“ Tuồng ảo hóa đã bầy ra đó..” (Phạm Quốc Bảo)

17 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 16485)
“ Tuồng ảo hóa đã bầy ra đó..” (Phạm Quốc Bảo)

“ Tuồng ảo hóa đã bầy ra đó..”

Cảm ơn HQBảo đã kể chuyện, khiến tôi viết được truyện này.

Mấy năm vừa qua, vợ chồng tôi có dịp hưởng ngày lễ Độc Lập Mỹ ngay tại nhà: Con cháu đều tụ họp về, ăn uống vui chơi thỏa thích…, giống như vào dịp Tết Việt nam vậy.
Nói cho ngay: Vào cuối thập niên 1970, khi đại gia đình tôi may mắn vượt biển bằng thuyền thành công.Ở trại tỵ nạn trên nửa năm, được một cơ sở tôn giáo bảo trợ, đại gia đình tôi gồm cha-mẹ anh chị em bên tôi-bên vợ lẫn vài đứa con đứa cháu tổng cộng cả trên ba chục ‘mạng’ về định cư cùng một nơi, nơi này là Richland, Tri-cities, cách Seattle bốn giờ lái xe về phía đông, qua một dãy núi đồi luôn luôn xanh um cây cỏ và đường lái xe ngoằn nghèo nhưng khá rộng rãi, thơ mộng..Nên cứ thế mà những ai lớn tuổi trong đại gia đình chúng tôi đều lần lượt kiếm được việc làm tại đây luôn. Rồi mười mấy hai chục năm sau đấy, con cháu học xong đại học ra đi làm thì chúng toàn cư trú ở những nơi khác: Chúng nó như những con chim ra ràng, đã bay đi xa rồi thì hiếm khi muốn quay về ở lại chốn cũ. Nói sự thật, nơi vợ chồng tôi đang định cư lại yên bình vì khá khuất nẻo mà khí hậu sa mạc, nóng thì nắng cháy nung người, lạnh thì cũng lạnh đến cắt da.., nhưng khốn nỗi được cái công việc luôn dễ kiếm và bao giờ cũng ngon lành, từ luơng bổng đến phong cách làm việc thư thả; hơn nữa, luôn có khu nhà mới xây lên, hết sức tiện nghi; còn lúc cần muốn đi đâu thì mấy tiếng trên máy bay là xong! Do đó cho nên dù con cháu chúng tôi lẫn gia đình anh em bên tôi bây giờ đều đã cư trú tại những thành phố có cộng đồng Việt đông và luôn có ý rủ rê chúng tôi xuống ‘núi’ đi, thế mà vợ chồng tôi tuổi đã ngòai bẩy mươi rồi vẫn cứ còn ngại ngần cái chuyện giọn nhà giọn cửa.. và cứ thế nấn ná mãi ở đây cho đến bây giờ. Thêm nữa, trên mười năm nay, cứ đến Tết ta là vợ chồng tôi đều có dự trù về ở duới Nam và Bắc Cali ít nhất một tuần lễ. Rồi mấy năm rồi con cháu tỏ ra thương tình vợ chồng tôi lui cui, nên chúng sắp xếp gắng bảo nhau, lễ Độc lập Mỹ là kéo về ở với bố mẹ đôi ba ngày…
Riêng năm nay, ngày mùng 4 tháng 7-2011 rơi đúng vào thứ Hai đầu tuần nên được nghỉ đến 3 ngày liền, long weekend, nhưng lũ trẻ đều thông báo là bận, không về được, khiến tôi băn khoăn cả tuần lễ trước đấy: Vợ chồng chúng tôi đều được nghỉ hết mà cứ loay hoay với nhau ở nhà suốt ba ngày thì nản và..uổng thì giờ lắm. May sao thứ tư tuần trước, vợ chồng ông bạn nhà ở thị xã kế cận gọi phôn và gợi ý rủ vợ chồng tôi về Seattle bằng xe hơi (anh bạn tuổi tác cũng bẩy bó rồi nhưng vốn còn nhanh nhẹn, lái xe hăng lắm!), để cùng chung được gặp gỡ và bù khú với mấy cặp bạn hữu khác ở ngòai đó, cho bõ một kỳ nghỉ lễ lớn của xứ này. Hỏi ý của ‘bà ấy’cho hợp lệ theo thủ tục thông thường ( Sự thật là như vậy, vì bà xã tôi khi càng lớn tuổi càng tỏ ra năng động hơn tôi nhiều!), và tôi báo cho anh bạn là OK.

Thế là chiều thứ sáu lên đường, tối đến Seattle là chúng tôi nhập tiệc với mấy cặp thân hữu ngòai quán hàng, như vậy để đỡ phần chuẩn bị cực khổ và rình rang cho mọi nguời. Khuya về nhà bạn mệt, ngả lưng xuống là tôi làm một giấc thật êm! Sáng 7 giờ thức giấc nhưng đã hẹn 10 giờ đến nhà một cặp khác, tán dóc và ăn uống lai rai, nghĩa là không giới hạn giờ giấc, vẫn vì mục đích để mọi người được thoải mái tối đa…
Đến cỡ trên một giờ trưa, cơn mưa lắc rắc từ sáng tạnh hồi nào chẳng một ai hay, và bóng nắng vàng uơm đã trải rộng ở không gian trên thảm cỏ sát cánh rừng sau nhà...Tôi bỗng nghe tiếng ai nói như lệnh vỡ từ ngoài cổng. Hai cặp mới bước vào, trong ấy nổi bật lên một người đàn ông cao lớn dềnh dàng mà da ngăm ngăm đen: Tiếng nói oang oang phát ra từ nguời này. Đúng là chưa thấy mặt đã nghe tiếng! Tôi nhủ thầm trong bụng thế, và bắt đầu chú ý đến con người mới tới này...


