Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập

22 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 6576)
Tưởng Niệm  Đức Ông Nguyễn Văn Lập

Tưởng Niệm

Đức Ông Nguyễn Văn Lập

Chủ Nhật, 19.12.2010 vừa qua có một buổi Họp Mặt của các Anh Chị Thụ Nhân Nam CA tại Nhà hàng "Mình ơi" mà chủ nhân là Nhạc sĩ/Ca sĩ Diệu Hương, cũng là một Thụ Nhân. Tổ chức vào ngày cuối tuần này cũng là để tưởng niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập, cố Viện trưởng Viện ĐHĐL. Tôi là một hậu sinh, chưa được vinh dự diện kiến Ngài lúc sinh thời. Năm tôi vào dạy thì Viện Trưởng là Linh Mục Lê Văn Lý. Nhưng cách đây 7 năm, Hội Trưởng Hội Thụ Nhân Nam CA, TS Trần Văn Lương, có mời tôi dự buổi giới thiệu tập sách "Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập" do quý Anh Chị Thụ Nhân Paris thực hiện. Sau đây là bài phát biểu của tôi vào dịp đó, xin gởi lại để chia sẻ cùng Quý Anh Chị ở xa, cũng gọi là thắp một nén hương hướng về Đức Ông nhân ngày giỗ năm nay.

NVS.


 Kính thưa quý vị Giáo Sư,

 Kính thưa quý vị quan khách,

 Cùng các anh chị Thụ Nhân quý mến,

 Trước hết tôi xin có lời cám ơn anh Trần Văn Lương cùng tất cả các anh chị Thụ Nhân trong Ban tổ chức buổi giới thiệu tập sách Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập ngày hôm nay đã có nhã ý mời tôi đến tham dự và phát biểu một đôi lời nói về nội dung tập sách mà tôi nghĩ chắc là một số quý vị đã có trong tay. Và qua các anh chị cho tôi gởi lời cám ơn đến các anh chị Thụ Nhân Paris đã có công sưu tập những bài viết thật súc tích và cảm động do rất nhiều cựu giáo sư và sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt trước đây đã đóng góp để thực hiện tập Tưởng Niệm này nhân ngày giỗ đầu của Đức Ông Nguyễn Văn Lập.

 Kính thưa quý vị,

 Gần đây anh Trần Văn Lương có e-mail cho tôi nói rằng sẽ có một buổi ra mắt cuốn Tưởng Niệm Đức ông Nguyễn Văn Lập nhưng anh lại nói là chưa định ngày. Cuối tuần qua anh Phạm Mạnh Tiến ghé lại nhà đưa cho tôi một cuốn, song vì bận công việc dạy học ở trường đồng thời cũng nghĩ là chưa đến ngày ra mắt sách nên tôi cũng chưa vội đọc. Sáng hôm qua ( Thứ bảy, 22.03.2003) chợt nhớ đến vụ ra mắt sách, tôi gọi điện thoại cho anh Lương với ý định là sẽ giới thiệu anh một người bạn cùng học Trường Pellerin, Huế với tôi trước đây là anh Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân Biểu Huế, vốn là một nhà nghiên cứu sử học, chắc chắn sẽ có nhiều điều nhận xét đáng cho chúng ta lắng nghe về Đức Ông Nguyễn Văn Lập, người đã từng làm cả hai công tác mục vụ và giáo dục trong nhiều năm tại Huế, không ngờ được anh cho biết là buổi ra mắt sách sẽ được tổ chức vào chiều hôm nay. Nhờ vậy giờ này tôi mới có cái duyên đứng ở đây để phát biểu một đôi điều suy nghĩ thô thiển về vị lãnh đạo tinh thần và giáo dục khả kính vừa mới qua đời này.

 Về nước vào tháng 7 năm 1973 với một bức thư giới thiệu của một giáo sư cơ hữu của Viện, tôi được Giáo Sư Khoa Trưởng Văn Khoa Nguyễn Khắc Dương mời phụ trách lớp Ngữ Âm Học và Âm Vị Học (English Phonetics and Phonology) bắt đầu từ niên khoá 1973-1974, đồng thời dạy một số lớp Anh Văn của Trường Chính Trị Kinh Doanh, lúc ấy do Giáo Sư Phó Bá Long làm Khoa Trưởng. Vào thời điểm đó, Cha Nguyễn Văn Lập đã thôi làm Viện Trưởng, do đó tôi đã không được cái vinh dự diện kiến Cha, và cho đến khi Cha mất ngày 19.12.2001 tại Việt Nam tôi cũng chưa được găp Cha lấy một lần. Cũng như đối với một số giáo sư thỉnh giảng khác, đối với tôi Cha là một bậc tiền bối “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình.” Vâng, phaiû nói rõ ràng như vậy cho nó chính danh. Nhưng qua sự tiếp xúc trở lại với các giáo sư đàn anh của tôi hiện đang có mặt quanh đây, cũng như qua gần 14 năm sinh hoạt gần gũi với các anh chị Thụ Nhân Nam CA tôi đã được nghe, được đọc không biết bao nhiêu là giai thoại kỳ thú về Cha Lập cũng như những xưng tụng, ca ngợi về công đức của Cha, về lý tưởng giáo dục Thụ Nhân mà Cha đã để lại cho đời.

