Truyện ngắn: LŨ CHUỘT

22 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 16650)
Truyện ngắn: LŨ CHUỘT

LŨ CHUT

Nguyễn Quang Tuyến

Gió cứ rít từng cơn giục dã. Đêm như lạnh hơn, tối tăm hơn, mùi ẩm mốc lẫn mùi hăng hắt của lá ngo khô đẫm nước làm không gian dẻo quánh, mịt mùng. Mấy đứa con ôm chặt lấy tôi và đùa nghịch trong chiếc chăn âm ẩm mùi mốc. Buổi chiều vợ tôi tất tả đi dạy về, lo hấp lại mấy miếng bột mì luộc khi trưa, làm chút mỡ hành pha nước mắm rưới lên trên, lũ bé mới lớn sì sụp nhai rau ráu trong tiếng cười nắc nẻ. Cơn bão rớt nơi đâu, làm cả thành phố sương mù ngập trong làn mưa quay quắt. Dưới màu đèn vàng tù mù, nhàn nhạt, nhìn hai thằng bé hau háu tuổi ăn, thòm thèm nhìn chiếc dĩa trống còn lợn cợn mấy tép hành xanh nhạt, tẹp nhẹp dầu nằm dí sát, vợ chồng tôi thoáng nhìn nhau, xót xa. Gió từ sau nhà thổi hắc mùi phân heo ngai ngái lẫn với mùi dầu mỡ; nghe như từ đâu xa thăm thẳm có tiếng rú thê thảm, tuyệt vọng của con vượn người hãi hùng trong bóng đêm vô tận. Tiếng khóc như tiếng rên của con bé tám tháng tuổi ở phòng bên, vợ tôi nghiêng chai nước cơm pha đường cho cháu bú. Cành cây trên mái tôn, vẫn quờ quậy sột soạt theo gió rít, mưa rào rào từng cơn dây dứt trong tiếng cười đùa vô tư của hai cậu bé với đứa em gái thứ ba đang chui dưới giường.

Tôi bế con bé, hai cậu con ngồi bên cạnh chăm chăm nhìn vào chiếc lồng tre: mười chú gà con vàng rơm, nằm ép vào nhau, bên chiếc đèn tròn sưởi. Trên tờ giấy báo lót, phân gà lôm đốm lẫn với bột bắp vươn vãi. Tiếng kêu chiêm chiếp se sẽ, ngọn đèn vàng như chao qua chao lại, bầy gà con mắt hạt cườm đen nhánh nhìn mấy cha con tôi e ngại.

- Ba ơi, coi kìa, nó mổ nhau. - Thằng em dí sát lồng nhìn mấy chiếc mỏ màu hồng, non nớt, rỉa nhau kêu chiêm chiếp.

- Các con thấy không, nó sẽ lớn lên, nó sẽ đẻ trứng cho em con ăn mau lớn; ba sẽ chiên cho con mấy chiếc trứng để ăn cơm. Ba sẽ …

Tôi khựng lại khi nhắc đến chữ cơm. Từ ngày đi cải tạo về tôi không có sổ mua gạo, mua thực phẩm. Mấy miệng ăn quày quả sống trên cuốn sổ lương thực và mấy tem phiếu ít ỏi của một cô giáo mẫu giáo. Tôi bán chiếc máy chữ cũ, xin giấy giới thiệu của hợp tác xã, nơi tôi làm việc, để mua chục gà con. Các con tôi vẫn suốt ngày cười nói, chúng ảnh hưởng nơi vợ tôi tính lạc quan trong mọi cảnh ngộ. Bây giờ, có thêm bầy gà con màu vàng mơ kêu chiêm chiếp, như bơm thêm sức sống và hy vọng vào ngày mai.

- Thôi đi ngủ các con, gió lạnh quá, vào ba sẽ kể chuyện đời xưa cho các con nghe.

