“C T K D 1” : 4 Năm Trường Học, 30 Năm Trường Đời

14 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 7545)
“C T K D 1” : 4 Năm Trường Học, 30 Năm Trường Đời
634174126621096841_139x200

“C T K D 1” :

4 Năm Trường Học,

30 Năm Trường Đời.


LÊ ĐÌNH THÔNG


 

Linh Mục S. Nguyễn Văn Lập 

 Ngày 24.9.1998

 

Anh Thông thân mến,

 

Mới được chiều hôm qua tài liệu anh viết về CTKD 1. Đã đọc cả đêm. Và hết sức vui. Đã làm photocopie để cho các anh bên này một bản.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Bên này cha hay gặp các anh Phạm Chí Thành, Cao Đình Phúc, Võ Thành Xuân. Các anh mới cho sơn nhà cha lại để mầng lễ 60 năm linh mục, ngày 18 tháng 10 (ngày 28 là ngày lễ thánh Simon, là lễ bổn mạng).

Gởi lời kính thăm các thầy và cầu chúc tất cả anh chị em mọi sự may mắn.

 

Thân ái,

Ký tên : S. Nguyễn Văn Lập


Trên đây là thủ bút của Cha Viện trưởng S. NGUYỄN VĂN LẬP in nơi trang 24, Đặc san Kỷ niệm 30 năm Khóa I - Chính trị Kinh doanh Viện Đại học Dalat.


§ Trong tháng 9-1998, Cha Viện trưởng S. NGUYỄN VĂN LẬP đã đọc tài liệu này và để lại di bút như trên.

 

§ ‘‘4 năm trưởng học 30 năm trường đời’’ trich từ Đặc san vừa dẫn, tr. 557 -563.


§ Tác giả chân thành cám ơn các bạn Nguyễn Thế Sanh, Võ Thành Xuân, Bùi Đình Phùng đã tái sanh (), đem lại mùa xuân (), khiến bài báo năm cũ (1998) có cơ duyên trùng phùng () (Paris, ngày 2-8-2010).

  



1 - Trong bài Tìm Lại Nhau mở đầu Đặc san Kỷ niệm 30 năm CTKD 1, Nguyễn Tường Cẩm ngỏ lời:

 “ Vì cùng chung nhiều kỷ niệm thời đi học, chúng ta không nên phân biệt kẻ sống hay chết, bỏ ngang học hành, thay đổi phân khoa hay vẫn tiếp tục cho đến mãn khóa, không nên phân biệt kẻ đậu người rớt, sống ở hải ngoại hay còn ở quê nhà, không phân biệt ở Pháp, Úc, Canada hay Hoa kỳ. Chúng ta lại càng không nên phân biệt giàu nghèo, thành công hay thất bại, vì hoàn cảnh hay số mạng của mỗi người. Hoặc những mặc cảm thua kém hay tự tôn hơn người! Tất cả ở đây chỉ có tình bạn, cùng những kỷ niệm đẹp nhất của thời thanh xuân”.

 Lời tâm bút của Nguyễn Tường Cẩm có khác chi câu thơ của Tản Đà:

 Chim kia còn biết gọi đàn,

 Chút tình hữu ái chị bàn cùng em.

 Không gian và thời gian trong câu thơ lục bát của Tản Đà hạn hẹp hơn câu nói của họ Nguyễn. Chim cất tiếng gọi đàn trong vườn hoa hiện tại, khi cả chị lẫn em còn trẻ trung. Còn không gian của văn là không gian chập chùng: nơi hải ngoại và chốn quê nhà. Nơi hải ngoại lại tản mát khắp bốn phương trời: từ Hoa Kỳ, Canada tới Úc, Pháp. Thời gian cũng đã quá nửa đời người. Một lời tâm sự như thế dễ làm người nghe xúc động. Nếu nghe câu nói của Nguyễn Tường Cẩm vào một thời điểm nào đó, như ở đâylúc này, mỗi người đã ở vào một vị trí nhất định nào đó: giàu hoặc nghèo (nhưng cũng có người ‘‘chẳng giàu chẳng nghèo chỉ làng nhàng”, Tú Xương), thành hay bại v.v. Nhưng nếu nhìn lại quãng đời đã qua của mỗi người, thịnh - suy chính là trạng thái tiếp nối không ngừng (alternative) của cùng một kiếp người. vào

 Thịnh suy như lộ thảo đầu phô (盛 衰 如 露 草 頭 鋪)

 (trích bài thơ Thị đệ tử (示 弟 子) của thiền sư Vạn Hạnh (禪 師 萬 行), tịch năm 1018).

*

 2 - ”Tìm lại nhau” là tìm lại không gian “CTKD 1”. Không gian này mở ra vào năm 1964 và khép kín lại mấy tháng sau biến cố Tết Mậu thân, khi các nam sinh viên khoác bộ đồng phục kaki “quân sự học đường”. 1968: năm khóa 1 CTKD, các tân khoa lãnh bằng cử nhân vào tháng 11. Khi đó, Viện Đại học Dalat (thành lập năm 1958) đã có mười năm hoạt động. Và mỗi người chúng ta có 4 năm trường học (1964-1968) trong cõi thiên đàng thần tiên, tiếp đó là 30 năm trường đời (1968-1998) chập chùng biển dâu.

 Mỗi năm trong học trình bốn năm (four-year curriculum) đều có một tên riêng. Năm I: Nhập môn (freshman year). Năm II: Khái luận (somophore year). Năm III: nhiệm ý (junior year). Năm IV : sưu khảo (senior year).

- Các môn của năm nhập môn gồm có: Anh ngữ căn bản, Chánh trị học nhập môn, Dân luật đại cương, Xã hội học yếu lược, Kinh tế học nhập môn, Quản trị học nhập môn, Toán kinh thương, Tu từ và văn thể.

- Năm khái luận: Anh ngữ căn bản, Hành chánh học đại cương, Kinh tế học đại cương, Thống kê học đại cương, Lịch sử chính trị hiện đại, Lịch sử sự kiện xã hội, Phương pháp khoa học xã hội, Hình luật đại cương, Kế toán quản trị, Địa lý kinh tế, Diễn thuyết và thảo luận.

- Năm thứ ba có tên nhiệm ý vì ngoài các môn Anh ngữ chuyên khoa, Nhiệm vụ học, Giao tế nhân sự, Tổ chức công quyền Việt nam, còn có thêm 5 nhiệm ý: Báo chí, Ngoại giao, Kỹ nghệ, Thương mại và Tài chánh.

- Năm sưu khảo, ngoài môn Anh ngữ chuyên khoa và tiếp tục một trong năm nhiệm ý của năm thứ ba, còn thêm hai nhiệm ý mới là Sưu tầm và Hội thảo. Ngoài ra sinh viên còn đệ nạp hai phúc trình: một cá nhân và một tập thể.