 Bây giờ đọc cuốn Tưởng Niệm, tôi lại được ôn lại những ca ngợi, xưng tụng về công đức của Cha. Giáo Sư Nguyễn Cao Hách gọi Cha là vị lãnh đạo tinh thần cao cả. Đối với Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Cha là một nhân vật siêu việt, gia trưởng của đại gia đình Thụ Nhân. Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương tôn vinh Cha là Thừa Thiên Thụ Nhân. Giáo Sư Lê Hữu Mục khẳng định Cha là một người Cha nhân lành, có những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm. Giáo Sư Trần Long cho rằng Cha là hiện thân của lòng nhân. Còn Giáo Sư Ngô Đình Long thì nghĩ về Cha như như một thiên thần giang đôi cánh che chở cho cái thế giới nhỏ bé, thanh bình của Giáo Sư trong thời gian ở Đà Lạt. Và còn bao nhiêu mỹ từ xưng tụng, vinh danh Cha của các Giáo Sư khác nữa. Ở cương vị của quý vị giáo sư, được gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với Cha, những nhận xét của quý vị hẳn là chính xác, tôi không lấy gì làm ngạc nhiên. Điều tôi muốn nói đến ở đây là cung cách xưng tụng Cha của các cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt đối với Cha.

 Kính thưa quý vị,

 Xã hội Việt Nam là một xã hội tình, con người Việt Nam rất giàu tình cảm, và ngôn ngữ Việt Nam cũng rất phong phú trong cung cách xưng hô,

không phải chỉ có ba ngôi: tôi/chúng tôi; anh, các anh/chị, các chị; nó/chúng nó như trong ngôn ngữ tây phương như tiếng Anh, tiếng Pháp. Vì thế mà chỉ nghe qua cách xưng hô và giọng nói là chúng ta có thể biết ngay được cái quan hệ giữa người nghe và người nói nó đậm đà, thắm thiết đến mức độ nào.

 Tôi xuất thân từ Trường Dòng của các Freres Jean Baptiste de la Salle, và ở Trường Pellerin, Huế ngày xưa chúng tôi cũng có Cha Sở là Linh Mục Nguyễn Văn Thích. Cho nên trong cách xưng hô, nếu gọi Cha Lập là Cha Viện Trưởng, Linh Mục Viện Trưởng, hay gọi Cha là Người (viết hoa), Ngài, Thầy tu, Tu sĩ, Ông Cố, hay sau này là Đức Ông, tôi cũng đều thấy đầy đủ tất cả sự cung kính, tôn trọng đối với một vị lãnh đạo tinh thần đã trọn đời hiến thân cho Chúa như Cha. Nhưng đối với những anh chị Thụ Nhân cựu sinh viên của Cha thì như vậy hình như cũng còn chưa đủ.

 Do cái tương quan rất chi là độc đáo, đặc biệt có một không hai giữa Cha và các cựu sinh viên của Cha, các anh chị còn gọi Cha bằng nhiều danh xưng khác nữa mà người ngoài Viện khó hình dung ra tại sao lại thắm thiết đến như thế. Có thể nói không ngoa là một số lớn các bài viết của các anh chị Thụ Nhân trong cuốn Tưởng Niệm này đều đầy nước mắt, không phải là những giọt nước mắt của khổ đau, tục luỵ, mà là những giọt nước mắt chứa chan ân tình, phản ảnh lòng biết ơn chân thành của những người con trung hiếu như anh Nguyễn Đình Cận đã nhỏ nhẹ: “Cha ơi, con không còn viết được nữa, vì con đã không cầm được nước mắt nhớ thương Cha.” Người đọc làm sao không bùi ngùi, xúc động trước những biểu lộ tình cảm phát xuất tự đáy lòng người viết như vậy!