Ba đứa nhỏ chỉ chờ có vậy, chúng chạy ùa vào chiếc giường sắt dành chỗ nằm gần ba. Thằng lớn bao giờ cũng nhường chỗ cho hai em, nằm sát vách; ở phòng bên vợ tôi ù ơ hát khe khẽ trong tiếng khóc như rên của con bé. Tôi nhủ thầm, ngủ đi con, Ba biết con khát sữa, ba biết ngoài kia trời vẫn còn vần vũ mây đen như đè nghiến mặt đất, Ba biết rồi sáng mai, ba lại ép sát con gái bé bỏng của ba vào lòng, vạt áo tre-di cáu bẩn sẽ quấn thêm cho con đỡ lạnh để đi qua đồi bên kia để gởi con cho nhà trẻ với một chai nước cơm pha đường. Má con lại tất tả đến trường với tấm bìa vẽ chú thỏ con và củ cà rốt, để ước mơ khi về có phiếu mua thực phẩm cho bầy con háu ăn. Bài thơ Pélican kiếm mồi cho con sao mà quặn thắt! Hãy ngủ êm đềm đi con, đêm tối rồi sẽ vỡ vụn ra và trời rồi cũng sáng!

- Ba ơi - Thằng bé tóc hoe áp sát vào người tôi nói khẽ - Con nghe mấy con gà con kêu vì lạnh. Chuột có cắn gà không ba?

- Gà ở trong lồng và có đèn sáng sưởi ấm, chuột không dám vào đâu con. Nằm yên ngủ, ba kể chuyện con nghe …

- Ba ơi, mấy con gà màu vàng đẹp quá!

- Ờ, nó như một giấc mơ, mọi giấc mơ của tuổi thơ đều đẹp. Những tụm lông vàng mơ ấy rồi sẽ lớn lên, con sẽ cho chúng ăn khi đi học về, rồi con sẽ nhìn thấy chúng cho em con mấy chiếc trứng.

Bầy gà con vàng mơ, mấy chiếc mỏ hồng hồng, chúng tụm lại rỉa lông cho nhau … Cánh đồng lúa vàng, gió chiều dịu vợi, tiếng à ơi chen lẫn tiếng mục tử gõ sừng … Ôi chao, biết bao là mơ ước thanh bình khi đất nước không còn chiến tranh. Bây giờ giấc mơ lớn gom vào mười tụm lông vàng lít chít, mấy chấm mắt đen long lanh, tụm lại dưới ngọn đèn vàng và bên ngoài gió mưa gào thét.

Bên hiên, nước máng xối nhà hàng xóm cứ từng cơn đổ vào vách nhà. Buổi chiều, tôi đã lấy một miếng tôn rách đóng sát vách để nước khỏi chảy vào nhà, không dám một lời năn nỉ ông hàng xóm. Tùy từng cơn gió tạt,dòng nước xối như gãy đàn rột rạc trên miếng tôn rách suốt đêm …

Ngày xưa …

Có một năm, bão tuyết phủ trắng xóa cánh đồng. Gió quần quật, trời đất tăm tối, kéo dài … lũ chuột kéo nhau vào trốn trong một hang núi đá. Tuyết lấp cửa hang, gió rít như tiếng gầm mãnh thú …

Bầy chuột chí chóe cắn xé nhau dành chỗ ấm nhất, ráo nhất, tốt nhất. Và trên hết chúng muốn phân định ngôi vị trong cái tập thể lổn ngổn, xác xơ trong tuyệt vọng. Càng đói khổ, càng tuyệt vọng người ta càng thèm khát quyền lực và càng thèm thấy kẻ khác khổ hơn mình. Lũ chuột đã là như vậy, trong hang đá tăm tối ấy … gió vẫn gào thét, quần quật bươn chạy trên cánh đồng tuyết trắng …

Có hai con chuột trẻ yêu nhau, chú chuột nhỏ nhìn người yêu thiêm thiếp trong cơn đói lả, nhìn bầy cống đang chí chóe cắn xé nhau, oang oang, sa sả nói về cái hơn, cái thua của bầy đàn. Chú chuột ghé sát tai người yêu.

