Ngôi Nhà 42 (Sơn Râu)

11 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 26129)
Ngôi Nhà 42 (Sơn Râu)

NGÔI NHÀ 42

 

Tôi dọn về đây từ đầu tháng 1, ở chung phòng với Tô Ngọc Sang, theo đề nghị của 2 thằng bạn cùng học chung trung học ở Pétrus Ký - Nguyễn Văn Thuận và Trần Đình Phương - cho gần nhau, dễ đàn đúm.

Nhà 42 gồm 2 căn nhà, có 12 phòng cho thuê. Căn nhà trước, phía trước là nhà ở của vợ chồng chủ nhà, anh Cao Quang Trọng – chị Nguyễn Thị Tâm và thằng con trai nhỏ. Phía bên trái có một con dốc nhỏ dẫn xuống lối đi giữa 2 căn nhà, và lên lầu của căn nhà sau. Phòng đầu tiên bên phải con dốc là căn hầm của Trần Đình Phương và Đỗ Văn Vinh, phòng ngay góc là của tôi và Tô Ngọc Sang, cạnh đó là của Nguyễn Văn Thuận, rẽ về phía phải là của Hoàng Ngọc Thành, kế đó là một căn phòng thật rộng của bộ tứ Trần Văn Chang – Dương Tuấn Kiệt – Trần Văn Hùng và Nguyễn Thiên Ân. Bộ tứ thường đi ra đường Võ Tánh bằng con hẽm có bậc tam cấp về phía phải căn nhà.

Phòng đầu của căn nhà sau là phòng của chị em Lê Thị Ngọc Lang và Lê Minh Đạt, phòng kế đối diện với phòng của tôi là bộ đôi Võ Kim Chi – Nguyễn Thị Giáng Châu, cạnh đó là bộ đôi Nguyễn Hữu Trí – Vy Ngọc Sinh (Đại học sư phạm). Trên lầu, vừa lên cầu thang, bên trái ngay trên phòng của Lang – Đạt là phòng của bộ đôi Nguyễn Văn Vĩnh – Nguyễn Ngọc An, “ngay chóc” cầu thang là của Nguyễn Minh Trung, cạnh bên là của Nguyễn Ngọc Thiên Thơ, ngoài bìa là của bộ đôi Trịnh Hiếu Kỳ - Nguyễn Hoàng Nhi. Tổng cộng 22 nhân mạng cùng sử dụng chung một dãy nhà vệ sinh 4 căn nằm về góc phải căn nhà sau, nhưng ít khi đụng hàng, chờ đợi.

Nhà có kiến trúc là một biệt thự hình bánh ú, mái lợp ngói 22 đỏ, tường gạch quét vôi trắng ngã vàng cam, có chân đá granite đen xám, vừa có vẻ cổ kính vừa tân thời, đẹp mắt. Nhưng vì nhà có căn hầm của Trần Đình Phương – Đỗ văn Vinh khá tối tăm ẩm thấp, chỉ có một cửa cái và một cửa sổ tò vò đường kính chừng 2 tấc, thật là trùng hợp với căn hầm P42 ở Sở Thú Sài gòn nhốt tù phạm chống Ngô Đình Diệm năm 1963, nên anh em cũng gọi đùa nhà 42 là P42.

Không biết từ bao giờ mà anh em ở 42 có biệt danh (nick name). Nhưng từ khi tôi về thì ngoại trừ các chị và các anh “tương đối hiền lành” hoặc không ở nhóm “giang hồ cờ bạc, nhậu nhẹt” nào, các tên còn lại đều được Nguyễn Văn Thuận giới thiệu biệt danh. Và sau đây là các nhân vật và người liên quan của P42.

