Vũng lầy gia đình

21 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 15461)
Vũng lầy gia đình
 

 Vũng lầy gia đình   
  Ngọc Yến
(nàng dâu CTKD-1)

 Tiễn người khách cuối cùng ra xe, Tuyết thở phào nhẹ nhõm. Bứt từng nút áo, kéo toạc chiếc zipper nặng nề, nàng quăng chiếc áo đầm đắt tiền-mầu xanh đậm-nằm chênh vênh, nhầu nát trên mặt nệm thẳng băng, phảng phất mùi vải mới còn trinh nguyên. Cởi đôi giầy cao gót, nàng hất tung nó lăn long lóc trên mặt thảm nhung còn sạch bong-như mới được giặt sạch sẽ bởi tay thợ nhà nghề-rồi nhẩy xổ vào bồn tắm với tất cả đồ lót, đồ trang sức quý giá, để ngâm mình, buông thả bập bềnh trong làn nước ấm, hầu tẩy xoá tất cả những khắc khoải, đớn đau của một cuộc tình kéo dài hơn sáu, bẩy năm trời …
 Anh, bây giờ em mới hiểu và thông cảm vì những vấp ngã mà anh đã gánh chịu cả mấy năm trời nay. Nét mặt lo âu, phờ phạc, xốn xang chờ đợi của anh về những kỳ thi board tại Loma Linda nắng cháy, đất đai khô cằn, núi đá lởm chởm, nằm chồng chất vô trật tự, như những kẻ điêu khắc vô tài, bệnh hoạn. Hay tại San Francisco gió bão bập bùng, đường đá dốc thăm thẳm, xe cộ chen chúc, len lỏi tìm lối thoát như những kẻ đạo chích đang cố vượt thoát khỏi vòng vây dầy đặc của cảnh sát săn lùng. Hoặc tại Oregon cây cối xanh rì, mưa rả rích suốt quanh năm, xe cộ bì bõm lội nước tạo thành những vệt nước trắng xoá, hất tung rác rưởi, bụi bậm vào những khách bộ hành dại dột lỡ bước qua đường…Những ngày ấy, em đã không theo anh, và bây giờ, tới lượt mình, lại vất vả đi tìm ba loại bệnh nhân cho cuộc thi board sắp tới tại San Francisco. Bà con họ hàng, bạn bè, không kể già trẻ lớn bé, từ tuổi thiếu niên cho tới các cụ già, đều được em bắt há mồm, căng miệng chụp quang tuyến, để tìm ba loại răng thích hợp theo sự đòi hỏi của hội đồng chấm thi nha khoa tiểu bang. Những bộ mặt méo xệch, những hàm răng lồi lõm, những chiếc răng hôi thối sưng vù, đều được em nghiên cứu, như những nhà thám hiểm đi sâu vào những khu rừng thiêng nước độc đầy đe doạ của thiên nhiên, thú dữ…Đi tìm bệnh nhân từ người thân quen mãi không được, em lại phải lăn xả ra ngoài đời để tìm người lạ, như gián điệp truy lùng địch. Từ phòng nha sĩ này tới văn phòng nha sĩ khác, dù quen hay không, em cứ xấn xổ vào để may ra có cơ duyên tìm được người bệnh thích hợp. Có nơi thì tận tình giúp đỡ hết mình. Có người thì chỉ ừ ào, lịch sự xã giao, mong tống cổ mình ra khỏi văn phòng họ cho sớm, để còn rảnh thời giờ làm chuyện khác, dù văn phòng ấy thưa thớt bóng người. Hơn hai tháng bôn ba ngoài đời, với bao quân sư mách nước chỉ đường, mà bệnh nhân vẫn biệt tăm biệt tích, làm em lo sợ và thất vọng. Chỉ còn nửa tháng nữa thôi, kỳ thi đã sắp tới gần. Không cần kiêng khem, em đã sụt đi hơn mười pound, cùng với bộ mặt hốc hác, thân hình tiều tụy, như kẻ sốt rét kinh niên…Ngày thi càng tới gần, em càng luống cuống, bủn rủn tay chân. Chẳng lẽ mất tiền toi và nộp tiền cúng cho kỳ thi khác? May mắn thay, chỉ còn một tuần, lại có luôn ba bệnh nhân cho ba trường hợp khác nhau.Thế là em vội vàng gọi cho hotel, để đặt phòng, book vé máy qua internet, dù vé máy bay quá đắt vì đã tới sát ngày rồi. Em chuẩn bị mọi thứ cho kỳ thi sắp tới. Nhưng vào phút chót, một nữ bệnh nhân lại đòi thêm một vé máy bay nữa cho mẹ của cô ta đi kèm. Đành phải chiều họ chứ biết làm sao hơn.Việc đưa rước bệnh nhân cũng là cả một vấn đề nhiêu khê, vất vả. Em phải vận động ba người bà con đón ba bệnh nhân ở ba vùng cách biệt nhau, đôi khi xa hàng trăm dặm. Một bệnh nhân là ông già Mễ ở tại miệt Loma Linda. Một chàng thanh niên Mỹ trắng vùng biển Oceanside và một cô nữ sinh tại Long Beach cùng với bà mẹ đi kèm. Vé máy bay, không phải chỉ có bốn người, mà còn thêm bốn vé nữa: cho chính em, cô assistant, mẹ và thêm ông cậu nữa. Nhờ hai người thân ấy, bận rộn suốt mấy ngày trong việc đưa đón bệnh nhân từ khách sạn tới trường thi, săn sóc việc ăn uống, giải trí…nên em mới rảnh tay tập trung vào việc thi của mình. Ông chuyên viên làm răng giả tại địa phương mình thi cũng là cả một yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của mình trong kỳ thi ấy. Giá cả ông ta đưa ra cũng đắt gấp mấy lần giá thành thực tế của nó. Kiếp sau đi học, xin khuyên răn mọi người đừng học nha sĩ nữa.Vì thi state board là cả một cực hình, cũng như quá tốn kém. Có nhiều nha sĩ đã từng hành nghề hàng chục năm, khi di chuyển về một tiểu bang khác, phải thi lấy bằng hành nghề ở tiểu bang ấy. Dù kinh nghiệm đầy mình, có nhiều người cũng trượt lên, trượt xuống biết bao lần. Thật tội nghiệp! 
 Kỳ thi ấy, em không đậu, cũng chẳng trượt hẳn. Trong ba loại răng, em chỉ đậu có hai phần. Phần thứ ba, hỏng bét, em lại phải chờ thêm mấy tháng nữa, vào một kỳ thi khác để thanh toán cho hết món nợ kinh khủng kia. May mắn thay, kỳ thi tới diễn ra tại Loma Linda, cách xa nơi em cư ngụ khoảng một giờ rưỡi lái xe, nên tốn phí cũng nhẹ nhàng phần nào. Nhờ trời thương, em đã có bằng hành nghề nha sĩ của tiểu bang, sau gần một năm chạy đôn chạy đáo tìm bệnh nhân, cùng những khó khăn linh tinh khác.