- Em ơi, trên cao kia có cái lổ tò vò, có một khe hở. Em hãy cùng anh leo lên cao ấy nhìn ra khoảng không bao la, chắc sẽ thấy trăng và sao…

- Dưới này mùi ẩm mốc, ô uế và xác chết… những vết thương sưng tấy, những tiếng gầm gừ đầy thù hận … dìu em lên cao đi anh, hãy dìu em…

Hai chú chuột nhoài người theo khe đá nứt bò lên cao, lên cao.

- Cố lên một tí nữa đi em, một tí nữa thôi.

- Em hết sức rồi, anh hãy cố lên và nói cho em nghe về ngoài ấy. Hãy vì chúng ta, nói cho em hay về ngoài ấy!

Chú chuột chút chít ép sát vào người yêu như muốn kéo sát đất trời vào đôi chân non run rẩy, đôi mắt đen long lanh như chực vỡ òa thành tiếng nấc. Chú ép sát người vào khe đá hẹp dần, cao dần, nhem nhép nước; một chút sơ suất chú có thể rớt xuống đáy hang. Nơi ấy lão cống đang xù lông ngồi trên một tảng đá cao, cả bầy chuột lấm létép vào nhau xúm tụm: những vết thương tấy mủ vì cắn xé nhau, những lo sợ thảng thốt làm co rúm tay chân.

Chú chuột bò lên cao, lên cao. Trên ấy có thể thấy đất rộng trời cao; trong gió buốt đơn độc, có thể biết mình sống để làm gì. Em yêu ơi, phải ngước mặt nhìn lên, phải lên trên cao, không thể một lần quay đầu nhìn lại – Quay đầu lại sẽ thấy em, đôi mắt em nơm nớp lo âu, sẽ thấy chiều cao hun hút, sẽ run tay và không thể lên cao… Anh biết rõ điều đó, và anh đang lên cao, lên cao … sẽ có một chỗ để nhìn thấy đất rộng trời cao…

- Ta đã bảo mày xuống ngay!, Xuống ngay! Chẳng có gì ngoài ấy, chẳng có gì! – Mày không nghe tiếng gió rít, hơi lạnh lùa vào khe đá à. Xuống ngay!

Lão cống lừ lừ hai mắt đỏ, nghếch mõm lên quát tháo; chú chuột nhỏ vẫn ngoi đầu qua khe đá nhỏ, trên cao, nhìn ra không gian bao la ngoài hang đá. Chú co mình, ép sát vào mấy mảnh giẻ rách để tránh làn gió lạnh rát phì phò thở vào khe. Chú cố trườn lên cao hơn, ra xa hơn để nhìn qua cái lỗ nhỏ như quả trứng gà, mở toang một thế giới trắng xóa, lông lốc gió và tuyết trước mặt.

- Này, anh ơi, có thấy gì không anh? Nàng nhỏ nhẹ gọi, nép sát vào khe đá lạnh cách chàng chuột một tầm với, đôi mắt mọng ướt như hai hạt cườm đen – Nàng nhìn lên cao, chàng tí vẫn lếch dần về phía trước, gió vẫn phì phò phả hơi tuyết lạnh vào, mấy mảnh giẻ vẫn tơi tả, phập phồng.

- Có gì không? Có gì không anh?

- Em yêu, một mảnh trăng vắt ngang bầu trời thăm thẳm thưa thớt vài ánh sao – tuyết trắng xóa, lông lốc trong gió cuồn cuộn. Em yêu ơi, tỉnh lặng và đẹp vô cùng. Giá như em cùng ở bên anh lúc này, ở đây …

- Em đói lả, kiệt sức … Vách đá cao dựng đứng!! Anh ơi, hãy nói cho em nghe về nơi ấy, ngoài kia…

- Ngoài xa kia là thăm thẳm, ngoài xa kia là những cánh đồng đang vùi trong bão tuyết – Tăm tối, thăm thẳm, gió bão và chắc chắn sẽ có ánh mặt trời. Rồi mặt trời sẽ lên, cơn bão rồi sẽ tan, em nhắm mắt lại nghe anh kể chuyện …

Nàng tê lịm trong cơn đói vật vả, nằm im thiêm thiếp nghe tiếng chàng lẫn trong tiếng rít của từng cơn gió lọt vào khe đá.