Đầu tiên là Trần Đình Phương, người mập ù, trắng trẻo nên có tên Phương ù (khi gia nhập nhóm cắc tê được gọi là Nam Đế). Phương ù có đai nâu judo, tay chân hay ngứa ngáy, cọ quạy luôn, thích khều quẹt anh em, nên có lần bị Nguyễn Vân Cương dùng địa đường quyền, tảo diệp thối “dượt” cho một trận trước sân nhà 75 Võ Tánh, nhưng do tính tình hệch hạc, luôn vui vẻ, nên cũng … huề thôi. Phương có người yêu là chị Nguyễn Thị Thu Vân, cùng học chung khóa 1, con của một bác sĩ thú y vốn là bạn đồng song và đồng liêu với bố Phương ù. Phương ù có một chiếc Push 3 đèn, ngày ngày rủ rê chở anh em chạy ngang nhà Thu Vân ở đầu dốc Võ Tánh cho đỡ nhớ (không dám vô). Đợi đến cuối tuần mới dám lấy hết can đảm, sau khi bị anh em “chửi bới” một trận, đến thăm nàng. Nhưng chục lần như một, khi trở về đều mang bộ mặt buồn thiu (có lẽ bị bồ rầy). Phương thích đi câu ở hồ Xuân Hương, tắm suối Tiên nên thường bị cảm lạnh. Nhưng ngay cả khi gần liệt giường vẫn sẵn sàng hưởng ứng một đêm cắc tê. Phương thấy bài như lân thấy pháo, như mèo thấy mỡ. Hết năm Dự bị, Phương thi vào Quốc gia hành chánh, đậu, bỏ CTKD.

Ở chung với Phương ù là Đỗ Văn Vinh, người lùn tịt, da rám nắng nên lãnh nickname là Vinh lùn. Vinh học trung học ở trường Cao Thắng, mặt mày bậm trợn, tay chân gân guốc, thích đánh lộn, nhất là trong những đợt học sinh sinh viên biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, tính tình thật dễ thương, trên môi có mụt ruồi đen luôn luôn cố nở nụ cười với bè bạn. Vinh không cờ bạc, rượu chè, nhưng mục cua gái – mấy em Bùi Thị Xuân – thì không chê. Cuối năm Dự bị, Vinh về gia nhập Công binh.

Ở chung với tôi là Tô Ngọc Sang, trắng trẻo, đẹp trai, chân mày đen đậm, tính khoan hòa. Trước đây Sang cũng học Cao Thắng, nhưng thuộc phái “văn” mặc dù là đệ tử của võ sư Huỳnh Tiền, bạn đồng môn với Lý Huỳnh, Hiệp Huỳnh, có tên vỏ sĩ là Huỳnh Minh nhưng chưa thượng đài lần nào. Sang không có nick name. Sau này tôi mới biết là không nói ra, vẫn tươi cười, nhưng Sang giận tôi vì tôi hay “trãi chiếu“ đánh cắc tê trong phòng, làm Sang phải đi phòng khác chơi, vì chịu không nổi mùi thuốc lá và đủ thứ ngôn từ trời ơi đất hởi của Võ Lâm Ngũ Bá. Giận nhưng trả thù cũng …. nhẹ nhàng, thâm thúy. Sang bảo “già ốm yếu quá (Sang gọi tôi bằng già – vieux), để tôi dạy già vài đường boxe hộ thân”, tôi mắc bẫy đồng ý ngay. Đầu tiên Sang dạy tôi thủ. Sang đánh, tôi thủ cách nào thì cũng bị Sang thoi vào mặt, nhẹ nhưng cũng ê ẩm lắm chứ! Còn Sang bảo tôi đánh, Sang thủ, thì lần nào cũng bị cánh tay gân guốc của Sang gạt ra, đau … té đái vãi phân! Qua năm thứ nhất, tôi dọn về ở nhà Nhung khờ, ít gặp Sang, hình như Sang ra trường khóa 2.

