Gót hồng (Bùi Đình Phùng)

19 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 17841)
Gót hồng (Bùi Đình Phùng)

 Gót hồng

 Bùi đình phùng

 Sống trong căn nhà rộng thênh thang, mùi sơn mới còn phảng phất khắp đó đây, lòng Thùy như lắng chìm trong khung cảnh đồi núi chập chùng, cây cối um tùm, không khí êm đềm của thành phố Trabuco Canyon hiu quạnh. Nằm giáp giới với ba thành phố Lake Forest, Mission Viejo và Rancho Santa Margarita tân lập, là hàng trăm căn nhà mới xây của khu Meadow Ridge như đứng chênh vênh trên sườn đồi, soi mình bên hồ nước nhân tạo vĩ đại, biệt lập hẳn với thế giới văn minh, ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Hàng xóm kế cận là dòng tu nam thánh Michael, nằm trên một ngọn đồi cao ngất ngưởng, với nhà nguyện cổ kính kiến trúc theo kiểu Tây Ban Nha hồi thế kỷ 18. Tiếng chuông ngân vang vào những ngày lễ, như tiếng vang vọng xa xăm, lạc lõng, bất hạnh, trong việc kêu gọi những linh hồn tội lỗi, bơ vơ, mất niềm tin, sớm quay về. Nằm đối diện với khu Meadow Ridge, chạy dọc theo con đường chính El Toro là khu đồi núi Portola Hills với hàng ngàn căn nhà mới xây được gần một năm, dân cư lên tới hàng chục ngàn người. Nơi đây cũng có trường tiểu học, để cư dân mang con tới trau dồi kiến thức, khỏi phải nhọc công đi xa, tới Lake Forest hoặc Mission Viejo, cách hằng mấy dặm đường. Đi sâu hút vào bên trong thành phố, theo con đường El Toro nối dài, về hướng bắc, sát nhập vào con lộ chính của thị xã: Live Oak Canyon. Đây là độc đạo, nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, chỉ có hai lane, quanh co, vòng vèo, đường đất lởm chởm. Cây cối hai bên đường rậm rạp, chập vào nhau như triều thiên xanh ngát, tạo ra khung cảnh thiên thai, tình tứ, hoang dại. Những gốc cây, rễ cây, hai bên đường, dù đã được cắt bớt, nhưng vẫn còn lởm chởm, gây nhiều trở ngại, nguy hiểm cho người lái xe, nếu vận tốc đi quá ba mươi dặm một giờ. Cứ thong thả rong chơi, ngắm cảnh đồi núi hùng vĩ, chiêm ngưỡng những villa cổ kính ẩn hiện xa xa sau làn mây mỏng, thỉnh thoảng sẽ gặp một vài chú nai tơ ngơ ngác, lững thững dạo bước qua đường hay đang uống nước cạnh bờ suối. Dù đường xá âm u, tối tăm, nhưng không có đèn đường chiếu rọi, ngoại trừ một vài khúc rẽ nguy hiểm, chỉ loe ngoe một ngọn đèn vàng mờ nhạt mà thôi. Đi sâu vào bên trong là khu hành chánh của thị xã như bưu điện, toà tỉnh, ty cảnh sát, sở cứu hoả…được xây dựng bằng những căn nhà gỗ, sơn màu cũ kỹ, giống hệt như những căn nhà trong các phim cao bồi miền viễn tây. Người ta không thể nào ngờ được, kế cận những thành phố tân lập, lại xuất hiện một thị xã mang nét cổ kính, hoang dại, kỳ lạ như vậy của vùng Orange county California.

 Mặc dù đã dọn về đây với mẹ cả mấy tháng nay rồi, Thùy cũng không thế nào quên được những bất hạnh, những đau khổ, những hy sinh vô bờ bến của mình, để đổi lấy một mái ấm gia đình. Nàng chấp nhận làm hai, ba job, để vun đắp tương lai cho con, cho chồng. Nàng đâu mong muốn gì cao sang, nhà cửa thênh thang, xe cộ đắt tiền…Nàng chỉ cần một điều đơn giản nhất là gia đình nàng. Nhưng khốn nạn thay, những kẻ thứ ba, lại cứ rình rập, tìm đủ mọi cách để xé nát, phá hoại sự toàn vẹn của mái ấm nàng đang có.

 Trước năm 1973, khi còn là sinh viên văn khoa đại học Sài Gòn, Thùy đã quen với một giáo sư tỉnh Lâm Đồng, nơi mà trước đây, nàng đã trải qua bao năm tháng miệt mài tuổi học trò thời trung học. Thầy Thanh, giáo sư môn Việt văn, đã dậy nàng hồi còn học đệ tứ. Tình thầy trò vẫn xẩy ra một cách chừng mực, đầy vẻ tôn kính của những học trò tỉnh nhỏ. Bẵng một thời gian dài, có lẽ khoảng sáu bẩy năm không chừng, hai thầy trò gặp lại nhau trên vỉa hè Lê Lợi, khi hai người cùng nhau tiến bước vào tiệm sách Khai Trí. Thanh mời Thùy vào nhà hàng Tự Do, vừa uống nước, vừa trò chuyện, như ôn lại những ngày êm ả, mát dịu của vùng tơ tầm, trà xanh mênh mông năm nào. Trước đây, Thanh chưa bao giờ có ý dòm ngó cô học trò bé nhỏ đệ tứ. Nhưng bây giờ, bất thình lình, một cô gái xinh xinh lại vui vẻ, ríu rít gọi mình bằng chữ thầy ngọt ngào nơi chốn đông người làm chàng giật mình, kiêu hãnh, pha lẫn sung sướng. Hai người hỏi thăm gia cảnh của nhau một cách thành thật. Chàng, hiện thời vẫn là trai tráng độc thân, đã bị động viên đi Thủ Đức, rồi được biệt phái về bộ thông tin làm uỷ viên công cán cũng cả gần một năm nay rồi. Chàng đang ở chung với gia đình ông bà già mãi bên Khánh Hội. Còn Thùy là sinh viên văn khoa năm thứ tư. Chỉ còn khoảng vài tháng nữa, nàng sẽ học xong ban cử nhân. Nàng đang ở chung với bố và ba đứa em. Không ngờ hai thầy trò năm nào, lại học chung với nhau một ngành. Sự đi lại của Thùy nơi nhà Thanh trong việc mượn sách vở, tài liệu tham khảo…như vô hình tạo ra mối thân tình, vượt khỏi tình thầy trò xa xưa, mà cả hai người cũng không ngờ tới. Những dịu dàng, ân cần chào hỏi, săn đón của mẹ Thanh, như ngấm ngầm thúc dục con trai bà hãy tìm tới Thùy như một người bạn trăm năm, một cô dâu tương lai thùy mị đáng yêu, mà bà vẫn hằng mong mỏi. Những ước muốn của mẹ Thanh, có khi gián tiếp có khi lộ liễu, làm Thùy e ngạị, lẫn sung sướng. Tuy thế, nàng vẫn ngỏ ý với cụ là nàng còn đi học, chưa dám nghĩ tới chuyện ràng buộc muôn đời. Ngay cả Thanh, nàng cũng chưa bao giờ thấy chàng trực tiếp tỏ tình. Chàng vẫn lịch sự giao du với mình rất chân tình, cởi mở. Trong con người của Thanh như đang hướng về một chân trời xa lạ nào đó, không ai biết được. Chàng muốn mãi mãi là một cánh chim trời tung bay khắp bốn phương, không muốn chôn chân vào một ràng buộc cố định nào. Nhưng con người ấy lại bùng phát những lãng mạng tột cùng. Chàng hay rủ Thùy đi chơi, đi nghe nhạc, đôi khi hứng chí lại kéo nhau vào mấy khiêu vũ trường để nằm trong vòng tay của nhau qua những điệu luân vũ mượt mà, nồng ấm. Đối với người con gái, những cử chỉ âu yếm, những săn sóc chân thành của người bạn khác phái đủ nói lên tình yêu của người đó với mình, mà không cần phải diễn tả rõ ràng bằng chữ yêu rỗng tuếch ngoài môi miệng. Sự thân mật giữa hai người càng ngày càng sâu đậm. Không biết những hành động của Thanh có phải bộc phát từ những khát khao của dục vọng, của bầu máu nóng đang sôi sục trong con người một thanh niên đang tuổi xuân thì, hay đó chính là biểu lộ của tình yêu? Đôi khi, trong những lúc âu yếm, môi liền môi, rúc vào ngực nhau, mà lỡ Thùy nhắc tới một ràng buộc vĩnh cửu, lý trí của chàng như bừng tỉnh dậy. Chàng khỏa lấp bằng câu : tương lai còn đang mịt mờ, nghĩ quá sớm làm gì tới ràng buộc muôn đời ấy, miễn chúng mình mãi mãi thuộc về nhau là được rồi. Dĩ nhiên, câu nói ấy của chàng cũng đã là những tỏ tình, những biểu lộ tình cảm chân thành, nhưng chưa phải là tất cả.