 *

 1/. Lỡ

 


- Tôi là Lỡ. Còn tên anh?

- Bảo.

- Anh bạn thế nào với chủ nhà?

- Bạn thời còn học ngành kỹ sư với nhau. Còn anh?

- Bạn cùng săn thú rừng. Hôm nay quí vị sẽ thưởng thức cái món thịt nai hai chúng tôi săn được cách đây mấy tuần.

- Là cái đùi nai bọc vải anh vừa đưa đến?

- Đúng. Tôi mới hun khói tuần trước.

- Anh sẽ cho chúng tôi ăn món nai gì nào?

- Theo tôi ra sân sau, là anh biết liền.

- Thế anh không 'bật mí' trước được sao?

- Ậy. Tôi lỡ hứa là sẽ làm một món lạ,nhưng cho đến giờ vẫn chưa nghĩ ra...Và có anh góp ý thêm vào, không chừng biết đâu tôi lại đuợc khen là đã chọn làm được món ngon để tiếp bạn hữu bữa nay.

- Nhưng anh tính làm món ăn chơi hay món nhậu?

- Ăn chơi mà vẫn nhậu được, mới hay chứ! Anh nghĩ sao?

- Ồ..Các bà thì ăn chơi nhiều hơn là nhậu.Còn bọn đàn ông tụi mình thì đa số lại thích lai rai. 
- Phải! Thế anh đã nghĩ ra món nào chưa?

- Chợt tôi liên tưởng đến món bò lụi.

- Hay đấy.

- Nhưng nai lụi, tôi nghĩ phải là thịt nai tươi để có thể nuớng trên than hồng rồi cầm dao đâm vào, thịt từ bên trong lòi ra khỏi da...

- Hòan tòan chính xác!

- Còn đây là đùi nai đã hun khói rồi... Và ăn món này đòi hỏi rất nhiều các loại rau và gia vị như ớt, tỏi nữa.

- Xong. Đồ bỏ! Về nhà tôi lấy đùi nai tươi, và tiện tạt qua chợ mua rau với gia vị thêm vào. Anh đi với tôi?

- Có cần tôi đi theo không?

- Tôi bắt đầu thích nói chuyện với anh rồi!


 *

 

Tôi gốc dân BàNi, Phan Rang. Nói tiếng Mã lai từ nhỏ. Đến 7 tuổi mới đi học chữ Việt nên suốt những năm học tiểu học, tôi cứ luôn lầm lộn giữa hai nếp văn hóa: Một đàng sống theo tập tục dân tộc BàNi trong xóm bản. Một đàng tiếp xúc với lũ bạn cùng lớp trong trường học lẫn ngòai xã hội Việt ở địa phương.15 tuổi,khi đơn vị đồng minh Đại hàn lo an ninh ở vùng Phan Rang, tôi được giới thiệu đi làm thông dịch cho họ, tiền bạc rủng rỉnh, tiêu xài vung vít. Đó là thời gian tôi cảm thấy tự do thỏai mái nhất đời tôi. Nhưng mấy năm sau, tôi lại thấy chán và đăng vào Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, oai hơn! Đuợc huấn luyện xong, tôi vào tóan Biệt Kích chuyên đánh tỉa Việt Cộng trong vùng cao nguyên Đắc Lắc. Cho tới lúc Mỹ rút, tôi đang làm trung đội trưởng, chuyển sang giữ lon Trung úy của một đại đội Biệt Động Quân Biên Phòng QLVNCH,tiếp tục nổi tiếng đánh giặc. Vì thế khi tháng Tư 1975, đi tù bị trù ẻo nặng, Tôi trốn trại một cách dễ dàng và giúp cho các tóan du kích H'Mông cho tới khi bắt liên lạc lại được với LLĐB Mỹ, rồi đưa người H'Mông sang Thái Lan, đi định cư tại North Carolina. Xong công tác này, tôi vẫn theo LLĐB Mỹ nhưng lần này lại đi thực hiện các trận biệt kích cho kế hoạch nhằm diệt đường dây di chuyển ma túy ở các xứ Nam Mỹ,rồi phục vụ thiện nguyện công tác cứu đói bên Phi Châu. Năm 2005, tôi 55 tuổi, đơn vị bảo nếu tôi về hưu thì tính ra tôi ba chục năm trong quân ngũ nên được hưởng 80% lương và nhiều lợi lộc khác trong chế độ hưu bổng. Tôi gốc núi rừng, liền chọn cư trú tại Seattle này...
- Vậy anh là người sướng quá rồi, còn muốn gì hơn nữa!

- Anh nói thế nào ấy. Cá nhân tôi chả thấy sướng ở đâu, chỉ thấy đời mình luôn luôn lỡ dở!