 Anh, bây giờ hiểu rõ nỗi chán chường và quyết định của anh, thì cũng đã hơi muộn màng. Nhưng anh biết không, trong vài năm qua, em đã có những băn khoăn, những khủng hoảng tinh thần, mà ngay cả chính anh, em cũng không dám thố lộ. Em cứ cố giam hãm nó, tự mình phải đi tìm một giải đáp chính đáng, nhưng không làm sao tìm ra lối thoát. Em cứ bị giam cầm mãi trong vòng luẩn quẩn ấy. Sự sa đoạ, mầm mống nhiễu loạn kia, xẩy ra ngay trong gia đình em. Trước đây, nhiều lúc em muốn đi tìm sự cố vấn, an ủi của anh. Nhưng tự ái gia đình lại ngăn chặn em lại. Em không muốn hình ảnh êm đẹp, sự khả kính bình thường của một gia đình bị người khác nhìn vào với cái nhìn thương hại, đôi khi thê thảm tới độ coi thường, khinh rẻ nữa.Thật sự, em không muốn dấu diếm anh điều gì, dù rằng điều ấy chẳng liên quan tới anh, tới tình yêu gắn bó chúng ta bấy lâu nay. Những biểu lộ đôi khi hơi cáu kỉnh, buồn vui bất chợt, chán chường của em làm cho tình chúng ta như rạn nứt dần dần. Em biết rõ điều ấy. Nhưng những khắc khoải, tâm tư cá biệt kia như phủ ngập, bao trùm lấy em, làm em câm lặng. Câm lặng ngay cả với chính người yêu của mình, mới thật đáng ghét, đáng kết tội. Câu chuyện riêng tư của gia đình em, bấy lâu nay, hầu như xẩy ra ngấm ngầm, người ngoài ít ai biết tới. Bây giờ, nó như vỡ oà ra, không thương tiếc. Kẻ chịu đựng những đớn đau ấy là cả ba người: mẹ, em và cậu em trai nữa. Câu chuyện ấy, thực sự không có gì là đặc biệt, mà đã xẩy ra cho nhiều gia đình Việt Nam tại xứ sở này. Điều đáng thương và khốn nạn nhất lại xẩy ra cho chính gia đình em. Như anh đã biết, bố em bấy lâu nay, vẫn hằng năm đi đi, về về Việt Nam buôn bán, làm ăn. Ở bên Mỹ này, chỉ mẹ em là có cơ sở, kiếm ra tiền từ mấy chục năm nay rồi. Mọi việc trong nhà, đều do mẹ em quán xuyến .Tất cả các loại bill, mua xe cộ cho các em, cùng các chi phí linh tinh khác, đều được thanh toán do kinh doanh của mẹ bao bọc, trang trải hết. Nhiều lúc, em cũng muốn về Việt Nam chơi, xem công việc, dịch vụ của bố đi tới đâu, thành quả như thế nào rồi. Nhưng bận học, bận thi, bận đi chơi với anh, nên em chưa có dịp. Chưa bao giờ, em thấy bố mang những lợi nhuận về nhà, mà chỉ thấy mẹ càng ngày càng than là bố lúc nào cũng thiếu tiền. Rút hết trương mục tiết kiệm này tới trương mục tiết kiệm kia cũng không đủ cho việc kinh doanh của bố ở Việt Nam . Bố nói, làm ăn bên ấy, phải đút lót nhiều cho các quan chức ở địa phương, thì mọi việc mới trôi chảy dễ dàng. Sự cằn nhằn thiếu hụt ngân sách của mẹ như là điều tất yếu cho sự thịnh hành công việc làm ăn của bố ở quê nhà. Bố hứa là mấy năm nữa, bố con mình chỉ việc ngồi chơi xơi nước, tiền bạc sẽ rủng rỉnh vào tới nhà mình. Sự hứa hẹn đầy mộng tưởng ấy làm mẹ em mát ruột, sung sướng, an tâm. Lời ru ngọt ngào ấy của bố, như liều thuốc tiên, thúc đẩy mẹ móc hầu bao thêm, không chút ngần ngại, nghi ngờ gì.
 Tới năm thứ tư, kết quả công việc kinh doanh của bố là một trái bom bùng nổ, phá tan tành nếp sống yên lành, đầm ấm, hạnh phúc của gia đình em. Vào một buổi chiều thu lạnh buốt, một người đàn bà còn trẻ-trẻ hơn mẹ em một con giáp-,trông cũng khá xinh, tới gõ cửa nhà em, tìm ông Lân. Người tên Lân ấy, như anh đã biết, là bố của em. Chính em đã ra mở cửa để gặp người đàn bà đó. Trông bà ta còn trẻ, chắc tuổi dưới bốn mươi. Mặc dù ăn diện, nhưng kiểu quần áo còn đầy tính cách đặc thù của Việt Nam. Việc đánh phấn thoa son, cũng còn nhuốm vẻ ngô nghê, quê mùa. Hôm ấy, mới buổi chiều, mẹ còn đang ở tiệm. Bố đi chơi đâu không biết. Chỉ một mình em đang ở nhà, coi Ti vi. Em lịch sự hỏi bà ta:
 -Chị tìm bố tôi có việc gì?
 Chị ta không trả lời thẳng vào câu hỏi của em. Chị ấy quan sát em thật kỹ. Đôi mắt ngước lên nhìn em, rồi từ từ rà tia nhìn xuống tận dưới gót chân. Cô ta lên tiếng nhận xét:
 -Cô là con gái của anh Lân hả? Trông cao lớn quá nhỉ. Cao lớn giống bố đấy chứ!
 Quả thật lúc ấy, không hiểu tại sao em hơi bất lịch sự, bực mình, gắt lên với người lạ:
 -Chị chưa trả lời câu hỏi của tôi. Tôi xin nhắc lại: chị tìm bố tôi có việc gì?
 Người lạ vẫn chưa chịu trả lời thẳng vào câu hỏi của em. Mặt khinh khỉnh, chị ấy từ từ quay gót bước đi, hình như không muốn nói chuyện với em nữa. Nhưng bất thình lình, ngoảnh mặt lại, chị ta hét lớn, rõ từng chữ một:
 -Tôi là vợ của anh Lân, của bố…cô ở Việt Nam, cô nghe rõ chưa?
 Câu nói sau, người lạ ấy kéo thật dài, như xoáy vào đầu em. Em choáng váng, suýt ngã. Mãi mấy phút sau, em mới tỉnh trí lại. Em chạy tuốt vô nhà, đóng cửa cái rầm, như muốn đập tan cái cửa vô hồn ấy cho đã cơn tức. Em liền gọi điện thoại báo cáo cho mẹ biết rõ nguồn cơn. Mẹ em nghe xong, chưa kịp tắt phone, đã té cái rầm. May có mấy người thợ ở gần đấy đỡ mẹ kịp, nên mẹ không sao. Em tưởng nghe xong, mẹ sẽ về ngay. Nhưng không, mẹ về trễ hơn thường lệ. Cả họ hàng nhà mẹ, gồm ông bà ngoại, các bác và các cô chú đều tập họp tại nhà em, để tìm cách đối phó với bố và người đàn bà xa lạ, khốn nạn kia. Riêng mình em, thì mẹ dặn dò kỹ càng hơn:
 -Chuyện riêng nhà mình, con đừng bao giờ hé răng cho bạn trai con biết. Cậu ấy biết, thì cả gia đình, họ hàng nhà người ta cũng biết. Xấu hổ lắm con ơi. Đừng để gia đình người ta khinh rẻ nhà mình. Nhớ lời mẹ dặn nghe con.
