Trọc Sĩ Năm Nhập Môn

24 Tháng Năm 201012:00 SA(Xem: 6779)
Trọc Sĩ Năm Nhập Môn

 NGUYỄN ĐỨC QUANG

 

 TRỌC SĨ

 

 NĂM NHẬP MÔN

 

MỞ ĐẦU

 

TRỌC SĨ LÀ CÂU TRUYỆN TƯỞNG TƯỢNG, KHÔNG PHẢI LÀ HỒI KÝ, KÝ SỰ. 

TRUYỆN XẨY RA TẠI :

* TRƯỜNG TRUNG HỌC PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG

* TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ

* VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT

 

NHỮNG NHÂN VẬT CHÍNH KHÔNG CÓ THẬT. HẦU HẾT NHỮNG NHÂN VẬT PHỤ CŨNG KHÔNG CÓ THẬT. SỰ TRÙNG HỢP TÊN VỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN LÀ NGOÀI Ý MUỐN CỦA TÁC GIẢ.

XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN TÁC GIẢ NHỮNG BÀI HÁT, BÀI THƠ ĐƯỢC TRÍCH DẪN TRONG TRUYỆN.

*

 *  *

 

Nghìn thu anh là suối trên ngàn

Thành sông anh đi xuống, anh tuôn tràn biển mơ

Nghìn thu em là sóng xô bờ

Vào sông em đi mãi, không bao giờ biển vơi

PHẠM DUY

 

Thửa xưa ở trên ngàn. Anh là con suối nhỏ. Lớn lên anh thành sông. Sông tuôn vô biển lớn. Anh làm nên mộng lớn. Đền đáp lại tình em. Ngày xưa em còn bé. Em là con sóng nhỏ. Em quấn quít bên anh. Đến tuổi em biết yêu. Em đi vào sông lớn. Em theo anh mãi mãi. Không một chút âu lo. Không một phút đắn đo. Không một lời thắc mắc. Theo anh vô biển lớn. Thấy đời rộng thênh thang. Thấy tình đẹp như thơ. Đời em hoa rộ nở. Bóng hình anh lồng lộng. Em bé nhỏ bên anh. Em là con sóng nhỏ. Muôn kiếp ở trong anh.

Tôi là con suối nhỏ. Muôn đời chẳng thành sông. Viết những lời mơ ước. Được thành con sông nhỏ.

 

*
 
 *
 *



T
ôi trở lại Đà Lạt không bằng máy bay. Tôi đáp chuyến xe đò đến Nha Trang, rồi từ Nha Trang tôi lên Đà Lạt bằng xe lửa. Đoàn tàu ì ạch leo đèo bằng những bánh xe răng cưa. Tôi nghe ba tôi nói về con đường xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt. Ba tôi nói : Đây là kỳ công của người Pháp. Kỳ công vì đoạn đường xe lửa Tháp Chàm – Đà Lạt chỉ có 84 kilomet mà phải mất ba mươi năm mới hoàn thành. Bốn mươi ba cây số cuối cùng từ Sông Pha lên Đà Lạt mới có hệ thống đường rầy răng cưa. Kỳ công vì trên thế giới chỉ có hai nước có đường xe lửa có bánh răng cưa. Để hoàn thành con đường xe lửa Sông Pha - Đà Lạt, người Pháp phải sử dụng kỹ thuật và vật liệu đặc biệt : đầu máy là đầu máy hơi nước có bánh xe răng cưa, đường rầy, ốc vít làm bằng loại thép đặc biệt, có ba đường ray, đường ray ở giữa là đường ra
y răng cưa. 

 

Đường đèo Bellevue chạy vòng vèo quanh một vùng toàn đồi núi và rừng thông. Đèo Bellevue dài hơn đèo Hải Vân và đèo Cả. Tôi không cảm thấy đèo Bellevue cao hơn đèo Hải Vân, mặc dù tàu chạy qua những vực sâu thăm thẳm. Đèo Bellevue cũng có hầm nhưng không có nhiều hầm bằng đèo Hải Vân và không có hầm nào dài bằng hầm Sen (hầm số 1) của đèo Hải Vân. Đèo Hải Vân và đèo Cả có biển, có núi, có đá, có cỏ cây hoa lá. Đèo Bellevue chỉ có rừng, có núi, có cây lá và không biển, không hoa. Tôi không hiểu tại sao đèo này có tên là Đèo Ngoạn Mục. So với đèo Hải Vân và đèo Cả thì đèo Bellevue không đẹp bằng.

 

Bốn giờ chiều, tàu tới ga Bellevue ở quận Đơn Dương. Tới nơi đây, tôi bỗng sững sờ và ngẩn ngơ. Tôi bước vô thế giới khác hẳn. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái . Những phiền muộn lo âu biến mất trong tôi . Nhìn lại đoạn đường đi qua là một màu xanh của rừng thông tới tận chân trời. Mùi thơm của núi rừng, của thông xanh và khí hậu lành lạnh thật nhẹ nhàng dễ chịu. Đèo Hải Vân đẹp và đèo Bellevue cũng đẹp. Mỗi đèo có vẻ đẹp riêng. Trước đây tôi chưa nhận ra cái đẹp của đèo Bellevue vì tình cảm tôi dành cho đèo Hải Vân quá lớn. 

 

Tôi tới ga Đà Lạt đã hơn năm giờ chiều. Tôi vội vàng gọi taxi để tới Viện Đại Học Đà Lạt. Tôi vô văn phòng để xin một chỗ ở trong Đại Học Xá. Nhân viên văn phòng cho biết không còn chỗ ở trong Đại Học Xá. Một nhân viên văn phòng bảo chúng tôi đến Lữ Quán Thanh Niên, nơi ông tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm thị trưởng thị xã Đà Lạt đang ở đó để giúp đỡ sinh viên chưa có chỗ ở. Chúng tôi ra đến Lữ Quán Thanh Niên. Trung Tá Trần Văn Phấn, tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm thị trưởng thị xã Đà Lạt, đang nói chuyện với khoảng hơn ba mươi người gồm cả mười người chúng tôi mới đến. Trung Tá Phấn hứa sẽ giúp đỡ chúng tôi có chỗ ở. Ông còn hứa sẽ giúp đỡ chúng tôi trong thời gian bốn năm chúng tôi học tại Đà Lạt. Trung tá Phấn gọi bà Quản Lý Lữ Quán Thanh Niên. Ông chỉ thị cho bà Quản Lý sắp xếp chỗ ở cho chúng tôi. Tối hôm đó chúng tôi được sắp xếp ngủ trên giường sắt ngay trong phòng đại sảnh của Lữ Quán.

 

Tối hôm sau, chúng tôi xếp ghế thành vòng tròn. Tôi đếm được tất cả ba mươi sáu người. Chúng tôi tự giới thiệu. Tôi biết tôi là người nhỏ nhất và là một trong năm người mới bước lên đại học lần đầu. Số còn lại đều đã học ở đại học ít nhất là một năm. Nhiều người đã học đại học hai ba năm và học nhiều phân khoa khác nhau. Người lớn tuổi nhất trong bọn là anh Phan Chi Hoan hơn tôi tám tuổi. Anh Hoan đã học qua các trường Dược, trường Khoa Học. Ba mươi sáu người nói đủ giọng ba miền. Ba mươi sáu người tới từ khắp nơi của bốn vùng chiến thuật. Từ vùng địa đầu giới tuyến Quảng Trị đến quận Hà Tiên cực Nam của đất nước. Sau phần tự giới thiệu, mỗi người kể một câu truyện. Anh Hoàng Văn Lộc kể một câu truyện về chuyến đi tàu hỏa của anh từ Nha Trang vô Sài Gòn. Anh Lộc đi tàu không mua vé. Vì đi tàu lậu vé nên anh phải tìm mọi cách trốn người soát vé. Nửa tiếng mà tàu không đến được ga Sài Gòn nên nhiều người sốt ruột hỏi anh Lộc

 - Tàu đến Sài Gòn chưa ? Sao tầu chạy chậm quá vậy anh Lộc?

Anh Lộc hiểu ý nên trả lời :

 - Bốn năm nữa tàu mới tới Sài Gòn. Hôm nay mới là ngày đầu tiên.

Chuyến tàu của anh Lộc là chuyến tàu bốn năm. Con tàu chở bốn năm kỷ niệm sống và học tại thành phố Đà Lạt thì làm sao tới ga được.

 

Hồ Hải, người Long Xuyên, kể chuyện ông ngoại anh ta, điền chủ ở Long Xuyên, cởi áo khoác mặc cho tá điền đang bị lạnh vì mưa. Cụ thân sinh của Hải là Hướng Đạo Sinh. Cụ tham gia kháng chiến và bị ám sát chết khi tuổi mới ngoài ba mươi.