- Sự vỡ vụn của bóng đêm chính là ánh sáng, chính là sự hiện hữu của mặt trời. Rồi tăm tối sẽ qua đi. Em thử nghe, có tiếng xì xào của hàng ngàn bông lúa vàng mơn trớn nhau trong gió; có tiếng nhí nhảnh vui đùa của chú dế non với con nhái bên bờ ruộng lúa; có tiếng hót, có tiếng cười, tiếng khóc … nghĩa là có một đời sống thật sự trãi ra.

- Láo toẹt! Láo toẹt! Mày xuống ngay cho tao nhờ! Cả bọn lo be từng bờ đá trong hang, giữ từng hạt thóc cuối cùng còn sót lại để mày ngồi trên chóp ấy mà làm thơ à! Láo toẹt! Xuống ngay! Xuống ngay!

Lão chuột cống già hét toáng lên, hàng lông lưa thưa, lổm chổm lù xù trên lớp da chai sần sùi. Lão loay hoay trên một khối đá đen lờ nhờ, phì phò thở dốc. Suốt cả tuần qua, cả bầy chuột chui vào trốn trong hang đá này, bão tuyết đã lấp kín cửa hang.Lũ chuột đã tự cô lập mình với thế giới bên ngoài.Lạnh giá, đói rét, gầm gừ cắn xé nhau vì giành giật một chỗ ấm, một chút gì có thể nhâm nhi được … Cả bầy thiêm thiếp nằm bẹp dí và chờ … và vô vọng.

- Anh ơi, anh tiếp tục đi … Rồi những hạt lúa vàng reo trong gió! Rồi chú dế non… - Nàng chuột bé nghẹn ngào nấc lên …

- Khi bóng đêm vỡ vụn, tự vỡ vụn ra, cũng là lúc ánh sáng tràn ngập. Em nhắm mắt lại, hãy tưởng như đang ngã đầu vào vai anh ngày nào, một cọng rạ vàng thơm nức anh đã làm chiếc khăn quàng hoàng yến để chuẩn bị ngày hội mùa… Trong hang ngột ngạt, đầy những hận thù, cắn xé, cay cú … sức ép của bản năng tồn tại lớn hơn một sự bay bổng cần thiết của tinh thần. Các vì tinh tú thật cao trong thăm thẳm mà sao anh thấy gần gũi biết mấy. Bây giờ, anh cho em mấy hạt bí ngô rang vàng thơm nức! Chỉ cần chút vỡ òa của lớp vỏ mỏng, hương thơm sực nức sẽ loang ra. Em cắn nhẹ nhẹ và nghe hương thơm hạt bí lẫn với vị béo ngậy chảy vào từng mạch máu. Đây nữa, thêm nhiều hạt bí ngô … thêm gió chiều dịu dịu … thêm hương lúa chín mơn man trong tiếng nghé ngọ…

- Láo toẹt! Im đi!

- Ơ, cái lão này! Có mất cái gì của lão kia chứ!- Một chú chuột già giọng khàn đục vọng lên - Rồi sao nữa chú bé! Tiếp tục đi nào.

Cả bầy chuột nằm xoải dài, mềm người ra, ru giấc mơ êm đềm trong cơn đói lạnh. Nàng chuột ép sát vào khe đá, chỉ sợ sơ sẩy lao đầu xuống dưới. Em nép sát vào, đôi mắt đen hạt cườm rơm rớm khóc; em nhìn lên thấy chàng vẫn quấn trong mấy miếng giẻ, bời bời nhìn ra thăm thẳm…

- Anh ơi, Em lạnh quá!

- Có một nơi nào đó trong cuộc đời này mà không có một lúc khủng khiếp của tuyệt vọng đâu em! Luôn luôn có bằng cách này hay cách khác, nhưng hãy hy vọng và đừng nói dối! – Anh ghê tởm sự dối trá!

- Láo toẹt! Thằng nhóc, mày đang nói thật đấy à, chỉ bằng một cái lổ tò vò mà mày vẽ cả thế gian tươi sáng! Láo toẹt!