- Nghe anh kể, tôi suy ra thì đời anh xuôi róoc đấy chứ.

- Xuôi cái giống mẹ gì! Ngược không à! Đây nhá: Gốc tổ tiên ở mãi đẩu đâu, đến đời tôi thì chẳng có dịp truy cứu nữa, mà lại sinh ra ở cái hóc bò tó Phan Rang, mang dòng tộc BàNi, phát ngôn bằng tiếng trọ trẹ giữa một xã hội toàn nói thứ tiếng Việt, khiến mình cảm thấy tự nhiên bị du vào cảnh sống ở trong cái kẹt nhỏ xíu, cựa quậy một chút cũng không được. Có phải lỡ bộ không! Bởi thế mới phải tập nói tiếng Việt cho thông, nhưng lại sống nhờ vào cái nghề thông dịch viên cho dân BàNi của chính mình! Rồi đang đánh giặc giỏi thì Tháng Tư 75 xảy ra, lại bị giặc bắt mình vào làm tù của nó. Trốn thóat sau đó nhưng cứ thế mà lưu lạc khắp nơi cùng chốn; trong khi thực bụng mình nào có muốn phải rời khỏi đất nước Việt Nam ấy đâu chớ! Đấy. Nguyên mấy chuyện ấy thôi, anh đã thấy rằng đời tôi từ cái lỡ này chuyển sang cái lỡ khác.

- Bây giờ chắc anh ổn định rồi?

- Ấy.Chưa hết. 55 tuổi là trai già, quá lỡ làng rồi chứ gì. Vậy mà tôi lại may mắn bắt được một bà chịu sống với mình. Thế mà một năm sau,phát giác ra thì tiền bạc bay đi đâu mất cả! Hóa ra bà ta mê cờ bạc, thua sạch. Vừa buồn vừa bực cái cuộc đời mình...Mà bà vợ của tôi, bà ấy cũng vì lỡ mê cờ bạc từ hồi nảo hồi nào rồi. Còn nhìn lại cái đời khỉ gió của mình, tôi nghiệm ra rằng thôi, đã lỡ rồi cho lỡ luôn: Mình lấy cái lý nào để ép bà ấy phải sống theo mình chứ. Tôi liền phủi tay, cho đứt bà ta căn nhà đang sống, mình cuốn gói vào cabine ở trong rừng cho chắc ăn! Anh thấy chưa: Tôi với bất cứ những gì gặp trong đời này thì cũng vậy, từ lỡ tới lỡ! Tòan lỡ với lỡ, không à.
- Nghe bầy tỏ, tôi cảm thấy cái lối nhìn đời của anh thật lạ đấy..
- Lạ cái con mẹ họ gì đâu, anh! Đó là cách để tôi có thể chấp nhận đời mình...
- Thế mới là lạ.

- Chán quá đi, bố già ơi...Thôi bây giờ đến chuyện của anh. Nghe nói năm nay đã quá bẩy mươi tuổi rồi mà anh vẫn cặm cụi đi làm. Sao ngu dại thế!

- Ậy...Cũng vì lỡ tham công tiếc việc đó thôi.

- A! Anh chơi kiểu 'gậy ông đập lưng ông' với tôi hả?

- Đừng có gây. Mất vui đi. Bởi thú thật: Anh làm tôi liên tưởng tới cuộc đời của chính tôi đấy!

- Cuộc đời anh là của anh. Cuộc đời tôi luôn luôn vẫn chỉ là của tôi.

- Đương nhiên. Nhưng theo tôi ngó ngàng: Những cái khác nhau giữa hai cuộc đời, anh và tôi, dường như chỉ là hình thức, ngoài da. Còn hòan cảnh, phần số và cách thế đối xử thì có gì là khác nhau đâu..

- Đó dù sao cũng là chiều hướng lý giải của anh. Chứ rốt cuộc, tôi và anh cũng chỉ như đứng ở hai đầu sông ngó nhau mà so sánh đó thôi... Có điều, mới gặp nhau, tôi lỡ hứng quá mà buột miệng bảo rằng anh 'ngu dại', anh không tỏ vẻ gì giận tôi..
- Tôi hành xử không theo như anh nghĩ thì anh phải bảo tôi là ngu dại chứ. Đúng lý như thế, tại sao tôi lại phải giận anh được nhỉ!..Hơn nữa,anh rất thật tình, nghĩ gì nói nấy, không thớ lợ, không sợ mất lòng.

- Ăn nói một cách bổ bả, ngổ ngáo như tôi, xưa nay ít ai chịu bình tâm mà bỏ qua được như anh.

- Cũng tùy.. Nhưng trao đổi với nhau, tôi nghĩ tốt nhất vẫn là cái sự thật lòng với nhau.

- Thật lòng với nhau? Họa hiếm...Xưa kia người ta có chuộng sự thật lòng với nhau không, anh nhỉ?