Nhân vật mà tôi sắp kể ra khá độc đáo. Dáng cao ráo, 1,8 mét, vừa người, tóc quăn, khá đẹp trai, ăn mặc luôn luôn chải chuốt láng cón, ít nói nhưng khi nói thì như “cóc mở miệng”, hơi mỉa mai, cay độc. Hắn tự đặt biệt danh cho mình là Thuận nhỏng. Xuất xứ từ thuở học chung Pétrus Ký, hắn được gọi là Nguyễn Văn Thuận cà nhỏng chống xâm lăng. Thuận là con bác Nguyễn Văn Lầu, giám định viên kế toán hữu thệ, giám đốc công ty giám định Ocoges ở thương xá Tax, sau là Tổng Giám đốc Đại Nam ngân hàng tại khu Caravelle. Do là con nhà nòi, nên Thuận tính toán giỏi, đứng đầu nhóm cắc tê Võ Lâm Ngũ Bá với “tước vị” Trung Thần Thông. Có lần Nhỏng bỏ lá ách cơ, dùng lá 3 rô bắt thắng lá 2 rô của địch thủ, được cả nhóm tán thưởng là … số dách. Thuận giỏi kế toán, cùng hàng với Nguyễn Hương Giang, Lê Hồ Hải, Nguyễn Thị Huỳnh Liên. Thuận chỉ học một khoa Kinh doanh, ra trường đi làm cho ông già, sau đậu giám định viên. (Huỳnh Liên cũng đậu giám định viên; Hương Giang dạy kế toán cho các khóa sau; Hồ Hải đi sĩ quan, làm giảng viên cho trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, một chiều cuối tuần đi xe đò nhỏ về ngang Nghĩa trang quân đội, xe lũi lề, chết. Có tin là tài xế thấy tượng Thương tiếc băng ngang đường nên né tránh. Hồ Hải đổ đầu môn Kinh doanh học giải tích của thầy Lưu Mậu Thành. Thương thay một anh tài, Hải ơi, tao đốt cho mày một nén hương lòng!). Thuận có bồ sớm, ngay từ khi học trung học, nàng học Gia Long. Mỗi buổi sáng chàng chở nàng, phất phơ tà áo, bạn bè nói giỡn “người mà chở … kiến”, vì người là chàng, còn kiến là tên của nàng. Sau này ra trường, hai người cưới nhau, ở với nhau đến bây giờ, chân chùng gối mõi, con cháu đầy đàn, đầy đống.

Tôi biết ít về Hoàng Ngọc Thành, nghe anh em gọi hắn là công tử Thành, người trắng trẻo, đẹp trai, có da có thịt, cao khoảng 1,7 mét. Ra khỏi nhà là Thành “vèo” chiếc Vespa ngang phòng tôi, leo lên dốc, nên ít tiếp xúc. Thành chỉ vài lần tham gia cắc tê bị lột sạch thì không chơi nữa, hắn thiện nghệ xì phé hơn, thường chơi với nhóm Tổ quỷ. Có lần Thành rủ tôi chơi xì phé và lộng ngôn “phi poker bất thành hảo thủ”, nhưng dạo đó tôi chưa thích xì phé nên cười ruồi. Hết năm Dự bị, Thành về thi vào Đại học kiến trúc, sau trở thành kiến trúc sư có tên tuổi.

Thời gian ở P42 quá ngắn so với bề dày kỳ tích của nhóm Tổ quỷ, và vì lối đi riêng nên tôi cũng ít khi tiếp xúc, nhưng nhóm này thì quả là nổi đình nổi đám. Tên gây ấn tượng nhất đối với tôi là Trần Văn Hùng (sau này được gọi là Hùng râu). Có nhiều buổi sáng sớm, hắn dùng một tấm giấy croquis khổ 1 mét, khoét một cái lổ to ở giữa, viết chử ở 2 đầu. Hắn đứng trước cửa nhà, đầu tròng qua lổ, xoay mặt trước có viết AI YÊU TÔI ? về phía các nữ sinh Bồ Đề, Bùi Thị Xuân đi ngang. Liệu chừng có nhiều cô thấy, đỏ mặt hay cuống quít, hắn xoay lại mặt sau có viết ANH YÊU EM, và cười … mãn nguyện. Hoặc cứ giữa trưa hoặc chiều tối là có tiếng ồn ào, cả nhóm đánh bài cào, ai thua thì nấu ăn hoặc rửa chén, và lần nào để ý tôi cũng thấy Dương Tuấn Kiệt – biệt danh là Kiệt suyễn – đi rửa chén. Hình như “3 đánh 1, chẳng chột cũng què” (phải không Trần Văn Chang?). Phòng này còn có Nguyễn Bá Tuấn nhỏ con, uốn tóc phía trước, mặt hơi lưỡi cày, ít nói nhưng có vẻ lém lỉnh, học 1 năm, sau về Sài gòn cưới em gái chị Tâm. Đẹp trai hơn là Nguyễn Thiên Ân cũng học 1 năm thì về Sài gòn, gia nhập Việt tấn xã và sau này sang Anh làm xướng ngôn viên cho đài BBC. Nhóm này học giỏi, tuy không đẹp trai lắm, ngoại trừ Trần Văn Chang về gần cuối năm, nhưng giao tế khá, rất được vợ chồng chủ nhà Trọng – Tâm quan hệ thân thiết, chiều chiều kéo nhau sang sân trường Bồ Đề đánh bóng chuyền, thằng Hùng kêu mấy ông thầy chùa con “ê thầy …”, rồi đợi thầy ngó lại, nó nói tiếp chữ “chùa”, hết biết! Tuy nhiên với anh em thì không mất lòng ai. Kiệt ơi, tao đốt cho mày một nén nhang, nhớ bạn hiền vào những năm cuối đời mày! Mày hiền lành, tốt bụng, ruột để ngoài da, vậy mà cuối đời mày giận thằng Hùng làm chi, để ra đi mà còn nặng bụng. Tội nghiệp thằng Hùng, nó có biết đâu.

