Nghĩ gì qua những cuộc biểu tình phản đối TQ? (RFA)

26 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 25967)
Nghĩ gì qua những cuộc biểu tình phản đối TQ? (RFA)

Nghĩ gì qua những cuộc biểu tình phản đối TQ?

Việt Hà, phóng viên RFA

Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Việt Nam vừa qua dường như cho thấy có một điều khác nữa hơn là tâm trạng bức xúc phản đối thông thường với những gì đang diễn ra trên biển Đông.

 image001_148








AFP PHOTO

Người dân biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 03-07-2011.

Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Việt Nam đã kéo dài hơn 2 tháng. Mặc dù các cuộc biểu tình này nhằm phản đối các hành động lấn áp của Trung Quốc đối với Việt Nam trên biển Đông nhưng dường như lại đang cho thấy một điều khác nữa hơn là tâm trạng bức xúc phản đối thông thường với những gì đang diễn ra trên biển Đông. Điều này là gì? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.

Không thể có hữu nghị

Cuộc biểu tình hôm 21 tháng 8 vừa qua đã là cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lần thứ 11 trong vòng hơn 2 tháng qua tại Việt Nam, một tiền lệ chưa từng xảy ra trước đó. Những người dân Việt Nam bình thường đã xuống đường bất chấp những ngăn cản, bắt bớ từ chính quyền không chỉ đơn thuần cho thấy một tâm trạng bức xúc trước những hành động lấn áp của Trung Quốc trên biển Đông.

Giáo sư Tương Lai, nguyên giám đốc viện xã hội học Việt Nam, người đã tham gia biểu tình phản đối các hành động lấn áp của Trung Quốc cho rằng hơn lúc nào hết người dân Việt Nam muốn sống hòa bình hữu nghị với người láng giềng to lớn Trung Quốc, thế nhưng những gì đang diễn ra không cho phép điều đó. Ông phát biểu:

“Khi Trung Quốc hoành hành ở biển Đông, khống chế không cho ngư dân Việt Nam làm ăn bình thường, uy hiếp, bắt bớ, hành hung, thậm chí còn tráo trở cắt cáp tàu Việt Nam thì làm sao mà có thể có được hữu nghị được, không thể có….”

Những cuộc biểu tình nổ ra ngay từ hồi đầu tháng 6 sau khi tàu Trung Quốc trong vòng 2 tuần liên tiếp cắt cáp các tàu thăm dò của Việt Nam ngay trong vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chưa kể trước đó, các ngư dân Việt Nam đánh bắt cá ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc nhiều lần xua đuổi bắt bớ, đánh đập.

Trước đó vào năm 2007, người Việt Nam cũng đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập khu hành chính Tam Sa bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng đòi chủ quyền.

Những cuộc biểu tình này không chỉ cho thấy tâm trạng bức xúc của người dân Việt Nam trước hành động bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông, mà nó còn phần nào phản ánh lịch sử đầy biến động giữa hai dân tộc từ cả ngàn đời nay và những gì đang xảy ra chỉ như một giọt nước tràn ly. Giáo sư Tương Lai giải thích:

“Thực tế là dân tộc Việt Nam này không chịu khuất phục mà Trung Quốc muốn đồng hóa Việt Nam lâu lắm rồi, không phải họ chỉ muốn mang quân sang xâm chiếm đâu, mà họ bằng nhiều mối liên hệ phức tạp khác để đồng hóa…. Biểu tình để làm gì, để biểu thị thái độ và ý chí của nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc như là trường kỳ lịch sử dân tộc Việt Nam đã như vậy và bây giờ người Việt Nam cũng như vậy.”

 image002_56







Sáng Chủ nhật 24-7-2011, hàng trăm người tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. NXD's blog.

 

Theo giáo sư Tương Lai thì ngay ở vùng đồi Phú Thọ trung du miền Bắc có tuyền thuyết về 100 ngọn đồi, trong đó 99 ngọn đồi còn nguyên vẹn, một ngọn đồi bị vạt đứt đầu. Người Việt Nam nói đấy là hình ảnh của 99 con voi đi về phương Nam còn một con bị chém đầu là con đi về phương bắc.

Cho đến những năm của thế kỷ 20, vào thời kỳ quan hệ hai nước Việt Trung có vẻ son sắt nhất, thì người Việt Nam cũng vẫn cảnh giác với người anh láng giềng. Giáo sư Tương Lai nói tiếp:

“Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Trung Quốc vì đã từng giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Không bao giờ Việt Nam quên ơn đó, nhưng đồng thời phải nhìn nhận là sự chiến đấu của Việt Nam cũng đóng góp cho hòa bình và xây dựng của Trung Quốc, rõ ràng là Trung Quốc muốn đẩy xa cuộc chiến tranh ra khỏi biên giới mình.”

