Hạnh phúc qua nhiều lăng kính Đông-Tây

02 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 17357)
Hạnh phúc qua nhiều lăng kính Đông-Tây

Hạnh phúc qua nhiều lăng kính Đông-Tây


Phương Lan/Viễn Đông

634295750248732785_288x191





Những nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc trong một cuộc sum họp gia đình vào dịp Giáng Sinh 2010 – ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

WASHINGTON - Một cuộc điều tra nghiên cứu tại các nước đã và đang phát triển cho biết, cảm nghĩ hạnh phúc không phải lúc nào cũng gia tăng theo tỷ lệ thuận với số tài sản tích lũy được. Cuộc điều tra còn cho biết, tài sản một số người Trung Quốc đã gia tăng một cách đột ngột, nhưng những người này lại không cảm thấy gì là hạnh phúc. Thông tín viên khoa học Alok Jha đã viết trên trang mạng guardian.co.uk ngày 13-12-2010 những dòng nêu trên. Các nhà nghiên cứu đã xem xét các dữ kiện về sự hài lòng từ 37 quốc gia mà họ thu thập được, qua những thời kỳ khác nhau, từ 12 đến 34 năm, mãi cho đến năm 2005. Các mẫu dữ kiện này bao gồm các nước đã và đang phát triển, giàu và nghèo, cựu cộng sản và tư bản. Mục đích cuộc nghiên cứu là muốn chứng minh một nghịch lý như sau: Mặc dù thông thường - tại các nước giàu có – dân chúng có vẻ sung sướng hạnh phúc hơn; nhưng có khi một quốc gia giàu có hơn, mà người dân không nhất thiết sẽ được hạnh phúc hơn.

* Hạnh phúc là gì?

Theo World Database of Happiness, “Hạnh phúc là mức độ mà một cá nhân phán đoán về phẩm chất toàn bộ cuộc sống của mình thuận lợi. Nói cách khác, người đó có thích cuộc sống hiện có hay không. Những từ ngữ chính yếu trong định nghĩa này có thể được giải thích như sau:
Mức độ: Danh từ ‘hạnh phúc’ dùng để biểu thị một sự đánh giá lạc quan về cuộc sống, liên quan đến mức độ. Giống như nhận thức về ‘chiều dài’ hay ‘trọng lượng’, nó chứng tỏ một điều gì đó. Khi chúng ta nói một người hạnh phúc, chúng ta muốn nói là người ấy đánh giá cuộc đời mình thuận lợi hơn là bất lợi.
Cá nhân: Danh từ hạnh phúc được dùng để mô tả một tình trạng của một cá nhân: điều này không áp dụng cho một tập thể. Như vậy thì một quốc gia không thể nói là được hạnh phúc. Nói cho cùng, chỉ có thể nói là hầu hết công dân trong nước đó được hạnh phúc mà thôi.
Hạnh phúc biểu lộ một sự đánh giá chủ quan của một cá nhân về đời sống của mình, do đó không thể có một tiêu chuẩn hạnh phúc khách quan.
Phán đoán: Danh từ ‘hạnh phúc’ được sử dụng khi một người nào đó phán đoán toàn bộ về phẩm chất cuộc sống. Điều này ẩn tàng một hành động trí tuệ. Như vậy, hạnh phúc không phải chỉ là nói chung về các điều vui thích của người đó, mà đúng ra là một sự xây dựng nhận thức, trong đó một cá nhân đã kết hợp lại từ các kinh nghiệm khác nhau của mình.

* Hạnh phúc sẽ đến với tuổi già?

Trên trang mạng tờ The New York Times ngày 31-5-2010, Nicholas Bakalar đã tường thuật lại sự tương quan giữa hạnh phúc và tuổi già như sau: Tuổi già là một sự kiện không ai tránh khỏi. Các bắp thịt yếu dần đi. Tai thì nghễnh ngãng; mắt thì mờ đục. Chúng ta bắt đầu có nhiều nếp nhăn và lưng bắt đầu còng xuống. Chúng ta không thể chạy, và ngay cả việc cất bước đi nhanh như trước, cũng trở thành khó khăn. Chúng ta bị đau nhức khắp toàn thân mà trước đây không hề có: Vì chúng ta đang già đi…
Điều này mới thoạt nhìn có vẻ thật là khốn khổ, nhưng thực sự không phải như vậy. Một cuộc thăm dò quan trọng mới đây do Viện Gallup tổ chức lại cho thấy kết quả hầu như ngược hẳn lại, “càng về già, người ta lại càng cảm thấy hạnh phúc hơn”, và điều này chính các nhà nghiên cứu cũng chưa biết chắc chắn tại sao.
Trong bài tiểu luận “A snapshot of the age distribution of psychological well-being in the United States” (Vài nét khái lược về sự tương quan giữa tuổi tác và hạnh phúc tại Hoa Kỳ), giáo sư Daniel Kahneman thuộc Đại Học Princeton, tiểu bang New Jersey, đã viết trong một bài khảo luận đăng trong tuyển tập của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoa Kỳ (pnas.org) ngày 20-4-2010, “Cảm giác tâm lý về hạnh phúc bao gồm sự đánh giá toàn bộ của một cá nhân về cuộc đời của mình, và đây cũng là khía cạnh quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân hay nhóm đó. Đã có nhiều cuộc nghiên cứu đa dạng khác nhau, để tìm ra sự tương quan giữa sự đánh giá toàn bộ cuộc đời và tuổi tác. Theo kết quả nghiên cứu, điều làm cho bạn hài lòng với cuộc sống hơn, chính là bạn tìm ra được nhiều bạn bè tín hữu có niềm tin giống mình”.