- Tôi có bao giờ láo đâu ông! - Tôi ước mơ! – Tôi dìu người yêu tôi vào vùng trời tôi mơ ước! Sao ông mãi hoài nghi, mãi thấy cái xấu của người khác! – Ngoài kia, thăm thẳm xanh có một ngôi sao băng ngay trên bầu trời giá lạnh!

- Rồi sao nữa anh?

- Như con dao cắt ngang chiếc bánh kem màu xanh ngọc! Như vệt sóng trắng theo sau con tàu nhỏ trên đại dương! … Vẫn lừng lững một ánh trăng xanh xao giá buốt … vẫn đang chờ đợi sự vỡ vụn của đêm đen. Đêm đen rồi sẽ có lúc vỡ vụn ra, em hãy tin đi, đó là lúc những tia nắng ấm ôm ấp cả cánh đồng lúa vàng mơ ước…

- Láo toẹt! - Tiếng lão cống nhỏ dần, lũ chuột ép sát vào nhau trong góc tối của hang sâu, nhè nhẹ thở và ru trong giấc mơ, có một ngày đêm đen sẽ vỡ vụn ra và ánh sáng sẽ phủ trên cánh đồng… Gió chiều ngủ lịm trên đồng lúa vàng… Mùi rơm rạ ngào ngạt…

- Láo toẹt! - Lão cống lơ mơ nói lảm nhảm trong cơn ngật ngà ngủ. Chú chuột trẻ vẫn đăm đăm nhìn vào khoảng không thăm thẳm… Chú cảm thấy một chút mằn mặn trên môi, dường như có dòng nước mắt đã lăn trên má chú.

*

* *

Láo toẹt! Láo toẹt! Hi…hi…- Con bé ép sát đầu vào, trong tiếng cười rúc rích của hai anh nó. Ngoài kia, gió rào rào qua mái tôn, cành hồng kọt kẹt cạ vào mái hiên theo từng cơn gió quần quật. Tôi lùa tay vào mái tóc thưa mịn của con gái, vỗ nhè nhẹ, êm êm các con ngáp dài và chìm vào giấc ngủ.

Đã bốn năm trôi qua, những thay đổi đột ngột tưởng chừng như khó vượt qua, rồi cũng đã vượt qua. Mấy đứa con trai ngày nào lửng chững tựa cửa nhìn ba nó xách bao mùng mền vào trại tập trung cải tạo nay đã có thể dắt nhau từ năm giờ sáng, trong cái rét căm căm, xếp hàng chờ mua lương thực theo tem phiếu. Chúng sẽ lớn lên, chúng sẽ học hành, chúng sẽ chèo chống trong cái hang thăm thẳm gió lạnh mãi cắn xé nhau trong thù hận này sao? – Có ước mơ nào? Có hy vọng gì?.

Tôi như đang nghe thấy ở phòng bên tiếng thở dài của vợ, tiếng chùn chụt bú cái bình nước cơm đã cạn của con bé; và không còn gió rít mà chỉ có tiếng rả rích mưa chen lẫn tiếng xối nước ti tỉ của nhà hàng xóm trên mấy miếng tôn rách bên hiên. Tôi vẫn mở mắt nhìn trần nhà gỗ ọp ẹp, từ thăm thẳm, tôi vô vọng như người lạc hướng trong đêm đen. Có tiếng chiêm chiếp của mấy con gà con trong lồng tre dưới bếp, có tiếng con heo ủi máng ăn lộp cộp. Tôi nghĩ đến bầy gà con, đến mười tụm bông vàng mơ gắn hạt cườm đen nhánh chụm đầu vào nhau, tôi mơ có ngày có mấy chiếc trứng cho con bé còm cõi của mình. Tôi mơ ước như đứa trẻ và tôi dật dờ bước vào giấc ngủ như một ông già.