- Phải soát xét lại cho cẩn thận mới trả lời một cách thoả đáng được. Tuy nhiên, tôi còn nhớ, trước đây cả sáu thế kỷ, cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng bảo “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao..” Thực tế theo tiểu sử thì cụ đã rũ áo từ quan, về ở ẩn, tu tâm dưỡng tính, dạy học và cố vấn giúp đời. Danh tiếng của cụ mới truyền mãi đến bây giờ. Thế mà cụ vẫn tự nhận là mình dại. Nhờ vậy, chúng ta mới hiểu một cách sâu xa rằng Dại khôn gì cũng do chính mình chọn, mình ưng mà sống theo là được hơn cả!
- Anh vốn là dân sính chữ nghĩa. Sẵn đây tôi nhờ anh nhá: Hãy diễn tả dùm cuộc đời tôi bằng một vài câu, được không?

- Nhất thời anh hỏi, tôi xin tạm diễn đạt là:

“ Ta đã lỡ chân bước vào trần thế
 rồi cứ được thể lỡ mãi đi thôi
 nhưng luôn tâm niệm giữ lời 
 thì thầm nhân ái đất trời nào quên” 


 *


 2/. Phường tuồng

 

Chàng ta sà ngay vào chiếc ghế còn trống cạnh tôi.

- Tôi nghe không rõ: Anh tên gì? Lôi hay Lỗi? Tôi lên tiếng thắc mắc.

- Lôi hay Lỗi gì cũng là tên tôi cả!
Đúng lúc ấy, một bà bắt đầu cất giọng karaoké, nên tôi ghé sang anh ta nói nhỏ lại:

- Ồ..lạ nhỉ?

- Đúng! Có hơi Lạ...Nhưng với tôi thì cũng chẳng có gì là lạ cả? 
Giọng anh ta nói cứ lơ lớ: Những dấu sắc-huyền-hỏi-ngã- nặng anh ta phát âm nghe không rõ hẳn ra được cái âm nào một cách sắc nét cho tai nghe của tôi. Tôi đáp cho có:

- Vậy sao?

- Vậy đó. Thực ra tên thật ban đầu của tôi là Lòi, dấu huyền nhá. Lòi! Vì tôi răng lòi xỉ, người miền Bắc gọi là răng mái hiên, người Nam kêu bằng răng hô, đó.

- Tên bố mẹ đặt cho anh đó sao?

- Không. Bạn cùng toán đội với tôi kêu tôi Lòi, nên tôi khai luôn trong giấy tờ là Lòi.

- Còn Lôi?

- Là Thiên Lôi, chỉ đâu đi đó, bảo gì đánh đó!

- Nhưng đâu có Lồi, phải không?

- Có chứ. Anh nhìn xem: Tôi có cặp mắt lồi và mồm lúc nào cũng lắp bắp nói liên hồi, không bao giờ muốn im cả, trừ khi ngủ và 'đi đoong'! Bạn đồng đội nhiều lúc cũng bảo tôi tên Lồi nữa!

- Còn có là Lội không?

- Có: Suốt đời tôi đều lội cả! Lội sông lội suối, lội rừng lội núi, lội xình lội biển..Thậm chí lội khắp nước Việt Nam, sang đến Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa...rồi cứ thế mà lội tuốt sang bên Mỹ luôn. Sang đến bên đây rồi vẫn chưa hết phải lội, tôi còn đuợc( hay 'bị' cũng vậy) người ta cho sang Phi Châu, sang Nam Mỹ lội tiếp!

- Còn bây giờ anh về hưu rồi chứ?

- Rồi..

- Thì còn ai bắt anh lội nữa đâu?

- Người ta không bắt tôi lội nữa thì chính tôi chọn cái nghề lội!
- Anh đang lội gì?

- Tôi chuyên lội rừng đi săn..

- Quả thiệt anh rất lạ..Thế còn cái tên Lỗi?

- A! Đến bây giờ tôi mới hiểu được, tôi phải thực tên là Lỗi mới đúng: Tôi làm cái gì cũng là do lỗi tại chính tôi cả!

- Hay quá...

- Cái thằng tôi suốt đời lỗi mà có hay ho gì!

- Xin lỗi.Tôi vội quá nên nói không đúng ý lắm. Tôi muốn nói rằng anh là một nhân vật có một số cái tên lạ lùng nhất!

- Tôi có bao giờ muốn có những cái tên tục quỉ quái ấy đâu!

- Anh không muốn, nhưng cuộc đời của anh tự nó khắc tạc thành những cái tên ấy. - À! Anh nói ra tôi mới để ý thấy...Mà quả như vậy thật nhỉ!

- Nội mấy cái tên gọi của anh đã quá là đặc biệt rồi.. Xin lỗi trước, nếu anh không muốn cho biết thì cũng không sao. Nhưng tôi rất thắc mắc: Anh gốc thuộc người nào?

- Tôi dân BàNa.