 Lời dặn cặn kẽ, và nhắc đi nhắc lại ấy của mẹ như khắc cốt, ghi tâm, em không bao giờ dám quên. Hình ảnh yêu thương và kính trọng bố từ thủa em lọt lòng tới giờ, tự nhiên như có ai giựt mất. Em hụt hững, chới với. Em không ngờ, hai mươi ba năm tràn ngập bóng dáng yêu thương, tin cậy nơi người cha nhân từ, bây giờ tự nhiên biến mất. Anh thử nghĩ xem, có hình phạt nào lại ghê gớm và khủng khiếp như vậy không? Mai mốt, gặp lại bố, không hiểu, em sẽ đối xử ra sao? Chẳng lẽ, em lại coi bố như người xa lạ? Hay cứ phải giả vờ vui vẻ như không có chuyện gì xẩy ra. Phải đóng phim, giả dối ngay cả với chính mình nữa hay sao? Quả thật, điều ấy em không làm sao giải quyết được. Tâm thần em mê loạn, vật vờ. Thân xác em bải hoải, như một kẻ chán đời. Nhiều lúc gặp em, anh hay thắc mắc:”cưng đau, cưng ốm hả? “ Em lắc đầu. Lúc ấy, anh nghi ngờ, không tin em. Em hiểu rõ những thắc mắc chính đáng ấy của anh. Nhưng anh ơi, làm sao em có thể thổ lộ với anh được. Lời mẹ dặn vẫn còn văng vẳng bên tai. Đã mất bố rồi, chẳng lẽ em lại còn làm cho mẹ khổ tâm thêm nữa sao? Nhiều lúc, không có anh bên cạnh, em lại một mình lang thang ngoài bãi biển. Nhìn cảnh thiên hạ rong chơi nhàn hạ, gia đình cha con đoàn tụ đùa nghịch, lại càng làm em mủi lòng. Những giọt lệ vô hình tuôn chảy, không làm sao kìm hãm lại được.Thương mình, thương em, lại thương xót mẹ vô vàn. Không hiểu rồi đây, làm sao mẹ có thể sống yên vui được. Một, hai tháng nữa, em cũng phải đi xa, thật xa, để tiếp tục học nốt ngành mà anh và em đang đeo đuổi. Căn nhà mênh mông, trên triền đồi, chỉ còn lại hai mẹ con lủi thủi ra vào.Thằng Vinh, em trai của em, mới đang học lớp mười. Nó còn mải chơi, tối ngày đua đòi theo đám bạn bè, làm gì còn thời giờ ở nhà với mẹ, nói chi đến việc săn sóc, an ủi mẹ nữa. Cuối cùng, chỉ còn lại mẹ, một thân, một mình, cô độc trong căn nhà mênh mông, hoang lạnh kia.
 Cả đại gia đình nhà mẹ tập họp lại để tìm cách đối phó với bố em và an ủi mẹ. Từ lúc về nhà tới giờ, mẹ như điên dại. Mẹ mang tất cả những quyển album của gia đình, từ hồi còn ở Việt Nam cho tới bây giờ, vất bừa bãi nơi sàn nhà. Mẹ lục tung tất cả những tấm ảnh nào có hình bố dính vào là lôi ra, xé tan tành. Tấm hình to lớn, chụp hôm đám cưới, treo trên đầu giường ngủ, bị mẹ lôi xuống, đập nát tấm kính bên ngoài, dùng dao rạch nát bươm cho đã cơn tức giận của mẹ. Em định chạy vào can thiệp, ngăn cản, không cho mẹ phá phách nữa, nhưng ông ngoại ra dấu cho em bằng cách lắc đầu.Ý của ông là cứ để mẹ làm bất cứ cái gì cho vơi nỗi hận đang sôi sục trong lòng. Chờ tới khi nào mẹ mệt nhoài, ngồi ôm mặt khóc. Lúc đó, họ hàng mới nên ùa vào để an ủi mẹ.
 Làm cha từ bao năm, ông Tú-tên ông ngoại của em- đâu còn lạ gì tính nết cô con gái đầu lòng của mình. Cuốn phim gia đình như hiển hiện trước mắt ông:
 “ Cô con gái xinh đẹp, được sinh ra trong một gia đình nền nếp, đời sống trung lưu tại miền Nam lúc bấy giờ, được bố mẹ và họ hàng cưng chiều như viên ngọc quý, nên nàng hay nhõng nhẽo và bắt người khác chiều chuộng mình. Tuy vậy, vấn dề đạo đức gia đình, tôn giáo cũng như việc học hành của nàng, ông đều bắt vô khuôn phép. Có một lần, ông còn nhớ rõ cho tới bây giờ, là ông đã bắt con gái quỳ xuống để ông dùng roi, quật thật mạnh vào mông nàng mười cái liên tục vì lý do là nàng đã nghỉ học một ngày. Năm ấy, nàng đã cao lớn như một thiếu nữ trong tuổi xuân thì và đang học lớp đệ tứ tại một trường trung học công giáo. Đánh con xong, ông bỏ vào phòng riêng, không phải mát dạ vì đã trừng phạt được cô con gái cưng, nhưng ông đã ngồi thừ người ra, nước mắt vòng quanh, vì thương yêu cô con gái quý của mình. Để đền bù lại trận đòn đau đớn ấy, ngay buổi tối, sau khi ăn cơm xong, ông đã ôm lấy con, vỗ về nàng và hôm sau mua ngay cho con gái một chiếc xe Vê Lô Sô lếch mới tinh, để nàng đi học. Cô con gái ông, tên Thuỵ My càng lớn khôn, nàng càng trổ mã xinh xắn, làm ông bố hãnh diện. Mỗi lần đi đâu, như đi lễ chung với gia đình chẳng hạn, là cả đám con trai chung quanh xuýt xoa. Một số bạn bè của ông, cũng lăm le đòi làm thông gia. Thuỵ My thường tâm sự với ông là mai mốt con sẽ nối nghiệp bố, làm giáo sư trung học dậy môn Việt văn. Mấy năm sau, khi học tới năm đệ nhất, thì Thuỵ My đổi sang trường nữ trung học công lập Trưng Vương. Với vóc dáng thanh tao, xinh xắn, mái tóc dài óng ả bay lất phất sau lưng khi nàng phóng xe sô lếch đi học, đã thu hút bao thanh niên, sinh viên, sĩ quan bám sát. Những chiếc vespa, lambretta, xe hơi bóng láng như những chiếc đuôi làm Thuỵ My khó chịu, bực mình nhưng trong lòng, nàng lại ngầm ý kiêu hãnh. Các bạn học, một số tỏ vẻ khen ngợi sắc đẹp kiều diễm của nàng, nhưng một số khác lại tỏ ra ghen tị, mỉa mai. Biết có nhiều ong bướm bay lượn chung quanh, nên bông hoa đầy hương sắc Thuỵ My lại phải tô điểm, chải chuốt kỹ lưỡng hơn mỗi khi rời khỏi nhà. Khi có việc phải đi chung với gia đình, Thuỵ My thường sửa soạn lâu hơn người khác, làm ông hơi càu nhàu. Nhưng mẹ nàng đã can thiệp ngay:
 -Là thân con gái phải để cho người ta làm dáng chứ. Ngày xưa còn trẻ, tới đón tôi đi chơi, chờ hơn cả tiếng đồng hồ, ông có kêu ca gì đâu.