 

Kinh Kha sau khi giới thiệu họ tên, anh lấy cây đàn ghita và đánh khúc dạo đầu bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Anh cất giọng ca một cách tự nhiên thoải mái, không một lời giáo đầu . Mọi người im lặng nghe anh hát. Bài hát hợp với tâm trạng của mọi người xa nhà trong đêm lành lạnh, nhất là tôi mới đi xa nhà lần đầu, nhưng không ai cảm thấy buồn. Ba mươi sáu người đang quây quần thành một khối như đã quen nhau rất lâu . Kinh Kha vừa chấm dứt bài Đêm Đông, trong phòng vang tiếng vỗ tay, tiếng huýt gió, tiếng la bis bis bis . Không nói một lời, Kinh Kha hát tiếp bài Et Pourtant của Charles Aznavour . Cách cư xử đầy tự tin, thân tình, không màu mè của một người có máu văn nghệ . Kinh Kha đối xử với mọi người như bạn bè thân nhau từ tuổi còn thơ của anh. 

 

Đêm đó chúng tôi thức đến tận hai giờ sáng mới đi ngủ. Đêm nay, tôi thấy một sự ấm áp khác thường của tình đồng môn. Sự khác thường có lẽ là vì tôi ít được đi xa, ít được tiếp xúc với những cái khác biệt, cái mới lạ, với những người sẽ là đồng môn, nhưng tuổi đời, kinh nghiệm sống và kiến thức của họ vượt trội hơn mình. 

 

Hôm sau, chúng tôi được đưa vô ở những phòng riêng, bốn người một phòng. Chúng tôi ngủ trên giường hai tầng bằng sắt. Không có bàn học, chỉ có giường ngủ. Bà quản lý dẫn chúng tôi xuống nhà ăn của Lữ Quán Thanh Niên. Giá một bữa cơm thật rẻ, tôi chưa thấy quán cơm nào giá rẻ hơn. Ba đồng một phần cơm gồm món rau cải và món mặn. Cơm ăn tự do. Quán ăn đóng cửa chiều thứ bẩy và ngày chủ nhật. Chiều thứ bẩy và ngày chủ nhật chúng tôi phải ăn cơm tại quán ăn tại bến xe thành phố với giá đắt gấp năm lần bữa cơm tại quán ăn Lữ Quán Thanh Niên. Việc ăn ở coi như tạm ổn.

 

Buổi học đầu tiên của trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp Viện Đại học Đà Lạt là ngày thứ hai, hai mươi bẩy, tháng chín, năm 1964. Đến nay tôi vẫn còn cảm giác bùi ngùi, nuối tiếc khi nhớ hai bài tập đọc: Ngày Khai Trường của nhà văn Thanh Tịnh và Buổi Học Cuối Cùng của nhà văn Anatole France. Ngày xưa, các bạn tôi thường chỉ thuộc lòng bài tập đọc Ngày Khai Trường là trích đoạn của đoản văn Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh. Tôi thuộc lòng cả đoản văn này, từ đoạn đầu “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường “ cho đến đoạn cuối của đoản văn “ Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc : Bài tập viết : Tôi đi học ! “ Nay mỗi khi nhắc đến bài Ngày Khai Trường, các bạn tôi thường chỉ nhớ một hai giòng :” Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp “ Tôi không thuộc toàn đoản văn như ngày xưa, nhưng tôi vẫn còn thuộc nhiều đoạn tôi thích. Tôi thuộc đoản văn TÔI ĐI HỌC cũng có lý do. Đầu năm đệ thất, tôi sang nhà Hoa. Hai đứa tôi thi nhau đọc bài tập đọc NGÀY KHAI TRƯỜNG xem đứa nào đọc nhanh hơn và thuộc hơn. Vì cố đọc nhanh nên Hoa và tôi thường đọc thiếu chữ. Mạ Hoa sửa sai cho chúng tôi. Tôi ngạc nhiên, dì Cúc đọc thuộc cả đoản văn TÔI ĐI HỌC. Những ngày sau đó, tôi còn được nghe dì Cúc đọc thuộc lòng một vài đoản văn khác và nhiều bài thơ của nhà văn Thanh Tịnh. Bài thơ tôi thích và thuộc cho đến nay là bài MÒN MỎI :

 

 - Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ

 Tìm thử chân mây khói tỏa mờ

 Có bóng tình quân muôn dặm ruỗi

 Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ

 - Xa nhìn trong cõi trời mây

 Chị ơi, em thấy một cây liễu buồn

 - Bên rừng em hãy lặng nhìn theo

 Có phải chăng em ngựa xuống đèo ?

 Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi

 Trên mình ngựa hí, lạc vang reo

 - Bên rừng ngọn gió rung cây

 Chị ơi, con nhạn lạc bầy kêu sương

 - Tên chị ai gieo giữa gió chiều

 Phải chăng em hỡi tiếng chàng kêu

 Trên giòng sông lặng em nhìn thử

 Có phải chăng người của chị yêu ?

 - Sóng chiều đùa chiếc thuyền nan

 Chị ơi, con sáo gọi ngàn bên sông

 Ôi kìa bên cõi trời Đông

 Ngựa ai còn ruỗi dặm hồng xa xa

 - Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn

 Phải chăng mình ngựa sắc hồng in

 Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống

 Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm

 - Ngựa hồng đã đến bên hiên

 Chị ơi, trên ngựa chiếc yên … vắng người

 

Sau đó tôi được biết dì Cúc có bà con với nhà văn Thanh Tịnh. Dì Cúc bà con như thế nào với nhà văn Thanh Tịnh, tôi không biết. Tôi chỉ biết Hoa gọi nhà văn Thanh Tịnh : Ông Tịnh. 

 

Ngày xưa, tôi thường thắc mắc : Có phải ông Thanh Tịnh tả lại ngày Khai Trường thửa nhỏ của chính bản thân ông ở Huế hay không ? Tôi thắc mắc vì tháng chín ở Huế trời vẫn còn nóng thì làm chi có một buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh. Sau này tôi học ở Huế, tôi đi khắp vùng Vỹ Dạ, Tây Thượng, Dưỡng Mông, Chợ Dinh, Bãi Dâu cho tới Chợ Nọ Dương Nỗ, tôi không tìm ra trường nào tên là Mỹ Lý ở làng Hoà An. Sau đó tôi được biết Mỹ Lý chỉ là một trường tưởng tượng, không có thật. Nhà văn Thanh Tịnh đã lấy tên cúng cơm của người con gái đầu đặt tên trường.

 

Sáng nay, cả phòng tôi đều dậy sớm để sửa soạn đi học. Chúng tôi từng tốp từ đỉnh đồi Lữ Quán Thanh Niên đổ xuống đường Võ Tánh. Trên đường Võ Tánh từng tốp người đang thong thả đi đến Viện Đại Học. Ngày khai trường hôm nay của tôi đẹp hơn hẳn ngày khai trường của ông Thanh Tịnh. Trời lành lạnh không phải vì gió mà vì trời cho Đà Lạt cái lạnh thật thú vị. Không có sương thu mà có nắng thu. Không có mây bàng bạc mà có bầu trời xanh màu ngọc bích. Không có con đường làng dài và hẹp mà có con đường nhựa không lớn chỉ đủ cho hai chiếc xe hơi du lịch tránh nhau. Không có những cô bé, cậu bé bỡ ngỡ thẹn thùng trong bộ quần áo mới nép bên cạnh mẹ cha mà có những nam thanh, nữ tú ăn mặc chỉnh tề chững chạc. Con đường Võ Tánh rực sáng. Đủ màu sắc xanh, vàng, tím, đỏ, đen, xám của những áo len, áo manteau, áo pardessus, áo vét, khăn quàng cổ. Không có tiếng khóc thút thít mà có những tiếng cười, tiếng nói, tiếng chào, tiếng hỏi. Một anh chàng và một cô làm mọi người chú ý. Anh chàng làm mọi người chú ý không phải vì anh ta phúc hậu, đẹp trai, ăn mặc bảnh bao trong bộ vét kiểu Kennedy. Mọi người chú ý anh ta vì mặt anh ta như thoa một lớp phấn hồng, tay anh ta cầm một cây dù đen cán dài. Anh ta đứng cạnh một cô tóc xõa ngang vai, mặc áo len tím, khăn quàng cổ màu xanh lá mạ. Hai anh chị giống như hai tài tử đóng phim. Tôi bỗng nghe giọng Huế chay :

 - Hai mệ chưa đi còn chờ ai rứa ?

 - Còn sớm, đi chi vội

 - Không đi sớm thì làm răng tìm ra chỗ ngồi. Cả ngàn người ghi danh.

 - Ngày đầu mà lo chi. Học cả năm chứ mô có phải học một ngày.

Đúng là tác phong an nhàn của con vua, cháu chúa.

 

634186293544093747_400x300


Trước cổng viện, năm chiếc xe Lam đang đổ sinh viên xuống. Trong viện người đông như đi chẩy hội. Tiếng cười nói, tiếng gọi nhau đủ giọng Bắc, Nam, Trung. Đi qua cổng viện, tôi nghe một anh nói :

 - Cha Viện Trưởng.