*

3 - Trong năm thứ ba, có 24 sinh viên chuyên khoa Chánh trị chọn nhiệm ý Báo chí, về Sài gòn học tại trụ sở Việt Tấn Xã (118 Hồng Thập Tự), do giáo sư Nguyễn ngọc Linh (tổng giám đốc VTX) làm trưởng ban. Trong số sinh viên tốt nghiệp Thông tin Báo chí có Trần Văn Đại (thủ khoa báo chí), Trần Trọng Thức v.v... Di ảnh Trần Văn Đại, in trong đặc san này, có mặt hầu hết những nhà báo thời đi học : Lê Kim Lợi, Hoàng Ngọc Nguyên, Nguyễn Khải. Trong làng báo Saigon trước 1975 còn có mặt vài CTKD 1 (không xuất thân từ phân khoa báo chí), tạo được vị trí riêng như Độc Thủ (tuần báo Đời, nhật báo Sóng Thần của Chu Tử, Độc Lập v.v.), Hà Thúc Đạo (Hòa Bình), Anh Điển (Sóng Thần) v.v.

*

 4 - Trong số CTKD 1 có một số học tiếp cao học CTKD với học trình hai năm (Graduate Courses in Government and Business), nhập học qua một kỳ thi tuyển. Lúc đầu, ban Cao học CTKD – do giáo sư Nguyễn Cao Hách (thạc sĩ kinh tế học) làm khoa trưởng – tọa lạc trong ngôi nhà lầu một tầng ở phía sau nhà sách Xuân Thu (đường Tự Do) Saigon. Lối vào là con hẻm giữa hiệu sách và nhà thuốc tây La Thành Nghệ. Về sau, ban Cao Học – do giáo sư Phó Bá Long làm khoa trưởng – dọn về lầu 3 thương xá Tax: Thư viện (có nhiều giảng văn Chánh trị, Kinh doanh, văn chương Anh-Mỹ v.v. do các giáo sư đại học Hoa Kỳ biên soạn). Cơ sở nằm ngay góc đại lộ Nguyễn Huệ và đường Lê Lợi. Các phòng học quay về phía Lê Lợi. Năm I (Graduate I) gồm 12 môn học chưa kể Hội thảo - Thuyết trình (Seminars) và Phúc trình tập thể (Team Report). Năm II gồm 9 môn học. Ngoài ra là các Hội thảo chuyên khoa và một Luận văn kết khóa (final report).

Tôi còn giữ bản danh sách 12 sinh viên tốt nghiệp cao học CTKD, trong số có Mai Kim Đỉnh (thủ khoa khóa I CTKD), Trần Quang Trí (tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh, chủ tịch Tổng hội Sinh viên Saigon ), Vũ Sinh Hiên (hiện hoạt động với linh mục Chân Tín và giáo sư Nguyễn Ngọc Lan ở Saigon) và tôi. Trong số những sinh viên tốt nghiệp cao học CTKD (Dalat) có vài nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hiện định cư tại Hoa Kỳ như Đỗ Quý Toàn, Hoàng Xuân Sơn. Cấp học này nhằm cung ứng chuyên viên CTKD trong nước, vì phí tổn hoc MBA tại các đại học bên Mỹ như Stanford University, Harvard University, University of Pennsylvania quá cao (khoảng 23 100 USD/năm), điều kiện xuất ngoại lại khó khăn vì nước nhà khi đó còn trong tình trạng chiến tranh.

*

5 - Thành lập do nghị định số 1433/GD/PC/NĐ (GD : giáo dục, PC: Pháp chế, NĐ: Nghị định) ngày 13-8-1964 của tổng trưởng Văn hóa Giáo dục Bùi Tường Huân. (trong thập niên 80, sau khi dời trại cải tạo, tôi có dịp gặp giáo sư Huân, ở chung “hộ” với luật gia Nguyễn Văn Hưởng trong một biệt thự ở Gia Định. Sau khi qua Pháp, tôi được tin giáo sư Huân đã qua đời). Trung tuần tháng 8-1964, 1 075 sinh viên khắp nơi trong nước nhờ xem thông cáo đăng trong mục Tin cần biết các nhật báo Chính luận, Tự do, Sống, Hòa bình, Độc lập v.v., tấp nập lên Dalat theo học khóa I CTKD. Khi mới thành lập, phân khoa tân lập có tên là Trường Chánh trị, Kinh tế và Quản trị Xí nghiệp. Giáo sư Vương Văn Bắc, hiện trong ban cố vấn hội Ái Hữu Đại Học Đàlat tại Âu Châu, diễn giảng môn Chánh trị học khai giảng niên học 1964-1965. Trong số các bạn CTKD 1, nhiều người vẫn còn nhớ buổi diễn giảng đầu tiên này tại giảng đường Spellman. Nhiều danh xưng trong giảng khóa được dùng để đặt tên cho các nhóm sinh hoạt hoặc học tập, như nhóm Léviathan (lấy tên từ một tác phẩm của J. Hobbes). Giáo sư Vũ quốc Thúc giảng dạy Kinh tế học (Economics), giáo sư Phó Bá Long phụ trách môn Quản trị học nhập môn (Introductory managerial science), giáo sư Trần Long: Kế toán quản trị (Management Accounting), cha Bửu Dưỡng (1907-1987): Nhiệm vụ học (Deontology), giáo sư Dương Trung Tín : Dân luật (Civil law). Giáo sư Tín dạy được ít lâu thì bị ám sát. Lúc đó, tôi thay mặt Tổng hội Sinh viên Dalat tới tư gia (đồng thời là văn phòng luật sư) của giáo sư Tín ở ven hồ Xuân Hương, chia buồn cùng tang quyến. Giáo sư Dương Trung Tín là anh ruột bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, bộ trưởng y tế, xã hội và thương binh bù nhìn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhất cử nhất động đều do Hà Nội giật dây. Giáo sư Ngô Tằng Giao có văn phòng luật sư phía nhà thờ Dalat (quen gọi nhà thờ Con gà, vì trên tháp chuông có hình con gà), thay giáo sư Tín diễn giảng bộ môn Luật.

*

6 - Từ 1964 tới 1968, khung cảnh học tập của khóa I CTKD góp phần hình thành nhiều kỷ niệm đẹp nhất của thời thanh xuân. Các danh hiệu như Chánh trị Kinh doanh, Thụ Nhân, Hội Hữu v.v. gắn liền với lịch sử của Viện Đại Học Dalạt, đều xuất hiện trong “thời thanh xuân” này. Trong diễn văn ngày 28-4-1965, cha viện trưởng Nguyễn Văn Lập tuyên bố:

Ý thức trách nhiệm của mình trong phạm vi giáo dục và để khắc phục mọi khó khăn, chúng tôi thường tâm niệm lời giáo huấn của cổ nhân:


“Kế một năm không gì bằng trồng lúa,

Kế mười năm không gì bằng trồng cây,

Kế trăm năm không gì bằng trồng người.

Bách niên chi kế mạc như Thụ Nhân.’’

