa sĩ Edward Hopper. Nổi tiếng là một trong những gương mặt tiêu biểu của trường phái tự nhiên, nhưng mãi đến tận bây giờ, danh họa người Mỹ mới có được một cuộc triển lãm đồ sộ tại thủ đô Paris xứng đáng với tầm vóc của ông.

Từ đầu tháng 10 năm 2012 cho đến cuối tháng giêng năm 2013, viện bảo tàng Grand Palais trưng bày gần 130 tác phẩm của Edward Hopper (1882-1967). Cuộc triển lãm khá quy mô này chủ yếu tập hợp các bức sơn dầu của danh họa người Mỹ, nhưng bên cạnh đó còn có các bức phác họa, tranh màu nước, bìa minh họa … Lần trước có một cuộc triển lãm về Edward Hopper tại Pháp là vào năm 1989 tại viện bảo tàng thành phố Marseille, nhưng tầm cỡ lúc đó không lớn bằng lần này. Có thể nói là cuối cùng Paris đã bù đắp cho một thiếu sót lớn khi ta biết rằng vị trí của Hopper trong làng hội họa quốc tế không thua gì các tên tuổi như Francis Bacon hay Jackson Pollock và nhất là Edward Hopper từng có quan hệ khắn khít với thủ đô Paris.

Sinh trưởng tại bang New York, Edward Hopper ban đầu tốt nghiệp nghề vẽ tranh minh họa tại trường New York School of Art. Từ năm 1906 đến 1910, ông nhiều lần sang Paris để trao dồi kiến thức, học thêm nghề vẽ. Tại thủ đô Pháp, ông khám phá các trường phái ấn tượng, biểu hiện và lập thể, ngưỡng mộ nhiều bậc đàn anh, trong đó có Cézanne, Marquet, Pissarro và nhất là Degas. Trong các tác phẩm đầu đời, Hopper đã vẽ khoảng 30 tấm tranh, trong đó có nhiều bức vẽ về khung cảnh Paris, trước khi ông chuyển hướng, chọn lối sáng tác xung quanh đề tài American Scene Painting tạm dịch là Phong cảnh nước Mỹ.

Trong khoản thời gian ông thường xuyên sang Pháp, Edward Hopper chủ yếu vẽ phong cảnh Paris chẳng hạn như bến sông Seine và các chiếc cầu ở Paris (hai bức tranh Le Pont des Arts & Après-midi de Juin -1907), viện bảo tàng Louvre (Le Louvre pendant un orage - 1909). Một số bức tranh phong cảnh được ông vẽ theo hồi tưởng : chẳng hạn như tấm tranh Soir Bleu vẽ vào năm 1914, cho dù vào thời điểm đó, ông Edward Hopper không có mặt tại Pháp. Họa sĩ người Mỹ đã giữ trong tâm trí khá nhiều kỷ niệm đẹp với nước Pháp và các thành phố châu Âu, cho nên khi trở về Hoa Kỳ, ông nói là dù đang sống trong ‘‘thế giới mới’’, nhưng trong nhiều năm liền ông vẫn nhung nhớ cái khung cảnh thanh tao của những nơi ông từng ghé chân đến trên lục địa châu Âu già cỗi.


Có thể nói là từ những năm 1930 trở đi, tên tuổi của Hopper bắt đầu được công nhận khi ông chọn hẳn một hướng đi, bằng cách kết hợp ảnh hưởng của các trường phái nghệ thuật của châu Âu với ảnh hưởng của người thầy là họa sư người Mỹ Robert Henri.

Ông Robert Henri là người từng sáng lập ra trường phái Ash Can School, dịch sát có nghĩa là ‘‘thùng rác’’, để phản ánh qua hội họa các giai cấp bần cùng, nghèo xơ nghèo xác trong xã hội Hoa Kỳ. Nối bước bậc thầy, Edward Hopper bắt đầu vẽ về những biến chuyển sâu rộng của xã hội Hoa Kỳ nhưng qua lăng kính của giai cấp trung tầng. Tác phẩm của ông thể hiện cho sự hoài niệm về một nước Mỹ của thời thơ ấu và sự hoài nghi về một nước Mỹ đang trên đà hiện đại hóa ngoạn mục, phát triển vượt bực.