Rồi đến những năm sau 1975, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam bước vào giai đoạn căng thẳng. Người Hoa tại Việt Nam bị phân biệt đối xử, rồi Polpot, đồng minh của Trung Quốc ở Cambuchia đánh vào các tỉnh ở miền Nam Việt Nam, chiến tranh biên giới với Trung Quốc xảy ra vào năm 1979. Cựu đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết trong cuốn hồi ký của mình rằng “trong thực tế, khách quan mà nói Trung Quốc giúp ta nhiều thật: vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, nếu không có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô và Trung Quốc, ta cũng khó thắng Mỹ. Nhưng việc đánh ta, giết đồng bào ta, phá sạch nhà cửa của cải của ta năm 1979 đã xóa sạch ân nghĩa đó.”

Không đúng tâm trạng người dân

Gần đây nhất là cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 giữa hai nước. Đây cũng là một dấu ấn không thể quên trong lịch sử giữa hai nước.

Sau một thời kỳ căng thẳng, đến năm 1991 quan hệ hai nước được bình thường hóa. Giai đoạn chung sống hòa bình đã giúp cho hai nước ổn định phát triển kinh tế. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ mức 30 triệu đô la năm 1991 lên đến 27 tỷ đô la vào năm 2010. Chính phủ Việt Nam coi Trung quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mình. Trung Quốc cũng hiện là nước cung cấp nhiều vốn vay ưu đãi lãi suất thấp cho Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là với các dự án khai khoáng.

Trong khi lãnh đạo hai nước ngoài miệng vẫn đề cao phương châm 16 chữ vàng được đưa ra từ năm 1991 là láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, thì người dân Việt Nam dường như vẫn không thể an tâm với những gì Trung Quốc đang làm với mình. Vào đầu tháng 7 vừa qua, 20 nhân sĩ trí thức Việt Nam đã gửi kiến nghị lên quốc hội và bộ chính trị ban chấp hành trung ương đảng, cảnh báo về nguy cơ xâm lược của Trung Quốc. Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam nói về bản kiến nghị như sau:

 image003_29








Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội sáng 14-08-2011. AFP PHOTO.

 

“Trong kiến nghị của 20 nhân sĩ trí thức gửi bộ chính trị và quốc hội cho đến nay là gần 1,500 chữ ký thì phân tích sâu sắc vấn đề biển đông là rất nghiêm trọng nhưng vấn đề đe dọa của Trung Quốc không phải chỉ ở biển Đông, mà bây giờ đã thọc tay sâu trong đất nước Việt nam như cho thuê đất rừng, hay hình thành vùng kinh tế Trung Quốc mà người dân Việt Nam không thể vào được, hay là việc lũng đoạn về chính trị. Kiến nghị phân tích rất rõ nguy cơ này, như một báo động nếu không có các biện pháp hiệu quả thì sẽ có nguy cơ bị Trung Quốc lấn dần chẳng những lãnh hải mà cả đất liền.”

Chính phủ Việt Nam hiện vẫn tìm mọi cách dập tắt các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân, từ thuyết phục đến bắt bớ. Nhưng những nỗ lực này của chính phủ chỉ làm cho người dân càng thêm bức xúc. Giáo sư Tương Lai cho biết:

“Bây giờ bất cứ ai làm mờ âm mưu của Trung Quốc, coi nhẹ nguy cơ đồng hóa và xâm lược của Trung Quốc thì bất cứ ai có điều đó đều gây phẫn nộ trong lòng nhân dân.”

Sự phẫn nộ của người dân Việt Nam với các hành động của Trung Quốc mà giáo sư Tương Lai vừa nói đã lan rộng. Người ta ngày càng thấy có nhiều lời kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc trong các cuộc biểu tình, trên các trạng mạng, bất chấp thực tế Việt Nam hiện nhập siêu từ Trung Quốc hàng tỷ đô la mỗi năm. Đã có hai công ty du lịch của Việt Nam công khai không nhận khách Trung Quốc bất chấp thực tế Trung Quốc cung cấp lượng khách du lịch quốc tế đông nhất cho Việt Nam.