(百 年 之 計 , 莫 如 樹 人)


Từ đó, “Thụ Nhân” (樹 人) trở thành danh hiệu thân yêu đối với cả thầy lẫn trò xuất thân từ Viện Đại Học Dalat. Ngày nay các đơn vị Đại Học Dalat ở khắp nơi đều mang tên Thụ Nhân: Thụ Nhân trong nước, Thụ Nhân Nam Cali, Thụ Nhân Houston, Thụ Nhân Washington, Thụ Nhân Canada, Thụ Nhân Úc Châu (Victoria, Sydney…), Thụ Nhân Âu Châu v.v.

Giáo sư Trần Long, khoa trưởng trường CTKD và giáo sư Phó Bá Long, khoa trưởng Cao học CTKD cùng dịch bản Thụ Nhân này sang tiếng Anh-Mỹ như sau:

“Conscious of our responsibility in the task of education, and ever mindful of our many obstacles, we strive to implement the teaching of the ancients:

For a one-year plan it is best to grow rice,

For a ten-year plan it is best to grow tree,

For a one hundred-year plan it is best to grow people ! “

*

7 - Tới nay, tuy mái tóc các môn sinh CTKD I không còn xanh nữa, nhưng cây Thụ Nhân luôn xanh mầu. Trong chuyến thăm nước Pháp (10-1994), cha viện trưởng Nguyễn Văn Lập có kể cho kẻ viết bài này lai lịch huy hiệu Thụ Nhân của Viện Đại Học Dalat. Huy hiệu này là tượng hình cây thông trồng ven con đường trải nhựa, nằm phía trái cửa vào văn phòng. Bên kia đường là nhà để xe. Sau đó, con đường chia làm hai nhánh: nhánh “Tiền Giang” dẫn lên nguyện đường Năng Tĩnh trên đỉnh đồi. Còn nhánh “Hậu Giang” đổ xuống đại học xá, nằm lưng chừng thung lũng. Sau năm 1975, cha Lập tuy tuổi già sức yếu, cũng lặn lội lên tận Dalat, thăm lại cây thông Thụ Nhân, tên khoa học là pinus dalatensis (thông Dalat) (Phạm Hoàng Hộ, Cây cỏ Việt Nam, quyển 1 - tập 1, tái bản năm 1991, tr. 270). Trong làn sương sớm, cha xót xa nhận thấy gốc cây khô héo vì không người chăm sóc. Cây khô héo hay nền giáo dục cằn cỗi ? Trong khoảnh khắc, cha mường tượng gốc cây là những nhà giáo dục ; những cành héo hon vàng úa là các môn sinh đã qua đời: Trần Văn Đại, Nguyễn Lập Chí (chủ tịch ban đại diện CTKD, 1964 ), Đỗ Bùi Đống và nhiều người khác nữa xuất thân từ khóa I và các khóa đàn em ; những cành còn lại là tất cả chúng ta, có trách nhiệm nâng đỡ thế hệ con em, những chồi non tuổi xanh.

*

8 - Trong số các bạn CTKD I lìa trần, tôi xin nói về Trần Văn Đại. Trong tác phẩm Hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975) do Văn nghệ xuất bản, nhà văn Võ Phiến viết về nhánh Thụ Nhân vùi dập trong Biển Đông này như sau: “Trần Đại. Sinh tại Bắc Việt năm 1941. Di cư vào Nam năm 1954. Dạy học. Sau 1975, mất tích trên đường vượt biển tị nạn chính trị. Tác phẩm: Con đường (tựa của Vũ hoàng Chương, 1963)’’. Lời tòa soạn (LTS) giới thiệu bài Thương nhớ Trần Đại (10-1984) của Minh Hân Lê Kim Lợi, em của giáo sư Lê Kim Ngân, in lại trong đặc san này, ôn lại thân thế Trần Văn Đại như sau :‘‘Trần Đại tốt nghiệp thủ khoa Báo chí thuộc Viện Đại Học Dalat năm 1968. Anh là một ký giả nổi tiếng của Việt Tấn Xã và nhiều báo tư nhân khác tại Saigon khoảng thập niên 70. Anh còn là giám đốc báo chí bộ Lao động, giáo sư môn diễn thuyết Thảo luận và Báo chí tại Viện Đại học Dalat. Anh là tác giả các bài thơ Con đường, Chiến tranh và Tình yêu và một tập khảo luận về Diễn thuyết Thảo luận. Giữa năm 1979, anh cùng vợ là nữ ký giả Bình Minh và con gái vượt biên, chẳng may thuyền trôi dạt vào đảo san hô và bị tử nạn cả gia đình”. Chị Bình Minh từng làm việc tại Việt Tấn Xã, cùng lượt với vài nhà báo khác xuất thân từ các Đại học Luật hoặc Văn khoa (Huế và Saigon). “ Trần Đại ơi, khi viết mấy dòng chữ này, tao chợt nhớ lại căn nhà của mày vào những năm 60 ở Phú Thọ, nhất là thời gian cùng mày học khóa Sư phạm của sư huynh Gérard (giám đốc kinh viện La San Dalat – hiện là linh mục ở Lille, đã từ trần). Tôi sẽ ráng nhặt nhạnh các bài thơ ký tên Trần Đại đăng trên tạp chí Bách khoa (Saigon, trước năm 1975), may ra chắp lại thành linh hồn thi ca của người bạn vắn số, viết bài tưởng niệm một nhà thơ xuất thân từ CTKD I. Nếu ai có hỏi vì sao Trần Văn Đại lấy bút hiệu là Trần Đại, tôi xin giải thích thay người bạn vắn số. Trần Đại làm thơ thay vì viết văn. Khi chọn bút hiệu, nhà thơ chỉ việc bỏ chữ “Văn” cho thích hợp. Tập thơ cuối của Trần Đại có tên Chiến tranh và Tình yêu. Cuộc hành trình cuối đời của nhà thơ, dẫn theo cả vợ con, biểu tượng trọn vẹn của “Tình yêu”, trong tình huống cực kỳ bi thảm, vốn là hệ lụy sót sa của “Chiến tranh” . Đó là cách viết khác của Chiến tranh và Tình yêu, lần này không phải bằng mực, mà “bằng máu và nước mắt”, như có lần Trần Đại mượn lời Sir Winston Churchill, viết trong bài giới thiệu số ra mắt tờ báo quay ronéo của Tổng hội Sinh viên Dalat, vào khoảng năm 1966. (Churchill: Je n’ai rien à offrir que du sang, du labeur, des larmes et de la sueur, Discours, 1940). Trong số báo thời đi học nay tuyệt bản, Trần Văn Đại cho sắp bài Sinh viên và Lịch sử của tôi vào hai trang 2,3. “Trần Đại ơi, tao có thắp nhang đâu mà vẫn nhạt nhòa nước mắt vì nhớ mày”.