 Ông nghe xong, ngồi im ru. Thuỵ My bây giờ có rất nhiều nét phảng phất hình bóng của vợ ông xưa kia. Cô con gái Hàng Đào dạo nào ở Hà nội cũng vang bóng một thời, làm ông điêu đứng, gian khổ trăm chiều, mới cưới được nàng về làm vợ một giáo sư trung học trường Bưởi lúc bấy giờ.
 Trong đám con trai nối đuôi dai dẳng theo Thuỵ My, ông nghe con cái đồn ầm lên về một chàng sĩ quan không quân cao lớn bảnh trai, với bộ đồ bay hào hùng, làn ria mép lẳng lơ của tài tử đẹp trai Clark Gable, đã lọt vào mắt xanh của cô nàng nữ sinh Trưng Vương. Những lần đeo đuổi dai dẳng, táo bạo, những câu tán tỉnh vu vơ, những câu đùa dí dỏm, đã bao lần làm cô gái gan lì kia phì cười, chú ý tới chàng. Tuần nào, không thấy chàng ta theo đuôi, thì hình như nàng thấy thiếu vắng một cái gì. Hình ảnh chàng phi công hào hùng, với khăn quàng trắng hững hờ, ria mép duyên dáng, như ẩn hiện, mơ màng trong giấc ngủ của nàng. Người con gái tới tuổi trưởng thành, thân thể phát triển mau lẹ, sức sống mãnh liệt, như trổi dậy những thèm khát vu vơ. Nàng đã có triệu chứng mơ mộng, thẫn thờ, nhớ nhung của một người đang chớm yêu…Với thái độ gan lì, liều lĩnh, chàng phi công tên Lân đã làm quen được với nàng nữ sinh Trưng Vương Thuỵ My. Họ đã nói chuyện với nhau vài lần dưới hàng cây phượng vĩ gần cổng trường. Nhưng không phải chỉ có chàng phi công là độc quyền làm quen với nàng. Thuỵ My còn có nhiều đám khác, vừa có uy thế với gia đình mà lại còn thuộc hàng khá giả và tương lai đầy hứa hẹn hơn chàng Lân nhiều. Một chàng sinh viên y khoa, tên Long, năm thứ tư, con một vị giáo sư, cùng dậy ở trường Chu văn An với ông được cả nhà ưng ý nhất. Long cao lớn, mắt đeo kính trắng dầy cộm, ăn nói chững chạc, chừng mực, ra vẻ con nhà học thức. Theo sự quan sát của Thuỵ My, nàng nhận thấy, Long xứng đáng là người chồng của mình, một thứ chân chỉ hạt bột, chỉ biết tối ngày lo kiếm tiền mà thôi. Nhưng nàng cảm thấy ở nơi Long có một cái gì cổ hủ, quan niệm nhân sinh quan một cách lỗi thời. Nhiều lúc nàng đùa cợt với chàng là anh nên đi tu làm cha mới phải, làm Long sửng sốt, mặt tím bầm, như bị ong đốt vậy. Một người khác, một thương gia giầu có, tên Lương có họ xa với vợ ông, cũng trồng cây si như ai. Chàng Lương này không quá già, nhưng cũng không trẻ lắm, chỉ hơn con gái ông chừng một con giáp thôi. Chàng ta lái chiếc xe Peugeot 504 còn mới keng đậu ngay trước cửa nhà, như khoe sự giầu sang, mỗi khi có dịp ghé thăm vợ ông. Lúc nào chàng ta cũng khệ nệ quà cáp ngập đầu cho mọi người trong gia đình, làm vợ ông e ngại. Mỗi lần nhà cần đi xa như Đà Lạt hay Vũng Tầu, thì Lương là kẻ tình nguyện đầu tiên. Để chiều lòng vợ ông, cũng như có dịp xem xét Lương, Thuỵ My đã bằng lòng đi bát phố với chàng ta. Lương dẫn nàng vào những thương xá sang trọng, đắt tiền, như Rex, Eden…mời nàng mua đủ thứ mỹ phẩm, nước hoa ngoại quốc, cùng những bộ đầm Pháp, Ý hợp thời trang…Lương muốn phung phí tiền bạc, để làm loé mắt người đẹp, hòng chinh phục nàng một cách dễ dàng. Tuy thế, Thuỵ My nhận thấy ở nơi Lương để lộ nhiều mâu thuẫn: chàng chỉ làm bộ xài sang, chứ thực sự, con người ấy lại là một kẻ keo kiệt, ít học. Khi đi ngang một con hẻm trên đường Nguyễn thiện Thuật, Lương hãnh diện chỉ cho nàng một tiệm hớt tóc bần thỉu, có hai người thợ ăn mặc bèo nhèo, ăn nói thô tục, và khoe là tiệm ấy rất quen, vì họ hớt tóc rẻ, lại đẹp. Thuỵ My đưa mắt liếc qua, thấy quá tệ và không dám nhìn lâu. Nàng tự hỏi: chẳng lẽ giầu sang như Lương mà lại chui vào những xó xỉnh, dơ dáy như vậy hay sao? Những lần đi ăn tiệm, nhất là ăn phở, My thấy Lương cầm cả tô phở xe lửa, vĩ đại, húp xùm xụp như kẻ chết đói lâu ngày, làm nàng ngượng chín cả người, khi có mấy thực khách, bàn kế cận trố mắt nhìn chàng lắc đầu. Lương còn nói chàng đang học ở văn khoa, môn văn chương Pháp. Chàng hả hê khoe khoang là dù mình có nhiều tiền rồi, cũng nên có thêm mấy tấm văn bằng đại học để loè với đời chứ, phải không Thuỵ My? Con ông chỉ ừ hứ cho qua chuyện. Vì nàng thầm nhủ rằng: cái anh chàng trọc phú này, may mắn lắm chắc cũng chỉ mới học xong đệ tứ, chứ cái ngữ ấy thì biết gì văn chương tầu tây, mà khoác lác …
 Khi người nhà của Long và Lương tới xin cưới thì Thuỵ My từ chối, lấy lý do là nàng còn nhỏ, phải lo học hành. Biết tâm lý của con, không ai bằng mẹ. Sau nhiều lần gạn hỏi, Thuỵ My mới nhắc tới Lân cho vợ ông biết. Để chiều lòng con, vợ chồng ông đã cho phép con gái họ hẹn chàng phi công tới nhà ông chơi. Khi Lân tới, cả nhà xoi mói , chăm chú quan sát chàng thanh niên này. Lúc Lân đã ra về, người nhận xét tinh tế nhất về chàng ta chính là ông. Ông phán ngay:
 -Thằng Lân này bảnh trai thật. Một thứ tay chơi bay bướm gan lì. Con gái mình phải lòng nó cũng là chuyện bình thường. Nhưng nhìn kỹ vào đôi mắt lẳng lơ ấy, bố nhận thấy, thứ ấy không phải là kẻ chung tình đâu. Nếu con gái mình muốn lấy nó, bố mẹ không ngăn cản. Sau này, nếu có chuyện gì xẩy ra, đừng đổ thừa bố mẹ. Ráng mà lo lấy thân !
