Hỏa Kiếp (Trần Văn Lương)

05 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 24806)
Hỏa Kiếp (Trần Văn Lương)


Hỏa Kiếp


Do:

 Một vòng thành trụ hoại không,

Mênh mông kiếp hỏa, cánh đồng nở hoa.

 

Cóc cuối tuần:

 

 火刧

烈 火 劈 空 來,

雲 霄 滿 黑 炱.

山 河 皆 盡 燬,

燹 裏 野 花 開.

 陳 文 良

 

 Âm Hán Việt:

 

 Hỏa Kiếp

Liệt hỏa phách không lai,

Vân tiêu mãn hắc đài.

Sơn hà giai tận hủy,

Tiển lý dã hoa khai.

 Trần Văn Lương

 

Dịch nghĩa:

 

 Nạn Lửa (1)

Lửa lớn chẻ trời ra mà tới,

Không trung đầy tro đen.

Sông núi đều bị đốt cháy hết, (2)

Trong đám lửa, hoa dại nở.

 

Chú thích:

 

(1) Theo Phật Quang Đại Từ Điển (vần K, chữ Kiếp) thì có nhiều thuyết về Kiếp

(tiếng Phạn là Kalpa, tiếng Pali là Kappa) với chiều dài khác nhau. Quan niệm về thời

gian của Phật giáo lấy Kiếp làm cơ sở để giải thích quá trình hình thành và hủy

diệt của thế giới (chu kỳ thành trụ hoại không).

Trong thời hoại kiếp, hỏa tai, một trong đại tam tai, sẽ đốt hết từ mặt đất cho

đến cõi sơ thiền. Tất cả trở về không và sau đó thế giới được thành lập lại.

 

(2) Bích Nham Lục, tắc 29 : Đại Tùy Kiếp Hỏa

 

Cử:

 

 Tăng hỏi Đại Tùy:

 - Kiếp hỏa cháy suốt, thế giới đều bị hoại, không biết cái này hoại hay không hoại?

 Đại Tùy đáp:

 - Hoại.

 Tăng hỏi:

 - Thế thì theo nó mà đi?

 Đại Tùy đáp:

 - Theo nó mà đi.

 

Lời Bình (của Viên Ngộ) :

 

 Đại Tùy Pháp Chân Hòa Thượng là pháp từ của Đại An Thiền Sư. Sư là người gốc huyện Diêm Đình, Đông Xuyên. Sư tham kiến với sáu mươi vị thiện tri thức. Xưa Sư làm đầu bếp trong chúng hội Qui Sơn. Một hôm Qui Sơn hỏi, "Ông ở đây mấy năm rồi mà chưa trình kiến giải, giờ hỏi thử một câu xem như thế nào?" Đại Tùy nói, "Bây giờ con phải hỏi như thế nào mới được?" Qui Sơn nói, "Chẳng lẽ ông không biết hỏi Phật là gì sao?" Đại Tùy bèn đưa tay ra bịt miệng Qui Sơn. Qui Sơn nói "Ông tuy có miếng ngói che đầu, sau này tìm một người quét đất cũng không có."

Sư trở về Xuyên. Thoạt tiên bên đường lộ ở Bằng khẩu nấu trà tiếp đãi người qua lại suốt ba năm. Sau đó xuất thế khai sơn tại Đại Tùy. Có tăng hỏi, "Kiếp hỏa cháy suốt, thế giới đều bị hoại, không biết cái này hoại hay không hoại?" Ông tăng chỉ biết dựa trên giáo ý đến hỏi, dẫn "thành trụ hoại không" trong giáo pháp nói rằng: "lúc tam tai kiếp khởi, sự hoại diệt đến tận tam Thiền thiên." Ông tăng này nguyên lai không hiểu ý của thoại đầu.

Thử nói xem, "cái này" là cái gì? Thiên hạ đa số đưa ra tình giải nói rằng "cái này" là bản tính của chúng sinh. Đại Tùy nói: "Có bị hoại." Ông tăng hỏi: "Thế thì theo nó mà đi?" Đại Tùy đáp: "Theo nó mà đi." Chỉ có "cái này" mà biết bao nhiêu người mò mẫm không ra. Nếu nói "theo nó mà đi", thì nó ở đâu? Nếu nói "không theo nó mà đi" thì phải làm sao? Há không thấy nói, "nếu muốn được chỗ thân thiết, đừng đem câu hỏi đến hỏi" sao? Sau đó có ông tăng hỏi Từ Sơn Chủ: "Hỏa kiếp cháy suốt, đại thiên đều bị hoại. Không hiểu cái này có hoại hay không?" Sơn Chủ nói: "Không hoại." Ông tăng hỏi: "Tại sao lại không hoại?" Sơn Chủ nói: "Bởi vì nó cũng giống như đại thiên." Hoại và không hoại đều làm trở ngại người.