 Lớn lên và trưởng thành trong thời chiến, Thanh cũng như hầu hết các thanh niên khác, đều phải tòng quân. Bổn phận đi lính ấy, hầu như đương nhiên với tất cả mọi người, ngoại trừ một số hèn nhát, con ông cháu cha hư hỏng, không xứng đáng là con dân Việt… Chức vụ mà hiện thời chàng đang nắm giữ, Uỷ viên công cán bộ thông tin, chẳng có gì gọi là an toàn, chắc chắn. Một sớm, một chiều nó cũng ra đi. Rồi đây, chàng cũng trở về với quân đội. Nay đây mai đó, nay sống, mai chết, ai mà biết trước được. Dù yêu Thùy, chàng cũng chưa dám tạo một ràng buộc muôn thủa. Chàng không muốn, cô gái xinh xắn, ngoan, giỏi ấy lại sớm hủy hoại tương lai của mình. Chàng lại càng không muốn cô học trò dạo nào mang vành khăn trắng não nề, kéo lê sầu thảm suốt cuộc đời. Nếu mai này, một hoàn cảnh thay đổi nào đó, hoặc một phép lạ mang lại hoà bình cho dân tộc, thì có lẽ chàng mới dám nghĩ tới hai chữ lấy vợ. Chàng như nói thầm với nàng: Thùy ơi, anh xin lỗi em. Hình ảnh của em lúc nào cũng nằm trong góc sâu thẳm, tận đáy lòng của anh, không bao giờ nhạt phai, biến mất được. Vì yêu em thật sự, đầy chân tình, nên anh phải nghĩ tới tương lai lâu dài của em. Anh không nghĩ như những người khác, cố lấy nhau bằng được, để rồi học lấy câu anh tiền tuyến, em hậu phương, hầu lừa bịp chính bản thân mình, cũng như người yêu dấu.

 Lấy xong bằng cử nhân, Thùy đã tìm được vài trường trung học tư thục để dậy. Cả bao năm miệt mài, bây giờ tới lúc nàng phải ra đời kiếm tiền. Một công chức quèn như bố, tằn tiện cho lắm, cũng chỉ đủ nuôi năm miệng ăn. Những sắm sửa áo quần, ăn diện cho mình và cho ba em, lâu lắm mới được bố dẫn đi phố một lần. Nàng đã lớn, đã hiểu rõ hoàn cảnh nhà mình, nên Thùy không bao giờ đòi hỏi bố điều gì. Nàng còn thố lộ với bố, nếu có dư dả chút đỉnh, hãy lấy phần của mình để bù đắp thêm vào việc chi dụng cho các em. Ngành nghề nào cũng vậy, cái gì cũng đều có cạnh tranh. Trường sở có giới hạn, mà sinh viên tốt nghiệp càng nhiều, nên kiếm được chỗ dạy học ngay tại thủ đô này cũng không phải dễ dàng. Nhờ sắc đẹp, nhờ quen biết, Thùy đã kiếm được chân giáo sư tại mấy trường khá nổi tiếng và đông đảo học sinh. Mỗi lần tan trường, Thùy thường có cái thú đứng trên lầu hai, ngắm nhìn hàng hàng lớp lớp các em học sinh túa ra khỏi trường như những đàn ong vỡ tổ. Những tiếng chí choé, chọc phá nhau, cười đùa reo vang như khúc nhạc êm đềm của tuổi thơ dại, gieo vào lòng Thùy những niềm vui bất tận. Hạnh phúc như nở rộ giữa tình học trò và thầy, cô giáo. Nàng như bay bổng, chập chờn, tràn ngập hạnh phúc trong những niềm vui bất tận ấy.

 Mới dậy học được một năm, mọi việc như đang trên đà thăng tiến: thêm lương, thêm giờ, tình hình đất nước biến chuyển đột ngột. Một vài tỉnh của ta bị địch xâm chiếm. Lính tráng, công chức, dân chúng từ khắp các miền đã hốt hoảng, ùn ùn kéo nhau về Sài Gòn lánh nạn. Ngay cả mẹ nàng và hai đứa em từ Bảo Lộc cũng may mắn về tới Sài Gòn an toàn. Nàng không biết rồi đây sẽ ra sao? Nhờ Thanh góp ý kiến, chàng chỉ nói, đất nước mình sắp mất rồi, không còn ai có thể cứu vãn được nữa đâu. Ngay cả ông bạn vàng là Hoa Kỳ cũng phủi tay, ngoảnh mặt làm ngơ, mình còn làm gì được. Ráng tìm mọi cách trốn thoát khỏi đất nước cái đã, rồi mai này sẽ tính sau. Về nhà bàn với bố mẹ, chẳng ai biết đối phó ra sao. Bố chỉ nói nửa vời, huề vốn: mình là dân đen, nước nhà có đổi chủ, mình cũng chỉ đi cầy mà thôi, đâu có làm ông lớn này ông lớn kia đâu mà lo. Làm thân con gái, lại chưa có gì chính thức với Thanh, chẳng lẽ nàng rời gia đình, tới nhà Thanh ở, để nếu có chuyện gì xẩy ra, cùng chạy với chàng hay sao? Thôi đành phó thác cho số phận, tới đâu hay tới đó.