Chị Lê Thị Ngọc Lang dáng người thanh mãnh, có nụ cười hiền dịu, sau này là hiền thê của anh Lê Văn Lương – lúc đó làm ở đài kiểm soát không lưu của phi trường Liên Khương (cùng với Từ Minh Khang và Lê Quang Long, cùng khóa 1). Lê Minh Đạt thì hoạt bát hơn nhiều, nếu không muốn nói là ranh mãnh. Tôi không biết nguồn gốc của nick name Đạt xạo. Với tôi Đạt dễ thương, dễ thân cận. Hồi ở trung học, Đạt là vô địch môn vũ cầu của đại hội thể thao học sinh miền Đông. Đạt tặng tôi một cây vợt Yonex và dạy tôi chơi vũ cầu, nhưng tôi học … dở quá nên Đạt chán. Có lần Từ Minh Khang lấy xe jeep lên rước Đạt và tôi về phi trường Liên Khương chơi. Xe về đến dốc cây số 7 thì bị trượt vào một vũng nhớt, tài xế lấy tay lái về phía núi, Đạt và tôi rớt ra phía sau xe, Đạt bị tét đầu, tôi bị xướt cùi chỏ, tài xế bị gảy tay, Khang không sao nên đưa xe về đến phi trường. Hú hồn hú vía, cũng là một kỷ niệm khó quên.

Đối diện với phòng của tôi là phòng của Võ Kim Chi và Nguyễn Thị Giáng Châu. Kim Chi, không có biệt danh, nhưng vì mặt chị bị mụn hơi nhiều nên cũng bị gọi lén sau lưng là Chi mụn. Kim Chi người nhỏ nhắn, rắn rỏi, vui vẻ, hiền lành, ít nghe tiếng, tận tình chăm sóc Giáng Châu, vừa như bạn, vừa như chị. Chi và Châu cùng học chung ở Gia Long. Kim Chi để tóc kiểu Jackie, chăm sóc thường xuyên, trong khi tóc Giáng Châu từ Jackie sang đuôi gà. Chính cái đuôi gà này mà Trần Minh Châu say mê điên đảo. Hồi học trung học Gia Long, Giáng Châu yêu thầy dạy triết Vĩnh Để đến phát … điên, phải đi nhà thương Trần Văn Hoài. Chi nói Châu học rất giỏi, tính tình ủy mỵ. Đậu xong Tú Tài, ba má Châu nhờ Chi đưa Châu lên Đà Lạt để cách ly, thấy có khoa Quản trị xí nghiệp (tiền thân của trường CTKD) nên ghi danh học. Châu thường “lên cơn” lúc trời chạng vạng. Nhiều lần, Châu ôm gối sang phòng tôi, đuổi Tô Ngọc Sang đi nơi khác, lên giường nằm, “em muốn ngủ ở đây, anh Sang qua phòng em ngủ với Chi đi”, báo hại Sang phải lên lầu nhà sau ngủ với Nguyễn Minh Trung, còn tôi phải trãi chiếu xuống đất ngủ. Bên ngoài Thuận nhỏng, Phương ù, vừa đi đi lại lại vừa hét “chết nhe Râu!”. Nhưng không chết thằng Râu, mà chết thằng Châu ghiền! Châu ghiền yêu Châu điên như tình yêu em gái (sau này Ly Sa có làm một bài thơ ca tụng mối tình này, đăng trên tờ Tí Ti). Hình ảnh đằm thắm nhất là có nhiều buổi chiều vàng, nắng ấm, Giáng Châu với đôi mắt tròn hình viên đạn nâu đen, mặt trái soan trắng bệch như cô gái Nhật, mặc áo cổ lọ trắng, đầu đội mũ chụp lông trắng, lòa xòa mấy chùm tóc đen bên má, ốm yếu, khép nép bên chàng Minh Châu, cao cao, gầy gò trong chiếc áo manteau nâu, đầu đội nón Fletcher xanh đậm, cùng sánh vai trèo lên dốc nhỏ, nghiêng nghiêng bóng nhỏ đường dài!