Giáo sư Tương Lai cho rằng hận thù dân tộc là điều mà người Việt Nam muốn tránh nhưng rõ ràng những gì đang xảy ra gần đây đang làm cho mối quan hệ của hai nước xấu đi rất nhiều. 16 chữ vàng trong quan hệ hai nước chỉ là điều tuyên bố trên giấy tờ nhưng trên thực tế đã không phản ánh được tâm trạng của người dân Việt Nam lúc này với nhà cầm quyền Trung Quốc.

(Nguồn: RFA)

________________________________________________


Sách nhiễu làm người dân vững vàng hơn?

Khánh An, phóng viên RFA
2011-09-16

Kể từ sau khi lần biểu tình thứ 11 tại Hà Nội chấm dứt, những gương mặt nổi bật trong các đợt biểu tình liên tục bị theo dõi, đe dọa và sách nhiễu.

image001_149 










Citizen photo

Tiến sĩ Nguyễn Quang A (áo sọc) bị công an ngăn cản trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội.


Thậm chí, đã xảy ra ít nhất là 3 trường hợp bị nghỉ việc và đuổi khỏi chỗ ở vì những lý do liên quan đến việc tham gia biểu tình.

Câu hỏi đặt ra là liệu những sách nhiễu trên có dập tắt được tinh thần yêu nước và ước muốn được bày tỏ của những người tham gia biểu tình hay không? Khánh An tìm hiểu và tường trình.

Những “hậu quả” hậu biểu tình

Tin về vụ anh Nguyễn Văn Phương, người đọc Bản tuyên cáo trong cuộc biểu tình ngày 3/7, chính thức bị Công ty Việt Long đuổi việc, đã khiến cho dư luận thêm quan ngại về những “hậu quả” hậu biểu tình đang lần lượt xảy đến đối với những người tham gia. Được biết, sau trường hợp của Nguyễn Tiến Nam (biệt danh “binh nhì”) và Trịnh Hữu Long thì đây là trường hợp thứ ba người biểu tình bị buộc phải nghỉ việc.

Một trong những người bạn tham gia biểu tình với các thanh niên trên là chị Trịnh Kim Tiến cho biết:

“Theo em được biết thì binh nhì Tiến Nam và Nguyễn Hữu Long thì mọi người bị áp lực tự xin nghỉ. Còn Nguyễn Văn Phương, người đọc bản tuyên cáo, thì bị buộc thôi việc và cũng bị buộc chuyển chỗ ở, chủ nhà không cho thuê nữa ạ.”

Kể từ sau khi các cuộc biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc tạm kết thúc vào ngày 21/8, những người tham gia biểu tình không vì thế mà hết bị đe dọa, ngược lại, nhiều người vẫn bị theo dõi, trấn áp bằng nhiều hình thức.


Trên trang mạng cá nhân của mình, chị Bùi Hằng cho biết sau khi được thả ra trong lần bị bắt vì tham gia biểu tình, chị liên tục nhận được những tin nhắn đe dọa, thậm chí vào lúc 14:26 ngày hôm qua (15/9), chị còn bị một nhóm côn đồ kéo đến nhà và hăm dọa đâm chết chị. Gia đình và hàng xóm của chị đã kêu cứu với công an, nhưng ngay cả lúc công an đã có mặt, nhóm côn đồ vẫn ngang nhiên đứng bên ngoài chờ chị bước ra để tấn công chị.

image002_57 









Chị Trịnh Kim Tiến (áo dài) trong đoàn biểu tình chống TQ ngày 24/7/2011 ở Hà Nội. AFP PHOTO.

 

Đối với trường hợp của Tiến Nam, bạn bè cho biết kể từ ngày 9/9, anh liên tục bị cơ quan an ninh mời đi làm việc, cộng với những áp lực khác đã khiến anh buộc phải tự xin thôi việc.

Trịnh Hữu Long cũng là một trường hợp tương tự.


Riêng trong câu chuyện bị đuổi việc của Nguyễn Văn Phương, theo lời kể trên blog cá nhân của chị Phương Bích (tức Bích Phượng), cũng là một người tham gia biểu tình và bị bắt giữ 3 ngày trong đợt biểu tình hôm 21/8, thì phía công ty Việt Long, nơi Phương làm việc, cho biết họ bị áp lực vì công an liên tục làm việc và yêu cầu cung cấp thông tin của Phương.