 Nhờ ở gần ngay bờ sông, Thanh đã cùng toàn thể gia đình leo lên được một chiếc tầu, vượt sông Lòng Tảo ra tới bờ biển Vũng Tầu, rồi tiến ra hải phận quốc tế và được tầu chiến Mỹ vớt, đưa sang đảo Guam lánh nạn. Chỉ một ngày, sau khi Thanh leo lên tầu, toàn thể miền Nam đã đổi chủ.

 Chế độ mới hoàn toàn xa lạ. Mấy chục triệu dân miền nam như đang sống trong một hành tinh kỳ quặc. Người ta không biết mình đang sống ở thế kỷ nào. Những phương tiện văn minh hầu như giật lùi. Người ta chối bỏ xe hơi để trở về với xe đạp. Chắc rồi đây, quần áo cũng dẹp bỏ! Phải chăng người ta muốn quay về với thời ăn lông ở lỗ cho hợp với thiên nhiên? Thùy cảm thấy chơi vơi lạc lõng. Trường học công tư đóng cửa. Trẻ em thời nay, thời đổi mới, không cần phải đi học. Chúng chỉ cần tham gia vào các đoàn thể, tìm cách dòm ngó, đấu tố cha mẹ, họ hàng thân thuộc, đã trở thành anh hùng tí hon, những đám cháu ngoan của Bác. Bao công sức học hành của nàng trở thành con số không. Tất cả mọi người từ lớn tới bé, đều được bung ra ngoài đời, chạy hàng xách, buôn thúng bán bưng sống cho qua ngày. Chữ nghĩa đều bị dẹp bỏ như thời Tần Thủy Hoàng. Đủ mọi loại hợp tác xã thành hình. Để sống còn và để hợp với trào lưu mới, Thùy xin gia nhập vào đội đan cói. Mới đầu các đoàn viên có vẻ hăng say, làm việc hết mình. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, ai cũng chán nản, lười biếng. Chăm chỉ mấy, cũng chỉ được dăm ba bát gạo hẩm, mốc meo, một chai nước mắm đục ngầu, vài gram muối, vài lát thịt heo bạc nhạc, đáng vứt cho chó gặm. Công cán, thăng thưởng, cũng chỉ thuộc về tầng lớp cán bộ, giai cấp đảng viên mà thôi.

 Nhờ có sắc đẹp, ưa nhìn, Thùy hay được cán bộ, hay những chàng thanh niên con các cán bộ cao cấp ở miền Bắc dòm ngó. Nàng lo sợ, bồn chồn. Không biết rồi đây người ta có mang nàng ra để gả bán cho những người mà nàng không ưa thích hay chăng? Nàng có quyền làm một người con gái có tự do quyết định đời mình hay không? Hay cái gì cũng do sự chỉ định, đặt để của nhà nước, ngay cả hạnh phúc riêng tư của mình? Nếu cưỡng lại hay phản đối, có phải trả cái giá quá đắt chăng? Cách giải quyết hay nhất bây giờ là lấy chồng. Nếu đã có chồng rồi, không sợ ai tới quấy rầy nữa. Chính mẹ Thùy cũng đồng ý và thúc dục nàng theo giải pháp ấy.

 Buổi sáng nọ, đang xếp hàng trước một hợp tác xã để mua ít nhu yếu phẩm, nàng nghe có người gọi ơi ới sau lưng:

- Cô Thùy, cô Thùy, em là Thịnh đây. Cô có nghe thấy tiếng em gọi không?

 Thùy quay lưng lại, nhìn thấy một cậu con trai trông hơi nhem nhuốc, đang vẫy tay gọi nàng. Bộ mặt ngớ ngẩn, không nhận ra người gọi, làm Thịnh lại lớn tiếng hơn:

 - Em là Thịnh, học lớp đệ tam Phan thanh Giản đây mà cô. Chắc tại em đen đủi quá, cô nhận không ra.

 - Xin lỗi, trông em hơi khác lạ. Nhưng bây giờ nhìn kỹ cô nhớ ra rồi. Thịnh ngồi cuối lớp, chuyên môn chọc phá con gái chứ gì. Làm sao cô quên em được. Thế nào, có khoẻ không?

 - Dạ, khoẻ.

 Thùy rủ Thịnh vào một quán nước bên vỉa hè, lựa chọn một góc tối tăm, xa mặt tiền để hai người trò chuyện, tâm sự riêng tư, mà không ai dòm ngó tới, nhất là thời buổi này làm gì cũng phải cẩn thận, ý tứ đề phòng. Thịnh tâm tình:

 - Chán quá cô ạ. Bây giờ các trường sở đều đóng cửa, bố em là công chức, được nghỉ ở nhà uống nước lã, ngáp vặt. Để kiếm sống, hai cha con tìm cách bán chợ trời. Mua đi bán lại kiếm chút đỉnh, sống qua ngày đó cô ơi. À, thế bây giờ cô làm gì? Tội nghiệp cô quá, bao năm học hành vất vả, mới dậy học được một thời gian ngắn, đã phải vất vưởng.

 - Biết làm sao hơn hở em. Thân con gái như cô bây giờ mới kẹt. Biết xoay xở ra sao để sống đây? Bắt chước người ta vào hợp tác xã, trong tổ hợp đan cói để có hộ khẩu, chứ nếu không, bị đẩy đi vùng kinh tế mới lại càng khốn đốn hơn nữa đấy em ơi.

 Hai người tâm tình với nhau về đủ mọi thứ. Ai cũng lộ vẻ chán nản. Khoảng mười lăm phút sau, Thịnh rời Thùy. Anh ta cho nàng địa chỉ ở khu Nguyễn Thông và mời nàng khi nào rảnh ghé nhà chơi.