Đêm đen dẻo quánh như nhựa đường quấn chặt lấy chân anh; cố lên thôi, chỉ còn một khoảng nữa là đến đỉnh, đến chỗ có thể nhìn thấy bên kia bờ. Có thể tất cả là hoang vu và lạnh giá, có thể tất cả chỉ là ước mơ, nhưng có lẽ có nơi nào đó không có không gian đặc quánh quấn chặt lấy, khắp nơi nơi là đe dọa, đâu đâu cũng thấy mình là con người đầy tội lỗi, không đến, không đi, không còn gì ngoài quẩn quanh lo cơm áo. Ai ai cũng chỉ vỏn vẹn có một giấc mơ được ăn và được sống trên hai chân mình. Còm cỏi sống, còm cỏi vui với áo cơm. Anh cảm thấy ngộp thở, không thể nào thấy được bờ bên kia; anh ôm hai đứa con vào vòng tay mà thấy ngực mình nhói đau…

- Khi đêm đen vỡ vụn ra thì tự khắc có ánh sáng bừng lên từ trong bóng tối. Khi đêm đen vỡ vụn ra…

Tôi chợt nghe âm thanh rào rào, chiêm chiếp thảng thốt từ màn đêm đặc quánh đó. Tôi tỉnh giấc và thực sự nghe bầy gà rít lên, khiếp đảm. Tôi bật dậy, đặt con nằm trong chăn, đi vội xuống bếp. Anh sáng vàng vọt từ lồng gà chao đảo theo sự nghiêng ngã của lồng tre. Trước mắt tôi mười con gà con nằm nghiêng ngã, màu vàng mơ mềm mại bê bết máu đỏ, con nằm duỗi đầu lìa khỏi cổ, con bị xé nát cánh, chân kêu thảm thiết. Tôi không còn tin ở mắt mình, trong lồng vẫn còn loạt soạt cắn trái, phải, xé dọc ngang của hai con chuột màu mốc xám. Máu và đám lông mơ còn dính ở mép râu, lũ chuột thấy có người lùi sát vào góc giỏ. Ngọn đèn điện vàng sưởi ấm đứng lại sững sờ, ánh sáng tỏa ra một cảnh tượng hãi hùng: mươi tụm lông vàng bê bết máu, lê lết, màu đỏ loang loang chảy trên màu bệt vàng non dại. Góc lồng tre khoét một lỗ lớn, tôi vội áp tay chận lấy lỗ thoát, và nhìn xác mấy con gà con non thơ, vài con mắt đen láy nằm bẹp dí thoi thóp với tiếng kêu chiêm chiếp rời rạc.

Hai con chuột chụm chân lùi sâu vào góc lồng, bốn chấm đen bóng trố nhìn, chúng đã cắn sạch, giết sạch và giờ đây gườm gườm nhìn tôi chờ đợi. Tôi sững sờ, bất động – tôi như chết lịm, ngộp thở vì căm hờn; Ôi! Mươi chú gà con của tôi, các con tôi và giấc mơ mấy chiếc trứng gà. Tôi bỗng tràn dậy, phấn khích một nỗi hận thù đến ngộp thở. Tôi xoắn bàn tay thọc sâu vào chiếc lồng tre, mặc mấy nan tre sắc cạnh cứa buốt lên thịt da. Tôi xoáy mạnh, lũ chuột rít lên nhảy lung tung, ngọn đèn vàng lao chao, xác gà con bắn lên tung tóe máu. Tôi chộp được một con, tiếng chít chóe vang lên, tay tôi bóp nát cái đống mềm mềm, ấm ấm, đang cố cào cấu. Nghe như rôm rốp tan vỏ hộp sọ, khung ngực; nghe như chút máu nóng hổi phọt ra lòng bàn tay. Tôi cầm chặt đống máu thịt lầy nhầy ấy kéo tay ra, đổi tay khác vào. Và con chuột thứ hai cũng trở thành một đống máu thịt, sau một hồi cào cấu, chí chóe – Ngọn đèn vàng như đứng khựng lại, vài chiếc đầu non dại của đống gà con vàng mơ, như khẽ cử động với tiếng chiêm chiếp yếu đuối, rời rạc. Tôi gầm lên :

- Khốn nạn! Lũ chuột khốn nạn quá! Các con ơi!

Hai bàn tay lầy nhầy máu thịt, hai chiếc đầu chuột gập xuống, hai chấm đen lay láy vẫn ngỡ ngàng nhìn cái hận thù khiếp đảm của tôi. Tôi vừa rít lên, vừa dí hai thân thể mềm nhủn, nhão nhoẹt máu ấy lên sàn nhà, vừa đè, vừa cà xát mạnh như mài hai tảng đá đè nặng sự phẫn uất trong lòng tôi.