 *

 

“ ..Tổ tiên tôi thờ ông Thánh Quang Trung Nguyễn Huệ. Cha tôi là lính Ngự Lâm Quân nhiệm vụ lo việc cai quản khu Hòang Triều Cương Thổ ở Buôn Ma Thuột. Còn tôi thì mới 15 tuổi khai thành 18 để được tuyển đi học khóa đầu tiên cán bộ Thượng trên Pleiku, năm 1966, mãn khóa là được chọn theo tóan hướng dẫn và thông dịch viên cho Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ họat động ở ngã tư biên giới Việt-Căm Bốt-Lào-Thái Lan rồi về huấn luyện cho các tóan Biệt động H'Mông chuyên phụ trách việc kiểm sóat các đường dây chuyển lậu Á phiện tại khu vực Tam giác Vàng. Sau 1975,vì tình hình và chế độ của các nuớc tại Đông Nam Á thay đổi, tôi theo dân quân H'Mông sang định cư ở tiểu bang North Carolina mấy năm, rồi lại được chuyển theo nhóm người này về khai khẩn nông trại ở vùng Fresno, miền Trung Cali một thời gian nữa. Đến khi nhu cầu đòi hỏi các tóan Mũ Xanh sang Nam Mỹ để ngăn chặn phong trào trồng và phân phối bất hợp pháp cần sa, tôi có tham dự việc bắt giữ ông Noriega của nước Panama. Sau đó, tôi lại được tuyển vào tóan hỗ trợ các đòan chuyên viên y tế-giáo dục -xã hội thiện nguyện Hoa Kỳ sang giúp xây dựng hạ tầng cơ sở bên mấy xứ Phi Châu. Đến năm 2005, tuổi trên giấy tờ tôi đã gần 60 và mặc dù chính bản thân tôi không bao giờ muốn chấm dứt cuộc đời di chuyển liên tục ấy, nhưng người ta nhất định cho tôi về hưu, bằng cách cấp nhà cấp lương hằng tháng cho sống ở Seattle này. Tuy nhiên nhà đó lương đó tôi cũng chỉ để cho vợ con hưởng, riêng tôi chỉ một cái cabine trong rừng và chiếc xe mobil-home di chuyển đó đây...”
- Với tập quán của suốt đời, tôi thấy mình chỉ lỗ thôi: Khởi thủy ý định của tôi là chỉ muốn rời khỏi buôn làng, tôi đã tìm mọi cách để vào lính. Đó là cái ' lỡ ' đầu tiên của tôi, kéo dài cho đến bây giờ;và ngay cả sau này nữa, tôi thấy mình chỉ từ cái lỡ này sang cái lỡ khác...
- Đó là cách anh nghĩ. Chứ theo tôi nghĩ thì anh đâu có 'lỗ vốn'.

- Tôi có vốn đâu để mà lỗ!

- Thế anh chọn cho anh họ là gì?
Chàng ta lẳng lặng móc ví ra và đưa cho tôi xem cái thẻ căn cước Mỹ, Drive License: Tôi thấy chàng ta họ Nguyễn.

- Anh chọn họ này, cũng là một 'cái lỡ' nữa, phải không?

- Đúng.

- Và như vậy anh có cho là 'lỗ' không?

- À.Cái họ tôi chọn thì không hề 'lỗ' đâu ạ. Đó là cái vốn liếng từ ông cha tổ tiên tôi để lại mà!

Nghe chàng ta ăn nói một cách chắc nịch như vậy, tôi bắt đầu le lói thấy thật sự có một cái gì đó khá kỳ lạ ở trong con ngừơi anh ta. Tôi ngẫm nghĩ, trong khi anh chàng cứ tiếp tục phát ngôn khơi khơi:

- Đuợc sang đến bên đây, và hồi giữa thập niên 1980, người ta cho tôi khai nhập tịch Mỹ, tôi đã suy nghĩ rằng mình từ Việt Nam ra đi, mà suốt cuộc đời mình đều chỉ phục vụ trong Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ,nghĩa là đã 'lỡ' như vậy rồi thì mình nhất định phải chọn một cái họ gốc Việt chứ. Anh xem tôi nghĩ thế có phải chăng?

- Cái sự kiện anh cho là anh phải chọn cái họ của gốc Việt Nam, và anh cho đấy là cái gốc từ ông cha tổ tiên của anh, tôi chưa suy nghĩ kỹ để lạm bàn đến vội. Vì..dù sao thì quyết định này ít nhiều bị chi phối bởi yếu tố chủ quan của riêng anh.Còn cái điều mà anh bảo là anh chỉ làm việc trong quân ngũ của LLĐB Mỹ thôi, thì ..cũng đúng như thế. Nhưng anh đã làm những công việc cụ thể nào, cho những đối tượng là ai, thì theo tôi điểm này mới thực là quan trọng. Và như anh vừa kể, tôi thấy là anh đã trực tiếp phục vụ cho quyền lợi của những nhóm người H'Mông, những nhóm dân cư lâu đời ở vùng Đông Nam Á châu; rồi tiếp theo sau đó anh vẫn tiếp tục phục vụ cho những dân tộc mở rộng ra hơn nữa, nghĩa là cho quyền sống hợp với quan niệm chung hiện nay của những dân tộc đang trên đà phát triển khác ở trên thế giới. Nói chung, mục đích công việc của anh là phục vụ quyền sống của con người trên trái đất này.
- Vậy mà khi làm việc trong LLĐB Mỹ, tôi lại cứ liên tưởng đến đòan quân Lê Dương thời Pháp thuộc xưa do các bậc ông cha tôi trước đây thường nói đến...