 Một sáng chúa nhật, Thùy cùng cô em đi lễ nhà thờ đền Chúa Cứu Thế lúc 10 giờ. Khi tới lúc chúc bình an và bắt tay nhau, Thùy gặp ngay Thịnh, ngồi sau lưng mình cùng với người nhà của anh ta. Lúc bắt tay nhau, Thịnh giới thiệu ngay người thanh niên lạ mặt ngồi bên cạnh. Đó là Tùng, chú của Thịnh. Anh chàng này bắt tay nàng hơi lâu, mãi mới nhả ra, làm Thùy khó chịu, bực mình. Không biết cố ý hay vô tình mà mấy ngày chủ nhật kế tiếp, dù đi lễ vào những giờ giấc khác nhau, Thùy đều gặp Thịnh đi chung với chú của mình. Có lễ thì Thịnh đã đứng sẵn ở cuối nhà thờ như có ý định chờ nàng để hai bên đều cùng ngồi cạnh nhau. Nhưng hầu hết, Thịnh đều nhường chỗ ngồi sát nàng cho Tùng, dù ở bên trái hay bên phải. Có lễ, chỉ có một mình Tùng, không biết từ góc nào của nhà thờ, đã cố chen vào chỗ ngồi sát nàng, dù chiếc ghế ấy hơi đông người. Biết rõ ý định của Tùng, nên Thùy cũng ngầm quan sát chàng. Kể ra, anh chàng này trông cũng trung bình, biết ăn nói, không giống đám cán ngố xa lạ, ngờ ngệch. Sau khi đã gặp gỡ nhiều lần, bàn ra tán vào nhiều chuyện, Thùy cũng biết chút ít về đời tư của anh ta. Tùng đã tốt nghiệp đại học khoa học Sài Gòn, môn lý hoá, rồi bị gọi động viên. Mới còn đang thụ huấn tại trung tâm huấn luyện Quang Trung, chưa kịp vào Thủ Đức, đất nước đã tan hàng, thành ra cấp bậc của Tùng còn thấp hơn cả binh nhì. Do đó, chàng khỏi phải trình diện nhà nước, học tập mút chỉ như những chàng thanh niên khác. Âu đó cũng là cái may trời cho! Hiện thời, Tùng còn độc thân, ở chung với bà mẹ và một người chị. Nơi cư ngụ của họ nằm trên đường Trương Minh Giảng, gần sát nhà thờ ba chuông. Như vậy là nhà Thùy và nhà Tùng ở cùng một con đường, cách nhau khoảng năm sáu trăm thước, vì nhà Thùy cách cầu Trương Minh Giảng vài chục thước. Dù yêu mến Thùy, Tùng cũng không dám trực tiếp ngỏ lời, mà qua trung gian của Thịnh. Không biết đây có phải là bản tính nhút nhát, hay làm bất cứ công việc gì, Tùng cũng phải nhờ đến người khác?

 Gần ba năm trời, từ ngày Thanh rời khỏi Việt Nam, Thùy vẫn trông ngóng tin tức chàng. Có rất nhiều bạn bè, người thân, đã nhận được những thư từ, điện tín, hình ảnh của thân nhân từ khắp các nơi trên thế giới gửi về nước. Tới năm thứ tư, sự mong đợi của nàng càng ngày càng trở nên vô vọng. Cũng như phần đông các thành phần trí thức, công chức, giới doanh thương…của chế độ cộng hoà cũ, sau vài năm hoà mình với chế độ mới, họ cũng như Thùy đều len lỏi vào mọi ngõ ngách để tìm đường vượt biên, không dám hồ hởi sống với thiên đàng xã hội chủ nghĩa nữa. Nhưng đã bao lần xuống thuyền, tưởng đã thoát, lại thất bại đắng cay. Một vài lần bị lường gạt, một vài chặng khác lại bị động ổ, tháo chạy trối chết, tưởng như bị công an bắt đến nơi, đẩy vào nhà tù ghê gớm, kinh khủng. Với bao chán nản, Thùy cảm thấy như không còn lối thoát. Nàng chấp nhận, an phận với kiếp sống đoạ đầy của kiếp người. Sự thúc bách của gia đình cùng những lo sợ về những gán ghép vô lý nếu xẩy ra như trói buộc nàng ngả theo đề nghị của người học trò cũ. Cuối cùng, Thùy đã bằng lòng làm vợ Tùng, dù tình yêu mới chưa tới. Hình ảnh sâu đậm của tình yêu đầu đời vẫn bao phủ lấy nàng. Nhiếu lúc Thùy như ngất ngư, chết lịm, khắc khoải trong quyết định bất ngờ, vô lý. Nàng như muốn nguyền rủa mình là thứ con gái chết nhát. Phải chi nàng dám vùng dậy, can đảm chống được những bức bách của cuộc đời, của thời thế, nàng đâu có gánh lấy những dằn vặt, những khổ ải vô tận kia. Nếu bị áp bức quá đáng, không cưỡng lại được, dùng cái chết để giải quyết tất cả, có phải hay hơn không? Sống mãi trong dằn vặt có lẽ còn đớn đau gấp trăm ngàn lần sự an giấc ngàn thu. Lập gia đình xong, Thùy an tâm, thảnh thơi cùng chồng tìm kế sinh nhai, tạo dựng một đời mới. Nàng cố gắng yêu thương chồng chân thành, để chứng tỏ mình không bao giờ là kẻ phản bội dù ngay trong tâm tư mình. Tình chồng vợ mà Tùng thật sự mang đến cũng đóng góp thêm vào can đảm, để giúp đỡ nhau vượt qua được những chông gai, những thử thách, những bất trắc của cuộc sống mới. Cuộc sống của gia đình nàng, cũng bình lặng, tầm thường như bất cứ một gia đình nào. Nhưng dòng đời lại nổi sóng, không phải tạo ra những giông bão, mà ngấm ngầm, kéo dài từ ngày này tới ngày khác. Cơn sóng ngầm ấy gợn lên ngay từ trong gia đình nhà nàng. Trong mấy tháng đầu sống trong gia đình nhà chồng, hầu như Thùy không để ý đến những chi tiết nhỏ nhặt của bà mẹ chồng. Nhưng càng ở lâu, nàng càng thấy nơi bà mẹ ấy có những điều kỳ lạ, ngược đời. Những chuyện ấy đáng lẽ ra chỉ xẩy ra trước năm 1954 cho một số gia đình ở ngoài Bắc mà thôi. Thùy không ngờ mà cũng không nghĩ là nó lại xẩy ra vào thời buổi này, mà lại chính nơi gia đình nàng. Điều đớn đau và tủi nhục kia lại đổ trên đầu nàng, mới thật là oan trái.