*

9 - Một năm trước ngày khóa I ra trường, Viện Đại Học Dalạt tổ chức khóa hội thảo “Mục tiêu Quốc Gia” (từ 24 tới 29-7-1967), dưới sự bảo trợ của Hội đồng các Viện trưởng Đại học Việt Nam. Khóa hội thảo được dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi. Ban tổ chức gồm 12 vị giáo sư (theo mẫu tự): Bùi Xuân Bào, Vương Văn Bắc, Võ Xuân Bằng, Lâm Tô Bông, Vũ Trọng Cảnh, Ngô Đình Long, Phó Bá Long, Trần Long, Lưu Mậu Thành, Trần Chánh Thành, Vũ Quốc Thông và Vũ Quốc Thúc. Ngoài ra là Văn phòng Hội thảo gồm 8 sinh viên khóa I : Lê Kim Ánh, Nguyễn Thị Dục Tú, Trần Văn Chang, Nguyễn Hữu Dục, Nguyễn Viết Dũng, Mai Kim Đỉnh, Nguyễn Hương Giang, Lê Đình Thông. Tôi được chỉ định làm văn phòng trưởng nên phụ trách một số công tác, như trình lên cha Viện trưởng danh sách các hội thảo viên và đại diện báo chí (trong số có hai nhà báo Đỗ Quí Toàn, Đỗ Ngọc Yến hiện định cư ở Hoa Kỳ), vẽ maquette chương trình hội thảo, sau đó giao cho ấn quán Viễn Đông (IDEO: Imprimerie de l’Extrême-Orient), ở cạnh Saigon Điện lực (phía sau quốc hội), in rất đẹp. Nhờ vậy, tôi còn cất giữ bản tiếng Pháp của tờ chương trình này. Ngoài ra là hai bản tiếng Việt và tiếng Anh trên cùng một mẫu in, nhưng đều bị thất lạc cả.

Sau hội thảo, hai giáo sư Trần Chánh Thành và Vương Văn Bắc lần lượt tham chánh, với cùng chức chưởng là tổng trưởng Ngoại giao, hai giáo sư Phó Bá Long và Đàm Sĩ Hiến: tổng trưởng Lao động, giáo sư Bùi Xuân Bào; thứ trưởng Văn hóa Giáo dục. Một số hội thảo viên như cựu trung tướng Trần Văn Đôn (1917-1998) cũng trở lại tham chánh. Ngoài ra, 6 trong số 12 vị trong ban tổ chức tham gia liên danh Sư tử trong cuộc bầu cử thượng nghị viện(1967). Ngoài ý nghĩa thông thường, sư tử còn có nghĩa (chiết tự) : thầy (sư : 師) ; con (học trò à tử : 子). Liên danh gồm 10 giáo sư đại học: Vũ Quốc Thúc (sinh năm 1920), Nguyễn Cao Hách (1918), Vũ Quốc Thông (1917), Hồ Thới Sang (1928), Lưu Mậu Thành (1929), Thái Tường (1926), Lâm Tô Bông (1915), Lê Thiện Ngọ (1935), Phó Bá Long (1922) và Trần Long (1928). Ngoài hai giáo sư Thái Tường và Lê Thiện Ngọ, 8 vị còn lại đều là giáo sư trường CTKD. Tiểu sử của thụ ủy liên danh là giáo sư Vũ Quốc Thúc như sau: thạc sĩ kinh tế học, nguyên tổng trưởng Quốc gia Giáo dục, nguyên thống đốc ngân hàng quốc gia, giáo sư đại học Saigon, Dalat, Vạn Hạnh. (Ngày 5-10-2010, Giáo sư Vũ Quốc Thúc mừng thượng thọ. Giáo sư Phó Bá Long: cao học kinh doanh (M.B.A) đại học Harvard, giáo sư trường CTKD, hội viên hội đồng quản trị ngân hàng quốc gia Việt Nam. Giáo sư Trần Long: cao học kinh tế tài chánh (M.A) đại học Syracuse, khoa trưởng trường CTKD, giảng sư trường Đại học Chiến tranh Chính trị. Liên danh có dấu hiệu “sư tử cầm bút”. Khẩu hiệu: Ấm no đèn sách thái bình, hãy bầu “sư tử”- Liên danh “Học đường”.

*

Trong ban tổ chức, giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991) đã qua đời tại bệnh viện Villejuif (chuyên về cancer) ở ngoại ô Paris. Giáo sư Vũ Quốc Thông (1917-1987) (bào huynh của giáo sư Vũ quốc Thúc) mất ở Saigon sau ngày được “tạm tha”. Trước khi mất, giáo sư Thông (nhà ở đường Yên Đổ, Saigon) vẫn dùng xe đạp di chuyển. Giáo sư Trần Chánh Thành (1916-1975) quyên sinh ngày 1-5-1975 tại nhà riêng ở đường Duy Tân Saigon. Tối hôm lễ lao động, giáo sư Thành mời các thân hữu tới nhà dùng bữa cơm thịnh soạn. Khi tiệc gần tàn, chủ nhân nói bị nhức đầu, cáo lỗi thực khách xin lên lầu nằm nghỉ. Gần trưa hôm sau, người giúp việc không thấy chủ nhân, mở cửa vào thấy vị thầy khả kính của CTKD I và nhà chính trị lão thành của VNCH đã qua đời. Thầy Thành bận bộ âu phục sậm mầu chỉnh tề, chung quanh linh sàng là ảnh phu nhân (từ tràn năm 2010) và các con của thầy, đều đã xuất ngoại. Mấy hôm sau, gia đình anh chị Thẩm Đình Quán (em vợ) an táng thầy trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Sau này nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi biến cải thành công viên. Di hài thầy được hỏa thiêu, di ảnh thờ ở chùa Pháp Hoa (hẻm cạnh đại học Vạn Hạnh, bên bờ sông Trương Minh Giảng), có thượng tọa Tuệ Hải trụ trì.

*

 Ngoài ra, trong văn phòng hội thảo, thân phụ chị Lê Kim Ánh khi đó là trưởng ty bưu điện Dalat. Anh của Trần Văn Chang là giáo sư Trần Bích Lan (1932-1998) tức nhà thơ Nguyên Sa, vừa qua đời ở Hoa Kỳ. Nguyễn Viết Dũng là con của nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. Nhà báo Sơn Điền từng làm việc tại Việt Tấn Xã, đồng thời viết bài bình luận cho nhiều báo tư nhân. Ông của Mai Kim Đỉnh là cụ Chánh trí Mai Thọ Truyền, một nhân sĩ Phật giáo và tác giả Phật học nổi tiếng, đã qua đời. Ngoài ra mới đây tôi có đọc trong cuốn Người Việt Nam ở nước ngoài của Trần Trọng Đăng Đàn (Hà Nội, 1997), thấy viết “MAI KIM ĐỈNH- Người Việt Nam ở Xingapo- Điều phối viên chương trình Việt Nam thuộc quĩ tài trợ Hanns Seldel Foundation (Đức). Trích ý kiến trao đổi với báo Lao Động, 1-9-1994 (…)” (sdd, tr 390-393). Trong Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (14-3-1998) có đăng một “thông cáo tuyển sinh” như sau: Đại học kinh tế quốc dân hợp tác với đại học công nghệ Nanyang, Singapore dưới sự tài trợ của quĩ Hanns Seidel Đức, tổ chức chương trình đào tạo sau đại học quản trị kinh doanh cao cấp cho các nhà doanh nghiệp VN. (Học 1 năm. Học vị: Diploma in Executive Management Development).

