Nông nghiệp : Thiên đường mới của giới đầu cơ

19 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 25425)
Nông nghiệp : Thiên đường mới của giới đầu cơ

Nông nghiệp: Thiên đường mới của giới đầu cơ

 634337486110316503_344x257








Chợ bán sỉ gạo ở Jakarta, Indonesia. Ảnh chụp ngày 9/2/11.

Reuters

Mai Vân


L’Humanité đưa tít lớn trên trang nhất tố cáo : « Nông nghiệp : Cõi thần tiên mới của giới đầu cơ ». Để đối phó với nạn đầu cơ, biện pháp hữu hiệu nhất là chính phủ tung ra thị trường một phần dự trữ của mình. Có điều theo tờ báo, Pháp và Châu Âu không còn chính sách dự trữ. Trong tình hình đó, có lên tiếng chống đầu cơ cũng bằng thừa.

Tít trang nhất nhật báo Pháp hôm nay khả tản mạn, nhưng nhìn chung có ba hồ sơ lớn được theo dõi nhiều nhất : Cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm G20, thế giới Ả rập đang bùng cháy và nhất là nạn đầu cơ lương thực trên thế giới.

Nhân triển lãm nông nghiệp hàng năm tại Paris, khai mạc vào ngày mai 19/02/2011 cho đến cuối tháng, biến Paris thành nông trại lớn nhất của Pháp, báo giới nêu bật một lần nữa sự kiện rất đáng lo ngại: giá lương thực ngày càng tăng : L’Humanité trong tít lớn trang nhất tố cáo : « Nông nghiệp : Cõi thần tiên mới của giới đầu cơ», hoặc như đối với Les Echos : « Giá tăng vọt, hành tinh nông nghiệp đảo điên ».

Các báo nêu lại việc giá ngũ cốc trên thế giới hầu như tăng gấp đôi trong vòng vài tháng. L’Humanité đăng biểu đồ cho thấy mức tăng của giá cả, từ lúa mì cho đến bắp. Chỉ cần Nga và Ukraina tạm ngưng xuất khẩu sau các vụ cháy rừng, là giá cả bùng nổ, trong lúc mà theo L’Humanité, không có nguy cơ thiếu lương thực, vì các kho dự trữ của thế giới cuối năm 2010, cao hơn vào cuối năm 2007.

Tờ báo nhắc lại sự kiện hai năm 2007-2008, khi nguy cơ thiếu lương thực cấp thế giới làm giá cả tăng gấp đôi, dẫn đến thiếu hụt và bạo động ở khoảng 30 quốc gia. Nhưng nguy cơ thiếu hụt lương thực đã biến mất lúc gần đến vụ mùa hè năm 2008, giá cả lại xuống, và các quốc gia xuất khẩu còn bán rẻ ngũ cốc của họ nữa là khác. Thế nhưng hiện nay thì khác, giá sẽ không hạ, mà lại còn tăng lên.

L’Humanité phân tích tình hình thị trường thế giới như sau : Về dự trữ xuất khẩu hiện nay, 60% nằm trong tay Hoa Kỳ. Canada và Úc thì bị thiên tai, tại một số quốc gia Bắc Âu, chất lượng mùa màng kém. Ở Pháp tình hình rất tốt, có thể xuất đến 12 triệu tấn từ đây đến cuối xuân, nhưng dự trữ chỉ sẽ còn lại 2 triệu tấn cho đến tháng sáu này. Pháp sẽ không còn gì để bán khi gần đến vụ mùa 2011, trong lúc mà các nước Ả Rập, từ Ai Cập, Algerie, Jordani, Irak, Libya cho đến Ả rậpp Xê út đã mua lúa mì nhiều hơn dự kiến. Mùa màng của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng của thời tiết xấu.

Theo L’Humanité, để đối phó với nạn đầu cơ, biện pháp hữu hiệu nhất là chính phủ tung ra thị trường một phần dự trữ quốc gia, mà họ phải có nhằm đề phòng muà màng thất thu. Có điều theo tờ báo, Pháp và Châu Âu không còn chính sách dự trữ, cũng như một số nước khác, ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ. Trong tình hình đó, có lên tiếng chống đầu cơ cũng bằng thừa.

Les Echos trong phần phụ trang đặc biệt hôm nay cho nông nghiệp, cũng nêu bật sự kiện giá cả tăng gấp đôi, như lúa mì kể từ tháng 5 vừa qua, và kéo theo nào là giá thịt, giá các loại bánh.... Đối với Les Echos, giá cả bất ổn định đang gây xáo trộn trong nền kinh tế nông nghiệp trên cả hành tinh.