 Bà mẹ chồng, cũng là mẹ ruột của Tùng, một người đàn bà đất Bắc, lấy chồng làm tới chức tham tá thuộc tỉnh Hà Đông, Bắc phần Việt Nam. Người ta thường gọi là ông Tham Lộc. Bà sinh hạ cho chồng được bốn người con, gồm ba gái và một trai. Người con trai út ấy chính là Tùng. Khi Tùng mới chập chững biết đi, ông Tham Lộc đã chết thảm trong một cuộc phục kích của Việt Minh tại Hải Dương. Cảm thương cho hoàn cảnh mẹ goá, nuôi đàn con thơ dại và công lao đàn áp dân lành người bản xứ của ông cố tham tá, toàn quyền thuộc địa Pháp bèn ban thưởng cho mẹ Tùng hàng chục mẫu đất mầu mỡ để phát triển, làm giầu. Ơn mưa móc ấy của quan thuộc địa, mẹ Tùng không bao giờ dám quên. Mặc dù chỉ là vợ của quan tham tá thôi, bà Tham Lộc cũng mượn oai danh của chồng, hống hách với dân đen bản xứ, đôi khi còn hơn hẳn chồng mình một bậc. Không những chỉ dựa hơi, ra oai với dân thấp cổ bé miệng, bà còn ra oai cả với con cái, bà con trong gia đình, họ hàng nữa. Tới năm 1954, khi quan thuộc địa Pháp khăn gói quả mướp, hối hả rời bỏ thuộc địa Việt Nam, bà Tham Lộc khóc lóc thảm thiết. Không những bà chỉ gào thét, nhớ thương quan thầy của mình, mà còn rên rỉ, tiếc nuối cho gia sản to lớn, gồm một dinh cơ nghễu nghện và mười mẫu đất mầu mỡ mà mẫu quốc đã ban phát cho bà. Bà cứ tưởng, với gia sản sẵn có, bà và con cháu sẽ suốt đời sống giầu có, sung túc, an nhàn, hạnh phúc. Dù tiếc của, bà và con cái đã là một trong những gia đình rời Hà Nội đầu tiên. Bởi vì, mới nghe danh cộng sản thôi, bà đã rùng mình sởn gai ốc. Nếu chẳng may, chạy không kịp, bị bắt lại ở Hà Đông, hỡi ơi, bà là người đầu tiên sẽ bị mang ra đấu tố vì tội tay sai cho thực dân Pháp, đàn áp dân lành. Tới vùng đất miền Nam tự do, nhờ một số của chìm, của nổi, bà Tham Lộc đã tậu được hai căn nhà. Một căn cho gia đình bà. Còn căn kia, bà cho thuê. Bà vẫn thích người ta gọi tên bà, kèm theo chức vụ của chồng, để chứng tỏ cho những lớp người xa lạ ở miền Nam biết rằng bà cũng là người đã từng có chức phận ở miền Bắc-mặc dù bà vô học-, chứ không phải tầng lớp cùng đinh như bao người di cư khác. Ngoài việc cho thuê nhà, bà còn lập hai ba sòng bạc tại gia. Mới đầu, bà chỉ muốn một số bạn bè, người thân tập họp nhau bên bàn chắn, bàn tổ tôm, vừa để giải trí, vừa là nơi tập họp để cùng nhau tâm sự, an ủi, ôn lại những ngày xưa huy hoàng, nhớ về quê cha đất tổ ngoài Bắc. Nhưng càng ngày, bà càng cảm thấy mối lợi to lớn trong việc lấy xâu tại mỗi sòng bài. Cũng chính nhờ nó, mà mới ba năm, bà đã tậu thêm được một căn nhà khác tại vùng Hoà Hưng. Con cái bà có dư điều kiện vật chất để đi học, không cần đi làm cu li, cu leo, lây lất sống qua ngày .

 Về làm dâu cho bà tham Lộc, đúng vào thời kỳ thay đổi chế độ, Thùy hầu như đóng vai kẻ ở đợ cho gia đình nhà chồng. Ban ngày, ngoài việc chia bài, để bà mẹ chồng lấy xâu, nhét đầy hầu bao, nàng còn kèm thêm công việc nấu nướng, hầu hạ cho con bạc ăn uống no say. Phần ăn dành cho nàng, chỉ toàn là những miếng ăn còn thừa thãi, mà khách chơi bài chê bai, hoặc đã no đủ quá, không còn bụng để chứa, mới tới phần nàng. Những hôm ế khách, hay ít người chơi, nàng phải ngồi nhặt gạo hết thúng này tới thúng kia, để lựa những hột gạo dài, còn nguyên, để riêng ra một bên. Còn những hột gạo bị bể để riêng ra một thúng khác. Dân Bắc ta, khoái ăn rau muống, nên hay ăn rau muống luộc. Khi luộc, Thùy phải luộc rau thật xanh. Nếu rau bị đỏ, bà mẹ chồng sẽ hất luôn đĩa rau ấy xuống đất. Sau khi luộc xong, nàng còn phải tỉ mỉ, kéo từng sợi rau cho thẳng băng như chiếc đũa, rồi mới được sắp vào đĩa. Nếu chẳng may, còn sợi rau muống nào cong queo, co quắp như con tôm luộc, bữa cơm ấy Thùy bị chửi như tát nước vào mặt. Chắc bà mẹ chồng này quá keo kiệt, không dám để rau dính vào nhau, sợ mỗi lần gắp, rau kéo đi thành từng mảng, làm đĩa rau mau hết chăng? Về ban đêm, sòng bạc không tập họp được, vì công an khu vực hay đi khám xét hộ khẩu. Nếu không có tên, mà lại hiện diện sẽ bị mời lên khóm, lên phường khai báo, hạch hỏi, tạo ra rất nhiều phiền toái cho con bạc và gia chủ.

 Sau một thời gian dài đóng cửa các trường công và tư thục, chính quyền mới đã bắt đầu cho mở lại một số trường trung học do chính quyền kiểm soát. Toàn thể các giáo sư cũ đã được gọi lại, nhưng phải đi học những lớp huấn luyện về văn hoá, về tư tưởng, về chủ nghĩa vô sản…