* Tôn giáo và hạnh phúc

Trên trang mạng Social Capital Blog ngày 7-12-2010, các thành viên của nhóm nghiên cứu American Grace, Chaeyoon Lim và Robert Putnam, có một bài đăng trong tạp chí American Sociological Review, chứng minh rằng trên thực tế, sở dĩ tôn giáo làm cho người ta hạnh phúc hơn, là do người tín đồ có nhiều bạn bè tín hữu ở nhà thờ.
Chaeyoon Lim, giáo sư phụ tá xã hội học tại Đại học Wisconsin-Madison, dẫn đầu cuộc nghiên cứu nói: “Cuộc nghiên cứu của chúng tôi đưa ra các bằng chứng rằng, chính khía cạnh xã hội của tôn giáo hơn là vấn đề thần học hay tinh thần, đã khiến cho con người cảm thấy hài lòng. Đặc biệt là việc lắng nghe các bài thuyết giảng hay cầu nguyện không đủ. Người ta tìm thấy tình bạn bè trong các giáo xứ, và đó mới chính là yếu tố làm cho con người cảm thấy hạnh phúc hơn”.
Hai ông Lim và Putnam đã tìm thấy rằng, sở dĩ việc thờ phượng đem lại sức mạnh tinh thần, vì người ta tìm ra được những người bạn thân có cùng một tín ngưỡng. Trong khi những người bạn thông thường tạo cho người ta sự hài lòng lớn lao hơn trong cuộc sống, thì các tín hữu tại nhà thờ được xem như những người bạn siêu hạng, tạo ra một một ảnh hưởng hài lòng về cuộc sống còn mạnh mẽ hơn là các người bạn thế tục.
Hiện nay người ta chưa hiểu rõ ràng tại sao các tín hữu thân thiết tại nhà thờ lại có một sức mạnh lớn lao như vậy. Hai nhà nghiên cứu Lim và Putnam chỉ đoán rằng, các người bạn tại nhà thờ này đã “tạo ra được một ý thức mạnh mẽ là họ thuộc về cộng đồng tôn giáo này”, và cung cấp cho các tín hữu sự hỗ trợ xã hội nâng cao tinh thần họ”. Nói một cách khác, nếu người ta đi tìm sự hài lòng trong cuộc sống, thì không phải đức tin hay cộng đồng không thôi là điều quan trọng, mà phải là cộng đồng các đức tin. Đối với sự hài lòng trong cuộc sống, việc cùng nhau cầu nguyện xem ra có vẻ khá hơn là cầu nguyện một mình. Các khám phá này cho thấy các vị lãnh đạo tôn giáo nên bỏ ra nhiều thời gian hơn, cố gắng tạo ra một đời sống giáo đoàn sâu sắc hơn nữa, ví dụ qua sự thờ phượng của các nhóm nhỏ, các ban hợp ca, v.v..

* Hạnh phúc có giá hay không?