Trong bài nhận định mang tựa đề « Những thách thức mới », tờ báo nhìn thấy là sau những năm tương đối yên ổn, thế giới nông nghiệp đang bước vào thời kỳ sóng gió mới, và vấn đề nông nghiệp cũng đang trở thành một vấn đề địa lý chiến lược, ngày càng phức tạp hơn.

Theo Les Echos, bước vào năm 2011, cũng như cuộc cách mạng internet và sự chán ngán nạn tham nhũng, vấn đề lương thực phần nào đó đã làm sụp đổ các chế độ độc tài Ả rập. Vì, theo Les Echos, nếu ở phương Tây, lương thực thực phẩm có thể chỉ chiếm 15% ngân sách gia đình, thì ở các nước đang phát triển, tính trung bình nó có thể chiếm hơn 30%.

Với dân số thế giới gia tăng, từ 6,5 tỷ lên 9 tỷ vào năm 2050, hệ quả sẽ rất nặng nề trên hành tinh nông nghiệp, phải sản xuất nhiều hơn, thật nhiều, hầu đáp ứng nhu cầu. Les Echos nhìn thấy là nông dân, những ngưòi đảm trách công việc này, không thể làm một mình, mà phải dựa trên giới chính trị, cấp quốc gia cũng như thế giới. Đối với Les Echos, phải nhanh chóng có một sự hợp tác quốc tế cho phép sản xuất nhiều hơn, cho phép giới hạn giá cả bất ôn định rất nguy hại, và dự phòng những điều bất trắc do khí hậu thất thường tai hại.
G20 và 8 thách thức đối với kinh tế.

Nhưng không chỉ có thách thức về nông nghiệp, nhìn về cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng nhóm G20 mở màn tối nay tại Paris, báo La Croix thấy có « Tám thách thức đối với kinh tế thế giới », hàng tựa trên trang nhất.

Trong bài nhận định, La Croix đánh giá : Thế giới đang thay đổi. Các nước công nghiệp phát triển mất đi công nghiệp của mình và còng lưng dưới nợ nần chồng chất, trong khi các quốc gia đang vươn lên thì đang công nghiệp hóa, và thặng dư thương mại của họ cũng chồng chất. Ví dụ điển hình cho sự mất thăng bằng này là Trung Quốc.

Và trọng tâm của một thế giới đa cực, kết nối với nhau, đang chuyển về những nước đang vươn lên. Bây giờ thì người ta nói đến một bên là những quốc gia có thặng dư thương mại, tức là các nền kinh tế đang vươn lên, và bên kia là những nước mang công mắc nợ, tức là những quốc gia công nghiệp phát triển, từ Hoa Kỳ cho đến vùng đồng Euro. Nợ các quốc gia này đang gây lo ngại. Câu hỏi lớn hiện nay là họ khả năng giải quyết núi nợ của họ như thế nào.

Bên cạnh đó La Croix còn nhìn thấy mối đe dọa của bong bóng đầu cơ : từ dầu hỏa, cho đến nông phẩm..., rồi lạm phát, tăng trưởng yếu tại các nước phát triển. Các nước đang vuơn lên, tuy tăng trưởng mạnh, thặng dư thương mại cao, nhưng cũng có nhiều chỗ yếu, hệ thống ngân hàng không vững chắc. Bong bóng đầu cơ địa ốc chẳng hạn như tại Trung Quốc có thể vỡ bất cứ lúc nào, bạo động xã hội có thể bùng lên do vấn đề lương hướng, thu nhập, bất công xã hội.

Trong mắt La Croix, thế giới bây giờ lâm vào khủng hoảng kinh tế tài chính kể như là triền miên, trong lúc mà hệ thống kiểm soát hoạt động ngân hàng đưa ra từ sau khủng hoảng 2008, vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Làn sóng biểu tình chống chế độ lan sang vùng Vịnh

Trở lại với thời sự đang sôi sục của thế giới Ả Rập, Le Figaro chạy hàng tít lớn trang nhất về cuộc nổi dậy của dân chúng « đã lan sang đến vùng Vịnh ». Le Monde thì nhìn thấy trong hàng tựa, trang quốc tế : « Thế giới Ả rập khao khát tự do », trong khi mà L’Humanité nói đến : « Nỗi tức giận khôn nguôi của dân chúng Ả rập » đang lan sang Libya, Barhain.