 Lời nhận xét ấy của ông quả thật làm Thuỵ My suy nghĩ. Nàng hiểu, nàng không có kinh nghiệm gì về đàn ông, con trai. Không biết, những nhận xét của bố về người con rể tương lai kia có đúng không? Hay đó chỉ là những thành kiến, thiên vị nhất thời mà thôi. Chẳng lẽ người con trai đẹp mã nào cũng mang dòng máu phản bội hay sao? Người con gái đẹp như nàng, có bao giờ mang ý nghĩ phản bội ai đâu? Mỗi người một khác chứ. Bố vơ đũa cả nắm sao được? Dù sao, thì những nhận định, hầu như can ngăn của ông cũng tạo ra một bức tường vô hình, ngăn chặn sự giao thiệp của nàng với Lân. Cả gần tháng trời, Thuỵ My cố né tránh chàng ta. Nàng tự nhiên cảm thấy chán nản, bực bội. Hình ảnh người yêu lý tưởng của mình như bị phá vỡ, đạp đổ. Chẳng lẽ tình yêu nào cũng là những nghi ngờ, lường gạt, giả dối sao? Vậy cuộc đời này còn lý thú, ý nghĩa gì nữa đâu.
 Một buổi tối nọ, khi đang ngồi trong phòng làm việc, chấm bài cho học trò, thì có tiếng gõ cửa. Cô bé Ty, con gái út của ông, đang học lớp đệ thất Nguyễn bá Tòng ùa vào, ôm chầm lấy ông. Biết rõ con muốn điều gì, hay có chuyện cần tâm sự, nên ông bỏ kiếng, bỏ bút xuống, xoa đầu cô bé, nhỏ nhẹ với con:
 -Bé Ty vòi vĩnh gì đây? Hay chị Thuỵ My bắt nạt con hả?
 Cô bé úp úp, mở mở, như muốn hé lộ điều gì bí mật, ra điều kiện với bố:
 -Có chuyện kỳ lạ, con muốn thưa với bố. Nhưng bố đừng mách chị My nghe.
 Ông mỉm cười, vỗ về con:
 -Được rồi, bố hứa danh dự, không mách chị con đâu.
 Được sự bảo đảm, cô bé Ty mới thì thầm bên tai ông:
 -Bố à, chiều hôm qua, con thấy chị My đi chơi với anh chàng phi công ở bên sở thú đó. Còn chuyện này lạ lắm. Con thấy chàng ta quỳ xuống, dơ tay lên trời, thề thốt túi
bụi. Vì đứng hơi xa, con không hiểu anh chàng kia nói năng gì, nên không trình bầy cho bố biết được. Sau đó con thấy chị My dơ hai tay ra đỡ người con trai đứng dạy. Nhưng bất thình lình, chàng lính kia kéo tay chị My xuống, rồi tiện thể ôm hôn chị rất lâu. Mãi tới khi có đám người đi tới, chị My mới đẩy chàng kia ra, mặt bẽn lẽn, như vừa phạm tội. Eo ôi, chị My và ông lính kia làm chuyện gì kỳ quá bố nhỉ!
 Nghe lời trình bầy của cô út xong, ông hiểu ngay rằng Thuỵ My đã yêu say đắm chàng phi công hào hoa kia rồi. Dù vợ chồng ông có ngăn cản hay chê bai, cũng chỉ như nước đổ lá khoai. Tiếng sét ái tình đã làm lu mờ tất cả mọi nhận xét, chỉ trích, khuyến cáo của tất cả mọi người thân trong nhà. Chỉ còn tiếng nói của con tim là ngời sáng, là bất diệt mà thôi. Những lời răn dậy, giáo dục của ông dành cho con từ bấy lâu nay dần dần tan loãng vào không gian. Mấy tháng sau, đám cưới của Thuỵ My với Lân diễn ra một cách đơn giản, dù rằng vấn đề tôn giáo giữa hai bên cũng đã xẩy ra nhiều tranh cãi.
 Cuộc sống của đôi trai tài, gái sắc kia, khi tới Hoa Kỳ, cũng đầm ấm, hạnh phúc cả gần hai chục năm. Hai đứa con kháu khỉnh ra đời, một gái và một trai, cách nhau bẩy năm. Lân đi làm ở hãng xưởng, còn vợ thì học ngành làm tóc, làm móng tay. Công việc kinh doanh của nàng không nở rộ, giầu có như những người tốt phúc khác, nhưng cũng dư dùng, có nhà cửa rộng thênh thang và con cái chăm lo học hành như bất cứ một gia đình di cư nào. Sau hơn mười bốn năm làm thợ tiện, công việc của chàng ngày càng ít dần. Hãng sập tiệm, công nhân bị nghỉ việc. Đi tìm việc mãi không ra gì, Lân cùng một số bè bạn về Việt Nam tìm kiếm thị trường ở quê nhà. Chàng mở một tiệm kem ngay trên đường Lê Lợi cũ. Công việc làm ăn cũng khấm khá, khách hàng vào ra tấp nập. Nhưng chàng không thể nào ở Việt Nam cả năm được, vì gia đình chàng ở Mỹ. Trong dịp lễ giáng sinh năm nào, ăn uống ở nhà con rể, Lân đã thố lộ với ông là chàng đã nhờ một người em gái của bạn ở quê hương, thay chàng đứng ra trông coi cửa hàng, trong thời gian chàng vắng mặt. Lúc đó, tự nhiên, ông linh cảm thấy có cái gì không ổn, lo sợ cho con gái, nên ông đã nhắc khéo con là nên coi chừng chồng mình. Nhưng vì bận rộn công việc ngoài cửa tiệm và tin chồng, nên nàng làm ngơ, bỏ ngoài tai. Tuổi đời đã gần năm mươi, nhưng tóc Lân vẫn còn xanh, vẫn chưng diện đúng thời trang như thời trai tráng, nên biết đâu các đào trẻ ở Việt Nam vẫn đổ xô tới, không kẻ này thì người kia. Bản tính hào hoa muôn đời, làm sao Lân thay đổi được. Xa vợ cả hàng vạn dặm, lại kéo dài, đôi khi cả bốn năm tháng trời, thử hỏi, làm sao không có chuyện gì xẩy ra giữa trai bay bướm, gái lẳng lơ được? Có trách là trách người nào đó, đã thả dây cương, để ngựa quay về đường cũ. Ông thầm trách mình là đã không can thiệp sớm hơn…”

 Ông ngoại còn đang mơ màng, nghĩ ngợi liên miên, thì mẹ đã ùa lại, ôm lấy ông khóc lóc, rên rỉ:
 -Tất cả cũng lỗi tại con. Ngày xưa con đã không nghe lời bố mẹ, nên mới ra nông nỗi. Bây giờ con phải làm sao hở bố?