 Nhờ đi tu nghiệp hai năm trong chế độ mới, Thùy đã được quyền dạy học tại trường trung học Lê thị Hồng Gấm. Giáo án văn mà nàng được dạy dỗ gồm những tư tưởng Mác Xít, Lê ni nít, tư tưởng bác Hồ, văn thơ Tố Hữu…Ngoài việc học tập chủ nghĩa mới, nàng còn phải về vùng Mỹ Tho, Cần Thơ tham gia vào công việc làm ruộng, làm rẫy như bao nông dân khác. Người làm văn hoá của chế độ mới phải hiểu giá trị của giới nông dân, giới lao động, chứ không phải hư hỏng, bám theo văn hoá đồi trụy, của đám đế quốc, khinh chê giới khốn cùng kia! Hồi đó, Tùng và nàng đều đi dạy học. Nhà nước trả cho mỗi người 57 đồng một tháng. Tổng cộng lại cũng chỉ đủ để mua một bao gạo. Một số giáo sư đại học, thầy của Thùy, hàng tháng xếp hàng để lãnh thực phẩm như 100gram bột ngọt,100gram đường, nửa kí lô thịt ba chỉ, mấy chục ký gạo hẩm mốc meo từ kho hàng xa xôi nào…Có thầy thương cho hoàn cảnh, hoặc chê bai những thực phẩm quái gở kia, đã biếu không cho nàng. Sau này, nhờ kèm sinh ngữ cho hai gia đình giàu có, chuẩn bị đi ngoại quốc, Thùy đã nhận được tới hai trăm đồng, gần gấp bốn lương đi dạy học cho trường trung học. Mỗi gia đình, Thùy chỉ dậy cho họ ba buổi tối mà thôi. Ngoài ra, vì có cây xăng, nên họ lại cho nàng thêm bốn lít xăng mỗi tháng để chạy xe gắn máy. Ban đêm đi dậy kèm, Thùy thấy lương còn cao hơn dậy ở trung học nhà nước, nên Thùy đã dại dột bỏ dậy học ban ngày, để làm công việc của một kẻ đầy tớ trong gia đình nhà chồng.

 Với hai cô con gái, cùng chồng, đã chạy sang Mỹ từ năm 1975, họ gửi tiền cho bà Lộc ngay từ sau mấy năm đầu của chế độ mới. Họ gửi tiền cho bà qua trung gian ở bên Pháp. Nhờ tiền bạc ấy, bà mẹ chồng Thùy bắt đầu sắm sửa vàng bạc làm của. Không hiểu vì già lão lẩm cẩm, cờ bạc thua, hay dấu diếm quá kỹ nơi nào, rồi quên mất, nên không tìm ra, và bà ta cứ đổ thừa cho con dâu là ăn cắp vàng bạc của bà. Bà đay nghiến, chửi rủa, doạ nạt rồi còn vu oan, giá hoạ cho cha mẹ ruột mình là nhờ vào việc ăn cắp ấy, mà mẹ Thùy mới thong dong, có của ăn, của để. Những bất hạnh từ bà mẹ chồng càng ngày càng chồng chất lên thân xác của Thùy. Nàng than thở, tâm sự với chồng, chỉ được chồng an ủi bằng câu; “hãy nhẫn nại, dù sao bà ta cũng là mẹ mình,sinh ra mình.”Là con út trong gia đình, Tùng lớn lên trong sự gò ép của bà mẹ và ba người chị. Nhất cử nhất động của Tùng đều tuân theo răm rắp lệnh của những người ấy. Ở nhà, chàng rụt rè, khép nép, làm Thùy cũng sợ hãi theo.Vô khuôn phép ngay từ nhỏ, nên khi trưởng thành, rồi lấy vợ, Tùng cũng chỉ làm theo lệnh của kẻ khác mà thôi. Chàng không bao giờ dám cãi lại lệnh của mẹ, dù lệnh ấy đúng hay sai. Với người vợ hiền thục như Thùy, Tùng lại càng áp dụng triệt để quyền tối thượng chồng chúa vợ tôi mà bao thế hệ trước đây đã dùng làm chiêu bài để đàn áp, đoạ đầy thân phận thứ yếu của tầng lớp phụ nữ. Thân phận người đàn bà được coi như đồng hoá với giai cấp nô lệ, giá trị thấp hèn. Người ta có thể dùng họ như những vật trang sức. Nếu thích, ráng giữ lấy, còn nếu chán hay ghét bỏ, cứ việc liệng chúng đi, hoặc đem trao đổi, buôn bán lấy tiền. Cái quyền ấy lại càng gia tăng công lực với sự tán đồng, tiếp tay của bà mẹ cay độc, cùng bè lũ chị chồng hợp nhau lại để ăn hiếp, đè bẹp cô con dâu nhu nhược, yếu đuối. Người ta không hiểu tại sao, những người đàn bà của thế hệ trước lại không thông cảm, chia sẻ những khổ nhục mà thế hệ sau cũng phải gánh chịu như họ trước đây. Phải chăng, sự tùng phục của giới phụ nữ Á đông đã trở thành một quy luật, một nền luân lý đương nhiên mà mọi thế hệ phải chấp nhận?

 Nhiều lúc buồn chán quá, Thùy thường chạy về nhà tâm sự với mẹ ruột mình, lại bị mẹ mắng mỏ, coi như đã gả bán con gái đi rồi, mình đã là con cái nhà người ta, mẹ hầu như hết trách nhiệm.Trong nhờ, đục chịu. Thân mình, mình lo. Cái kiếp làm dâu, chịu ảnh hưởng từ bao đời trước vẫn đè nặng trong luân lý Khổng giáo, nho giáo từ bao năm nay. Thân phận người con gái chịu áp bức, đoạ đầy trong gia đình nhà chồng hầu như là điều đương nhiên, không làm sao thoát ra được. Chỉ những người đàn bà nào thuộc loại bạo ngược, hư thân, không ra gì, mới dám nghĩ tới chuyện ly dị, thoát khỏi gông cùm nhà chồng. Còn những người có học, con nhà gia thế, có tiếng tăm, không ai dám nghĩ tới những chuyện thoát ly gia đình nhà chồng, hoặc người chồng của mình được. Vì làm như vậy, miệng đời sẽ khinh chê, ruồng bỏ, xỉ vả thậm tệ, có khi còn bị mắng nhiếc là kẻ lăng loàn. Và nếu thực sự có thoát khỏi gông cùm nhà chồng cũ chăng nữa, cũng không có ai dám đoái hoài tới. Thân phận, địa vị của người đàn bà ấy nếu có ở ngoài đời, cũng bị sứt mẻ, đôi khi còn bị chà đạp thậm tệ. Thật đớn đau và đầy bất công cho giới phụ nữ Á đông bất hạnh.