Được sống với chính mình


Là người thường xuyên theo dõi những tin tức về những người tham gia biểu tình, anh Dũng, một cư dân của Hà Nội, tỏ ra thất vọng về cách hành xử của các cơ quan an ninh. Anh nói:

 “Thưa chị, tôi tất nhiên là thất vọng. Cái cách người ta làm như thế thì nói hơi, tôi dùng chữ là hơi “tiểu nhân”. Cách ấy là cách rất tiểu nhân, tức là triệt cái nguồn sống của người ta. Tất nhiên mình là người dân nên mình cũng chẳng biết làm cách nào để giúp các anh em đó cả. Đây là một sự trả thù, đồng thời là dọa dẫm những người khác. Nhưng tôi nghĩ đối với những anh em đó, người ta đã có chí khí như thế thì người ta cũng chẳng sợ. Tôi thì tôi nghĩ như thế.”

Bạn bè, giờ gần như là “đồng chí” của những người đang gặp sách nhiễu đều tìm cách chia sẻ và giúp đỡ họ. Qua blog của mình, chị Phương Bích cho biết chị đã tìm mọi cách để giữ lại công việc cho anh Nguyễn Văn Phương dựa vào mối quan hệ là bạn học cũ với Phó Giám đốc của công ty Việt Long. Nhưng khi những nỗ lực của chị Phương Bích cũng không giúp anh Nguyễn Văn Phương tránh khỏi chuyện bị đuổi việc, nhiều người bạn đã kêu gọi tẩy chay công ty Việt Long, ngưng mua hàng và giao dịch với công ty này. Theo một số blogger cho biết việc nhiều người phản đối đã khiến cho công ty Việt Long đang phải xem xét lại quyết định trên.

Tuy không quen biết với Tiến Nam, Hữu Long và Nguyễn Văn Phương, nhưng anh Long cho biết anh thấy buồn vì không giúp được gì khi thấy những người anh mến mộ và yêu quý gặp khó khăn:


“Tôi bây giờ cũng không có những điều kiện để tôi giúp được, chứ nếu mà tôi có thể làm được gì thì chắc là tôi cũng cố gắng giúp. Nhưng bây giờ những điều kiện mà tôi có thể thu nhận các anh, các chị ấy vào làm cho tôi cũng hơi khó. Trước đây độ khoảng 5 năm thì tôi còn có công ty của riêng tôi thì tôi có thể nhận các anh ấy vào làm. Bây giờ thì mình thấy mình bất lực quá.”

 image003_30











Blogger Mẹ Nấm và blogger Người Buôn Gió tại cuộc biểu tình chống TQ ngày 7/8/2011 ở Hà Nội. Courtesy AnhBaSam.

 

Trong những ngày này, đa số những người tham gia biểu tình bị sách nhiễu chọn giải pháp im lặng để được yên thân, thế nhưng bạn bè và những người dân yêu quý họ đều tin rằng những khó khăn hiện tại không thể làm họ nhụt chí.

Blogger mẹ Nấm, tức Như Quỳnh, chia sẻ:


“Quỳnh thì Quỳnh nghĩ là mọi người không nhụt chí, bởi vì những bạn trẻ như Nam, Phương, Long, họ đều nói là không làm được nghề này họ sẽ làm nghề khác. Quan trọng là họ được sống với chính họ.”

Nhận xét về việc phong trào biểu tình tại Hà Nội đã tạm thời lắng xuống sau những đợt bắt giữ, trấn áp, thậm chí theo dõi, mời làm việc của lực lượng an ninh đối với những nhân vật nổi bật trong các đợt biểu tình, blogger mẹ Nấm nói:


“Có thể họ nhụt chí ở một thời điểm nào đó, không dám xuống đường đi biểu tình bây giờ. Nhưng về mặt ý thức, họ lại được nâng cao. Họ sẽ đi tìm hiểu tại sao những người đi biểu tình bị đối xử như vậy. Cho đến tận giờ phút này, không đi biểu tình nữa, vẫn bị đối xử như vậy, tức là người ta muốn triệt tiêu tính đối kháng ở trong mỗi con người bằng cách gây khó dễ như vậy. Có thể nhìn bên ngoài mình thấy mọi người nhụt chí hay là sợ, không dám đi biểu tình nữa, nhưng thiệt ra với cái nhìn của Quỳnh, Quỳnh thấy cái đó khiến cho người ta đi chậm lại và trưởng thành hơn trong nhìn nhận.”

Cũng giống như blogger mẹ Nấm, nhiều người quan tâm đến câu chuyện biểu tình tin rằng có thể việc sách nhiễu, đe dọa, đàn áp về tinh thần và vật chất sẽ làm chậm lại bước đi của những người yêu nước chân chính trong những phong trào biểu tình chống Trung Quốc. Nhưng biết đâu, chính nhờ việc bước chậm lại, họ sẽ lại bước mạnh và bước vững hơn trong tương lai?