*

 Ngoài các bạn trực tiếp tham gia khóa hội thảo, tôi xin nói thêm về một số anh chị khác. Theo Nguyễn Tường Cẩm trong bài Tìm Lại Nhau đã dẫn, “ … chúng ta từng hãnh diện là khóa đầu đàn, đông đảo ồn ào nhất(…) những con nhà khá giả nhất tụ họp lại”. “Những con nhà khá giả nhất” là những bạn thân quen, thiết tưởng không cần nhắc lại. Trong bài này, tôi chỉ xin gợi lại bậc sinh thành của các bạn đồng học từng góp phần xây dựng văn hóa nước nhà. Như trường hợp Phạm Chí Thành. Anh là con nhà sử học Phạm Văn Sơn. Hồi còn học đại học Dalat, tôi có lần lại nhà Thành ở đường Gia Long (Saigon). Sau nhiều năm mất liên lạc, tôi vừa nhận được thư của Phạm Chí Thành viết ngày 15-6-1998. Trong tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử (Hà Nội), Trương Hữu Quýnh viết về nhà sử học Phạm Văn Sơn như sau: “ Phạm Văn Sơn đã biên soạn và cho xuất bản bộ sử Việt Nam từ nguồn gốc xa xưa cho đến những năm gần đây, gồm 6 tập dầy tất cả trên 2000 trang nhan đề “Việt Sử Tân Biên”. Đây là bộ sử Việt Nam trọn vẹn duy nhất xuất bản ở miền Nam”. Sau năm 1975, nhà sử học chung phần số với với các nhà văn hóa khác như Nguyễn Mạnh Côn (sinh năm 1920), Vũ Hoàng Chương (1916), Hồ Hữu Tường (1910) v.v. bị sa chân vào trại cải tạo rồi từ trần. Khi là luật sư ở Saigon, tôi có lần biện hộ cho con trai của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trong một tai nạn lưu thông. Trong bài Biện chứng Nhân quyền trên thế giới và Việt Nam, in trong tập biên khảo về nhân quyền (do giáo sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về Nhân quyền, chủ biên), tôi có thuật lại các chết bi thảm của tác giả cuốn Đem tâm tình viết lịch sử (xuất bản năm 1958).

*

10 - Nhân nói về một số nhà văn hóa miền Nam, tôi xin kể thêm vài kỷ niệm về hai giáo sư Trần Văn Tuyên (sinh năm 1913 tại Tuyên Quang) và Vũ Quốc Thúc. Sau năm 1968, thỉnh thoảng tôi có dịp gặp lại giáo sư Trần Văn Tuyên tại văn phòng luật sư đường Gia Long (Saigon), đối diện với bộ Quốc phòng. Lúc đó, tôi chỉ là một thanh niên ngoài 20 tuổi, nhưng khi tiếp chuyện, thầy Tuyên vẫn tỏ ra tôn trọng người đối diện. Thầy có phong thái điềm đạm, giọng nói sang sảng, lý luận chắc nịch. Khi đó thầy là dân biểu đối lập, đồng thời hành nghề luật sư. Năm 1974, luật sư Trần Văn Tốt là thủ lãnh luật sư đoàn. Năm sau, thầy Tuyên lên thay, trở nên vị thủ lãnh cuối cùng của luật sư đoàn Saigon. Tôi còn nhớ sáng 1-5-1975, tôi đang đi trước nhà thờ Đức Bà (Saigon) thì thấy chiếc xe 404 mầu đen chở thầy đi từ nhà riêng (ở đường Hồng Thập Tự, ngang vườn Tao Đàn) tới tòa án (đường Công Lý) làm việc như không có biến cố 30-4. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp thầy. Biến cố 30-4 không làm thầy nao núng hoặc khiến thầy phải từ bỏ sư khảng khái của kẻ sĩ. Sau này tôi có nghe kể lại năm tháng tù đầy của thầy. Vì thái độ “uy vũ bất năng khuất” (威 武 不 能 屈), các cán bộ cộng sản đầy ải thầy cho tới chết. Thầy Tuyên để lại cho văn học miền Nam mấy tác phẩm: Lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX (1959), Chánh đảng (có lẽ cải biên từ giảng văn của thầy dành cho CTKD I, vì thầy viết tựa sách “chánh”, cũng như cách viết Chánh trong CTKD, in năm 1967 (CTKD I: 1964-1968) và Người Khách Lạ (1968).

Tiếp theo là một kỷ niệm về thầy Vũ Quốc Thúc. Năm 1975, các cán bộ tiếp quản đại học luật khoa Saigon bắt các giáo chức và luật gia phải tham dự khóa sinh hoạt chính trị tại chỗ. Trong một buổi sinh hoạt, thầy Thúc đã chậm rãi nhắc lại công thức W=mc2 của Einstein. Thầy nói đại ý: “ c là tốc độ ánh sáng trong khoảng trống rỗng (vide), vốn không phải là vật chất. Vì vậy, nếu chỉ công nhận vật chất mà phủ nhận tinh thần là sai”. Cũng như thầy Tuyên, thái độ của thầy Thúc chứng tỏ là “uy vũ bất năng khuất”, khiến cử tọa thán phục. Có lần thầy Thúc nói với kẻ viết bài này: “Tôi sinh năm 1920, năm ta là Canh Thân, đồng canh với Đức Giáo Hoàng (Jean-Paul II)”. Thầy Thúc cho biết đang viết hồi ký gồm 2 tập, vừa xuất bản tháng 8 năm nay (2010) .

*

11 - “CTKD” là viết tắt của bốn chữ “Chánh Trị Kinh Doanh”:

Như bốn điều di ngôn của cha Lê Văn Lý gửi cho kẻ viết bài này ít tháng trước ngày từ trần. “Người ta thường nói: nhất thân, nhì thế, tam ngân, tứ chế. Càng sống lâu, càng thấy câu nói đó rất đúng. Ở đời không gì quí bằng người thân’’.

 

 Và như bốn điều khác, gợi ý từ câu nói trên: nhất Lập, nhì Lý, tam Long, tứ Linh. Lập là cha Nguyễn Văn Lập, (sinh năm 1911). Lý là cha Lê Văn Lý (1913-1992). Tam: vừa là số thứ tự (nombre ordinal: thứ ba), vừa là số đếm (nombre cardinal): có ba thầy tên Long (Trần Long, Phó Bá Long, Ngô Đình Long). Tứ Linh (四 靈) vừa có nghĩa: thứ tư là cha Ngô Duy Linh (1922-1998), vừa có nghĩa: bốn điều linh thiêng, “tứ trụ” (四 柱) nâng đỡ khóa I CTKD. Vì khuôn khổ bài viết, tôi chỉ nói thêm về “nhất Lập”.