Nghe anh nói, nhiều người đưa mắt nhìn về phía cửa văn phòng Viện. Một vị linh mục mặc áo chùng đen đang nói chuyện với bốn sinh viên. Nhìn cha Viện Trưởng về tổng quát, cha là người phúc hậu. Thân hình cha to, cao và đường bệ uy nghi. Về chi tiết thì cha có ba điểm đập vô mắt tôi lúc đó : Trên khuôn mặt chữ điền hồng hào có vầng trán cao, đôi mắt sáng sau cập kính trắng, nụ cười tươi và đôn hậu. Điểm thứ hai là cái bụng to và tròn giống như bụng bao dung của ông Địa. Điểm thứ ba là cha cầm một điếu thuốc lá màu đen to và dài hơn những điếu Paul Mall, Salem nhưng không phải là điếu xì gà.


Tôi theo dòng người đi đến nơi làm lễ khai giảng. Tôi đứng trước giảng đường. Trên hành lang, nhiều sinh viên đi qua lại vì trong giảng đường đã chật cứng đến nỗi nhiều sinh viên ngồi trên thành cửa sổ. Giảng đường không có bảng tên. Tôi nghe một anh sinh viên ở trong Đại Học Xá nói như là người am hiểu nhiều về trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp:

 - Đây là lầu III, không phải giảng đường. Có năm lầu. Lầu I , II, IV, V dành cho sinh viên nội trú. Lầu III là lầu dùng cho việc hội họp sinh hoạt vui chơi của sinh viên đạ i học xá, hôm nay được dùng tạm cho ngày khai giảng. Giảng đường dành cho trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp là Giảng đường Thụ Nhân đang được sửa chữa. Một tháng nữa mới
xong. Đông sinh viên như thế này thì phải học tạm ở giảng đường Spellman hoặc lầu III cho đến khi giảng đường Thụ Nhân sửa xong.

Nghe anh bạn nói, tôi nghĩ một là nhà trường vội vàng trong việc mở trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp, hai là nhà trường không ước lượng được số lượng sinh viên ghi danh quá đông đảo. Buổi khai giảng không được chuẩn bị chu đáo. Tôi không nhận được một chỉ dẫn hay một thông tin, học trình gì về trường và viện Đại Học Đà Lạt.

 

Không vô được bên trong giảng đường, tôi phải đứng ngoài hành lang. Tôi nhìn vô giảng đường qua vai những người ngồi trên cửa sổ. Tôi chỉ nhìn được mặt của cha Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập. Ngài đang nói. Ngài nói, tôi nghe câu được, câu không vì quanh tôi nhiều người nói chuyện. Thỉnh thoảng tôi nghe những tràng pháo tay và những tràng cười tán thưởng của sinh viên trong hội trường. Tôi loáng thoáng nghe cha Lập nói về hai chữ Thụ Nhân và kế hoạch trồng người. Tôi nghe ngài nói đến chữ Thụ Nhân ít nhất là ba lần. Tôi thấy một chỗ trống trên cửa sổ. Tôi vội vàng điền vô chỗ trống của một anh bạn vừa tìm được một chỗ trong giảng đường. Bốn người chúng tôi ngồi trên cửa sổ, chân thòng vô trong giảng đường. Trong phòng chật cứng người, những cửa sổ cũng chen chúc người ngồi, ngoài hành lang nhiều người đứng nhìn vô phòng. Một ngày khai giảng hiếm có. Bây giờ tôi mới nghe rõ những lời cha Lập nói, đúng lúc ngài nói lời kết luận. Ngài nói : “ … Thụ Nhân là tôn chỉ của Viện Đại Học Đà Lạt . Cha nhắc lại Thụ Nhân là tinh thần và lý tưởng của Viện Đại Học Đà Lạt nghĩa là của tất cả anh chị sinh viên viện Đại Học Đà Lạt gồm Văn Khoa, Khoa Học, Sư Phạm, Thần Học không phải của riêng trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp. Thụ Nhân nghĩa là Trồng Người . Làm kế hoạch cho trăm năm, nghĩa là cho tương lai, thì không gì bằng trồng người . Vì thế cha muốn nói lên cho sinh viên một mục tiêu cuộc sống của mình là phải làm cho mình có một tư cách để sau này trở nên cây cổ thụ giúp ích cho đời, cả về phương diện học thức, cả về phương diện đạo đức, cả về phương diện thể chất ..”

Phỏng theo bài viết Truyền Thống Thụ Nhân của giáo sư Trần Thanh Hiệp trong Đặc San Tưởng Niệm của cựu Sinh Viện Viện Đại Học Đà Lạt

 

Cha Viện Trưởng dứt lời. Cha Viện Trưởng giới thiệu giáo sư Vũ Quốc Thúc . Hội trường bừng dậy những tràng vỗ tay nồng nhiệt để chào mừng một nhà kinh tế, một giáo sư kinh tế nổi tiếng. Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói : “… Nhiều người thường ngộ nhận cho rằng một chuyên viên về kinh tế thường chỉ chú trọng đến những vấn đề rất thực tế liên quan đến quản trị xí nghiệp, kinh doanh, đầu cơ, đầu tư .. vân vân.. Đó là một sự ngộ nhận. Kinh tế học ngay từ lúc ng ành học này mới khai sinh vào thế kỷ mười bẩy ở Âu Châu đã mang nặng tính cách chính trị học. Tên gọi đầu tiên của ngành học được gọi là Economy Politics tức là Kinh Tế Chính Trị Học chứ không dùng riêng chữ Kinh Tế. Trong chương trình năm Cao Học của môn Kinh Tế Chính Trị Học năm 1948 và ngày nay vẫn còn áp dụng có hai môn chủ chốt. Một môn là Lịch Sử Các Học Thuật Kinh Tế. Sau này được nới rộng ra thành môn Lịch Sử Tư Tưởng Kinh Tế. Môn học chủ chốt thứ hai là Lịch Sử Các Sự Kiện Kinh Tế. Điều đó nói lên sự liên lạc mật thiết giữa sinh hoạt kinh tế với chính trị trong một quốc gia và liên lạc rất mật thiết giữa chính sách quốc gia với lịch sử …“.

 Trích trong bài phỏng vấn giáo sư Vũ Quốc Thúc của đài RFI

 

Giáo sư Vũ Quốc Thúc nói về môn học Kinh Tế Chính Trị Học tại các đại học danh tiếng của Pháp. Sau đó giáo sư Vũ Quốc Thúc nói về sự chậm trễ của ngành học này tại nước ta. Bây giờ chúng ta mới có một đại học dạy khoa Kinh Tế Chính Trị. Trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp của Viện Đại Học Đà Lạt là trường đầu tiên dạy môn Kinh Tế Chính Trị tại nước ta. Giáo sư kết luận : Một kinh tế gia, một nhà quản trị xí nghiệp cần phải hiểu biết về chính trị . Một chính trị gia cũng cần phải hiểu biết về kinh tế và quản trị . Kinh tế và chính trị là hai lãnh vực liên lạc mật thiết với nhau. Môn học mới và cần thiết cho đất nước ta vì vậy môn học này sẽ mở ra tương lai tốt đẹp cho sinh viên theo học. Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã gây sự phấn khởi và tin tưởng cho chúng tôi.

 

Nghỉ giải lao, mọi người tụ họp thành nhóm ba người,bốn, năm người, có nhóm đông đến hơn mười người. Tiếng cười, tiếng nói ồn ào như vỡ chợ. Tôi đi tới nhiều nhóm để hóng chuyện và tìm người quen. Tôi ngạc nhiên, mọi người quen nhau nhanh như vậy. Phần đông họ không biết nhau từ trước. Đến hóng chuyện tại nhiều nhóm, tôi được biết, tôi không phải là người nhỏ tuổi nhất và mới lên đại học lần đầu. Có rất nhiều bạn nhỏ tuổi hơn tôi và bước vô ngưỡng cửa đại học lần đầu như tôi. Tôi được một anh bạn chỉ cho tôi người nhỏ tuổi nhất trường. Anh ta sinh năm 1947. Vừng trán rộng, mắt sáng tinh anh, cử chỉ chững chạc, anh ta toát ra của người tuổi trẻ tài cao. Tôi đoán, anh học nhẩy ít nhất một lần hay hai lần. Sinh năm 1947, anh ta đậu tú tài hai lúc mới mười bảy tuổi. Anh ta như già trước tuổi. Tôi nghe một anh bạn nói: ”Học quá thì già sớm, vừa học vừa chơi như mỏa, sinh năm bốn mươi lăm mà vẫn trẻ hơn nó “.

 

Tôi được nói chuyện với hai sinh viên từ Lào đến học. Hai anh đều là người Việt Nam sinh sống ở Vạn Tượng lâu năm. Một anh đã nhập quốc tịch Lào có tên Lào là Nathavong, một anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam tên là Lê Nhung . Anh Lê Nhung kể với tôi rằng :” Anh và Nguyễn Minh Khôi, người có tên Lào là Nathavong, là bạn học cùng lớp. Cả hai vừa đậu tú tài hai. Mộng của hai anh là phải đạt được mảnh bằng đại học, ít nhất là bằng cử nhân. Vạn Tượng chưa có Viện Đại Học. Cả hai đều có mộng đi du học Pháp. Lê Nhung xin học bổng đi Pháp không được vì không có quốc tịch Lào. Nathavong bị bác đơn xin du học Pháp. Một hôm Nathavong đến gặp Nhung. Nathavong nói:

 - Tao đến để từ giã mày. Mai tao về Việt Nam. Tao được học bổng sang Việt Nam du học.