Theo chuyên gia Didier Ottinger, quản đốc làm việc cho viện bảo tàng Grand Palais, Edward Hopper từng được so sánh với họa sĩ cùng thời là Norman Rockwell, chủ yếu cũng vì cả hai đều xuất thân từ trường vẽ tranh minh họa. Nhưng trái với Norman Rockwell, Edward Hopper có một góc nhìn bi quan hơn. Nhưng trước hết ông Didier Ottinger cho biết vì sao Hopper chỉ nổi danh từ năm 40 tuổi trở đi, tức là hơi trễ so với nhiều nghệ sĩ cùng thời :

Edward Hopper đã mất khá nhiều thời gian trước khi được công nhận như một tên tuổi lớn của làng nghệ thuật Hoa Kỳ. Khi nhìn lại sự nghiệp của ông, ta có thể thấy là Edward Hopper vào nghề vẽ từ đầu thế kỷ XX. Ông tham gia các cuộc triển lãm từ năm 1908, nhưng mãi đến gần hai thập niên sau (1925-1930) tên tuổi của ông mới được công nhận. Điều này có thể được giải thích như sau : Edward Hopper đã trải qua một giai đoạn tìm tòi thử nghiệm khá dài.

Trong suốt những năm ông thường xuyên đến Paris (1906-1910), thời kỳ mà ông khám phá các trường phái tiên phong của làng hội họa châu Âu, ông quan niệm rằng một tác phẩm lớn phải mang tầm phổ quát. Mãi đến khi ông trở về Mỹ để lập nghiệp, thì ông mới ý thức được một điều : những nét đặc thù trong văn hóa Mỹ là cả một đề tài đáng được khai thác, dùng những chi tiết cực nhỏ để nói lên những biến chuyển của toàn xã hội. Điều mà Edward Hopper muốn phản ánh là sự chuyển mình của xã hội Mỹ, sự phát triển không ngừng của các thành phố lớn như New York, Los Angeles hay Chicago …

Đà phát triển đô thị đi đôi với lối sống theo kiểu Mỹ (American Way of Life), nghệ thuật pop art, ngành quảng cáo, công nghiệp giải trí trỗi dậy với xã hội tiêu thụ, với sự hình thành của một giai cấp trung tầng (middle class). Nhưng những tác phẩm của Hopper không chỉ đơn thuần phản ánh nếp sinh hoạt, mà còn vạch trần cốt lõi của xã hội vật chất. Tranh của Hopper thể hiện cho tinh thần chống chọi, kháng cự lại với tất cả những gì mà theo ông có thể chi phối đời sống và quan hệ con người, đến nỗi họ có thể đánh mất bản thân mình.


Cũng theo lời ông Didier Ottinger, quản đốc viện bảo tàng Grand Palais, các bức tranh của danh họa Edward Hopper thoạt nhìn trông rất hiện thực nhưng nội dung và ý nghĩa của tác phẩm thường hay tương phản với khung cảnh được phác họa. 

Đà phát triển của một thế giới hiện đại làm lung lay các giá trị nhân bản của con người (theo góc nhìn của một nghệ sĩ). Đó là ý tưởng xuyên suốt các tác phẩm của Edward Hopper. Có thể nói là các bức tranh của ông rất tự nhiên trong cách thể hiện đề tài, nhưng nội dung tác phẩm lại tiềm tàng ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Tranh của Hopper mang đậm khá nhiều ảnh hưởng.

Về mặt hình thức, Edward Hopper gợi hứng từ những khám phá tìm tòi của danh họa Cézanne và của các nghệ sĩ thuộc trường phái lập thể. Tranh của Hopper thường có bố cục tỉnh lược và đường nét tự nhiên, như thể ông muốn thu gọn thế giới bên ngoài vào trong những khối hình học đơn giản. Còn về nội dung, Edward Hopper muốn nhắm tới điều mà các chuyên gia thường gọi là một hiện thực đầy nghịch lý, tức là ý nghĩa của tác phẩm thường tương phản với khung cảnh được vẽ trong tranh.

Trong các tác phẩm của Edward Hopper, thường có bóng dáng của con người, nhưng ông ít khi nào vẽ đám đông mà lại thường vẽ nhân vật đang ngồi hay đang đứng một mình. Mỗi nhân vật có vẻ như vô cảm, hay nói cho đúng hơn là nét mặt của họ không thể hiện một cảm xúc riêng biệt nào cả. Thế nhưng, bố cục bức tranh lại thể hiện được chiều sâu tâm lý, thường là một sự lưu luyến hoài niệm, một nỗi buồn khắc khoải, hay sự trống trải cô đơn của nhân vật trong không gian rộng lớn.