 

(Nguồn: RFA)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 2010(Xem: 35000)
Niềm Đau Chôn Dấu Trong khi còn nhiều kết luận có thể nói thêm từ tình trạng hiện nay, có một điều chắc chắn: sự bế tắc hiện nay của Mỹ không thuần là bế tắc kinh tế. Do đó giải đáp cũng không thể là thuần kinh tế. Sự tìm kiếm chỉ mới bắt đầu, nếu người ta đủ can đảm nhìn nhận phải bắt đầu tìm kiếm. Hoàng Ngọc Nguyên
14 Tháng Tám 2010(Xem: 33953)
MỸ DÁM RA ĐI HAY CHĂNG? Và chúng ta, người Việt đang sống ở đất khách, quê người, chăc chắn phải có giây phút chạnh lòng: chẳng hiểu được cách đây 40 năm, khi các bên trong cuộc chiến tranh Việt Nam tới tấp đưa ra những “giải pháp hòa bình”, có ai ở Mỹ đặt câu hỏi “What happens if we leave South Vietnam” hay không? Hoàng Ngọc Nguyên
04 Tháng Tám 2010(Xem: 26883)
Ph ầ n B : Xã hội dân sự quốc tế Từ xã hội dân sự quốc gia đến xã hội dân sự quốc tế Mở ra ở đây những trang đầu của hồ sơ xã hội dân sự quốc tế chính là để trước hết chúng ta lấy lại giờ, không phải giờ của những năm 1945, hay 1954, 1975 mà giờ những năm 2000. Gs. Trần Thanh Hiệp
25 Tháng Bảy 2010(Xem: 32616)
Con n gười ta sinh ra người làm nghề này, ngưòi làm nghề khác. Và chẳng có nghề gì xấu. Cũng như chẳng ai chọn cha mẹ mà sinh ra, cũng chẳng ai chọn việc làm mà sáp vào. Đừng quá tự tin và lạc quan mà nghĩ rằng con người có thể chủ động t ất c ả - nhất là cuộc đời mình. Hoàng Ngọc N guyên
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 29767)
Xã Hội Dân Sự Việt Nam & Xã Hội Dân Sự Quốc Tế Lời giới thiệu : Mấy năm gần đây nhiều nguồn dư luận, ở trong cũng như ở ngoài nước, đều cho rằng hình thành và phát triển một «xã hội dân sự» ở Việt Nam là một trong những bước mở đường dân chủ hóa không thể không có. Thành ngữ xã hội dân sự là thuật ngữ rất mới trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam, được dùng để chuyển tải vào tiếng Việt những thành ngữ tiếng Pháp ‘société civile’ và tiếng Anh ‘civil society’. Gs. Trần Thanh Hiệp & Lê Đình Thông, Ph.D.
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 31935)
Lịch Sử Đang Rảo Bước Trong Vùng Đông Nam Á Rõ ràng Lịch Sử đang rảo bước đi nhanh trong vùng này. Nhịp gia tốc làm chóng mặt này khác hẳn với mức chậm chạp, trì trệ của biến thiên chính trị trong thời chiến tranh lạnh ... Gs. Vương Văn Bắc
01 Tháng Sáu 2010(Xem: 33447)
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng chuyên về khoa kinh tế học, nhưng có lẽ vì hai khoa kinh tế và kinh doanh có liên quan, cho nên xem chừng ông cũng rành về kinh doanh, nhất là kinh doanh thực hành. Hoàng Ngọc Nguyên
17 Tháng Năm 2010(Xem: 32064)
Tôi biết giữa những cuộc bàn luận sôi nổi về: dự án đầu tư, phát triển khu vực, khế ước, doanh lợi, hoa hồng v.v..những ý kiến trên đây có thể trái mùa và lạc điệu. Nhưng thiết tưởng việc phục hưng những giá trị đạo đức truyền thống cũng là việc cần, và trong những giá trị đó chắc phải có đức chung thủy. Gs Vương Văn Bắc
08 Tháng Năm 2010(Xem: 34525)
Nhìn lại cái dịp “35 năm nhìn lại” tuần qua, chúng ta dường như đã đạt được một số kết luận về quá khứ để cho tương lai thấy nhẹ nhàng hơn. Hoàng Ngọc Nguyên
08 Tháng Năm 2010(Xem: 34021)
T hầy xưa bạn cũ ngàn nhung nhớ Tỉnh giấc mơ xưa nối nhịp cầu Tháng tư năm Mão* buồn muôn thuở Bách niên chi kế vạn sầu đau. Lê Đình Thông
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468