Tôi vừa lảm nhảm, nguyền rủa “Lũ khốn nạn! Lũ chuột khốn nạn!”, vừa chà xát cho đến khi có tiếng thét lớn.

- Ba ơi! Ba ơi!

Trong hai tay tôi, chỉ còn hai chiếc đuôi và một chút chân sau, một đống lầy nhầy máu da vung vãi trên sàn nhà. Con bé ôm chặt lấy cổ tôi, tôi dừng lại thẫn thờ. Tôi muốn ôm con vào lòng, nhưng hai bàn tay đầy máu thịt của lũ chuột. Con bé nhìn vào lồng tre lổng chổng mười xác gà con đẫm máu đỏ trêm túm lông tơ vàng mơ. Nó úp mặt vào lưng tôi khóc nấc. Tôi rửa tay, tắt ngọn đèn sưởi và bế con về giường nằm.

Hai thằng anh nó ôm quấn lấy nhau, lảm nhảm mớ.

- Gà con chết hết rồi hả anh? - Vợ tôi ở phòng bên hỏi với.

- Chết hết rồi em – Lũ chuột!

Nàng không trả lời, dường như có tiếng thở dài nén lại nhè nhẹ, rơi vào đêm đen. Gió mưa vẫn vần vũ. Tôi ôm chặt con gái vào lòng, nó thở đều đều và chìm trong giấc ngủ. Tôi không chợp mắt được. Cảm giác tởm lợm máu thịt của lũ chuột trong hai lòng tay, làm tôi cứ chực muốn ói. Tôi mường tượng, sáng mai các con sẽ dậy, sẽ thấy những chú gà con vàng mơ bê bết máu đỏ tan tác trong lồng. Mặt trời sẽ lên, đêm đen sẽ vỡ vụn nhưng giấc mơ bình an cũng cùng lúc nát tan. Tôi tự nhủ sẽ dậy sớm, sẽ dọn sạch tất cả, và mọi sự coi như một giấc mơ. Tôi sẽ kể cho con tôi nghe về một nơi nào đó, bầy gà con sẽ đi đến như con thỏ trắng và củ cà rốt mà má nó vẫn dạy cho chúng và lũ bạn tại lớp mẫu giáo. Đêm qua, bất chợt có một làn ánh sáng chiếu xuống, và cả giấc mơ màu lúa chín vàng của bầy gà con non dại đã bay đi. Bay vào một nơi thật xa; chỉ còn trong ký ức, trong kỷ niệm đẹp. Đã qua rồi cánh đồng lúa vàng thơ dại, ngây ngô trước lũ chuột và bóng đêm – Đã qua rồi, đó là huyền thoại.

- Các con ơi, rồi sẽ có một lúc, một nơi không có lũ chuột gớm ghiết, không có lòng đố kỵ, hận thù, sẽ có lúc bình minh đến. Đêm càng đen tối, bình minh càng rực rỡ.

- Láo toẹt! – Con bé mớ và áp sát đầu vào vai tôi. Phải cố ngủ thôi, tôi nhủ thầm. Sáng mai phải dậy sớm dọn sạch; phải đưa mọi tang thương vào huyền thoại. Con gái bé nhỏ của Ba sẽ kể cho anh nó nghe các hình ảnh loáng thoáng như mơ, đôi bàn tay ba máu đỏ, bầy gà con tan tác … Các anh nó sẽ rúc rích cười : “Láo toẹt!” – Đúng rồi, con chỉ mơ thôi con gái của ba ơi, bầy gà líu ríu dìu nhau bay vào cánh đồng vàng xa xăm lắm. Xa lắm lắm. Các con đừng sợ hãi và mất đi hồn nhiên khi phải nghĩ về lũ chuột, hãy để chúng ở lại trong đêm đen và hang tối – chúng mãi mãi thích hợp với nơi chốn đó.