Libération, chú ý trước tiên đến các cuộc đàn áp biểu tình ở những nơi mới này : « Barhain dẹp (biểu tình ) trong bể máu », tít trên trang nhất, và nhắc lại là quốc vương nước này đã ra lệnh cho quân đội giải tán đám biểu tình gồm hàng ngàn người đóng ở quảng trường trung tâm thủ đô Manama. Theo Libération, việc phong trào xuống đường sôi sục ở Ai Cập, Yemen, bây giờ lan sang Barhain, Libya không có gì quá bất ngờ. Phản ứng thô bạo của chính quyền Barhain cũng không gây ngạc nhiên, khi nhìn đến bản chất của chế độ.

Tờ báo cũng theo dõi cuộc đàn áp ở Libya với những cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nơi. Những nguời xuống được nhận được tin nhắn cảnh cáo trước là nếu xuống đường thì sẽ bị bắn chết. Từ hôm thứ ba thì đã có 22 người chết trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh.
Báo giới Pháp cũng chờ đợi là phong trào phản đối bùng lên ở Maroc và cũng không loại trừ khả năng lan qua Ả rập Xê út.

Libération hôm nay còn ghé mắt nhìn lại Ai Cập, nhất là thành phố lớn thứ nhì của quốc gia này – Alexandria - chú ý đến một sự kiện lý thú : cảnh sát đã biến mất, không thấy bóng dáng trên đường phố. Thành phố 4 triệu dân này không còn thấy nhân viên công lực tham nhũng và thô bạo của họ đâu nữa từ ngày Tổng thống Mubarak từ nhiệm.

Ở các ngã tư đường, bây giờ là thanh niên trong các « ủy ban khu phố » đứng ra thay thế, và họ làm việc rất nghiêm túc. Cũng không thấy bóng dáng cảnh sát trước trụ sở cảnh sát chính ở Alexandria, và cũng khó đến gần nơi này, chung quanh là chiến xa quân đội canh giữ ngày đêm. Theo một người dân Alexandria, có lẽ lãnh đạo cảnh sát và những người đã cho bắn vào đám đông biểu tình trong thời gian vừa qua vẫn còn trong đấy.

Trung Quốc : sau sữa đến gạo nhiễm độc

Nhìn về châu Á hôm nay, dưới tựa đề « Sau sữa nhiễm độc, Bắc Kinh lại đứng trước nạn gạo ô nhiễm », báo Libération trở lại với vụ gạo Trung Quốc bị nhiễm chất cadnium, tác hại đến xương và thận. Tờ báo nêu bật thái độ bối rối của chinh quyền, lo ngại dân chúng hoảng loạn. Báo chí chính thức do đó đã tỏ ra rất « kín đáo » trong vụ này.

Le Monde cũng nhắc đến Trung Quốc, nhưng trên bình diện khác : ngành rượu của Pháp, đang ăn mừng, trước doanh thu tăng 13%trong 6 tháng qua, lên đến 4,3 tỷ euro. Thành quả này đã có được nhờ phần không nhỏ khách hàng các nước Châu Á, đứng đầu là Trung Quốc, kế đến Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan.

Thị trấn Hàn Quốc Pyeongchang nỗ lực giành quyền tổ chức Olympic 2018

« Pyeongchang tin tưởng vào phúc trình Olympic của mình ». Dưới tựa đề trên đây, nhật báo Le Figaro phân tích về cơ may thị trấn Hàn Quốc này giành được quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2018, tức là qua mặt được thành phố Annecy của Pháp, một trong những ứng viên đăng cai sáng giá, hay là Munich, thành phố của Đức.

Một trong những lý do khiến Pyeongchang hy vọng, đó là kinh nghiệm dạn dầy của họ trong lãnh vực này. Phải nói đây là lần thứ ba mà Pyeongchang lao vào cuộc đua, sau hai lần thất bại, lần đầu là trước Vancouver của Canada, và mới đây là trước Sotchi của Nga.

Một cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, đích thân đến Pyeongchang để đón tiếp phái đoàn đánh giá của Ủy ban Thế vận Quốc tế, đã giải thích : « Chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ các bài học đã qua. Lần này, mọi thành phần ở Hàn Quốc đều đi theo cùng một hướng, từ chính phủ trung ương, cho đến các doanh nghiệp và chính quyền địa phương ».