Cạnh Chi – Châu là hai anh Trí – Sinh. Hai anh chàng này học năm cuối khoa Đại học Sư phạm, ban Pháp văn. Mỗi người một chiếc Vespa standard xanh, cứ ra khỏi cửa là phóng vèo lên dốc. Trí cao cũng khoảng 1,8 mét như Thuận nhỏng nhưng vạm vỡ hơn nhiều. Tôi ở P42 hơn 6 tháng mà chưa nghe Trí nói đến 6 câu. Hình như Sinh chơi thân với Trịnh Hiếu Kỳ. Sinh thì dễ thân cận hơn, thích kể tôi nghe chuyện ở lớp, chuyện dạy kèm Pháp văn cho Tuyết Mai (sau là vợ Nguyễn Cao Kỳ), chuyện những quán ăn ngon ở Đà Lạt. Sinh thích rượu cũng như tôi, và vì thế mỗi lần uống rượu đậu nành (trứ danh Đà Lạt), tôi không quên mời bạn. Sinh cũng thích đánh bài, nhưng thử một lần cắc tê với đám Võ Lâm Ngủ Bá là Sinh chạy te. Trí và Sinh không có nick name ở P42.

Nguyễn Văn Vĩnh cũng thích chơi cắc tê, có tật vuốt bài đến cong cả lá, miệng gậm ống đót … thấy phát ghét, giọng khào khào như thiếu hơi (cũng bị suyễn) nhưng chỉ được xếp vào hạng serie B. Vĩnh có nhiều biệt danh : Vĩnh ne (nain), Vĩnh vẹo, Vĩnh Singsing. Vĩnh chỉ chấp nhận biệt danh Vĩnh Singsing thôi, vì là ông chủ con của tiệm ăn Singsing ở đường Phan Đình Phùng Sài gòn, trứ danh với món bánh tầm bì nước cốt dừa thắng vừa đến mẹ bồng con và cà ri gà có trái ớt đỏ bóng nhẫy, ngậm mà nghe. Tuy có khó tánh chút đỉnh nhưng rất hòa hợp với anh em, rất tốt với Nguyễn Ngọc An ở chung phòng, với biệt danh lúc đầu là An khờ, sau đổi lại là An điếm, vì xét ra An chưa đủ “khờ” như Nhung khờ (khờ được xác định là siêu điếm!). An mập mạp, răng trắng cười tươi, có tật nhúng vai làm điệu mỗi khi phát biểu. Lúc đầu tôi tưởng do cái tật này mà An mang biệt danh An điếm. Nhưng không phải, mà là do An có tật viết “nhật ký đời tôi” của các em sau khi quan hệ, bị anh em phát giác. An dấu rất kỹ những quyển nhật ký này, nhưng thỉnh thoảng An kể tôi nghe những đoạn tình sử lâm ly bi đát của An và các em, từ thuở còn học ở trung học. Có ứa nước mắt và vành mắt đỏ oe! An mất sớm, ra trường đi sĩ quan, chưa có vợ con, bị bắn chết. Có lẽ Trời cho rằng cũng hưởng đủ rồi, nên thôi. An ơi, tao không có ý diễu cợt mày đâu, thương còn không hết.

 

Chơi thân với Vĩnh là Nguyễn Minh Trung, tự Trung thọt. Thọt là vì ưa phá bĩnh, đâm bị thóc thọc bị gạo. Người cao ráo, có da có thịt, mặt mày sáng sủa, nhưng bị ông Trời điểm cho một mụt ruồi trâu đen thui có một túm lông, như làm dấu. Trung là nạn nhân của Tô Ngọc Sang, mỗi khi Sang bị Giáng Châu mời ra khỏi phòng tôi, nên hai tên khá thân với nhau. Sang thường nói với tôi “già không biết đâu, thằng Trung nó quý già lắm, nó nói già đàng hoàng”. Mô Phật!