Trên trang mạng báo Charlotte Observer ngày 7-9-2010, ký giả Randolph E. Schmid thuộc hãng AP đề cập về “giá cả của hạnh phúc”: Người ta thường nói rằng, “tiền bạc không thể mua được hạnh phúc, nhưng họ đã lầm. Ít nhất là về một điểm nào đó”.
Trong một phúc trình hồi tháng 9-2010, của Hàn Lâm Viện Khoa Học Hoa Kỳ, kết quả nghiên cứu cho biết, mọi cảm nhận, xúc cảm về hạnh phúc của con người tăng theo khi lợi tức của họ trên 75.000 Mỹ kim. Angus Deaton – một kinh tế gia của Trung Tâm Sức Khỏe và Hạnh Phúc thuộc Đại học Princeton University cho biết: “Còn đối với những người kiếm được ít hơn, nhìn vẻ mặt họ khó lòng mà tìm ra được nét hạnh phúc”.
Hai ông Deaton và Daniel Kahneman đã xem xét kết quả các cuộc điều tra phỏng vấn 450.000 người Mỹ, thực hiện hồi năm 2008 và 2009 cho Viện Gallup, về chỉ số Sức Khỏe và Hạnh Phúc, bao gồm các câu hỏi với mọi tầng lớp dân chúng đánh giá về hạnh phúc mỗi ngày của họ, và sự hài lòng nói chung về cuộc sống.
Ông Deaton nói, hình như hạnh phúc ngày càng khá hơn khi họ kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng khi vượt qua mức 75.000 Mỹ kim, thì gần như ngang nhau. Lúc đó, họ chỉ có cảm giác chung là thành công khi họ kiếm được tiền vượt qua mức đó.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Deaton phát biểu: “Đối với những người kiếm được trên 75.000 Mỹ kim, tâm tình hàng ngày của họ cũng chẳng khá hơn là mấy… mà họ chỉ cảm thấy mình có một cuộc sống tốt đẹp hơn thôi”.
Ông Deaton nói tiếp: “Cho nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi một người kiếm được từ 100.000 Mỹ kim/năm tăng lên đến 200.000 Mỹ kim/năm, họ chỉ nhận thức được một cảm giác thành công, nhưng không hẳn là điều này làm cho họ mỗi ngày cảm thấy hạnh phúc hơn”.
So sánh các kết quả về mức độ hài lòng trong cuộc sống, các nhà nghiên cứu tuyên bố, Hoa Kỳ đứng hàng thứ 9 trên thế giới, sau các nước như Canada, Hòa Lan, Thụy Sĩ và Tân Tây Lan.

* Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng về hạnh phúc

Trên trang mạng buddistchannel.tv ngày 15-5-2010, ký giả Ryan J. Foley viết một bài về việc, khoa học gia Richard Davidson - một chuyên viên nghiên cứu về sự suy tư ảnh hưởng đến các chức năng não bộ - đã tìm được nguồn cảm hứng ra sao, sau khi ông được Đức Đạt Lai Lạt Ma mời ông đến tiếp kiến tại văn phòng xứ Ấn Độ hồi năm 1992.
Nhà lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong đặt câu hỏi: “Thông thường, các nhà khoa học hay nghiên cứu về sự trầm cảm, sự lo lắng và sự sợ hãi; nhưng tại sao quý vị lại không chuyển hướng nghiên cứu về các phẩm chất tích cực của con người, như hạnh phúc và lòng nhân ái?”.
Giáo sư Davidson thuộc Đại Học Wisconsin-Madison – nhà khoa học não bộ hồi tưởng lại: “Lúc đó, tôi không thể trả lời được câu hỏi của Ngài cho chính xác”.
Kể từ đó, Davidson đã trở thành một trợ thủ của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong công cuộc tạo ra một mối dây liên kết giữa Phật giáo và khoa học Tây phương.
Hồi trung tuần tháng 5-2010, Đức Đạt Lai Lạt Ma khánh thành Trung Tâm Nghiên Cứu Về Tâm An tại khu Waisman Center trường Đại học University of Wisconsin, nơi đây, có hơn chục nhà nghiên cứu nghiên cứu khía cạnh khoa học đằng sau các phẩm chất tích cực của tâm trí. Giáo sư Davidson nói rằng, trung tâm này là nơi duy nhất trên thế giới, có một phòng để suy tư trầm mặc, bên cạnh một phòng thí nghiệm về hình ảnh não bộ.
Công trình nghiên cứu của Davidson là sử dụng kỹ thuật hình ảnh não bộ trên các tu sĩ Phật giáo và các cư sĩ đã thiền định lâu năm, để cố gắng tìm hiểu xem các buổi luyện tập này đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần ra sao.
Toán của ông đã tìm thấy kết quả cho biết, sự suy tư trầm mặc và các phương pháp thiền định khác, có thể cải tiến được lòng thương người, sự thông cảm, lòng tốt và sự quan tâm đến tha nhân. Các kết quả này hậu thuẫn cho quan niệm rằng, ngay cả trí óc của người lớn tuổi cũng có thể chuyển hóa thay đổi được, qua kinh nghiệm và học hỏi.
Ngoài ra, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bỏ ra nhiều thời gian cổ vũ cho việc nghiên cứu về các phương pháp thiền định truyền thống của Phật giáo, và thuyết phục các nhà khoa học hợp tác tạo ra một thế giới hòa bình và đạo đức hơn.
Giáo sư Davidson - được tuần báo Time xem là 1 trong 100 người nổi tiếng nhất trong năm 2006 – đã xuất hiện cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma trong các sự kiện về khoa học 5 lần trong năm 2010.