*

Khi nhắc lại lịch sử trường CTKD, thầy Trần Long xác nhận: ‘‘Người chủ chốt phải là cha Lập’’. Năm 1964, cha Nguyễn Văn Lập là “người chủ chốt” của phân khoa tân lập CTKD. Hơn nữa, cha còn là bản lề tập sách vở CTKD của mỗi môn sinh. Trang giấy học trò nay úa mầu thời gian, các dòng chữ biên chép phương trình, phương trận v.v. đều chắp cánh bay đi. Nhưng tên cha vẫn còn đó. Trong giảng đường, các bậc thầy diễn giảng trên bục cao. Chỉ riêng cha là “xuống đường”, đồng hành với sinh viên trong các sinh hoạt thường ngày. Như có lần cha và các môn sinh ung dung dùng cơm tối trong một cửa tiệm đầu dốc Minh Mạng (Dalat). (Bên kia đường là hiệu sách báo, con chủ nhân là một nữ sinh viên Đại Học Dalat, sau này là phu nhân của nhà thơ Cao Tần, tức nhà báo Kiều Phong, nhà văn Lê Tất Điều). Tôi quên mất hương vị của món ngon hôm đó. Nhưng hương vị ngọt ngào của tình thầy trò thì vẫn còn mãi trong tâm trí. Sau này, nếu nhóm Đặc san của Nguyễn Tường Cẩm biến thành tủ sách Thụ Nhân, xuất bản những tập “lưu bút ngày xưa”, tôi tự nguyện viết một tập sách mang tên Cha Lập. Nhưng có phải ước nguyện nào cũng thực hiện được đâu. Nên tôi viết thêm mấy hàng này. Một ước nguyện, dù chỉ mới thực hiện dang dở, còn hơn là ôm ấp mãi trong lòng.

(Tôi đã thực hiện ước nguyện này, viết bài Cây Thụ Nhân bên cổng Thiên đường, in trong tập Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập do Thụ Nhân Paris xuất bản năm 2002 (440 trang).

Viết về cha Lập, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Cha là người cha của mỗi nhánh Thụ Nhân. Tâm tình của tôi đối với cha không bộc lộ bao nhiêu. Và ngược lại, cha đối với tôi cũng rất chừng mực. Một tình cảm như thế sẽ dãi dầu, bền bỉ. Tôi còn nhớ sau mấy năm ở Dalat, một hôm cha gọi tôi vào văn phòng viện trưởng và bảo: Con đánh máy cho cha lá thư từ chức viện trưởng. (Vào giai đoạn đó, người ta dùng máy chữ “đánh máy” văn thư. Hợp tác xã SIVIDA (Sinh Viên Dalat) do Trần Quang Cảnh (con cụ Phối sư Trần Quang Vinh, nguyên tổng trưởng Quốc phòng, chết trong trại tập trung) phụ trách, đánh máy bài học trên giấy sáp (stencil), rồi bơm mực vào máy ronéo để in giảng văn). Cha giải thích vắn tắt lý do cha viết lá thư này. Đôi mắt cha không ngăn được sót sa. Nhà văn Pháp Anatole France có lần thổ lộ: Tous les changements, même les plus souhaités, ont leur mélancolie. (Mọi việc vật đổi sao dời, ngay khi hằng mong mỏi, cũng đượm sầu). Cha dặn tôi lót mấy tờ giấy than, đánh thành mấy bản. Sau đó cha tự xé vụn từng tờ carbone mới, in hằn chữ viết trên nền than, dặn tôi giữ kín. Thông thường, 30 năm sau ngày xảy ra sự việc, người ta đã có thể giải mật (declassified). Thì xin coi đây là lời tường thuật muộn màng.

*

Lúc còn giữ trọng trách viện trưởng, có đôi lần cha chấp thuận cho tôi tổ chức “hội thảo bỏ túi” trong phòng khách của cha, sau bữa cơm tối. Cha đưa cho tôi sử dụng máy ghi âm cassette (viết tắt: K7) hiệu Philips, mới mua ở Pháp nhân dự hội nghị UNESCO. Chiếc máy cassette này là thế hệ K7 thứ nhất du nhâp Việt Nam. Khoảng giữa thập niên 60 chỉ có tape recorder, phần nhiều mang nhãn hiệu Akai cồng kềnh. Các vị giáo sư có mặt đều tấm tắc khen máy ghi âm K7 tiện dụng. Trong hội thảo, tôi là người trình bầy vấn đề, sau đó mời các vị giáo sư trao đổi. Hầu hết các thầy tham dự “hội thảo bỏ túi” đều tham gia ban tổ chức khóa hội thảo “Mục tiêu quốc gia”, tổ chức khoảng một năm sau. Sau đó, tôi ghi lại nội dung thảo luận và gửi đăng trên nhật báo Sống của Chu Tử (trúng đạn ngày 30-4-1975 trên boong tầu Việt Nam Thương tín, gần cửa Cần giờ. Thủy táng tại Vũng tầu).

*

Ba mươi năm sau, khoảng tháng 10-1994, cha Lập kêu điện thoại cho tôi từ Bretagne, bảo tôi ra đón cha ở sân ga Montparnasse, tìm cho cha một nơi tạm trú có nhà nguyện để sáng sáng cha cử hành thánh lễ. Trong một tháng ở Paris, đi đâu cha cũng cho tôi đi theo. Cha có tới nhà tôi mấy lần, một lần để “kiểm tra sức khỏe”, như cha kể lại trong bài phỏng vấn. Ngày 16-10, cha dùng cơm thân mật với toàn thể gia đình Thụ Nhân tại Pháp. Tôi được hội giao công tác soạn thảo diễn văn, có thủ bút của các vị giáo sư và các bạn hội viên hiện diện, để cha mang về nước lưu niệm. Trong tài liệu này, được tờ Thụ Nhân Washington in lại trong số tháng 3-1995, có đoạn viết:

“Tha nhân của cha hôm nay là Thụ Nhân của cha ngày trước. Khi phục vụ tha nhân cũng như khi vun trồng cây Thụ Nhân, cha không hề phân biệt thành phần, tôn giáo. Thời thế tuy đã đổi thay và sẽ còn thay đổi nhưng lý tưởng của cha trước sau như một. Vì vậy, nghênh đón cha hôm nay là nghênh đón một tấm lòng (…)”.