 Từ năm 1990 trở đi, chính phủ Mỹ đã cho phép những người có thân nhân tại Việt Nam được quyền bảo trợ họ qua Mỹ đoàn tụ. Một bà chị chồng của Tùng đã bảo trợ bà mẹ cùng gia đình Tùng qua Mỹ từ năm 1993. Trong thời gian đầu, cả hai vợ chồng Tùng đều đi làm cu li, làm bất cứ việc gì, miễn là có tiền để nuôi gia đình và con cái. Lúc ấy, đứa con trai duy nhất của hai người đã được năm tuổi. Một năm sau, không biết do ai xúi dục, hay đó chính là quyết định của bà mẹ chồng, Tùng đã bỏ làm, để tiếp tục đi học. Trong nhà, chỉ còn lại một mình Thùy đi cày. Nàng phải kéo luôn hai job, để vừa bao bọc chồng, lại bao bọc luôn cả mẹ chồng nữa. Dù đã sống ở một xứ văn minh, thân phận người phụ nữ đã được đề cao, bà mẹ chồng kia vẫn còn đầy quyền uy, vẫn bắt chồng nàng một mực tuân theo răm rắp lệnh của bà. Đã nhiều lần, Thùy nhắc nhở chồng nàng rằng, mình đã là một gia đình, phải bảo vệ, vun đắp tương lai và hạnh phúc cho gia đình nhà mình, chứ không phải làm cái gì cũng phải theo lệnh, hay sự sai khiến của kẻ khác. Nơi đây là đất nước Hoa kỳ chứ không phải Việt Nam, mà người phụ nữ cứ phải làm nô lệ, còng lưng khúm núm như kẻ tôi đòi mãi mãi cho mẹ chồng, cho nhà chồng đâu. Dù tham học, chịu khó miệt mài sách vở, nhưng Tùng luôn luôn là một kẻ nhu nhược, nhút nhát, không bao giờ dám có một quyết định nào trái ngược với sự đòi hỏi của mẹ mình. Chẳng thà chàng bỏ bê hạnh phúc gia đình của mình, chứ chàng không dám cãi lời người mẹ ruột già nua, lẩm cẩm, cố chấp. Chẳng lẽ Thùy cứ phải chịu thiệt thòi, hy sinh mãi mãi cho cuộc đời nô lệ vô lý của mình. Nàng cố gắng quên mình, cắm cổ đi làm hai job cho chồng đi học hầu tạo tương lai cho gia đình, cho con cái mình, chứ chẳng lẽ sự hy sinh vô giá kia được đổi lại bằng những đổ vỡ, những hất hủi giống như thời còn ở trong nước hay sao? Dù ngu muội đến đâu chăng nữa, nàng cũng phải biết mở con mắt ra cho to, cho thật tỏ tường để nhìn cuộc đời chứ. Tức nước sẽ vỡ bờ. Sự chịu đựng của con người cũng chỉ có giới hạn. Sự u mê, mù quáng của Tùng, không muốn giữ lại hạnh phúc riêng tư của gia đình mình, là nguyên nhân chính, đưa tới sự tan vỡ giữa Thùy và chồng nàng. Cuối cùng, Thùy đã rời bỏ chồng, gia đình nhà chồng để về Trabuco Canyon thuộc tiểu bang California sống với bà mẹ ruột. Cậu con trai, cháu Quang, đang học tại trường đại học Columbia, New York, cũng đã trưởng thành, rất thông cảm và chia sẻ những đớn đau của mẹ mình và hứa sẽ về ở với mẹ sau khi cháu ra trường. 

 Nhân dịp tết nguyên đán, Thùy cùng mẹ đi chợ hoa trước khu Phước-Lộc-Thọ, tình cờ gặp gỡ được người cũ, tưởng chừng như đã nhạt phai theo năm tháng, lại đột nhiên xuất hiện ngay trước mắt, làm nàng xốn xang, đau nhói. Đó là Thanh, cùng vợ và hai con tươi cười, lựa chọn mấy chậu cúc vàng rực rỡ, quên đi bóng dáng của Thùy, đang lựa mấy chậu phong lan mầu đỏ thắm. Trời nắng ấm, Thùy đeo cặp kính đen Chanel to bản, dù chỉ cách Thanh một xải tay, mà chàng vẫn không nhận ra nàng. Cậu con trai, cỡ tuổi đôi mươi, trông giống y hệt bố trước năm 1975, càng làm Thùy tin tưởng đúng là gia đình của Thanh rồi. Quan sát kỹ, Thùy nhận thấy Thanh đã già đi nhiều, tóc thưa thớt, mầu muối tiêu, nhưng điệu bộ, cách ăn nói cử chỉ, nhất là thói quen sửa kính cận nhiều lần mỗi khi nói chuyện với ai, vẫn không thay đổi... 

 Chiều hôm ấy, đi sắm tết với mẹ, mà Thùy như kẻ mất hồn, chân bước xiêu vẹo, suýt ngã mấy lần. Về tới nhà, nàng phóng vào phòng, khóa cửa lại, nằm vật xuống giường, nước mắt tự nhiên tuôn trào. Không biết nàng đang khóc cho số phận hẩm hiu của mình, hay thổn thức cho mối tình đầu vụt bay theo thời cuộc? Nàng tự trách mình: tại sao không chào hỏi Thanh? Vì biết đâu, bao năm xa cách, nàng đã thay đổi nhiều, làm sao Thanh còn nhận ra nàng? Nhưng nếu thực sự hai bên có chào hỏi nhau, sẽ níu kéo được gì? Chẳng lẽ, nàng muốn khơi dậy mối tình mặn nồng xưa kia hay sao? Hoặc nàng ghen tương, muốn đạp đổ hạnh phúc của người khác? Thùy như mê sảng, chập chờn nửa ngủ, nửa thức.Tình tự dĩ vãng của mối tình đầu như một đám mây phủ ngập tâm hồn nàng. Có lúc nàng ngất ngây, quặp chặt lấy chiếc gối ôm, khúc khích cười, rên xiết, dẫy dụa như đang say đắm bên người yêu. Đôi khi nàng lại khóc rấm rức, buồn tủi khi tỉnh cơn mê, nhận thức ra là mình cô đơn, còn người kia đang vui vẻ, tràn ngập hạnh phúc lứa đôi ! 

 Vào dịp cuối tuần, một người bạn già tới đón mẹ đi chơi. Tự nhiên Thùy cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong căn nhà thênh thang vắng vẻ. Người nàng tự nhiên bồn chồn, sốt ruột, ngồi đứng không yên.Thùy chạy ùa vào phòng trang điểm, ăn diện khác thường, hối hả phóng xe về khu Little Sàigòn như bị ma đuổi. Rời nhà mới được vài dặm, nàng sực tỉnh, vòng xe vào khu shopping chợ Albertsons, ngồi thừ trên xe như người mộng du. Nàng tự hỏi: ủa, mình tới khu Việt Nam làm gì? Thăm ai đây? Mọi thứ cần thiết cho dịp tết, mình cùng mẹ đã mua đủ thứ rồi mà. Thùy lái xe vòng trở lui, định về nhà nghỉ ngơi. Nhưng mới lái được một block, người nàng lại cảm thấy có điều gì bất thường, mắt nháy liên hồi, hầu như có tiếng gọi thân thương từ một cõi vô hình nào vang vọng tới, làm nàng xốn xang, điều khiển tay lái, bắt nàng trở lui, phóng xe ra xa lộ 405 hướng bắc, nhắm tiểu Sài Gòn lao tới. Chỗ đậu xe vào dịp tết ta, thật khó kiếm, nàng bèn đậu đại trước lò đậu hũ Đông Phương, rảo bước vào khu Phước-Lộc-Thọ, ngắm ông đi qua, bà đi lại, như một du khách thảnh thơi, yêu đời. Vừa mới sờ vào nhánh anh đào, đầy ắp những cánh hoa mầu hồng khoe hương sắc, đột nhiên như có ai vỗ nhẹ vào vai nàng. Thùy lờ đi, vì biết đâu, có kẻ vô tình đụng nhẹ vào người, khi họ đang lách mình tìm mua loại hoa ưa thích. Một lúc sau, lại có bàn tay đụng vào vai mình, kèm theo giọng đàn ông khàn khàn nhẹ nhàng :

 - Thùy, Thùy… 

 Quay phắt người lại, há hốc mồm kinh ngạc, nàng trở nên lạc giọng, thổn thức: 

 - Anh, anh…anh Thanh hả?