 Ông ngoại ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi chậm rãi trả lời:
 -Đây là chuyện riêng của gia đình con, đáng lẽ bố không nên xía vào.Tuy nhiên vì con đã hỏi, nên bố có ý kiến là con phải thật bình tĩnh. Khóc lóc, đập phá không ích lợi gì, chỉ thoả mãn cơn giận dỗi nhất thời mà thôi. Để chứng tỏ là một người đàn bà trưởng thành và không để chồng bắt nạt, con phải nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với nó, không chút sợ hãi. Gặp mặt chồng, nhất định con không thèm khóc, để chứng tỏ ta đây có bản lãnh. Đặt thẳng vấn đề người đàn bà lạ mặt kia, xem thằng chồng con nó quyết định như thế nào. Nếu nó dám nói là nó yêu thương người đàn bà khốn nạn đó, không cần tới con nữa thì dĩ nhiên dễ quyết định.Con thẳng thắn chấp nhận sự ly dị và nó cứ việc xách gói ra đi theo tình yêu mới. Không luyến tiếc, năn nỉ, khóc lóc vớ vẩn làm gì, vì chỉ tổ làm cho nó lên mặt, khinh mình mà thôi. Còn nếu nó không dám nói thẳng như vậy, mà chỉ đổ thừa cho sự cám dỗ của một đứa con gái lẳng lơ, gợi tình, nên đã sa ngã và xin vợ con, cùng tất cả mọi người trong gia đình nhà mình tha lỗi cho nó, thì phải xét lại vấn đề. Sau đó, chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp nào đó ổn thoả nhất. Nhưng điều tiên quyết được đặt ra cho chồng con là dẹp hết mọi chuyện làm ăn ở Việt Nam. Chồng con phải kiếm bất cứ chuyện gì ở Mỹ mà làm. Ráng chờ chồng con về, giải quyết thẳng với nó. Bố mẹ và bà con bên mình tránh xa, để gia đình chúng con tự lo liệu lấy.
 Ông ngoại ôm mẹ vào lòng, giống như mẹ còn bé thủa nào, làm em thổn thức. Ông xoa đầu mẹ, rồi an ủi, khuyến khích tiếp:
 - Ráng can đảm nghe con. Lúc nào, bố mẹ và toàn thể họ hàng nhà ta đều đứng về bên con, che chở cho con…
 Em đứng ngay đàng sau ông ngoại, nghe hết từng chữ ông nói. Em học hỏi được rất nhiều điều ông nêu ra, không những cho mẹ và biết đâu cả cho tương lai của em sau này.
 Tối hôm ấy, sau khi an ủi, góp ý kiến với mẹ em xong, thì cả họ hàng nhà mẹ rút lui hết. Gần nửa đêm, bố mới mò về. Bố say khướt, lăn đùng ra ngủ. Khuya hôm ấy, mẹ hầu như đã thấm nhuần được lời răn dậy của ông ngoại, nên mẹ đã không làm ầm ĩ nhà cửa. Mọi chuyện qua đi một cách êm đẹp. Sáng hôm sau, mẹ không ra tiệm, mà nhờ một người thân cận mở cửa dùm, nên tiệm mẹ vẫn sinh hoạt như thường. Mười giờ sáng thức dạy, bố ngạc nhiên vẫn thấy mẹ ở nhà. Càng ngạc nhiên hơn, khi thấy một phin cà phê, đã pha sẵn còn bốc khói, đặt trên bàn, ngay trước chiếc ghế bố vẫn ngồi hàng ngày, trông thông ra hồ tắm, sân đàng sau, ngắm nhìn đồi núi, phong cảnh thành phố Laguna Beach, nhà cửa ẩn hiện xa xa. Trước mặt mình, mẹ đã pha sẵn một ly trà nóng còn đang bốc khói. Chờ cho bố pha sữa vào cà phê xong, mẹ đưa banh mở đường trước:
 -Chiều hôm qua có một người đàn bà lạ mặt tới tìm anh. Người ấy nói họ là vợ của anh ở Việt Nam từ mấy năm nay. Anh nghĩ thế nào?
 Nghe mẹ nói xong, bố bừng tỉnh vì đêm qua uống quá nhiều rượu, sáng nay vẫn còn hơi mơ màng. Giọng nói của mẹ hôm nay sao quá thản nhiên, không than thân trách phận, không la hét om sòm.Thái độ kỳ lạ ấy làm bố giật mình. Bố đâm ra lúng túng, hoảng hốt. Bố vặn hỏi một cách lạc đề:
 -Bộ chiều hôm qua em không ở tiệm hay sao? Em đã gặp họ à?
 -Em không gặp, nhưng con gái mình đã gặp mặt họ.
 -Họ có xưng tên tuổi gì không? Chắc lộn người, lộn địa chỉ đấy.
 Uống thêm mấy hớp trà cho người ấm áp, mẹ em trấn áp ngay:
 -Thôi đừng làm bộ nữa ông. Bây giờ ông muốn gì, hãy cho biết. Tôi thẳng thắn giải quyết vấn đề cho ông. Chúng ta già rồi, không phải con nít nữa.
 Việc thay đổi cách xưng hô và giọng nói dõng dạc, thẳng thừng vào đề của mẹ, làm bố e dè. Mặt bố tự nhiên xám ngoét, tay cầm ly cà phê run run. Bố xuống giọng năn nỉ mẹ:
 -Anh thật có lỗi với em từ mấy năm nay. Anh đã lường gạt tình yêu chân thành và tiền bạc của em .Việc đã đến nước này, xin em cho anh thời gian để dàn xếp.
 -Tôi không cần thời gian.Tôi muốn gặp ngay người đàn bà ấy tại đây, hay bất cứ nơi nào cũng được.
 Biết không lay chuyển được mẹ, bố đành thoả thuận:
 -Được rồi, anh sẽ tìm cô ấy, để chúng ta cùng giải quyết.