 - Mày về Việt Nam học nghành gì ?

 - Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp, Viện Đại Học Đà Lạt. Một nghành học mới ở Việt Nam.

Nghe nói đến Đà Lạt, mắt Lê Nhung rực sáng. Nhung nhớ lại một chuyến đi nghỉ mát tại Đà Lạt hai năm trước trong dịp về thăm quê nhà. Học tại Đà Lạt có khi Nhung gặp lại cô bé Thùy Linh xinh xắn, nữ sinh trường Yersin. Nhung nói với Nathavong:

 - Mày dời lại ngày đi được không ?

 - Mày muốn học như tao ?

 - Ừ

 - Thế thì được

 

Nhung và Nathavong vội vàng đi vô tòa Đại Sứ Việt Nam để nhờ bác Hùng đánh điện tín về Viện Đại Học Đà Lạt xin ghi danh Văn Khoa Pháp và năm I Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp cho Nhung. Cùng ngày hôm đó, Nhung đến sở xin nghỉ việc. Nhung là một thanh niên lịch lãm, xoay trở cuộc đời dễ như trở bàn tay. Mới học lớp đệ tam, Nhung đã làm nghề thông dịch cho một công ty Mỹ và dạy toán cho một trường trung học. Tôi thầm phục anh chàng Lê Nhung, tuổi trẻ tài cao, chí lớn.

 

Trường tôi không phải chỉ có hai sinh viên du học mà ba sinh viên du học. Anh thứ ba, tôi không được gặp. Tôi chỉ nghe một anh bạn kể lại. Anh sinh viên du học này đến từ Nam Vang. Ba sinh viên đều là người Việt Nam nhưng sinh sống ở Lào và Campuchia.

 

Một nhóm năm sáu sinh viên làm tôi chú ý vì sự kín đáo và trầm lặng. Nhóm này không nói năng cười đùa to và thoải mái như các nhóm khác. Nét mặt và họ tên của những sinh viên này như Thạch, Tiền, Ngụy, Tiêu … cho tôi biết các anh sinh viên này là người Việt gốc Hoa . Một anh sinh viên trong nhóm này đã cùng gia đình trốn thoát Trung Hoa Lục Địa năm 1949. Gia đình anh đến được Hương Cảng sau nhiều tháng chạy trốn quân Cộng Sản Trung Quốc đầy cam go, gian nan và nguy hiểm. Sau đó gia đình anh đến cư ngụ tại Chợ Lớn. Anh học trường Tabert. Anh ta nói tiếng Việt trôi chẩy không thua gì tôi.

 

Điều làm tôi ngạc nhiên. Đà Lạt là phần đất của Cao Nguyên Trung Phần. Cao Nguyên Trung Phần là núi rừng của đồng bào Thượng. Vậy mà trong số hơn một ngàn sinh viên ghi danh không có đến một người Thượng.

 

Sau giờ ra chơi, giáo sư Trần Long, giám đốc học vụ, nói về chương trình học bốn năm phỏng theo chương trình của đại học Harvard, Hoa Kỳ. Bốn năm đó là Nhập Môn, Khái Luận, Nhiệm Ý, Sưu Khảo. Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân, sinh viên sẽ được tiếp tục học ban Cao Học trong hai năm. Giáo sư Trần Long nhấn mạnh đến phương pháp giảng dạy thiên về thực hành của các phân khoa Thương Mại Viện Đại Học Harvard hơn là giảng dạy từ chương của nền giáo dục hiện tại của ta . Sinh viên sẽ được phân thành các toán thảo luận. Toán thảo luận đi đến các nông trại, các xí nghiệp, các cơ quan để học hỏi, phỏng vấn và thảo luận. Sinh viên cũng được gửi vào làm việc tại các xí nghiệp, công sở để thực tập và học hỏi kinh nghiệm. Nhà trường sẽ mời các nhà quản trị, kinh tế gia, chính trị gia đến viện diễn thuyết thảo luận. Về phương diện đời sống của sinh viên, ban lãnh đạoViện hiểu rõ rằng đa số sinh viên là những người ở địa phương khác tới Đà Lạt. Viện cố gắng chăm lo tinh thần và vật chất cho sinh viên như tạo thêm nhiều chỗ ở trong Đại Học Xá, cấp học bổng cho sinh viên nghèo … “. 

 

Sau buổi lễ khai trường, tôi đi lang thang qua các lầu của Đại Học Xá. Đại Học Xá gồm bốn lầu. Gọi là lầu, nhưng không có lầu hai, ba tầng mà chỉ là những dẫy nhà trệt. Đại học xá thật khang trang. Phòng rộng hơn phòng tôi đang ở tại Lữ Quán Thanh Niên. Mỗi sinh viên nội trú có giường, có bàn học, trả tiền thuê hàng tháng bằng nửa chúng tôi trả cho Lữ Quán Thanh Niên. Chỗ ở của sinh viên nội trú chỉ cách giảng đường Spellman năm phút đi bộ. Các cụ xưa nói trâu chậm uống nước đục thật đúng. Năm sau tôi phải xin vô đại học xá sớm.

 

Tôi đang lưỡng lự chưa biết nên đi về Lữ Quán Thanh Niên hay đi một vòng quanh viện, một anh lớn hơn tôi khoảng sáu tuổi nói với tôi :

 - Tớ tên Phong họ Tạ. Cậu ra phố, tớ chở ra.

 - Tôi tên Thanh. Tôi muốn đi một vòng quanh viện nhưng đang lưỡng lự vì không có bản đồ viện.

 - Viện mình nhỏ tí tẹo, cần gì bản đồ. Cậu mới tới Đà Lạt lần đầu phải không ? Để tớ dẫn cậu đi quanh viện. Viện mình tuy nhỏ nhưng có rất nhiều cái độc đáo cậu cần biết. 
 

Chúng tôi đi đến giảng đường Thụ Nhân đang được sửa chữa. Sửa chữa xong giảng đường này chứa được năm, sáu trăm sinh viên. Anh Phong nói :

 - Cậu đã nghe cha viện trưởng nói về ý nghĩa của chữ Thụ Nhân. Từ nay Thụ Nhân là danh hiệu của Viện Đại Học Đà Lạt. 
 Theo tớ, hoàn thành xong việc sửa chữa giảng đường Thụ Nhân, nhà trường nên gắn trên tường của giảng đường Thụ 
 Nhân một bảng bằng đồng khắc bài thơ : 

Quyền Tu

 Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc,

 Thập niên chi kế mạc như thụ mộc,

 Chung thân chi kế mạc như thụ nhân.

Nhất thụ nhất hoạch giả, cốc dã,

 Nhất thụ thập hoạch giả, mộc dã,

 Nhất thụ bách hoạch giả, nhân dã.

 Quản Tử quyển IV

 

 Quyền Bính và Sửa Đổi

 Kế một năm không gì bằng trồng lúa,

 Kế mười năm không gì bằng trồng cây,

 Kế trọn đời không gì bằng trồng người.

Trồng một gặt được một là lúa,

 Trồng một gặt được mười là cây,

 Trồng một gặt được trăm là người.

Trần Văn Lương, Đặc San Tưởng Niệm
của Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà Lạt

 

 - Anh thông thạo văn thơ chữ Hán. Phục anh sát đất.

 - Cậu nói sai rồi. Tớ rộng háng chứ không phải Hán rộng. Thú thật với cậu, tớ có biết gì về văn thơ chữ Hán. Anh bạn Giao, sinh viên Văn Khoa, dẫn tớ đi khắp viện và giảng giải cho tớ cái hay đẹp và độc đáo trong việc đặt tên cho các giảng đường của viện mình mà các viện đại học khác không có. Tớ chỉ có ý kiến là viện mình nên gắn những bảng đồng khắc chữ Hán,
và chữ Việt trên các giảng đường để cho sinh viên hiểu rõ ý nghĩa tên của các phòng học, các giảng đường.

 

Chúng tôi đi lên con đường dốc để đến nhà nguyện có tên là Năng Tĩnh. Nhà Nguyện có tháp cao khoảng 50 mét hình tam giác. Đỉnh tháp là một cây thánh giá. Anh Phong nói :

 - Năng Tĩnh có nghĩa là Có Thể Tĩnh Lặng. Một phép tu dưỡng của nhà Nho được mô tả trong sách Đại Học như sau : Tri Chỉ Nhi Hậu Hữu Định, Định Nhi Hậu Năng Tĩnh, Tĩnh Nhi Hậu Năng An, An Nhi Hậu Năng Lự, Lự Nhi Hậu Năng Đắc. Có nghĩa là Biết chỗ đứng vững, tức là nơi Chí Thiện, rồi mới có thể định Chí Hướng. Định rồi
mới có thể Tĩnh Lặng. Tĩnh rồi mới có thể Yên. Yên rồi mới có thể suy nghĩ. Suy nghĩ rồi mới có thể Đạt được.