Khu trượt tuyết và nghỉ đông ở độ cao 1.800 mét này hiện là ứng viên sáng giá nhất cho Thế vận hội 2018, với một con chủ bài quý báu trong tay : nằm trong khu vực châu Á mà tăng trưởng kinh tế đang rất nhanh, một môi trường có sức hấp dẫn đối với giới lãnh đạo Olympic Mùa đông vốn rất muốn phát triển mạnh mẽ các môn thể thao trên băng tuyết. Ông Cho Yang Ho, chủ tịch Ủy ban đăng cai của Pyeongchang không nói gì khác hơn khi tuyên bố : « Thế vận hội Pyeongchang sẽ phát huy các môn thể thao mùa đông tại Châu Á và phát triển một thị trường đang bùng lên mạnh mẽ ».

Theo Le Figaro, để chiêu dụ Ủy ban Thế vận Quốc tế, thị trấn Pyeongchang đã không tiếc tiền của, đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Một ví dụ điển hình : Alpensia, một khu trượt tuyết cực kỳ tối tân, với một khách sạn hạng sang và cả một khu thủy tạ, đã mọc lên từ năm ngoái trên cánh đồng khoai tây. Trị giá công trình này : 1,5 tỷ đô la.

(RFI)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Sáu 2022(Xem: 3228)
"Tại sao ở nước Mỹ người lại giết người nhiều hơn tất cả các nước giàu mạnh khác? Có lý do nào đặc biệt không? Một phóng viên đặt câu hỏi này với nghị sĩ Ted Cruz, đã bị ông mắng đuổi đi, không thèm trả lời."
26 Tháng Năm 2022(Xem: 3249)
“Về cơ bản, họ đang cố gắng chuyển từ một chế độ độc tài quân sự sang một chính phủ hợp hiến, biến những người nông dân nghèo khó không ruộng đất thành một xã hội sở hữu, tái cấu trúc công ty, hệ thống kinh tế của đất nước để áp dụng một hệ thống định hướng thị trường, thiết lập pháp quyền và nâng cao nền dân sự xã hội,” ông Veith nói về thành tựu của nền Đệ nhất Cộng hòa."
06 Tháng Năm 2022(Xem: 3247)
"Đối với đa số người Việt đã từng sống trải qua, ngày 30.04.1975 là một biến cố đau thương nhứt của một đời người. Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy - một bình luận gia am tường mọi biến chuyển quốc tế, từng nổi tiếng với những bài nhận định thời cuộc "Tình hình thế giới trong tháng vừa qua" đăng tải trên nhiều tờ báo tại Âu Mỹ - đã đề cập công khai trực tiếp hoặc kín đáo gián tiếp trả lời những câu hỏi về biến cố lịch sử đặc biệt nêu trên."
06 Tháng Năm 2022(Xem: 3291)
Đa phần người Việt thiếu trải nghiệm sống trong một xã hội dân chủ thật sự, chưa thể hiện sự khát khao cho dân chủ, theo tác giả Võ Ngọc Anh
05 Tháng Năm 2022(Xem: 3172)
"Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức. Họ đang chịu thống khổ, nhưng đứng vững không khuỵu chân nên khiến loài người cùng thức tỉnh. Cần bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Ukraine để xác định lại quy tắc: Không một nước nào được đánh, chiếm, chia cắt đất đai của một nước nào khác."
07 Tháng Tư 2022(Xem: 3120)
"Ca sĩ nhạc cổ điển người Mỹ gốc Việt Sangeeta Kaur - tên thật là Mai Xuân Loan - nói với BBC News Tiếng Việt rằng đến giờ cô vẫn bất ngờ, "cảm thấy không thể tin được" sau khi được giải "Album giọng ca cổ điển xuất sắc" tại Grammy 2022."
25 Tháng Ba 2022(Xem: 3661)
"Shimon Peres, cố tổng thống Israel, kể về nội dung cuộc nói chuyện giữa ông và Putin khoảng năm 2015: "
25 Tháng Ba 2022(Xem: 3241)
"Thực lực hai bên quá chênh lệch. Đối với Ukraina, không thất trận đã là chiến thắng, còn với Nga, không thắng nổi coi như đã bại trận. Thế nên có hai khả năng : leo thang hoặc đàm phán, tìm ra một lối thoát danh dự."
22 Tháng Ba 2022(Xem: 3084)
"Đọc lại đôi dòng về sự kiện Голодомо́р – Holodomor để thấy được tại sao người Ukraine lại quật khởi chống Putin. "
21 Tháng Ba 2022(Xem: 3218)
"Tập Cận Bình tính bắt cá hai tay. Nếu Putin thắng ở Ukraine, liên minh các nước độc tài chuyên chế càng mạnh. Nếu Putin thất bại, nước Nga sẽ lệ thuộc Trung Cộng hơn."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468