 Sau khi bàn luận với bố xong, mẹ sửa soạn áo quần, ăn diện khác thường rồi rời khỏi nhà. Mẹ không đến tiệm, nhưng lại nhà ông bà ngoại, rủ họ đi ăn trưa, đi phố sắm sửa, như một người đang hưởng nhàn, thanh thản rong chơi. Thấy thái độ dửng dưng ấy của con, ông ngoại biết là mẹ đã dư bản lãnh để đối phó với nghịch cảnh. Riêng phần bố, thì quả thực người rất lúng túng. Bố đâu có ngờ là cô tình hờ của bố ở Việt Nam lại dám tìm cách qua tận bên Mỹ để phá tan nát gia đình mình. Nếu biết vậy, bố dại gì ăn ở với một người đàn bà từ mấy năm nay. Nếu bố cứ giang hồ hết đứa này tới đứa kia, thì đâu ra nông nỗi. Quán kem nổi tiếng của bố trên đường Lê Lợi, có cả hàng chục em hơ hớ đang làm trong tiệm. Vừa bảnh trai, khéo ăn diện, lại là ông chủ, bố vớ em nào mà chẳng được. Ở với con Loan, em gái người bạn, cũng là người vợ hờ quả là một cái dại. Nó cứ bám chặt lấy, làm bố đâm kẹt. Nó lại còn dám qua Mỹ khiêu chiến nữa, mới thật đáng chết. Kỳ này trở về Việt Nam, con nhỏ ấy sẽ biết tay bố. Bây giờ bố phải ráng đi tìm Loan, xem con nhỏ muốn gì. Chẳng lẽ nó muốn mình bỏ vợ, bỏ hết gia đình êm ấm đang có, để theo nó về Việt Nam sinh sống hay sao?
 
 Mấy ngày đi dò la tin tức, tìm hỏi những họ hàng xa gần, Lân đã tìm được Loan tại một khách sạn vùng Garden Grove. Gặp được cô ta, chàng mắng ngay:
 -Tại sao cô dám tới nhà tôi gây chiến?
 -Em có gây chiến đâu. Em chỉ tới ra mắt gia đình nhà anh thôi mà. Vợ anh và em đều là phe ta, đâu phải Mễ, Mỹ gì . Biết đâu lại chẳng cùng nhau sống chung một nhà!
 Nàng ngả ngớn, ngồi vào đùi Lân âu yếm, nhõng nhẽo như một cô vợ hiền thục. Nhưng Lân đã đẩy cô ta ra, quát tháo:
 -Đừng có láo. Nói thực đi, bây giờ cô muốn gì?
 Nói xong, mặt Lân đỏ bừng bừng, xô ghế đứng dậy, xấn xổ tiến tới gần Loan, định dơ tay lên tát mạnh vào mặt nàng, như chàng thường làm ở quê nhà. Nhưng hầu như Lân chợt tỉnh, vì đây là Hoa Kỳ.
 Để vuốt ve cơn giận dữ đang bốc lửa của Lân, cô ta vẫn êm ái, lẳng lơ trả lời:
 -Em đâu có đòi hỏi gì. Hay là tối nay, trốn vợ, mình thuê hotel gần vùng biển, để vừa du dương vừa ngắm cảnh có phải thú không anh! Em lúc nào cũng chiều…chiều chuộng anh hết mình mà.
 Vừa nói, Loan vừa kéo tụt chiếc áo ngủ mỏng manh, để lộ toàn thân loã lồ, trắng ngồn ngộn, với bộ ngực nhấp nhô kênh kiệu, nóng hổi, tiến lại trước mặt Lân, nhẩy xổ vào người chàng. Hai bàn tay điệu nghệ, ma quái, không quên xoa nắn, vuốt ve trên những phần nhậy cảm nhất của đàn ông, làm Lân như tê dại, ngất ngây một khoảnh khắc. Nhưng, như chợt tỉnh cơn mê muội tình ái, nghĩ lại gia đình mình và hai con, chàng cao giọng trấn áp, thoá mạ:
 -Bỏ ngay cái giọng lẳng lơ, mất dậy, hành động đĩ thoã kia đi. Thật sự, bây giờ cô muốn gì? Nói toạc mẹ nó ra đừng ỡm ờ nữa.
 Hồi còn ở Việt Nam, mỗi khi Lân nóng nảy, phật ý điều gì, Loan đều dùng thân hình khiêu gợi, nóng hổi của mình để làm chiêu bài âu yếm, chiều chuộng chàng thì mọi việc, dù khó khăn, nhiêu khê tới đâu, cũng xong xuôi hết. Không ngờ, bây giờ, lá bài hấp dẫn kia trở thành vô dụng, mất hết công lực. Nàng đành phải chiều theo đòi hỏi của Lân, không còn dám đùa cợt trên sự đau khổ, vướng mắc, giằng co, khó xử của người chồng hờ kia, và cũng nói thật ý định của mình :
 -Em chỉ muốn anh tìm cách bảo lãnh qua Mỹ sinh sống. Đơn giản chỉ có thế. Không cần anh bỏ vợ con để ăn ở với em. Anh thấy như vậy có ổn thoả cho đôi bên không? Tuy thế, nếu thèm và nhớ em, thì anh cứ tự nhiên tới, em không mách vợ anh đâu mà sợ.
 -Được rồi, để tôi lo. Đừng tới nhà tôi nói năng bậy bạ, phá đám nữa nghe không. Cấm không được gặp con gái tôi. Cô léng phéng không nghe lời tôi dặn dò, thì liệu hồn đấy. Đừng đẩy tôi vào chân tường, hậu quả sẽ không hay đâu. Ráng biết điều thì tốt.
 Mấy hôm nay, bố không ở nhà, ngay cả ban đêm cũng vậy. Chắc bố đang đi tìm người đàn bà lạ mặt kia để bàn tính hay trốn luôn để ở với bà ta cũng không biết chừng. Còn mẹ thì dạo này thay đổi hẳn tính tình.Trông bề ngoài, mẹ có vẻ vui vẻ hơn, hay cho em tiền và khuyến khích em đi shopping. Mẹ cũng hay đi chơi, ít ra tiệm trông coi tối mịt mới về như trước nữa. Những hôm nào không có bố ở nhà, mẹ ngủ bên phòng mẹ. Còn hôm nào có bố hiện diện, thì mẹ nói là mẹ sẽ ngủ chung với em, hoạc ngủ ngoài phòng chơi của gia đình. Không khí gia đình quả thật tẻ nhạt. Mạnh ai, người ấy lo liệu công việc của mình. Hết cảnh đoàn tụ, ăn cơm chung, hỏi han công việc làm ăn, hoạc công việc học hành. Dù tới ngày em sắp xa nhà, đi học thật xa, cũng không ai ngó ngàng tới. Sân cỏ trước sau, phủ ngập đầu gối, cũng chẳng ai cắt tỉa hết. Mặt hồ, lá rơi tơi tả, tạo thành những vệt dầy đậm, che phủ khắp mọi chỗ, cũng chẳng thấy bố hay mẹ la hét thằng Vinh dọn dẹp.
 Đi biền biệt cả gần tuần lễ, hôm nay, chiều thứ sáu, bố mới trở về. Bố bảo em mời mẹ ra phòng ăn để bàn tính chuyện quan trọng. Ngồi đối diện nhau, bố mở lời trước:
 -Anh đã gặp được cô ta. Cô ấy không cần anh bỏ gia đình mình, cũng không cần anh phải cưới, mà chỉ muốn anh tìm mọi cách để đưa vào Mỹ.