(2008)




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Hai 2012(Xem: 20156)
« Huynh ơi ! Hãy tha thứ cho muội không thể đến với huynh vì muội còn sư phụ, nghiệp của muội kiếp nầy. Nếu huynh tin vào căn duyên của cửa Phật..muội xin hẹn đến kiếp mai.. » 
09 Tháng Hai 2012(Xem: 20586)
Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn còn sợ hãi khi nhìn thấy bất cứ con cờ nào của bàn cờ tướng. Tôi còn bị ám ảnh bởi Ván cờ ma quỷ!
08 Tháng Hai 2012(Xem: 18601)
"...Buổi chiều cuối năm nào cũng mang vẻ đẹp tiêu-sơ ,heo hút làm lòng mình buồn nhớ vu vơ...tôi thấy thương tất cả những đôi mắt bà mẹ trong những ngày gần Tết ,vừa thiết tha lo âu ,vừa cuống quýt làm sao ..."
26 Tháng Mười Hai 2011(Xem: 17840)
"...Bà Cóc à, bà hãy chịu đựng nổi khổ trước mắt, hãy ẩn-nhẫn trước cảnh trái tai,gai mắt, nhẫn nhục nhìn những gì thân thương nhất của mình quẩn quanh bên kẻ ngang ngược. Bà hãy để cho thời gian làm tròn sứ mệnh tất- định của nó..."
11 Tháng Mười Một 2011(Xem: 18053)
"...Một văn-hóa sống lạ đã dần dần thay thế ,và dĩ nhiên để tồn- tại được thì bằng cách nào đó ,chúng ta như mọi sinh-vật ,buộc phải thích nghi với môi-trường sống của văn-hóa mới đó : Con chim cánh cụt dùng cánh ngắn để bơi trong nước ;cánh dài thướt tha như con con chim én sẽ là thừa thải trong thế giới chim cánh cụt!!...Làm sao thích nghi mà không bị đồng hóa ? Làm sao tồn-tại mà vẫn giữ cho được phẩm-cách con người ? "
13 Tháng Mười 2011(Xem: 18231)
"...CON CHÓ CON nhướng mắt đứng choàng dậy,tiếng kêu của quá khứ đánh thức nó dậy,đôi mắt mở to,ngơ ngác,trong khoảnh khắc nó như tìm về những ngày sống cũ,nó như tìm thấy bóng cha già, ruộng lúa và bầy trâu;như tiếng "dạ" của em ở bờ ruộng rẩy nghe vọng tiếng gọi của cha khi hoàng hôn tê tái phủ xuống nương chiều..."
12 Tháng Mười 2011(Xem: 16543)
Cuộc chiến tranh Nam – Bắc Mĩ kết thúc, vấn đề tinh thần, tình cảm dân tộc do cuộc chiến tranh để lại, người Mỉ giải quyết gọn trong một ngày! Cuộc chiến tranh Nam – Bắc Việt Nam kết thúc đã ba mươi sáu năm mà tình cảm dân tộc Việt Nam vẫn còn bị chia cắt, nát vụn ra từng mảnh! Ôi dân tộc Việt Nam đau thương của tôi còn li tán đến bao giờ?
03 Tháng Chín 2011(Xem: 18176)
Tôi rời Đài Loan mang theo lời của Trang : Anh nói tụi em khổ còn hơn nô lệ. Em thì thấy ở nhà còn khổ hơn. Lời nói ấy đã dẫn đến một bước ngoặt của đời tôi.
03 Tháng Chín 2011(Xem: 20510)
" ...Chim tu-hú là thứ chim ma mảnh, xảo quyệt, nhiều thủ đoạn... tất cả tính chất đó là bản năng tồn tại của nó ! Nó tồn tại được nhờ lừa bịp, phản phúc; hai tính chất đó đã trở thành bản năng của nó, không bao giờ chờ mong nó thay đổi !!"
03 Tháng Chín 2011(Xem: 17708)
. Cơn cám dỗ cuối cùng kia, quả thật, tao đã phải trả cái giá quá đắt. Cái giá ấy đánh đổi cả bằng tính mạng của mình. Không biết có đáng không Vy ?” 
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468