* Chính phủ Anh đang đi tìm hạnh phúc cho dân chúng?

Trang mạng Dawn.com loan báo, hôm thứ Hai 15-11, tờ The Guardian cho biết, chính phủ Anh sẽ đưa ra một “chỉ số hạnh phúc” (happiness index), để đo lường về mức độ hạnh phúc về tâm lý và môi trường của người dân Anh.
Thủ Tướng David Cameron sẽ yêu cầu Văn Phòng Thống Kê Quốc Gia chuẩn bị các phương pháp, để đo lường mức độ hạnh phúc tổng quát của người dân. Nguồn tin này cho tờ báo biết: “Mục đích của công việc này là để cung cấp một loạt các dữ kiện mới nhất… để công bố thường xuyên, hầu biết được về mức độ hạnh phúc về thể chất và tâm lý của người dân Anh quốc”.
Thủ Tướng Cameron mong đợi sẽ dùng chỉ số này đặt vào việc hoạch định các đường lối chính sách trong tương lai, nhưng ông cũng có thể gặp rủi ro khi nhận được các kết quả không hài lòng, sau vụ chính phủ vừa loan báo cắt giảm ngân sách tại khu vực công cộng.
Anh quốc đã tổ chức các cuộc thăm dò về mức độ hài lòng trong cuộc sống của dân chúng, và có lẽ sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới, chính thức giám sát theo dõi về hạnh phúc của người dân. – (PL)

(Nguồn: viendongdaily.com)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Bảy 2021(Xem: 3826)
"Sau bảy năm chung sống, Sophie Turner, 29 tuổi, và chồng đã đệ đơn ly hôn. Họ chưa bao giờ bàn về việc chia tay trước khủng hoảng virus corona, nhưng trong trận đại dịch, hôn nhân của họ đã trở nên cay đắng."
07 Tháng Bảy 2021(Xem: 3989)
"Khi tỉnh dậy, người trong mơ đã không còn thanh xuân nữa. Vậy là khoản tiền lớn bà nhận được và cất giữ suốt mấy chục năm qua là do người yêu thương gửi đến mà bà không hề hay biết. "
09 Tháng Năm 2021(Xem: 4045)
"Nhục thật bạn ạ. Nhưng lớp trẻ chúng tôi hầu như đang lạc lối, thiếu người dẫn đường thật sự chân thành thương yêu chúng tôi, thương yêu đất nước ngàn năm tang thương, đau khổ."
07 Tháng Năm 2021(Xem: 3937)
"“Cha mẹ thương con là vô hạn, con thương cha mẹ là có hạn. Con bệnh cha mẹ buồn lo. Cha mẹ bệnh con đến nhòm một cái, hỏi vài câu thấy là đủ. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. "
22 Tháng Tư 2021(Xem: 4081)
"Tôi mơ ước một ngày rất gần nước Việt Nam sẽ đổi mới theo cùng thời đại trên trái đất này với một thể chế chính trị thực sự hợp lòng dân, không còn 'độc đảng sinh ra đảng trị độc đoán, chuyên quyền', ..."
23 Tháng Ba 2021(Xem: 4161)
"Khi chúng ta cho đi mà không cần nhận lại, ta đã chiến thắng sự ích kỷ của chính mình. Vạn vật trên đời đều có luật nhân quả, người sống tốt chắc chắn sẽ nhận lại may mắn."
22 Tháng Ba 2021(Xem: 4034)
"Lương tâm là vô giá. Làm người có thể mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm".
23 Tháng Giêng 2021(Xem: 4344)
"Rưng rưng nước mắt rưng rung Hiểu ra lòng mẹ: một vầng trăng khuya Dạt dào vằng vặc miền quê Mẹ ơi, con có trăng khoe bạn mình …"
09 Tháng Giêng 2021(Xem: 4319)
"Bài thơ cũng đánh động đến chữ “Hiếu”, đến sự quan tâm của con cái đối với cha mẹ già lão... Vì rất có thể một ngày nào đó chúng ta muốn nói lời yêu thương với cha mẹ mình thì than ôi đã quá muộn mất rồi…"
25 Tháng Mười Một 2020(Xem: 4287)
"Truyền thống ngày Lễ Thanksgiving nói lên sự khiêm tốn và niềm tin vào lòng người. Tạ ơn là một hành động trân trọng phát xuất từ lòng chân thành và thể hiện bằng việc làm trong đời sống hàng ngày. "
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468