 - Phải, anh đây. Anh đã chờ em cả tuần nay. May quá, bây giờ mới gặp.

 - Chị và các cháu đâu anh?

 Câu nói quen miệng, vô duyên, không đúng lúc làm Thanh khẽ cau mày. Chàng

 không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của Thùy, mà gượng gạo giải thích:

 - Lần trước, thấy em đi cùng với mẹ sắm tết, anh đã nhận ra rồi. Nhưng vì đi chung với cô vợ hay ghen bóng, ghen gió, nên anh mới không lên tiếng. Xin lỗi em nghe. Cả tuần nay, từ ngày trông thấy em, hôm nào anh cũng tới khu chợ hoa tết này, hy vọng gặp được người cũ. Ở đây đông người và ồn ào quá, anh xin phép đưa em đi chỗ khác được không?

 Thùy lặng người, không biết phản ứng ra sao, chỉ biết bước theo Thanh như cái máy. Leo lên xe của chàng, Thùy líu ríu như kẻ mới chớm yêu, quên hết hiện tại, mất hết lý trí, gục đầu vào vai Thanh, mắt nhòe lệ của kẻ ngất say men nồng hạnh phúc, hay đang buồn tủi, giận hờn nơi kẻ bạc tình?

 Tay trái ôm vô lăng, còn tay phải ghì chặt bờ vai hơi gầy, run rẩy của Thùy, chàng như đang hòa nhập vào nhịp tim rung động của người yêu ban đầu, mơ màng, thả hồn về dĩ vãng . Chàng thì thầm bên tai nàng:

 - Anh sẽ đưa em tới nhà hàng Pavillon sang trọng, vùng biển Newport Beach, để chúng ta vừa tâm sự, vừa thưởng thức cảnh trời nước mênh mông, hữu tình, ôn lại thời xa xưa, đầy kỷ niệm dấu yêu của thời son sắc, đam mê, cuồng nhiệt. Em có chịu không?

 Thùy như mê dại, vùi đầu vào ngực Thanh, hơi thở phập phồng:

 - Tùy anh.

 Đang mơ màng trong vòng tay của người tình, đột nhiên Thùy bị giật mạnh, người chúi về phía trước, đồng thời tiếng thắng xe kin kít, xiết mạnh trên mặt đường , tạo ra âm thanh ma quái, ghê rợn. Xe của Thanh như đang bị ai hất tung vào vỉa hè, lật ngửa. Tai nạn xẩy ra quá bất ngờ. Chân tay, mặt mũi bị xây xứt nhẹ, rướm máu, Thùy choáng váng, xây xẩm mặt mày. Nhưng chỉ vài phút sau, nàng đã tỉnh táo dần, cố leo ra khỏi xe. Còn Thanh bị chấn thương mạnh, nằm gục đầu vào tay lái, mê man bất tỉnh. Xe cứu thương rú còi vang dội, đưa chàng vào nhà thương cấp cứu.

 Ôm bình hoa hồng đỏ thẫm, Thùy tung tăng vào nhà thương Fountain Valley, tìm phòng bệnh thăm Thanh, ưu ái như người vợ hiền săn sóc chồng. Nhưng vừa mới bước vào cửa phòng, Thùy đã phải khựng lại. Hình ảnh lo lắng, săn sóc của vợ và hai con đang quấn quít bên giường bệnh của Thanh, làm hai tay nàng buông thõng. Chậu hoa tươi thắm bỗng trở thành kẻ vô duyên, tự do buông mình trên sàn gạch tan tành, tạo nên âm thanh vang dội, làm cả nhà Thanh giật mình, ngơ ngác. Thùy phóng chạy ra hành lang, hối hả, bước vội xuống cầu thang, thẫn thờ như kẻ mất hồn.

 Ngồi chết lặng trong xe,Thùy gục đầu trên tay lái, nước mắt tuôn trào cả giờ đồng hồ. Lúc tỉnh trí, nàng vội lau những giọt lệ mặn chát, mắt ngó mông lung, thất thần. Cơn mộng tình đầu tưởng xuất hiện đột ngột như phép nhiệm mầu, nào ngờ đâu lại biến mất, vụt bay trong chớp mắt. Số kiếp lận đận, dang dở, cột chặt gót hồng lao đao, đeo đuổi nàng dai dẳng như một định mệnh khắt khe, không lối thoát…

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 4419)
"Ngày nay, đạo đức suy đồi, xã hội băng hoại cả trong học đường, bệnh viện và nhà chùa. Nhưng tôi vẫn tin rằng : Đất nước tôi vẫn còn nhiều mối tình bền vững, chung thủy...".
20 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10378)
"Cánh Ty gôn ngày đó thắm lòng em Nay tím thẫm tựa màu tim đã chết…"
06 Tháng Mười Một 2020(Xem: 5157)
"Cuốn sách giúp độc giả theo dõi cuộc sống của dân Việt trong mấy chục năm chiến tranh; qua những biến cố lịch sử từ 1960 đến 1980, với nhiều chi tiết cặn kẽ và nhận xét dí dỏm." (Đỗ Quý Toàn)
04 Tháng Mười 2020(Xem: 5513)
"Không biết bao giờ cuộc chiến Quốc Cộng trong tư tưởng mới chấm dứt và đất nước mới giàu mạnh, tự do. Nhưng tôi vẫn có niềm tin rằng : Đất nước vẫn còn rất nhiều mối tình nam nữ bền chặt, thủy chung. Những mối tình đó sẽ xây dựng được những mái nhà êm ấm tốt đẹp. Những gia đình tốt đẹp sẽ tạo dựng được một quốc gia ấm no hạnh phúc.
06 Tháng Chín 2020(Xem: 5783)
"Khi gặp chồng mình, chúng tôi yêu nhau rất nhanh và quyết định cưới cũng rất nhanh. Chúng tôi nói với nhau, tìm khắp cả thế giới, cuối cùng tìm thấy nhau là đủ rồi."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468