 -Anh đã hứa với cô ta rồi phải không? Nếu có, thì anh đưa cô ta vào xứ này bằng cách nào?
 Bố ấp úng trả lời:
 -Chắc anh phải nhờ em giúp một tay mới được.
 -Em giúp! Mà giúp làm sao?
 Bố hầu như ngập ngừng. Cho tới mấy phút, bố mới nói thành câu:
 -Chắc chúng mình làm giấy ly dị giả. Mình chỉ làm bộ trên giấy tờ mà thôi, vì mình vẫn sống chung với nhau mà. Chuyện này, thiếu gì gia đình người mình ở vùng này đã làm để hưởng quyền lợi của nhà nước.
 -Còn cách nào khác không?
 -Dĩ nhiên có nhiều cách. Nhưng cách ấy dễ dàng và thành công nhất.
 Mẹ ngồi thừ người ra, lưng dựa sát vào ghế. Một lúc thật lâu, mẹ mới phản công lại
 -Anh có nghĩ là mình nông cạn quá không? 
 -Tại sao? Anh chưa hiểu.
 -Anh làm như vậy chẳng khác nào anh để con cáo già ranh mãnh ấy nắm đằng chuôi con dao, còn anh nắm đàng lưỡi. Bất cứ lúc nào anh cũng dễ bị đứt tay, hết đường xoay sở. Anh đã nghĩ ra chưa? Nếu anh còn tối tăm, chưa tìm ra chân lý, thì em sẽ trình bầy thêm cho anh hiểu. Sau khi chúng mình ly dị, anh sẽ làm giấy giá thú với con mẹ kia. Cầm giấy giá thú trong tay, anh sẽ bảo lãnh cho cô ấy qua Mỹ một cách dễ dàng. Nhưng khi tới đây, với giấy giá thú ở Mỹ đàng hoàng, cô ta vẫn tỉnh bơ bắt anh trợ cấp. Anh từ chối được không? Hơn nữa, lúc đó, cô ta là vợ hợp pháp của anh, cô nàng có thể đuổi ba mẹ con em ra khỏi nhà. Mấy mẹ con em làm gì được cô ta sao? Anh suy nghĩ kỹ đi, giải pháp ấy bất ổn và rất nguy hiểm. Em chẳng dại giúp anh ký giấy tờ ấy đâu. Tùy anh quyết định!
 Bố ngồi thừ người ra, suy nghĩ mông lung. Bố không ngờ bây giờ mẹ em lại là người suy luận chín chắn hẳn hoi, có nhiều ý kiến hay. Với hạng người như Loan thì chuyện gì mà nàng chẳng dám làm. Chắc phải tìm một giải pháp khác, cho dù có mắc mỏ, mất thời giờ, còn hơn. là vội vàng, rồi lại mắc kẹt trầm trọng hơn nữa, thì quả thật là rắc rối …
 
 Anh, em đã nói gần hết những phiền toái mà bố đã mang lại cho gia đình. Em đã xa nhà cả bốn năm trời để nối gót anh học cho xong ngành của mình. Trong thời gian xa cách ấy, em nghe nói bố đã tìm ra giải pháp để đưa người vợ hờ của bố qua Mỹ mà không phiền hà gì tới mẹ. Bố đã nhờ được người quen, đứng ra bảo lãnh dưới hình thức vợ chồng để bảo trợ cho bà ta, với điều kiện là bố phải trả cho họ khoảng mấy chục ngàn. Nếu mất tiền mà đổi được sự an bình cho gia đình, thì cũng là điều đáng mừng.Với giá cả như vậy, kể ra cũng chưa có gì gọi là mắc mỏ lắm. Cái giá phải trả, đắt gấp trăm ngàn lần, chính là cái nhìn xa lạ, khinh thường của vợ con, cùng tất cả họ hàng bà con thân thuộc…
 Những ngày lễ, những kỳ nghỉ dài hạn, khi trở về với gia đình, không khí tẻ nhạt, lạnh lẽo vẫn bao trùm nhà em. Chút hơi ấm gia đình hầu như bay hết, chỉ còn lại những tàn tro lạnh lẽo. Cơn giông bão dù đã qua đi, nhưng những căn nhà đổ nát, những thiệt hại lớn lao vẫn còn in dấu kinh hoàng. Những kính trọng, tin yêu, tha thứ, hy sinh vô bờ bến, giữa bố mẹ em, trở thành những từ ngữ mơ hồ, như những làn mây mỏng, tan loãng vào không gian. Hai hình bóng thân yêu ấy của em, không còn chập vào nhau nữa, mà chia rẽ, tách rời, mỗi người nhìn vào một hướng đối nghịch…Anh, em không ngờ, mình là kẻ chịu ảnh hưởng sâu xa, lãnh nhận lấy những thiệt hại lớn lao ấy. Có đầy đủ cha mẹ, mà hầu như kẻ đơn độc, kẻ mồ côi khốn khổ, không còn gì để mà bám víu.

 Bây giờ, em cũng như anh, đã vượt qua tất cả khó khăn để có bằng hành nghề. Với em, chút tin yêu cuối cùng là anh lại cũng không cánh mà vụt bay. Em chẳng bao giờ trách anh, mà đôi khi lại trách chính mình em. Anh, không phải em cố tình trình bầy những u uẩn, những đớn đau, những âm thầm chịu đựng do lòng bảo thủ, che đậy những vũng lầy của gia đình mình, hầu mong níu kéo tình yêu chúng mình. Nhưng, nếu cứ bưng bít mãi, luẩn quẩn trong khối u sầu chất ngất kia, thì cũng chỉ là tự đoạ đầy, làm khổ mình mà thôi. Hãy coi như một chút tâm tình gửi đến cho anh. Nếu dư âm còn lắng đọng, sẽ gỡ bỏ những hiểu lầm, những rạn nứt trầm trọng đôi ta từ bấy lâu nay. Bằng không, thì đó chỉ là những vang vọng lạc lõng vào một sa mạc mênh mông, hoang vắng, dần dần biến mất vào cõi hư vô.
 Ngọc Yến

 
 






Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Tám 2020(Xem: 5459)
"Khu Montmartre Đà Lạt có nhiều nhân tài, có nhiều mối tình tốt đẹp và rất hiếm có mối tình đau khổ. Có một điều tôi muốn nói là tình bạn, tình đồng môn tại Khu Monmastre Đà Lạt nói riêng và Viện Đại Học Đà Lạt nói chung, gắn bó tuyệt vời. "
28 Tháng Sáu 2020(Xem: 5867)
"Ngày nay, con người phá hoại thiên nhiên cây cối, giết loài vật cho nên con người phải chịu những hậu quả tai ương dịch bệnh, hạn hán, bão tố …vv…"
16 Tháng Năm 2020(Xem: 6075)
"Lý do tôi thực hiện tuyển tập Bóng Dáng Phật Về, tôi nghe bài nhạc Giọt Mưa Trên Lá của nhạc sĩ Phạm Duy có hai câu : Giọt mưa trên lá, tiếng nói thầm thì Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế"
25 Tháng Tư 2020(Xem: 6015)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468