*

Năm 1996, nhân việc Thụ Nhân Paris bầu lại ban chấp hành, trong buổi họp, Lưu Văn Dân bảo tôi: ‘‘Toa là con cha Lập, toa từ chối sẽ làm cho cha Lập buồn’’. Ai mà chẳng là con cha Lập. Nhưng tục ngữ có câu: ý dân là ý trời. Tôi đành nghe theo ý Dân (viết hoa). Trong hai năm hoạt động (1996-97), ngoài các công việc bình thường, đáng kể là Đại hội Thụ Nhân Thế giới, dự định tổ chức tại Paris vào tháng 7-1997. Một trong những mục tiêu chính của Đại hội là vinh danh cha viện trưởng Simon Nguyễn Văn Lập. Theo dự tính, đơn vị có đông hội viên (Mỹ hoạc Úc) sẽ phụ trách cơ cấu Thụ Nhân thế giới cho danh chính ngôn thuận. Tôi dự định đệ trình đại hội hai văn kiện quan trọng có liên hệ đến nhau: tôn cử cha Lập làm chủ tịch danh dự của Thụ Nhân toàn cầu, đồng thời đề nghị (anh hoặc chị cựu sinh viên) chủ tịch cơ cấu tân lập ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi hàng giáo phẩm, xin vinh thăng cha Lập lên hàng Đức Ông. Cha là nhà tu hành. Tôi thiết nghĩ một quyết định như vậy (nếu có) có thể đền bù đắp phần nào công lao khó nhọc của cha. Nhưng việc triệu tập đại hội bất thành. Tôi đành sử dụng thẩm quyền rất giới hạn của một đơn vị địa phương (Hội Ái hữu Đại hoc Dalat tại Âu châu), hành động trong mấy tháng cuối nhiệm kỳ. Phần viện dẫn lý do của thư thỉnh nguyện ngày 27-9-1997 kính gửi hàng giáo phẩm, nguyên văn như sau:

“Trước năm 1975, Viện Đại học Dalat, cơ sở giáo dục trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã thực hiện nhiệm vụ giáo dục ấn định nơi điều 807 của bộ Giáo luật: “Lus est Eccesiae erigendi et moderenti studiorum universitates, quae quidem ad atiorem hominum culturam et pleniorem peronae humanae promotionem necnon ad ipsius Ecclesiae munus docendiimplendum conferant”. Trong thời gian từ 1961 tới 1970, cha Simon Nguyễn Văn Lập, nguyên giám đốc Trung tâm Công giáo Tiến hành Việt Nam (1958-1961), được Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Đại học Dalat. Ngoài các phân khoa Thần học, Văn khoa, Sư phạm, Khoa học, Ngài còn có công sáng lập trường Chánh trị Kinh doanh (1964). Trong suốt quá trình giảng dậy, Viện Đại học Dalat đào tạo nhiều nhà lý luận (théoriciens) và thực hành (practiciens) thuộc nhiều bộ môn khác nhau, không những có trình độ khoa học kỹ thuật tương xứng với học vị cấp phát, mà còn thấm nhuần “văn hóa căn bản” và “thăng tiến nhân sinh” (canon 807, dẫn thượng). Những môn sinh xuất thân từ Viện Đại Học Dalat hiện phục vụ xã hội với nhiều cương vị khác nhau.” (…)

Sau khi đệ trình thỉnh nguyện thư, tôi lần lượt gặp riêng Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, ba tổng giám mục Nguyễn Như Thể (Huế), Phạm Minh Mẫn (Saigon), Nguyễn Văn Thuận (Rome), Đức TGM Mario Tagliaferri, Sứ thần Tòa Thành tại Pháp, với cùng một mục đích. Việc làm này may mắn được hội Thụ Nhân trong nước “đồng thanh tương ứng”. Trong thư ngày 5-6-1998 kính gửi Đức tổng giám mục Phạm Minh Mẫn có chữ ký của Phạm Chí Thành và Cao Đình Phúc, bản sao gửi cho chúng tôi (15-6-1998), có đoạn viết:

“Chúng con mạo muội dâng thư này lên Đức Cha để nhắc lại thỉnh cầu của đại gia đình cựu sinh viên Đại Học Dalat xin giáo hội ân thưởng danh hiệu Đức Ông cho linh mục Simon Nguyễn Văn Lập, cha sở họ Fatima Bình Triệu, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Dalat, vì công lao trọn đời Ngài đã dành cho sự nghiệp mục vụ và giáo dục. (…) Trong thư thỉnh nguyện, Hội Ái hữu Đại học Dalat tại Âu châu đã trình bầy về công nghiệp của linh mục Simon Nguyễn Văn Lập như một chủ chiên tận tụy và một nhà giáo dục lỗi lạc của Giáo hội Công giáo Việt Nam.” (…)

 Ngày 21-6-1998, tôi có may mắn được Đức TGM Phạm Minh Mẫn tiếp kiến ân cần tại Paris. Chúng tôi trình bầy đầy đủ sự việc và được vị TGM tân phong của giáo phận Saigon hứa cứu xét thuận lợi thư thỉnh nguyện của các đơn vị Thụ Nhân Paris (27-9-1997) và Saigon (15-6-1998). Các nỗ lực này khiến toàn thể CTKD I chúng ta hy vọng một quyết định chung cuộc, đánh dấu đầy ý nghĩa 40 năm thành lập Viện Đại Học Dalat (1958-1998), đại lễ thượng thọ cha Viện trưởng Simon Nguyễn Văn Lập (28-10-1911 à 28-10-1998) và 30 năm khóa I CTKD lãnh bằng cử nhân tốt nghiệp (11-1968 à 11-1998).

Trong bài Người Ông (Đặc san, tr. 9), chúng tôi nhắc lại sự việc này như sau : Bản tin Thụ Nhân Âu châu có nhắc đến việc tôi điện thoại cho tân Đức Ông vào giữa tháng 11-1998. Trong điện đàm, chúng tôi đọc nội dung sắc phong bằng tiếng la tinh mà Ngài sẽ tiếp nhận cùng với phẩm phục Đức Ông vào tháng 12-1998.


*

12 - Nhân một cuộc hội luận, Thụ Nhân Paris đã giới thiệu “mái trường cũ, mà người ta gọi là Alma Mater, Bà Mẹ Hiền” (lời cha Nguyễn Văn Lập):

Giáo sư Trần Long, khoa trưởng tiên khởi của Trường Chánh Trị Kinh Doanh đã tóm lược lịch sử thành lập và danh hiệu của trường như sau: “Người chủ chốt là cha Nguyễn Văn Lập (Viện trưởng Viện Đại học Dalat), kế đó là ba Đức cha Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Thiện và Nguyễn Văn Hiền, sau nữa là ba giáo sư Bùi Xuân Bào, Vũ Quốc Thúc, Phó Bá Long và cuối cùng là tôi”. “Tôi (giáo sư Trần Long) cho rằng danh hiệu của trường chúng ta rất quan trọng. Sau nhiều đêm trần trọc mất ngủ, tôi đã đề nghị cha Lập cải danh “Trường Chánh trị, Kinh tế và Quản trị Xí nghiệp” thành “Trường Chánh trị Kinh doanh” (dịch sang tiếng Mỹ là School of Government and Business) (Đặc san Thụ Nhân Houston, 1995, tr.69).

*

Như vậy tiền thân của “Kinh Doanh” là “Kinh tế và Quản trị Xí nghiệp”. “Chánh trị Kinh doanh” là:

(1) Cách nói tắt (contraction) vốn thông dụng trong lãnh vực khoa học.