- Anh nên phân biệt rõ rằng Lê Dương là đội quân có thực chất chỉ là bọn lính đánh thuê, nghĩa là chỉ phục vụ cho chế độ Pháp thuộc địa ngày xưa ở Việt Nam mà thôi. Và nội dung ý nghĩa của chủ nghĩa đế quốc nửa thế kỷ trở về trước nó khác với bây giờ. Mấy thập niên trở lại đây,dựa vào sự áp dụng những phát kiến khoa học-kỹ thuật vào tiến trình phục vụ đời sống con người, xã hội lòai người đã mở rộng'biên cương' cho các lãnh thổ, các quốc gia.. khiến các dân tộc xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Do đó, xét vào cụ thể thì LLĐB Mỹ ngoài nhiệm vụ phục vụ cho quyền lợi và sự hiện diện của quân đội Mỹ tại chiến cuộc Việt Nam,tôi thấy dù sao họ cũng đồng thời còn thi hành những công tác có tính cách nhân đạo, nghĩa là thật sự có lợi ích chung khác nữa. Như những gì mà anh đã thực hiện dứơi quyền họ hồi đó.
- Như vậy, công việc tôi đã làm trong thời dưới quyền điều khiển của LLĐB Mỹ không hẳn giống như những ai đã từng phục vụ trong đội quân Lê Dương của Thực dân Pháp sao?

- Theo như anh kể và theo sự hiểu biết của tôi, anh vô tình đã gặp may mắn trong nhiệm vụ của thời mà anh làm việc với LLĐB Mỹ đấy!
- Ồ...nhờ anh giải thích, tôi mới thấy là mình đã chỉ hiểu theo cái mặt khác về sự phục vụ của mình...

- Tôi xin xác nhận rằng anh đã hiểu sai khác chỉ một phần nào đó thôi, chứ không sai biệt hòan tòan.

- Nói chuyện với anh, bắt đầu tôi thấy..thú vị.

- Vậy hả? Nếu anh thích,cứ tiếp tục.

 

 *


- Bây giờ tôi hỏi thực anh: Tôi chọn lấy họ NGUYỄN, tức là tôi muốn chọn cái gốc mà ông cha tôi đã theo. Anh nghĩ thế nào?

- Anh người gốc dân BàNa, anh có biết dân tộc Việt Nam là gồm cả trăm giống dân khác nhau hợp lại mà thành hay không?

- Có...Nhưng có khác gì dân Mỹ ở đây đâu!

- Đúng.Tuy nhiên anh có biết rằng một cách cụ thể trải dài theo lịch sử, tất cả các giống dân sinh sống trên dải sông núi hình chữ S ngày nay đều đã đóng góp công sức vào một tiến trình hết sức là lâu dài trong việc tạo thành dân tộc Việt? Và ở vào mỗi giai đọan lịch sử Việt Nam, họ cũng đã từng thực sự góp công góp xương máu trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ cái lãnh thổ đất nuớc ấy?

- Mung lung cao xa quá! Anh giản dị đưa ra một vài thí dụ cụ thể, tôi mới hiểu được chớ.

- Thì chính anh cho biết, cha anh trước kia vốn là lính Ngự Lâm Quân thời vua Bảo Đại...

- Nhưng tôi cũng đã đọc được quá nhiều tài liệu bảo rằng vua Bảo Đại nhu nhuợc quá. Ông ta suốt đời chịu ảnh hưởng Pháp, chỉ ở bên Pháp và chết cũng chôn luôn ở bên ấy.

- Điểm đầu tiên chúng ta hiểu rằng đó chỉ là vì hòan cảnh của cá nhân ông ấy, trong cái bối cảnh lịch sử của dân tộc ta thời đại ấy...Tuy nhiên, quan trọng nhất là anh có đọc thì phải biết phân biệt: Lịch sử của một dân tộc khác hẳn so với những tài liệu nhằm nêu lên những chi tiết thiếu khách quan, chỉ muốn bóp méo sự thật. Chẳng hạn ông Bảo Đại hành vi cá nhân của ông ấy như thế nào và ông ấy có làm gì đúng hay sai trái đối với dân với nước, tất cả đều phải đuợc cứu xét một cách hòan tòan chính xác và khách quan, theo sử liệu. Nghĩa là phải đặt ông ta ở vai trò vua một nước, trong bối cảnh lịch sử của giai đọan ấy mà xét.Chứ chúng ta không thể để bị ảnh hưởng bởi những chi tiết bàn ra tán vào của bất cứ ai,bất cứ bài viết nào chỉ nêu lên những yếu tố tiêu cực riêng hoặc giả chỉ kể ra một chiều tòan là những gì để tâng bốc cá nhân ông ta...

- Còn vua Quang Trung suốt một đời chiến trận, không thua một trận nào.Anh hùng đến vậy mà cuộc đời lại quá ngắn ngủi.Thật uổng!

- Anh nhắc tôi mới nhớ lại rằng suốt dòng sử Việt, trừ kỷ nguyên Hùng Vương vẫn còn nằm trong huyền sử không kể, dân tộc ta có được một giai đọan nào yên bình trên năm mươi năm đâu! Nghĩa là chẳng có một thời đại nào ổn định dài hạn, trải dài qua vài ba thế hệ sống để có đuợc cái nền nếp xã hội,để có đủ thời gian yên bình cho các nhân tài thi thố thực nghiệm đủ dài mà phát triển cái khả năng sáng tạo tư tưởng đâu. Suốt dòng sử Việt, các nhân tài nào may mắn thì cũng chỉ kịp thi hành nhiệm vụ bảo vệ sức sống trường tồn của dân tộc, trong ngắn hạn. Họ chỉ đủ sức thi thố trực tiếp tài cán cho việc giữ nước...