Nét độc đáo trong tranh của Edward Hopper, trong việc dùng bố cục và cách sắp đặt ánh sáng để làm toát lên một bầu không khí rất đặc biệt đã trở thành dấu ấn của danh họa người Mỹ. Edward Hopper ít thử nghiệm cách vẽ tranh trừu tượng, nhưng các tác phẩm đầy tính hiện thực của ông cũng không tả chân, mà lại là một góc nhìn khảo sát bắt mạch thực tế, vạch trần nghịch lý.

Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật tạo hình Hopper đã ảnh hưởng đến ngôn ngữ điện ảnh của khá nhiều đạo diễn trứ danh của làng phim Hollywood. Gợi hứng từ tác phẩm của Edward Hopper, mà Afred Hitchcock, ông hoàng của thể loại phim hồi hộp, đã dựng cảnh cho bộ phim Psycho. Hai anh em đạo diễn Joel & Nathan Coen thì vay mượn thủ pháp của Hopper để quay Barton Fink. David Lynch trong đoạn mở đầu Twin Peaks hay Mulholland Drive, gợi lên không gian hiện thực, nhưng đó lại là hiện thực trong tâm trí của một kẻ mộng du.

Từ cách dàn dựng ánh sáng cho đến lối dùng ngoại cảnh để nói lên nội tâm và xa hơn nữa là sử dụng những yếu tố nằm ở ngoài khung ống kính tạo nên sự căng thẳng trong hình ảnh thu gọn qua camera, rất nhiều đạo diễn lừng danh như Terrence Malick, Wim Wenders và gần đây hơn nữa là Sam Mendes đều công nhận là do ảnh hưởng của Hopper.

Tác phẩm của Edward Hopper thường mở ra những không gian cực kỳ tĩnh lặng, chỉ có những chi tiết như bức màn lung lay trước ngọn gió, hay tia ánh sáng lùa vào bên trong căn phòng mới gợi lên sự di động, chuyển đổi. Cái tài dùng những chi tiết rất nhỏ và không hiển hiện ấy lại nói lên được cái thần của Edward Hopper : sự thay đổi đột ngột bề mặt, đập mắt và dễ nhìn thấy, chưa chắc gì đáng gờm bằng một sự biến chuyển âm thầm sâu rộng, vũ bão sóng ngầm.

(Nguồn: viet.rfi.fr)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Mười 2017(Xem: 8880)
"Qua 11 công trình đã hoàn thành hay còn đang thực hiện dở dang trên đây, theo Gs Cảnh, người ta có thể nhận ra rằng linh mục Viện Trưởng Lê Văn Lý đã khai phóng một con đường phải đi, một cái lý phải theo, một trật tự thiên nhiên phải tuân thủ, mà cũng có thể gọi là đạo, một Đạo Quản Lý Giáo Dục Đại Học."
16 Tháng Chín 2017(Xem: 10777)
"Lễ Vu Lan năm nay do đó đúng là một “cơ duyên” lớn cho mỗi người chúng ta nhìn đến cái nghiệp chướng của nhân loại thời nay, của mỗi người, và nhất là cho giới lãnh đạo tôn giáo định hướng hành đạo của mình một cách có ý thức."
16 Tháng Chín 2017(Xem: 8606)
Bão Doksuri đánh vào miền trung Việt Nam hôm thứ Sáu, gây tốc mái nhiều ngôi nhà, làm mất điện và gây lụt lội tại một số nơi. Đây là cơn bão được cho là mạnh nhất đánh vào Việt Nam trong cả thập niên nay.
31 Tháng Tám 2017(Xem: 8565)
"Hình ảnh mà nhiều người cho là “rất cảm động” được phóng viên AP David Philip ghi vào ống kính hôm chủ nhật 27/8. Ảnh chụp Daryl Hudeck, thành viên của đội SWAT Houston, đang giải cứu 2 mẹ con chị Catherine Pham qua khu vực lụt..."
31 Tháng Tám 2017(Xem: 8784)
"Bình Nhưỡng lại cho bắn tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản. Chắc chắn Bình Nhưỡng muốn cho thấy là mọi đe dọa và trừng phạt sẽ không thể ngăn cản chế độ Bắc Triều Tiên theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo bằng mọi giá."
25 Tháng Tám 2017(Xem: 10729)
- Ông Flake: "Một thượng nghị sĩ không thể là con dấu của tồng thống!” Lương tâm của một người bảo thủ buộc ông phải lên tiếng... - "Nhìn vào thái độ của TTDC, câu hỏi đặt ra là họ có công tâm, tôn trọng sự thật không?"
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468