Ông tăng kia không hiểu lời nói của Đại Tùy, nhưng vẫn không quên được chuyện này, bèn thẳng đến Thứ Châu Đầu Tử Sơn. Đầu Tử hỏi: "Ông mới từ đâu đến?" Ông tăng nói: "Từ Tây Thục Đại Tùy." Đầu Tử hỏi: "Đại Tùy có lời nói gì?" Ông tăng thuật lại lời trước đó. Đầu Tử nói rằng: "Tây Xuyên có cổ Phật xuất thế, ông mau trở về sám hối đi." Ông tăng bèn trở về chỗ Đại Tùy, song Đại Tùy đã thiên hóa. Ông tăng này quả một trời lúng túng!

 

Phỏng dịch thơ:


 Nạn Lửa

Lửa đến tự trời không,

Tro tàn lấp núi sông.

Mênh mông dòng hủy diệt,

Biêng biếc cánh hoa đồng.

 Trần Văn Lương

 Cali, 10/2012

 

Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư :

 Lửa hoại kiếp cháy phừng phừng, vạn vật đều bị tiêu diệt, thế mà trong đám lửa

đóa hoa kia vẫn nở. Quả có lý này ư?

 Hỡi ơi, lão tăng mò mẫm mãi chẳng ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Tám 2020(Xem: 6680)
"Khói sông che khuất quê nhà Qua cơn hàn thực phôi pha mịt mờ (1) Mùa xuân tàn úa cung tơ Men nồng chợt tỉnh giấc mơ đêm trường"
18 Tháng Bảy 2020(Xem: 7390)
"Trên cành phi-yến, phủ đôi công Ngước mặt nhìn trời mây trắng trong Xanh lá, xanh trời, xanh tuổi ngọc Bạch vân, bạch vũ, bạch tâm không."
27 Tháng Sáu 2020(Xem: 7036)
"Mừng Thầy đại thọ chín hai Bên Cô sánh bước dặm dài thong dong Trong mây thấp thoáng bóng Rồng Tàng Long thưởng Nguyệt (1), một lòng sắt son."
23 Tháng Sáu 2020(Xem: 8802)
"Góc bàn quen-Bạn gọi ! Ta sẽ mừng gặp nhau Lại chuyện đời dăm câu Vẫn bên ta có Bạn !!"
22 Tháng Sáu 2020(Xem: 6762)
"Đạo làm con khó, không khó vì nỗi bất hạnh của Mẹ Cha mà khó vì lòng người thiếu sự cảm thông và niềm độ lượng."
01 Tháng Sáu 2020(Xem: 6790)
"Viện của mình ngày xưa đẹp lắm hàng tùng xanh giờ đã vút cao từng lối sỏi, giảng đường, thảm cỏ dấu chân Cha giờ ở nơi nao"
30 Tháng Tư 2020(Xem: 7732)
““Một số người hồi xưa đã chiến đấu, đã phục vụ chế độ này. Nhưng từ từ họ không chịu được sự bất nhân, cái ác của chế độ toàn trị này và cảm thấy như bị phản bội. Giống như bản thân tôi, những giá trị mà tôi đã chiến đấu vì con người, vì hoà bình, thì tôi thấy chế độ này chà đạp, họ ăn mày dĩ vãng và làm ngược lại, lợi dụng cái đó”.”
14 Tháng Tư 2020(Xem: 7587)
"Tôi muốn về để thấy được tôi Giữa cảnh đời ngược xuôi lạ lẫm Vẫn luôn mang một niềm hy vọng Không thể nào -Ta mất Quê hương !"
31 Tháng Ba 2020(Xem: 7165)
"Thôi rồi Thầy đã ra đi Trần gian chắc chẳng còn gì vấn vương? Nhớ ngôi trường cũ mù sương Dáng Thầy cao ráo, thân thương, hiền từ"
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468