Anh Phong dẫn tôi vô trong nhà nguyện. Anh đưa tôi đến xem một tượng Đức Mẹ bằng thạch cao được đắp trên tường. Bức tượng toát ra sự thanh thoát, sự tĩnh lặng như tên của nhà nguyện.


634186301200001640_300x400 

Rời nhà nguyện, chúng tôi đi trên con đường đất nhỏ chỉ vừa cho một xe du lịch. Hai hai bên đường trồng thông . Những cây thông còn non, cành thấp có thể với tay tới được. Nắng vàng soi rõ con đường đất. Con đường đất thật êm đềm trong buổi sáng nắng ấm chan hòa. Chúng tôi đi chậm để hưởng không khí trong lành và khung cảnh tĩnh lặng. Chúng tôi đến giảng đường Khoa Học và Văn Khoa. Đến các giảng đường, tôi được anh Phong giải thích tên của phòng học rất cặn kẽ. Tại giảng đường Hội Hữu anh Phong nói :

 - Hội Hữu có nghĩa là Họp Bạn. Trong Luận Ngữ, Nhan Uyên có ghi : Tăng Tử, một môn đệ của Khổng Tử, có nói : Quân tử dĩ văn hội hữu. Có nghĩa là Quân tử nhờ văn học mà họp bạn. Nhờ bạn giúp mình làm điều nhân.

 

Đến giảng đường Dị An, anh Phong giải thích :

 - Dị An là dễ ở. Trong bài Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm có đoạn nói về chỗ ở ẩn nhỏ hẹp của mình như sau : Thảm dung tất nhi dị an. Có nghĩa là xét cái chỗ đó tuy nhỏ hẹp nhưng dễ yên hơn.

 

Tại giảng đường – phòng thí nghiệm Minh Thành anh Phong giảng nghĩa:

 - Minh Thành có nghĩa là Quá trình giáo dục đi từ cái biết sáng tỏ đến lòng thành. Tức là chỗ tột đỉnh của đạo đức. Sách Trung Dung có câu : Tự thành minh vị chi tính. Tự minh thành chi vị giáo. Thành tắc minh hỷ. Minh tắc thành hỷ. Có nghĩa là Tự lòng thành sáng tỏ gọi là tính. Tự làm cho sáng tỏ lòng thành gọi là Giáo dục. Có lòng
thành mới sáng tỏ được.

 

Đến giảng đường– phòng thí nghiệm Tri Nhất, anh Phong nói :

 - Tri Nhất có nghĩa là cái biết chỉ có một mà thôi. Sách Trung Dung XX có câu : Hoặc sinh nhi tri chi. Hoặc học nhi tri. Hoặc khốn nhi tri. Cập kỳ tri nhất giả. Có nghĩa là con người có kẻ sinh ra mà biết. Có kẻ phải học mới biết. Có kẻ phải khốn khổ khó nhọc mới biết. Tuy nhiên cái biết chỉ có một mà thôi.

 

Tại phòng thí nghiệm Đạt Nhân, anh Phong giải nghĩa :

 - Đạt Nhân là đạt tới đức nhân tức là đạt tới tư cách hoàn toàn của con người.

 

Tới phòng học Cư Dị, anh Phong nói :

 - Cư Dị là cư xử bình dị, sống khiêm tốn không câu nệ. Sách Trung Dung XIV mô tả lối sống của người quân tử như sau: Thượng Bất Oán Thiên, Hạ Bất Vưu Nhân, Cổ Quân Tử Cư Dị Dĩ Sĩ Mệnh, Tiểu Nhân Hành Hiểm Dĩ Kiểu Hành. Trên không oán trời, dưới không trách người, nên người quân tử cư xử bình dị để đợi mệnh trời, còn kẻ tiểu nhân thì làm liều để cầu may.

 

Tại giảng đường Thượng Hiền, anh Phong nói :

 - Thượng Hiền nghĩa là quý trọng người hiền đức. Đây là quan niệm chính trị của người xưa.

 

Tới giảng đường Thượng Chí, anh Phong giải thích :

 - Thượng Chí có nghĩa là đề cao cái chí hướng sống theo nhân nghĩa. Sách Mạnh Tử kể rằng khi ông Điểm, con vua Tề hỏi : Kẻ sĩ làm gì ? Mạnh Tử trả lời : Thượng Chí. Ông giải thích: Thượng Chí là nâng cao cái chí hướng. Chẳng qua là làm điều nhân nghĩa đó thôi. Giết một người vô tội là bất nhân. Chẳng phải của mình mà
dành lấy là phi nghĩa. Kẻ sĩ ở nơi nào ? Ở nơi đức nhân. Kẻ sĩ đi đường nào ? Ở nơi đức nhân. Noi theo đức nghĩa, sự nghiệp của đại nhân như vậy là đã được

 

Rời phân khoa Khoa Học và Văn Khao chúng tôi đi ra văn phòng viện. Trước văn phòng viện là một vườn hoa nhỏ xinh đẹp. Văn phòng viện có tên là Đôn Hóa. Anh Phong nói :

 - Đôn hóa có nghĩa là đôn đốc sự sinh hóa, phổ cập sự sinh hóa theo chiều tốt đẹp. Sách Trung Dung mô tả Đạo Trời Đất như sau : Muôn vật đều sinh sống mà không hại lẫn nhau. Đức nhỏ như sông ngòi chảy khắp. Đức lớn như đôn đốc sự sinh hóa.

 

634186303225607498_400x300

 
Chúng tôi đi đến giảng đường Spellman. Trên đường đi đến giảng đường Spellman, chúng tôi đi qua tòa viện trưởng . Tòa viện trưởng là tòa nhà hai tầng. Anh Phong nói :

 - Đây là nơi cha viện trưởng ở. Cha dùng nơi này để tiếp đón khách và dùng cơm với giáo sư thỉnh giảng từ các nơi đến. 
 Tòa viện trưởng có
tên là Hòa Lạc.

 

Đang đi anh Phong bỗng chắp tay cúi chào vị một vị linh mục :

 - Thưa cha. 

Anh Phong nói với tôi :

 - Cha Ngô Duy Linh phó viện trưởng kiêm giám đốc Đại Học Xá

Hai con chó berger đen to lớn từ trong tòa viện trưởng chạy ra chồm lên người cha Linh mừng rỡ. Cha Linh đùa với hai con chó. Tiếng chuông nhà nguyện báo hiệu mười hai giờ. Hai con chó berger đưa mõn lên trời tru theo tiếng chuông nhà nguyện. Anh Phong nói :

 - Chó của cha viện, nhưng cha Linh săn sóc . Cha Linh dậy cho chúng mỗi khi nghe chuông nhà nguyện là chúng tru
 theo.

Tiếng chuông nhà nguyện dứt, hai con chó cũng ngừng tru.

 

Đi đến ngang giảng đường Spellman, anh Phong nói :

 - Trước khi lên giảng đường Spellman, tớ chỉ cho cậu xem cái này.

Anh Phong chỉ cho tôi một hình tượng bằng đá. Hình tượng ở khoảng giữa nhà cha Linh và giảng đường Spellman. Hình tượng nằm trên triền đồi mà đỉnh đồi là giảng đường Spellman và chân đồi là nhà của cha Linh. Vị trí hình tượng cao hơn mặt đường khoảng hai mét. Anh Phong hỏi tôi :

 - Cậu có biết cái gì đấy không ?

 - Bánh xe Pháp Luân

 - Cậu là Phật Tử… Hình dạng một bên giống bánh xe, một bên giống ngọn đuốc nên trước đây tớ tưởng đó bánh xe thời gian và ngọn đuốc soi đường. Sau này anh Thông, sinh viên Văn Khoa mới giảng cho tớ biết đây là bánh xe Pháp Luân.

 - Viện Đại Học Thiên Chúa Giáo sao lại trưng biểu tượng của Phật Giáo.

 - Bánh xe Pháp Luân này do sinh viên Sư Phạm Đại Học Huế tặng. Bánh xe này nặng ba bốn trăm ký. Đem từ Huế vào và đặt trên vị trí sườn đồi là kỳ công. Cậu lên mà xem, cậu sẽ thấy bên cạnh bánh xe có tấm bảng Sinh Viên Đại Học Sư Phạm Huế kính tặng Viện Đại Học Đà Lạt.