 Các anh chị gọi Cha là lương sư (Lê Đình Thông), là từ phụ (Trần Văn Lương), là bậc Thầy, là người cha nhân ái, nhân hậu, tài ba, đáng kính, là người công chính, cởi mở, rông rãi, nhân cách tuyệt vời khiến người khác phải kính trọng, tuy nhiên vẫn gần gũi với mọi người (Nguyễn Thế Hoàng), là sứ giả của bác ái, của lòng khoan dung, là một ông thầy vô cùng sống động trong những bài học về tin yêu, về cách sống (Phạm Thị Phong Nhã), một người cha khó có đủ chữ để diễn tả, đủ lời để tỏ lòng biết ơn (Bùi Anh Thơ), là một ân nhân, biểu tượng của bao dung, vị tha, của tình người, không biên giới, không phân biệt, người đã biến Viện Đại Học Đà Lạt thành một thiên đường giáo dục êm đềm (Tống Nữ Mộng Hoa), nơi đây ai thiếu Cha cho, ai cần Cha đến (Nguyễn Quang Tuyến), là người đã truyền đạt được cái đạo lý làm người và cách cư xử với nhau trong cuộc sống (Nguyễn Tường Cẩm), là người cha và nhà giáo dục kiệt xuất (Lê Đình Thông), là người cha già Việt Nam giàu nhất thế giới vì thành quả trực tiếp của nỗ lực giáo dục và lý tưởng trồng người (Lưu Văn Dân), là nhà giáo dục có nhân cách và phong độ của của những bậc thầy của muôn đời, có phong cách cư xử của thánh nhân (Phạm Chí Thành).

 Công cha nghĩa mẹ ơn thầy …

 Cư xử đúng với tinh thần “tôn sư trọng đạo” trong văn hoá Việt Nam, trong những năm cuối đời của Cha, các anh chị Thụ Nhân từ khắp nơi trên thế giới đã chung nhau xây cất cho Cha một ngôi nhà tình nghĩa để Cha an dưỡng tuổi già, và đến khi Cha mất tháng 12 năm 2001, các anh chị đã tổ chức đám tang cho Cha với đầy đủ lễ nghi cổ truyền của Việt Nam như những người con hiếu thảo, một đám tang mà theo lời anh Phạm Văn Bân từ Hoa Kỳ về thăm Viêt Nam đã ghi nhận là đã làm cho giáo dân Bình Triệu phải ngạc nhiên “chưa có ông thầy nào mất mà học trò tới đông như vậy.”

 Kính thưa quý vị,

 Đấy là chân dung sống động của Cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập. Cha không có học vị cao như Cha Lê Văn Lý, người kế nhiệm Cha. Cha cũng không phụ trách một bộ môn nào trong các phân khoa thuộc Viện Đại Học Đà Lạt trong suốt mười năm làm Viện Trưởng. Nhưng Cha lãnh đạo và quản trị Viện Đại Học Đà Lạt với một bản lĩnh đầy tự tin. Cha đã biết dồn mọi nỗ lực nuôi dưỡng một lý tưởng giáo dục thực tế và phù hợp với nhu cầu của đất nước Việt Nam trong những năm chuyển tiếp của thập niên 1960, đó là lý tưởng “trồng người.” Nhưng độc đáo hơn cả là trong một thập niên nhiều biến động của Miền Nam, và hoàn cảnh bặc biệt của Viện Đại Học Đà Lạt trong những năm đầu mới phát triển, sĩ số sinh viên còn ít, mọi cơ chế còn đang từng bước hình thành, và với những đức tính bẩm sinh hiền hậu, vị tha, với một lòng tin không gì lay chuyển nổi nơi từng mỗi con người cụ thể sống quanh Cha, Cha đã có thể thi thố tài năng chăm lo quản trị Viện như chăm lo cho một đại gia đình có đông con trong một xã hội còn lắm nghèo nàn, lạc hậu.

 Như trên tôi đã nói, xã hội Việt Nam vốn là một xã hội luôn luôn nhẹ về lý mà nặng về tình. Và Cha Nguyễn Văn Lập đã biết điều hành công việc của Viện, đối xử với giáo sư cũng như sinh viên của Viện bằng tình, với tất cả lòng tin yêu, thương mến của mình. Chúng ta hãy nghe Cha bày tỏ quan điểm giáo dục của Cha:

“…Tôi điều khiển Viện bằng trái tim tôi: thương yêu tận tình, tranh đấu tận tình cho sinh viên, cả về tinh thần lẫn vật chất, làm cho các sinh viên có thể học hành được thoải mái.

“Không một em nào xã hội gởi đến cho tôi phải bỏ học vì thiếu tiền. Rồi về phương diện sống, việc ăn uống trên Đà Lạt cần phải đầy đủ hơn những chỗ khác. Tôi cũng kiếm cách lo cho được, làm cho đời sống sinh viên có thoải mái mới có thể học tập được. Và nhờ đó giữa sinh viên và tôi có một tình nghĩa cha con đặc biệt. Tình nghĩa đó kéo dài cho đến ngày hôm nay.”