(2) Thể hiện tính thực dụng (pragmatisme) của hệ thống giáo dục Anh-Mỹ (anglo-saxon) được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam trong học trình cử nhân và cao học Chánh trị Kinh doanh (thường viết tắt là CTKD).

Ngoài ra, danh hiệu “Kinh Doanh” còn thể hiện một sự phân biệt có từ thập niên 50 (mười năm trước ngày thành lập Trường Chánh trị Kinh doanh):

(1) Kinh tế vĩ mô (macroeconomics): Lý thuyết này có trong thuật từ “kinh tế” của tên trường lúc thành lập, và được giữ lại trong chữ “kinh” của tên trường sau này.

(2) Kinh tế vi mô (microeconomics): Bao gồm trong thuật từ “Quản trị Xí nghiệp” của tên trường lúc thành lập, và chữ “Doanh” của tên trường sau này. Ý nghĩa này được nhấn mạnh trong tên trường dịch sang tiếng Anh-Mỹ: Business (commercial firm), hoặc tiếng Pháp: Commerce (entreprise qui fait des operations commerciales). (Lê Đình Thông, Cổng Tam Quan; “Chánh Trị-Kinh Doanh-Ngoại giao dẫn vào kiến trúc chuyển đổi của đất nước, trong Hiện tình Việt Nam: Xây dựng Dân chủ, Phát triển và Đối ngoại, Thụ Nhân Âu châu xuất bản, 1997, tr. 100-101).

*

13 - Hơn cả văn bằng cử nhân hoặc cao học CTKD riêng của mỗi người là “Tinh thần CTKD I” cao quí, chung cho 1 075 cựu môn sinh “CTKD I”. Khác với học trình cử nhân 4 năm và cao học 2 năm, “Tinh thần CTKD I” được hun đúc suốt 30 năm qua bằng mồ hôi nước mắt của tất cả chúng ta, không phân biệt kẻ sống người chết, bỏ ngang phân khoa hay vẫn tiếp tục cho đến mãn khóa, kẻ đậu người rớt, thành công hay thất bại v.v.’’ (Nguyễn Tường Cẩm). Tinh thần đó tượng hình bằng cây Thụ Nhân reo trong nắng trong gió, trong đầu hôm sớm mai của dòng thời gian, nơi đầu thôn cuối ngõ của cõi không gian. Tiếng thông len lỏi tới tận nỗi bất thường, truân chuyên của kiếp người. Nhưng tấm thân vẫn luôn ngay thẳng, xanh cả tứ thời bát tiết. Cây thông “Thụ Nhân” vi vu bất diệt, từ trường học tới trường đời, là biểu tượng cho các bạn đồng môn “CTKD 1” còn sống hay đã mất.

*

Tôi xin mượn câu thơ bẩy chữ của Vũ Hoàng Chương, bầy tỏ tâm sự sau 30 năm ba chìm bẩy nổi, thay cho lời kết luận:

Ta đợi em từ ba mươi năm
Uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm
Heo may chớm đã lên mùa gió
Ngăn ngắt chiêm bao lạnh chiếu nằm.

 Ba mươi năm cách trở gom lại là ba kiếp lang thang. Âm vang năm cũ : lời thầy, tiếng bạn, đến nay còn chi nữa. Có chăng là tình thầy nghĩa bạn :

 Chúng ta mất hết chỉ còn nhau 1.

 Paris, tháng Sáu 1998

 Lê Đình Thông

--------

(1) Chúng ta đánh mất cả rồi sao?
Cả những âm thanh một thuở nào
Da trống tơ đàn ôi trúc phách
Đều khô như tiếng hát gầy hao.

. . . . . . .. . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Âm thanh trống rỗng còn chi nữa
Gắng gượng chi cho đời nhạt phai
Ba kiếp lang thang ngồi chụm lại
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau.

 

Vũ Hoàng Chương

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Một 2011(Xem: 29254)
" Đau đớn, nơi xưa thành tổ quỷ, Nghẹn ngào, chốn cũ biến hang ma. Âm thầm tưởng niệm ngày Cha mất, Đất khách đàn con lặng xót xa."
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6836)
ĐÀ LẠT DU KÝ (Phần 2) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6579)
Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập Giáo Sư Nguyễn Cao Hách gọi Cha là vị lãnh đạo tinh thần cao cả. Đối với Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Cha là một nhân vật siêu việt, gia trưởng của đại gia đình Thụ Nhân. Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương tôn vinh Cha là Thừa Thiên Thụ Nhân. Giáo Sư Lê Hữu Mục khẳng định Cha là một người Cha nhân lành, có những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm. Giáo Sư Trần Long cho rằng Cha là hiện thân của lòng nhân.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13163)
“Rứa c on đi, con có trở về không?” Võ Thà nh Xuân ... ở đây sẽ chỉ là một số kỷ niệm với người Cha tôn kính của một cựu sinh viên may mắn gần g ũi Cha vào quảng đời mà tình cảm của Cha như một người cha già thế tục mong vui với đàn con.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 7057)
Linh Mục Nguyễn Văn Lập: Một Vị Lãnh Đạo Tinh Thần Cao Cả Gs Nguyễ n Cao Hách Lúc còn sinh thời, Linh Mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh. Trong mấy chục năm liền, tôi hân hạnh được hợp tác với Viện Đại Học Da lat, m à Linh Mục Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6459)
NHỚ LẠI QUÁ KHỨ Frêre Théo phane NGUYỄN VĂN KẾ, FSC ...ai ai Ngài cũng cư xử với con tim thật tình. Người đối với người: lễ phép kính cẩn mến yêu, trong giọng nói, bình tĩnh, trầm trầm Miền Trung. Ngài để ý đến mọi người. Như vậy đắc nhân tâ m là phần thưởng cho Ngài lúc sống và lúc qua đời.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 8077)
Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết... về tôi Nguyễn Duy Tưởng TTKTKN/NHPTKNVN, 1968-1975 Một tờ giấy viết tay rơi xuống đất, tôi nhặt lên đọc. Nét chữ viết tay đó làm tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động. Mới đó mà đã gần 42 năm, những hình ảnh về cơ quan cũ, về bạn bè xưa, và về anh với dáng đi tất bật hiện ra mờ nhạt.
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6179)
MIẾNG BÁNH ĐA KÊ Tác giả: Người Hànội, CTKD 1 Nghe ba chữ “ Bánh Đa Kê ” thật đơn giản, thật dân dã đối với người dân xứ Bắc, nhưng đối với tôi, nó mang cả một khung trời kỷ niệm đầy nhung nhớ, luyến tiếc, của chuyến về Hànội ngày vào thu, trong buổi tiễn đưa khi phải chia tay con trai tôi.
07 Tháng Mười Một 2010(Xem: 7879)
ĐÀ LẠT DU KÝ Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít đ ược đề cập đến .
14 Tháng Mười 2010(Xem: 6321)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn Cuối) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468