Chị Nguyễn Ngọc Thiên Thơ ở cạnh phòng của Trung thọt. Chị không có nick name, người nhỏ nhắn, tóc dài cột đuôi gà, nhanh nhẹn, nghiêm trang, ít nói, thỉnh thoảng cười có duyên. Tôi có biết xem tướng chút đỉnh nên nhìn phụ nữ miệng có quai xách thì sợ lắm, không dám đùa. Hình như mấy tên CTKD ở P42, kể cả Trần Văn Hùng cũng “nể nang” một phần. Chị được nhiều thằng bạn “để ý”, có vẻ tán thưởng. Cũng có tên thổ lộ tâm tình với tôi, nhờ tôi giới thiệu, nhưng “anh ạ, xin cho 2 chữ bình an, kính nhi viễn chi, ai muốn thì vô!”.

Khác với chị Thiên Thơ, Nguyễn Hoàng Nhi trông nhu mì nhu mỉ hơn, mảnh khảnh, lông nheo dài, my thanh mục tú. Nhi không có nick name, ít thích bài bạc, rượu chè, nhưng món thứ ba thì “hẩu xực”. Chuyện này ở P42 rất ít người biết, mà những đứa biết như tôi thì không dám hé răng (cho đến bây giờ) vì không muốn đến tai chị Thiên Thơ. Nhi ơi, mày có nghĩ lại cám ơn tao chút nào không?

Nhi ở chung với Trịnh Hiếu Kỳ. Cặp đôi này có cùng thú vui là ngậm píp. Kỳ có những chiếc tẩu (píp) đẹp, đặc biệt là chiếc dài hơn 1 tấc, bằng gỗ mun của Pháp, thẳng, đầu tẩu tròn, tiện hình lục giác, cán tẩu bịt da, tất cả đã lên màu nâu bóng lưỡng. Kỳ cầm gọn đầu tẩu trong lòng bàn tay, xoay nhẹ nhẹ sau mỗi lần rít. Đôi mắt giữa hai ấn đường cao, dưới đôi tròng kính trắng, có vẻ mơ màng, romantique! Kỳ có lưỡng quyền cao, người khắc kỷ, ít giao du với ai ngoài Nhi và Trí, và thỉnh thoảng với tôi. Kỳ hướng dẫn tôi hút píp và cách chọn tẩu. “Già phải có ít nhất là 22 cái. Tẩu phải được ngâm trong rượu ngon pha mật ong trong 21 ngày sau khi cạo thổi nhẹ cho sạch mấy cái ba dớ. Trước khi hút một ngày, già nhớ lấy ra để cho ráo, lau sạch, ngày thứ 22 thì hút chiếc thứ 1. Hút xong thì vệ sinh rồi đem ngâm. Cứ thế …. làm tới”. Kỳ cười nhẹ, má hơi hóp.

(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Ba 2018(Xem: 8959)
"Bên cạnh những nhân chứng còn sống, bên cạnh những lời ghi chép để lại trong lịch sử vẫn chưa đầy đủ, thì âm nhạc là nơi lưu giữ, là 1 thực thể hiển hiện rõ nhất sự thật về biến cố Mậu Thân 1968."
11 Tháng Hai 2018(Xem: 10020)
"Kế hoạch tổng tấn công của địch qui mô lớn lao như thế, chuẩn bị công phu như thế, mất nhiều ngày giờ như thế, chẳng hiểu vì lý do nào cả tình báo của Mỹ và tình báo của ta không thấy được, hoặc không thấy đủ và hiểu sai, diễn dịch sai ý đồ của địch. "
10 Tháng Hai 2018(Xem: 9683)
Khi quân Bắc Việt mở cuộc tấn công cuối cùng tiến tới thống nhất đất nước hồi 1975, hàng trăm ngàn dân thường ở miền Nam Việt Nam đã bỏ chạy. Dường như trong tâm trí nhiều người, câu chuyện về "những vụ thảm sát ở Huế" vẫn còn đậm dấu ấn.
22 Tháng Giêng 2018(Xem: 9645)
"Những phát biểu sai trái và phóng đại vẫn không ngừng tuôn ra từ tài khoản Twitter, các bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn của ông Trump, đại đa số những tuyên bố này nhằm thỏa mãn cái tôi của ông."
21 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 9874)
"Những người nào đã giảng dạy tại Viện tất không thể quên được hình ảnh của một vị Viện Trưởng, tuy tuổi cao, đầu bạc, nhưng cực kỳ nhũn nhặn và khéo léo. Chưa từng để mất lòng ai." (Gs Nguyễn Cao Hách)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468