- Thế trong sách sử ghi lại, anh có thấy chỗ nào nói đến những công trạng giữ nước của các dòng giống dân cư thiểu số nào, ngòai dân người kinh ra?..

- Theo tôi, đọc sử sách,chúng ta phải tỉnh táo mà phát giác ra những chi tiết ngầm chứa đựng trong những sự kiện mà vì nhiều lý do phức tạp đã bị giới hạn khi được tường thuật lại. Lấy một thí dụ cụ thể và tiêu biểu nhất là sự kiện ba lần chống quân phương Bắc xâm lấn nước ta vào những năm cuối thế kỷ 13 dưới các vị vua của triều đại nhà Trần,chúng ta có thể ít nhất đưa ra mấy điểm chính,nếu chỉ đọc phớt qua mà không tinh tế thấu hiểu vào sâu rộng tình huống thì chúng ta sẽ tự lược bỏ đi các chi tiết vô cùng quan hệ nói lên những công trạng của tòan khối dân Việt trong việc chống ngọai xâm, bảo tồn đất nước và dân tộc: Như ba hội nghị Bình Than (năm 1282, thống nhất ý chí của các vương hầu và tướng lãnh), hội nghị Diên Hồng (năm 1284, trưng cầu dân ý nhằm thống nhất ý chí quyết chiến của tầng lớp bô lão trên tòan quốc), và hội nghị Vạn Kiếp(năm 1285,thống nhất chiến lược quân sự của mọi giống dân cư ngụ ở vùng núi và cao nguyên, miền Trung Du lẫn miền đồng bằng của lãnh thổ nước ta thời ấy). Như những cuộc giáp chiến nhuần nhuyễn tài tình bằng chiến thuật du kích của quân dân các dân tộc thiểu số đã đánh tỉa suốt dọc những con đường tiến quân sang và rút quân về của đạo binh Mông Cổ. Tất cả các trận giáp chiến này đã là những mũi tiến công vô cùng hữu hiệu cho nhiệm vụ tiêu hao lực lượng địch,để có thể 'dứt điểm'ở các trận địa chiến của những cánh quân chính qui đời nhà Trần, trong tòan bộ cuộc chiến chống quân xâm lăng của thời ấy.


 *


- Cảm ơn anh đã giải tỏa cái khúc mắc mà bấy lâu nay tôi cứ mắc míu trong lòng, không sao thấu suốt được.
- Thế anh đã nghĩ gì trước đây?
- Thì tôi đã cho rằng suốt cuộc đời tôi chỉ ‘binh lội’, tôi đã để dĩ lỡ cả cuộc đời mình..Nghĩa là tôi chỉ là kẻ lông ngông như bọn phường tuồng trong màn kịch đời mà thôi!
- Ấy. Đâu phải chỉ có một mình anh mới như thế. Tôi thấy suốt lịch sử Việt thì hầu hết các nhân tài nước ta đều đã để lộ ra những sai trái, những cái 'binh lội' của họ cả!

- Như vậy là anh muốn nói, những nhân tài của dân tộc ta đều 'cà trớn' cả sao?

- Anh khuếch đại hơi quá đấy. Tôi đang chú trọng đến vấn đề tìm hiểu con người Việt sống thực, qua hòan cảnh xã hội. Nói một cách khác, tôi chỉ muốn diễn tả rằng nhìn vào sử Việt, ta thấy cái tạm gọi là hoàn cảnh của dân tộc ta bị du vào thế bắt buộc phải trui rèn trong chiến tranh liên miên. Và điểm yếu của hòan cảnh đó là chúng ta không 'đẻ' đuợc ra những tư tưởng lớn, những vĩ nhân có tầm mức quốc tế; thì đồng thời chúng ta lại có điểm mạnh ở chỗ biết trui rèn mà hiểu thấu được câu“thất bại là mẹ thànhcông”, tập luyện hoài được sức bật 'quật cường' ở mức độ khó dân tộc nào trên thế giới so sánh bằng. Còn tính khí của người mình cũng gồm mấy khả năng vượt trội lên rõ rệt: Bắt chước giỏi nhưng lại lười sáng tạo, ít cơ hội thực hành nền nếp phân tích và tổng hợp ý tưởng nên khó có nhận định sáng suốt và dễ bị thuyết phục về tư tưởng, về tâm lý thì dư thừa mặc cảm tự ti nên dễ bảo thủ và quá khích.
- Nhận xét của anh cho tôi thấy xác thật đúng như con người của chúng ta đang sống thực ngoài đời. Nhưng chưa cho tôi thấy rõ được cái đúng cái sai để mà tránh...
- Đúng- sai để mà tránh thì phải do chính anh suy xét lấy, mới đáp ứng thực sự cho cá nhân anh. Ở đây tôi mới đưa ra cái căn bản nhận định của cá nhân tôi về con người Việt Nam chúng ta, rút ra từ kinh nghiệm sống và từ sử liệu đúng đắn mà thôi.

- Vậy thì ý anh cũng muốn bảo rằng cái chuyện tôi suốt đời chỉ 'binh lội' cũng là hiện tượng phổ biến trong con người của dân mình?