 

 634186304931315059_400x267

 

Chúng tôi trở lại giảng đường Spellman. Chúng tôi bước lên hai mươi hai bậc cấp bằng đá để lên tới giảng đường Spellman. Đứng trên mặt tiền của giảng đường Spellman nhìn xuống là đường nhựa chúng tôi vừa đi qua, dưới con đường là rừng thông trải dài theo sườn đồi. Rừng thông xanh chạy dài đến tận chân đồi . Tiếp nối là đồi Đa Thiện. Giảng đường Spellman là giảng đường lớn và đẹp nhất của viện. Trước giảng đường có tượng Đức Mẹ làm cho khung cảnh thiên nhiên ở đây vốn đã hiền hòa lại thêm nhân ái. Tôi được nhìn thấy hai bức tượng Đức Mẹ : Một ở nhà nguyện Năng Tĩnh, một ở trước giảng đường Thụ Nhân. Hai tượng này khác hẳn với những bức tượng Đức Mẹ tôi thường thấy ở các nhà thờ hay các bức tranh : Đức Mẹ bồng chúa Hài Đồng, quanh đầu của Đức Mẹ là những vòng hào quang. Hai bức tượng Đức Mẹ của viện nhỏ nhắn, không bế chúa Hài Đồng, không vòng hào quang. Đức Mẹ có vóc dáng thanh tao của một nữ sinh, một nữ sinh viên hay một nữ tu còn rất trẻ. Hai bức tượng tỏa ra một sự trong sáng , nhẹ nhàng thanh thoát, giản dị.

 

634186307376614922_400x300

 

Anh Phong dẫn tôi vô trong giảng đường Spellman. Giảng đường có một sân khấu và những hàng ghế xếp ngay ngắn. Anh Phong nói:

 - Spellman là tên một vị hồng y người Mỹ. Năm 1939 ngài được Đức Thánh Cha Piô XII tấn phong là Tổng Giám Mục Địa Phận Nữu Ước. Đến năm 1940 ngài làm Tổng Tuyên Úy Quân Đội Hoa Kỳ. Ngài đến Việt Nam vào đầu năm 1955. Ngày mùng bẩy tháng một, ngài cử hành thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang, Quảng Trị. 

 - Xin anh cho tôi biết tại sao viện mình dùng tên ngài đặt tên cho giảng đường đẹp và lớn nhất của viện.

 - Đức Hồng Y Spellman là chiếc chìa khóa mở cửa cho ông Ngô Đình Diệm về chấp chánh. Ngài cũng chính là Con Tầu Vượt Biên cho gần một triệu đồng bào di cư vào miền Nam năm 1954. Riêng đối với viện Đại Học Đà Lạt, ngài được ví như Chiếc Đũa Thần của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong sứ mạng thực thi kế hoạch
 Phục Hưng Đất Nước. Đó là nguyên nhân tại sao Hội Đại Học Đà Lạt được thành lập sau cuộc vận động mua
 lại công sản Quốc Gia. Rồi Viện Đại Học Đà Lạt được khai sinh ngày tám tháng tám năm 1957.

 - Tại sao nhà trường không làm lễ khai giảng tại giảng đường Spellman là giảng đường đẹp nhất.

 - Theo tớ. Không chọn giảng đường Thụ Nhân hay giảng đường Spellman cho ngày khai giảng là vì giảng đường Thụ Nhân đang sửa chữa, giảng đường Spellman không đủ sức chứa. Cậu thấy tất cả các hàng ghế đã được gắn chặt vào sàn nhà, không thể xếp thêm ghế. Giảng đường Spellman chỉ có sức chứa tối đa hơn ba trăm. Lầu III xếp ghế sát nhau chứa được gần sáu trăm, vậy mà nhiều người còn phải đứng ngoài hành lang. Theo tớ đó là lý do tại sao không khai giảng tại Spellman.

 

634186309077412202_400x300

 

Chúng tôi đi đến chiếc cầu gỗ sơn đỏ. Chiếc cầu bắc qua suối giả không có nước, chỉ có những viên đá sỏi lớn. Anh Phong nói :

 - Hôm nay, cậu đi như vậy coi như là đầy đủ. Đại học xá nam lúc nãy cậu đi qua có tên là Dương Thiện. Còn đại học xá nữ ở sát trung tâm thị xã có tên là Kiêm Ái.

 - Dương Thiện có nghĩa là gì anh Phong ?

 - Dương Thiện là trưng ra cái tốt. Sách Trung Dung VI có ghi lại lời tán dương vua Thuấn của Khổng Tử. Ông ca tụng vua Thuấn đã biết dấu cái xấu của người khác và khoe cái tốt của người khác. Kiêm Ái là yêu thương mọi người. Kiêm Ái là chữ của Mặc Tử, một nhà hiền triết đời Xuân Thu. Ông chủ trương thương yêu mọi người như nhau, không phân biệt thân hay sơ.

 - Nhờ anh hôm nay tôi mới biết cái hay cái độc đáo của viện mình. Khung cảnh viện vừa xinh đẹp, vừa hiền hòa, vừa trí thức và cái quí báu nhất là viện mình toát ra tinh thần dân tộc và đạo đức cổ truyền của dân tộc ta … Tôi cám ơn anh rất nhiều. Bây giờ đã gần một giờ, tôi mời anh ra phố ăn cơm.

 - Hẹn cậu dịp khác. Tớ phải đem xe về trả cho người bạn.

 

Một điều tôi định nói với anh Phong nhưng tôi không dám nói. Tất cả tên giảng đường đều lấy từ sách vở của Trung Hoa trừ giảng đường Spellman. Mặc dầu văn hóa và đạo đức của nước ta rập khuôn Trung Hoa, nhưng chúng ta vẫn tự hào đất nước ta có bốn ngàn năm văn hiến, chúng ta cũng có nhiều nhà văn hóa và giáo dục lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Nguyễn Thiệp, Nguyễn Du, Chu Văn An … Lựa một danh từ lấy từ kho tàng văn hóa Việt Nam để đặt tên cho một giảng đường, tôi nghĩ cũng không khó. Chẳng hạn có thể đặt tên cho giảng đường là Đại Nghĩa . Giảng theo cách giải thích của anh Phong thì Đại Nghĩa là nghĩa lớn. Trong bài Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi có câu “đem Đại Nghĩa để thắng Hung Tàn, lấy Chí Nhân để thay Cường Bạo”. Cũng có thể thay tên giảng đường Đạt Nhân thành giảng đường Thành Nhân nghĩa cũng gần giống như nhau. Thành nhân lấy trong câu nói của chí sĩ Nguyễn Thái Học : Không thành công thì thành nhân. Viện Đại Học Đà Lạt là viện đại học Thiên Chúa Giáo có thể lấy chữ Thiện Tâm để đặt tên giảng đường. Thiện tâm lấy trong câu tôi thường thấy trên tường của nhiều nhà thờ : “ Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Thiện Tâm.” Tôi nghĩ như thế mới thể hiện đầy đủ văn hóa đạo đức của một viện đại học Thiên Chúa Giáo trong nền văn hóa dân tộc của Việt Nam

Những lời giải thích về tên của nhà nguyện, giảng đường được trích hoặc phỏng theo trong bài Lịch Sử Viện Đại Học Đà Lạt của anh Tạ Duy Phong, cố sinh viên CTKD khóa I. Anh Phong có một TRÁI TIM ĐÀ LẠT. Cầu mong cho linh hồn anh Phong tới được nơi anh muốn tới, sống thanh thản và hạnh phúc như những tháng năm anh sống tại thành phố Đà Lạt .

 

Ngày khai giảng hôm nay, tôi gặp nhiều bạn nhỏ tuổi hơn tôi, tôi gặp những anh lớn tuổi hơn tôi. Phần lớn họ đều chững chạc, kiến thức rộng. Điều này khiến tôi vừa hy vọng vừa đầy lo lắng. Tôi tự hỏi, không biết tương lai mình sẽ về đâu ? không biết trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp có giúp được tôi kiếm được công việc tốt trong tương lai ? Tôi nhớ ba mạ tôi. Tôi nhớ Hoa.

 

Chủ Nhật kế tiếp, tôi đến nhà bác Chánh. Trả lời câu hỏi tại sao không đến nhà bác ở, tôi nói:

 - Cháu ở Lữ Quán Thanh Niên, gần trường, tiện cho cháu trong việc đi học. Năm sau, cháu xin vô ở trong Đại Học Xá.

 - Như vậy, cũng tốt cho cháu. 

Trong bữa ăn trưa, bác Chánh nói :

 - Cháu cần chi thì cứ nói cho bác biết. Giúp được cháu thì bác sẵn lòng. Ba cháu với bác là bạn thân. Cháu đừng ngại.

 - Cháu muốn có một việc làm thêm để nhẹ bớt gánh nặng cho ba mạ cháu.

 - Để bác xem có ai cần thầy dạy kèm bác sẽ giới thiệu. Cháu dạy toán được không ?

 - Cháu đậu tú tài toán hạng bình. Cháu dạy toán từ lớp đệ tứ trở xuống được.

 - Ông hiệu trưởng trường trung học tư thục Hùng Vương là bạn thân bác. Chiều nay hai bác cháu đi đến nhà ông ta xem sao?

Buổi chiều, bác Chánh dẫn tôi đến nhà ông Chữ hiệu trưởng trường Hùng Vương. Bác Chánh giới thiệu tôi với ông Chữ và nhập đề ngay:

 - Anh có thể giúp cháu tôi một việc gì trong trường của anh không?