Kính thưa quý vị,

Tôi trích nguyên đoạn trong Di Ngôn của Cha và giữ nguyên hai chữ “hôm nay” mặc dù Cha đã qua đời, vì cái công việc các anh chị Thụ Nhân Paris đã làm và sự có mặt của đông đảo của chúng ta tại đây hôm nay cũng là trong tình nghĩa đó. Nó chính là cái mạch nguồn tình cảm đã gắn bó tất cả các cựu giáo sư và anh chị sinh viên Thụ Nhân từ khắp nơi trên thế giới với nhau như một đại gia đình.

Để kết thúc tôi xin mượn tên một chiêu thức trong một bài võ thuật mà theo tương truyền do năm vị võ sư sau khi thành tài xuống núi, đi chu du khắp thiên hạ để thử thách và học hỏi, sau về ngôi lại với nhau làm một bài quyền liên khúc có năm đoạn, mỗi võ sư một đoạn. Đây là bài Quyền Trung Trích Yếu của Thiếu Lâm Đường Lang, còn có tên là Trích Yếu Quyền, 152 chiêu. Chiêu cuối cùng trước khi thu thức được gọi là Hồi Cố Sư Môn. “Hồi” là quay trở lại, là trở về nơi chốn cũ. Hồi Cố Sư Môn được đưa vào sau cùng như một sự nhắc nhở luôn luôn phải nghĩ tưởng đến đồng môn, đến tông phái, đến cái nơi mình đã từng bao năm thụ huấn với sư phụ mình, để rồi mai đây dù chân trời, góc bể nào đi nữa hãy nhớ mang cái sở đắc của mình ra giúp đời, giúp người, làm rạng rỡ tông phái của mình.

 Kính thưa quý vị,

 Tưởng Niệm theo tôi cũng là một hình thức “Hồi Cố.”

 Xin trân trọng giới thiệu và cám ơn quý vị đã chú ý lắng nghe.

 Nguyễn Văn Sở

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Một 2011(Xem: 29250)
" Đau đớn, nơi xưa thành tổ quỷ, Nghẹn ngào, chốn cũ biến hang ma. Âm thầm tưởng niệm ngày Cha mất, Đất khách đàn con lặng xót xa."
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6834)
ĐÀ LẠT DU KÝ (Phần 2) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13161)
“Rứa c on đi, con có trở về không?” Võ Thà nh Xuân ... ở đây sẽ chỉ là một số kỷ niệm với người Cha tôn kính của một cựu sinh viên may mắn gần g ũi Cha vào quảng đời mà tình cảm của Cha như một người cha già thế tục mong vui với đàn con.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 7051)
Linh Mục Nguyễn Văn Lập: Một Vị Lãnh Đạo Tinh Thần Cao Cả Gs Nguyễ n Cao Hách Lúc còn sinh thời, Linh Mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh. Trong mấy chục năm liền, tôi hân hạnh được hợp tác với Viện Đại Học Da lat, m à Linh Mục Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6459)
NHỚ LẠI QUÁ KHỨ Frêre Théo phane NGUYỄN VĂN KẾ, FSC ...ai ai Ngài cũng cư xử với con tim thật tình. Người đối với người: lễ phép kính cẩn mến yêu, trong giọng nói, bình tĩnh, trầm trầm Miền Trung. Ngài để ý đến mọi người. Như vậy đắc nhân tâ m là phần thưởng cho Ngài lúc sống và lúc qua đời.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 8077)
Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết... về tôi Nguyễn Duy Tưởng TTKTKN/NHPTKNVN, 1968-1975 Một tờ giấy viết tay rơi xuống đất, tôi nhặt lên đọc. Nét chữ viết tay đó làm tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động. Mới đó mà đã gần 42 năm, những hình ảnh về cơ quan cũ, về bạn bè xưa, và về anh với dáng đi tất bật hiện ra mờ nhạt.
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6179)
MIẾNG BÁNH ĐA KÊ Tác giả: Người Hànội, CTKD 1 Nghe ba chữ “ Bánh Đa Kê ” thật đơn giản, thật dân dã đối với người dân xứ Bắc, nhưng đối với tôi, nó mang cả một khung trời kỷ niệm đầy nhung nhớ, luyến tiếc, của chuyến về Hànội ngày vào thu, trong buổi tiễn đưa khi phải chia tay con trai tôi.
07 Tháng Mười Một 2010(Xem: 7877)
ĐÀ LẠT DU KÝ Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít đ ược đề cập đến .
14 Tháng Mười 2010(Xem: 6320)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn Cuối) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
28 Tháng Tám 2010(Xem: 5659)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn II) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468