- Đại khái là thế... Sau khi tôi lý giải như trên,bây giờ anh thấy có gì khác trước đây chăng?
- Anh chỉ ra cho tôi những liên hệ cụ thể và sâu xa về cỗi nguồn lịch sử, khiến cho tôi sáng ra rằng riêng cái hướng phục vụ của đời tôi nó thực sự có nghĩa lý, chứ không hề vô tình hay may mắn mà có. Đúng không?
- Vậy đấy, tuy nhiên chỉ đúng theo chiều hướng phục vụ cho nhân quần xã hội của một đời người. Nhưng cạnh đó, ưu điểm của anh là anh vốn đã nhìn ra được cái mặt trái những hành vi của anh...
- Chứ chẳng lẽ còn một mặt khác của sự thật nữa sao?
- Vâng, thưa anh. Theo tôi, chỉ nhận thức được ra cái mặt tích cực như thế thì chưa đủ, chưa hoàn toàn diễn đạt được cái con người sống thực của ta: Song song đó, chúng ta còn phải nhìn ra ở mặt khác của vấn đề, nghĩa là bên cạnh những hành động đúng đắn ấy còn biết bao nhiêu những hành vi sai lạc, ‘láo lếu’của con người chúng ta nữa. Vô số những sai trái trong hành trạng của chúng ta đó, như anh vừa gọi là gì nhỉ?.. Ừ, anh lúc nãy gọi là phường tuồng đấy!

- Ủa. Thế thì trước kia tôi chỉ nghĩ mình như thế, cũng đúng sao?

- Không đúng, nếu anh chỉ nhìn thấy đuợc cái mặt ‘phường tuồng’ấy của anh thôi.

- Tôi hiểu rồi. Cảm ơn anh.

- Còn về phần tôi, tôi cũng phải nói ra lời tôi cảm ơn anh: Anh đã tạo cho tôi một cơ hội hiếm có để tôi dám đề cập thẳng thắn vào cái phần ‘phường tuồng’vốn cũng đã và còn hiện diện ở trong cuộc đời của chính tôi!


Phạm Quốc Bảo.
 (Trích Tuyển tập NHỤC VINH)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Ba 2023(Xem: 13335)
"Món cơm nguội rẻ tiền, lúc trước chỉ dành cho người bình dân, lao động, nay rất được ưa thích, nổi tiếng ở Cồn Hến, và đã trở thành món ăn đặc sản của xứ Huế, mà chính người bổn xứ ai cũng ngất ngư vì cay xé lưỡi. Hít hà trong nước mắt khi ăn thì mới đúng điệu."
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2894)
"KhônKhông ai đã ở trên đất Mỹ mà không biết ngày Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day mang ý nghĩa mừng được mùa thu hoạch và cảm tạ Chúa ban cho cuộc sống no đủ, đồng thời cũng để cám ơn những người dân bản địa đã giúp cho những di dân. "
15 Tháng Tám 2022(Xem: 3699)
"Bà nội, thầy mẹ tôi nằm xuống, tới bẩy anh em tôi mươi năm nữa cũng nằm xuống cả, đã có bầy măng non tới bốn chục đứa, mong rằng chúng còn có thể vươn cao hơn và mạnh hơn cả ông bà cha mẹ chúng."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3667)
"Mình cũng già. Khi bé Nhiên lớn lên mình đâu còn sống với con; gia đình không còn ai, con bé lại bơ vơ lần nữa. Thôi thì cứ để anh em làm quen với nhau. Chờ khi nó lớn lên, ăn học tới nơi tới chốn rồi hẳn cho hay. Còn giờ, thỉnh thoảng dẫn nó xuống làng cho anh em chúng gặp nhau kẻo tội."
13 Tháng Năm 2022(Xem: 4013)
"Tôi phải chờ đến sau ngày 9 tháng 5 mới ngồi gõ “Phiếm Loạn” số 4. Sao thế? Vì tôi nghe lời ông tổng thống nước Nga để xem cuộc duyệt binh mừng đại thắng. Một là đại thắng phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Hai là đại thắng do “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với nước láng giềng “phát xít” Ukraine."
10 Tháng Ba 2022(Xem: 3801)
"Xin cầu nguyện cho dân Ukraina “không được” giải phóng bởi Nga."
04 Tháng Ba 2022(Xem: 3651)
“Chúng ta như hai dòng sông gặp nhau để rồi cùng chẩy ra biển, hay gặp nhau để rồi lại xa nhau, làm sao biết được anh nhỉ?...Nhưng tại sao anh lại là anh Chương Đà Lạt độ nào!”
23 Tháng Giêng 2022(Xem: 16385)
"tôi vẫn hãnh diện tôi là người Hà Nội. Hà Nội vẫn luôn ở trong trái tim tôi : Hà Nội Quê Hương Trong Trí Nhớ. "
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3996)
"Mùa NOEL năm ấy 1975 đã để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi chẳng thể nào quên : “Đêm Thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”."
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3909)
"Cuối đời ôn theo Phật lấy câu : tâm bình thường là đạo nên tụi chị sống an nhàn là đúng rồi. Biết chừng nhờ mả ôn phát mà tụi chị được vậy chứ không thì “ đi ăn mày Tàu” rồi!"
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468