 - Đây là trường học nên chỉ cần thầy dạy học.

 - Anh có giờ dạy cho cháu không ?

 - Hiện giờ tôi cần một thầy dạy toán cho hai lớp đệ ngũ và hai lớp đệ tứ. Anh Khánh giáo sư toán dạy năm trước, không dạy nữa. Tôi đang phải dạy tạm mấy lớp này nên bận quá.

 - Dạy toán lớp đệ tứ và đệ ngũ, tôi dạy được. Tôi đã dậy kèm toán một thời gian cho các em lớp đệ tứ và đệ tam.

Thực ra vì muốn có một việc làm và nghĩ mình có khả năng dạy toán các lớp ngũ, tứ và tam nên tôi đã nói dối. Tôi chưa bao giờ dạy kèm các lớp đệ tứ và đệ tam. Tôi chỉ dạy kèm cho Tuấn và Kiệt trình độ tiểu học. 

 

Ông Chữ hỏi về gia đình tôi, việc học hành của tôi, tôi học và làm bài tập của những quyển sách toán nào, học toán với những thầy nào. Tôi trình bày về phương pháp dạy toán của những thầy cũ thời trung học của tôi như thầy Tăng, thầy Lưu và thầy Tấn. Tôi nói về phương pháp dạy toán của thầy Tấn là đồng tác giả quyển toá Đinh Qui, Bùi Tấn, Lê Nguyên Diệm và về những quyển toán tôi dùng để làm bài tập. Tôi nhấn mạnh rằng tôi đã giải được hết các bài toán trong quyển toán của Brachet và LeBouchet mà tôi không cần dùng đến quyển tự điển danh từ khoa học của cụ Hoàng Xuân Hãn. Sau đó tôi nói:

- Tôi rất vui mừng nếu ông cho tôi thử dạy một lớp trong một tuần.

- Tôi giao cho anh dạy thử một lớp đệ tứ. Buổi dạy đầu tiên là sáng thứ ba tuần sau, từ tám giờ sáng đến mười giờ.

Ông Chữ đưa cho tôi quyển sách giáo khoa toán lớp đệ tứ của giáo sư Nguyễn văn Phú. Tôi nói:

- Ông có thể cho tôi xem những bài tập của các em để tôi có khái niệm tổng quát về trình độ của các em. Tôi cũng cần sơ đồ của lớp học để tiện theo dõi các em.

- Tôi sẽ giao cho cậu xấp bài tập của các em làm trong tuần trước. Cậu đem về chấm rồì giảng vào thứ ba. Còn sơ đồ của lớp thì tôi không làm.

Tôi ra về, lòng vừa mừng vừa lo.

 

Tối hôm đó tôi chấm bài làm của các em. Tôi an tâm vì trình độ của lớp thấp hơn so với lớp đệ tứ của tôi tại trường Phan Châu Trinh. Bài tập ông Chữ ra không khó, vậy mà có đến một nửa lớp được chấm dưới trung bình. Người điểm cao nhất làm bài cũng không hoàn chỉnh. Hầu hết cách trình bày không gọn, rõ, và đẹp. Chẳng hạn để các dấu bằng không thành một hàng, nhìn vô bài làm như răng cưa chỗ ra chỗ vô không ngay hàng thẳng lối. Thầy Tăng, giáo sư toán tại trường Phan Châu Trinh, rất nghiêm khắc trong việc trình bày bài toán. Các bài làm mà dấu bằng không thẳng hàng bị thầy chấm điểm không. Bài toán hình học này tôi giải bằng bốn cách khác nhau.

 

Bước ra khỏi lớp sau hai giờ dạy đầu tiên, tôi thấy tự tin vì trong hai giờ tôi đã tạo ra được những tràng cười bằng những câu truyện vui. Sáu học sinh đã đặt câu hỏi và tất cả lớp đã đồng thanh đáp :”Dạ hiểu”. Hai giờ dạy tiếp theo vào buổi sáng thứ năm, tôi thuộc hết tên và chỗ ngồi của học trò trong lớp nhờ tôi có hai buổi tối học thuộc sơ đồ lớp học mà tôi lập trong hai giờ đầu tiên. Tôi đưa được tất cả học sinh vô nề nếp về việc trình bày một bài toán. Tôi lập được tổ học tập cho lớp học. Tôi ra nhiều bài tập để về nhà làm. Tôi bắt chước thầy Bùi Tấn, tôi không chia ra giờ hình học, lượng giác hay đại số. Giờ toán nào, học trò cũng phải mang đủ sách vở của ba môn hính học, đại số và lượng giác. Cuối giờ học tôi nói:

 - Tôi không biết có được gặp lại các trò không? Nếu được gặp lại các trò, tôi mong rằng chúng ta sẽ hợp tác tốt với nhau trong việc học. Nếu không được gặp lại các trò, tôi xin chúc các trò gặt hái được kết quả tốt trong việc học tập.

Cả lớp xôn xao:

 - Vì sao thầy không dạy chúng em. 

 - Thầy dạy rất hay, dễ hiểu và vui hơn thầy Chữ.

Tôi nói:

 - Thầy rất muốn được dạy các trò, nhưng còn tùy quyết định của thầy Hiệu Trưởng.

Tôi đi nhanh ra khỏi lớp. Tôi vô văn phòng để gặp ông Chữ. Ông Chữ vỗ vai tôi:

 - Học trò chịu cậu lắm. Cậu giúp tôi dạy hai lớp đệ ngũ và hai lớp đệ tứ. Tổng cộng cậu dạy 16 giờ một tuần. Về lương bổng, nhà trường trả bốn mươi đồng một giờ. Lương sẽ được phát vào sáng thứ sáu hàng tuần. Cậu đồng ý chứ ?

 - Tôi xin cám ơn sự giúp đỡ của ông Hiệu Trưởng. Tôi nghĩ mình rất may mắn. 

 - Đây là tiền lương tuần này. Bây giờ tôi bàn giao việc giảng dạy cho cậu.

 

Những tháng đầu tiên tại Đà Lạt thật hạnh phúc. Buổi sáng đi học hay đi dạy, đi qua cây Mimosa lớn ngay trước cửa phòng. Cây Mimosa không lá có hàng ngàn bông hoa vàng nhỏ xíu xinh đẹp. Tôi thường đứng nói chuyện với cây Mimosa. Tôi hỏi :

 - Mi từ đâu tới? Ai đặt tên mi là Mimosa? Mimosa nghĩa là gì ?

 Mimosa trả lời tôi:

 - Con người từ đâu tới? Ai đặt tên cho Đào, Lan, Huệ, Cúc ? Đào, Lan, Huệ, Cúc nghĩa là gì ? Anh biết không ? Hãy nhìn em, màu hoa vàng như màu lông những con ngan nhỏ, lá xanh hơi mốc trông xưa xưa, cũ cũ khiến mọi người biết em là Mimosa và không lầm với loài hoa khác. Mọi người yêu quí em. Mọi người bảo em đẹp. Họ bảo vẻ đẹp của em bình dị và xa xưa. Xin anh đừng hỏi. Anh im lặng, giữ tâm anh thanh tịnh và ngắm nhìn em. Anh sẽ yêu em. Người Đà Lạt, du khách ghé qua Đà Lạt đều yêu em. Nhắc đến Đà Lạt, mọi người đều nhắc đến tên em. Em là của riêng 
thành phố Đà Lạt. .. 

 

Tôi yêu quí cây MIMOSA HOA VÀNG LÁ MỐC. Đà Lạt có hai loại Mimosa: Mimosa Việt Nam và Mimosa Nhật. Tôi yêu quí Mimosa Việt Nam hơn Mimosa Nhật không phải vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Mimosa Việt Nam đẹp hơn Mimosa Nhật về mọi phương diện từ dáng cây đến hoa lá.

 

Những buổi chiều vào giờ tan học của trường Bùi Thị Xuân, sáu chúng tôi, Tường, Thái, Kinh Kha, Hải, Tâm, Sơn và tôi, ngồi trên đồi Lữ Quán Thanh Niên nhìn xuống đường Võ Tánh. Đường Võ Tánh như một ngày hội. Đúng sáu giờ kém mười lăm các chàng sinh viên quần áo chỉnh tề ra khỏi nhà trọ của khu Võ Tánh. Các chàng đứng bên lề đường Võ Tánh để chào đón những cô nữ sinh Bùi Thị Xuân. Tôi đoán rằng, cũng đúng sáu giờ kém mười lăm các cô nữ sinh Bùi Thị Xuân không còn để ý đến lời giảng của thầy cô. Cô thì xoa lại đôi má cho thêm hồng, cô thì vuốt lại mái tóc, tà áo cho thẳng. Cô này ghé vô tai cô khác nói nhỏ :

 - Tao cá với mi, anh chàng nớ, bữa ni đứng chờ tao ở chỗ đó. Mi dám cá không.

Các cô nữ sinh không đi trên lề đường vì lề đường các chàng đã đứng để đón chào các cô. Các cô nữ sinh đi giữa lòng đường. Lòng đường trở thành giòng suối xanh của những tà áo dài, đen của tóc, màu hồng của đôi má, màu đỏ của đôi môi. Âm thanh của tiếng cười, giọng nói vang vọng trong không gian trong như ngọc. Trời thì xanh, nắng thì vàng, gió thì nhẹ, con người thì vui tươi, cuộc đời thanh xuân sao mà đẹp. Những buổi chiều Đà Lạt thật đẹp. 

 

Bạn tôi tại Lữ Quán Thanh Niên có đứa đã bắt chuyện được với các cô nữ sinh. Thông là đứa nhanh nhất trong việc tìm được ý trung nhân. Thông và cô Yến, học sinh lớp đệ tứ, tiến tới tình yêu nhanh chẳng khác chi Thúy Kiều và Kim Trọng. Một buổi chiều chúng tôi thấy Thông đi lẽo đẽo theo cô Yến. Đến chợp tối, Thông nói với tôi:

 - Đưa tao mượn ít tiền. 

 - Mày đãi cô nàng đi ăn ở Mekong ?

 - Đi theo em, quên giờ cơm. Lúc về, quán cơm Lữ Quán đóng cửa. Bây giờ phải ra phố ăn cơm. Cuối tháng làm gì có tiền mà dẫn em đi ăn. 

 

Chúng tôi thường mua phiếu ăn cho cả tháng. Hết tiền đi chơi nhưng vẫn còn cơm để sống đến lúc nhận được bưu phiếu của gia đình. Tôi là đứa duy nhất trong bọn có tiền rủng rỉnh hàng tuần, không phải một tháng một lần như các bạn khác. Những ngày cuối tháng tôi thường là mạnh thường quân hay chủ nợ của nhiều đứa.

 

Những ngày hôm sau, cô Yến là một trong những cô học sinh Bùi Thị Xuân lên đỉnh đồi Lữ Quán Thanh Niên trước nhất. Thông đưa cô Yến đi về Xuân An bằng con đường mang tên Con Đường Tình Yêu, con đường từ đỉnh đồi Lữ Quán Thanh Niên dẫn xuống Hồ Xuân Hương. Cả tuần lễ đầu tháng, tôi không thấy Thông về ăn cơm chiều. Tôi đoán Thông mời cô Yến đi ăn cơm ở Đông Hải, Như Ý, Nam Sơn hoặc Shanghai. Từ tuần thứ hai, thứ ba, Thông luôn là khách hàng cuối cùng của quán cơm Lữ Quán. Tuần cuối tháng, Thông là con nợ của tôi.

 

Con đường từ đỉnh đồi Lữ Quán Thanh Niên dẫn xuống bờ hồ Xuân Hương được chúng tôi đặt là Con Đường Tình Yêu. Con đường Tình Yêu là con đường dốc, tráng nhựa, nhỏ chỉ vừa đủ cho hai xe du lịch tránh nhau. Con đường vắng lặng với hàng cây thông cao vút. Quanh gốc thông là những cây dương sỉ. Con đường đi ngang bên hông biệt thự của trung tướng Trần văn Đôn. Biệt thự Dominique của trung tướng Trần Văn Đôn to lớn nằm hiền hòa và khiêm nhường thấp hơn mặt đường khoảng ba mét. Chiều chiều, tôi thường lang thang một mình hoặc với anh Khoáng trên con đường này. Mấy tháng sau ở khoảng giữa con đường, trên khoảng đất cao hơn mặt đường năm mét, một căn nhà mới được xây. Căn nhà này của ai chúng tôi không biết. Căn nhà làm mất cảnh thiên nhiên của con đường. Nhưng bù lại tôi được thấy cập tình nhân chạc tuổi tôi, cả hai đều là đồng môn với tôi. Chàng là con một quan chức lớn ở Nha Trang, nàng là con nhà khá giả của Nha Thành. Chàng và nàng trùng tên với hai nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết Đôi Bạn của Nhất Linh. Thỉnh thoảng tôi thấy nàng ngồi trên vai chàng. Chàng đưa nàng quanh sân. Tiếng cười trong trẻo của nàng vang trong khúc đường vắng. Chàng và nàng sống trong cảnh thần tiên. Nghe tiếng cười của chàng và nàng, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi nguyện cầu cho hai người được sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Cuối đường phía đỉnh đồi, ông thiếu tướng Tôn Thất Xứng cho xây một biệt thự to lớn. Ông không đền cho chúng tôi gì ngoài những người lính gác nhìn chăm chú chúng tôi khi chúng tôi đi qua. Mỗi lần chúng tôi đi qua, mấy anh lính gác cổng nhìn chúng tôi khiến sau này tôi không còn có hứng đi lang thang trên con đường Tình Yêu.

 

Những buổi chiều ngồi trên đồi Lữ Quán Thanh Niên nhìn học trò Bùi Thị Xuân đi học về, tôi nhớ Hoa. Trên đồi Lữ Quán Thanh Niên tôi làm bài thơ đầu tiên từ ngày tôi đến Đà Lạt. Đứng trên đồi Lữ Quán Thanh Niên trong buổi chiều tuyệt đẹp như ngọc, đẹp chẳng khác chi những câu thơ Kiều tả tiết thanh minh. Trời xanh, lá xanh, áo xanh, cỏ xanh, núi xanh, tấm lòng của mọi người cũng xanh của tuổi thanh xuân. 

 

 

BÂNG KHUÂNG NHỚ HUẾ


 Ngồi trên đồi Lữ Quán Thanh Niên

 Nhìn xuống đường Võ Tánh

 Buổi chiều tan học

 Chiều Đà Lạt trời trong xanh như ngọc

 Nắng nhẹ vàng phủ trọn đồi xanh

 Chiều Đà Lạt đẹp và thơ mộng quá

 Nhưng tôi bỗng bâng khuâng nhớ Huế

 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 (Còn tiếp)   


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Một 2011(Xem: 29249)
" Đau đớn, nơi xưa thành tổ quỷ, Nghẹn ngào, chốn cũ biến hang ma. Âm thầm tưởng niệm ngày Cha mất, Đất khách đàn con lặng xót xa."
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6833)
ĐÀ LẠT DU KÝ (Phần 2) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6576)
Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập Giáo Sư Nguyễn Cao Hách gọi Cha là vị lãnh đạo tinh thần cao cả. Đối với Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Cha là một nhân vật siêu việt, gia trưởng của đại gia đình Thụ Nhân. Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương tôn vinh Cha là Thừa Thiên Thụ Nhân. Giáo Sư Lê Hữu Mục khẳng định Cha là một người Cha nhân lành, có những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm. Giáo Sư Trần Long cho rằng Cha là hiện thân của lòng nhân.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13156)
“Rứa c on đi, con có trở về không?” Võ Thà nh Xuân ... ở đây sẽ chỉ là một số kỷ niệm với người Cha tôn kính của một cựu sinh viên may mắn gần g ũi Cha vào quảng đời mà tình cảm của Cha như một người cha già thế tục mong vui với đàn con.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 7051)
Linh Mục Nguyễn Văn Lập: Một Vị Lãnh Đạo Tinh Thần Cao Cả Gs Nguyễ n Cao Hách Lúc còn sinh thời, Linh Mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh. Trong mấy chục năm liền, tôi hân hạnh được hợp tác với Viện Đại Học Da lat, m à Linh Mục Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6459)
NHỚ LẠI QUÁ KHỨ Frêre Théo phane NGUYỄN VĂN KẾ, FSC ...ai ai Ngài cũng cư xử với con tim thật tình. Người đối với người: lễ phép kính cẩn mến yêu, trong giọng nói, bình tĩnh, trầm trầm Miền Trung. Ngài để ý đến mọi người. Như vậy đắc nhân tâ m là phần thưởng cho Ngài lúc sống và lúc qua đời.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 8077)
Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết... về tôi Nguyễn Duy Tưởng TTKTKN/NHPTKNVN, 1968-1975 Một tờ giấy viết tay rơi xuống đất, tôi nhặt lên đọc. Nét chữ viết tay đó làm tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động. Mới đó mà đã gần 42 năm, những hình ảnh về cơ quan cũ, về bạn bè xưa, và về anh với dáng đi tất bật hiện ra mờ nhạt.
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6178)
MIẾNG BÁNH ĐA KÊ Tác giả: Người Hànội, CTKD 1 Nghe ba chữ “ Bánh Đa Kê ” thật đơn giản, thật dân dã đối với người dân xứ Bắc, nhưng đối với tôi, nó mang cả một khung trời kỷ niệm đầy nhung nhớ, luyến tiếc, của chuyến về Hànội ngày vào thu, trong buổi tiễn đưa khi phải chia tay con trai tôi.
07 Tháng Mười Một 2010(Xem: 7876)
ĐÀ LẠT DU KÝ Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít đ ược đề cập đến .
14 Tháng Mười 2010(Xem: 6319)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn Cuối) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468