Liên hoan điện ảnh Berlin: mùa săn giải Gấu vàng

19 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 25796)
Liên hoan điện ảnh Berlin: mùa săn giải Gấu vàng

Liên hoan điện ảnh Berlin: mùa săn giải Gấu vàng

 634337455336298451_344x257








Thủ đô Đức rực rỡ ánh đèn nhân mùa liên hoan phim Berlin (AFP)

Tuấn Thảo

Tại thủ đô nước Đức, tháng này còn được gọi là ‘‘Mùa săn Gấu vàng’’. Liên hoan Berlin lần thứ 61 được tổ chức từ ngày 10/2 đến 20/2. Tính tổng cộng, có đến 385 phim đến từ gần 60 quốc gia trên thế giới tham dự liên hoan phim năm nay. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chương trình chiếu 16 tác phẩm đi tranh giải Gấu vàng.

Nước Đức, nước chủ nhà và Hoa Kỳ mỗi bên đều có hai phim được tuyển chọn. Hầu hết các quốc gia khác chỉ có một phim đi tranh giải. Đó là trường hợp của Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Mêhicô, Argentina, Iran, Israël, Pháp, Nga, Anh, Hà Lan. Châu Á năm nay chỉ được đại diện bởi một bộ phim Hàn Quốc. Trong khi đó, điện ảnh Trung Quốc, vốn hiện diện hùng hậu vào năm trước, lại hoàn toàn vắng mặt năm nay trong danh sách các phim tranh giải Gấu vàng.

Mười sáu tác phẩm tranh giải Gấu vàng

Liên hoan Berlin năm nay dường như đã thay đổi các tiêu chuẩn để tuyển lựa phim đi tranh giải. Thay vì chọn phim đại diện cho từng châu lục hay từng khu vực, ban tổ chức lại thiên về các tác phẩm đầu tay, dành một vị trí đáng kể cho các gương mặt mới vào nghề hay chỉ vừa xuất hiện trong làm phim những năm gần đây. Ông Dieter Kosslick, giám đốc ban tổ chức liên hoan Berlin giải thích vì sao :

‘‘Sau một chương trình chiếu phim đầy ấn tượng vào năm trước nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 của Liên hoan Berlin, năm nay, chúng tôi muốn làm khác hẳn đi. Chẳng hạn như ban tổ chức đã mời thêm nhiều gương mặt mới, chứ không nhất thiết phải chọn những tên tuổi đã nổi tiếng từ lâu, dễ thu hút khán giả. Giới chuyên ngành gọi đó là những ‘‘giá trị bảo đảm’’. Có lẽ cũng vì thế mà trong các chương trình có tranh giải năm nay, có khá nhiều tác phẩm đầu tay, những đạo diễn mới bước vào nghề quay phim nhưng lại có nhiều tham vọng, và dĩ nhiên là nhãn quan của họ có một nét gì đó khác với thế hệ đàn anh.

Chúng tôi không biết là một sự chọn lựa như vậy có thích đáng hay không. Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi này. Dĩ nhiên là tiêu chuẩn này chọn phim đi tranh giải cũng hàm chứa một số rủi ro. Nhưng nếu không có sự liều lĩnh và táo bạo, thì chúng tôi cứ dẫm chân tại chỗ, khai thác đi khai thác lại cùng một bí quyết, từng giúp cho liên hoan Berlin gầy dựng uy tín của mình. Có thể nói là trong các chương trình chiếu phim có tranh giải Gấu vàng năm nay, một nửa các tác phẩm là do các tài năng trẻ thực hiện. Phân nửa còn lại là tác phẩm của các nhà đạo diễn có tay nghề, đã nổi tiếng trong làng điện ảnh hay từng được công nhận tại các liên hoan phim quốc tế’’.

Tác phẩm đã mở màn liên hoan Berlin lần thứ 61 lại là một bộ phim cao bồi kể lại câu chuyện của một cô gái trẻ đi truy tìm kẻ thù đã giết cha mình. Mang tựa đề True gift, đây là cuộn phim truyện mới nhất của hai anh em đạo diễn Joel & Ethan Coen, phóng tác từ bộ phim cùng tên quay vào năm 1969 của đạo diễn Henry Hathaway. Nhờ phim này mà nam diễn viên kỳ cựu John Wayne đoạt giải Oscar vào năm 1970.

Đúng 40 năm sau đó, phiên bản mới của hai anh em Coen được đề cử đi tranh 10 giải Oscar, trong đó đề cử dành cho phim hay nhất và đề cử diễn viên xuất sắc dành cho nam tài tử Jeff Bridges. Có thể do đây là phiên bản phóng tác, cho nên True gift được chiếu trong đêm khai mạc chứ không đi tranh giải Gấu vàng. Vả lại các tác phẩm dự thi tại Berlin năm nay lại thiên về luồng phim độc lập hơn là dòng chính, dù là Nam Mỹ, Trung Đông hay là Châu Âu.

Phim hiện thực đậm màu chính trị

Trung thành với mạch phim hiện thực, các bộ phim dự thi năm nay nhìn chung vẫn bám sát thời sự nóng bỏng, hay đậm màu sắc chính trị. Chẳng hạn như bộ phim Mỹ Margin Call của đạo diễn JC Chandor tuy là phim hình sự nhưng lại gần giống với phim tài liệu. Nội dung cuộn phim vạch trần thực tế của ngành tài chính, từ các sàn giao dịch cho đến nạn đầu cơ của các quỹ tài chính hedge funds. Thị trường tài chính không còn hoạt động ‘‘lành mạnh’’ đơn thuần theo luật cung cầu mà lại bị thao túng bởi những kẻ chỉ ham trục lợi, bất chấp rủi ro và hậu quả. Bộ phim Yelling to the sky của Victoria Mahoney (Hoa Kỳ) thì kể lại con đường dẫn đến tội ác đẫm máu của một băng đảng, chỉ có điều các thành viên ở đây đều là những thiếu nữ. Hành trình của các cô gái vị thành niên lại sặc mùi bạo lực không thua gì các băng đảng gồm toàn là con trai.

Tác phẩm Un Mundo Misterioso (Một thế giới bí ẩn) của đạo diễn Rodrigo Moreno chọn bối cảnh chế độ độc tài tại Argentina những năm 1980, mà giới trẻ bây giờ sinh sau thời kỳ này khi nghe cha mẹ kể lại, họ có cảm tưởng như bị lạc vào một thế giới man rợ của một thời xa xưa nào khác. Bộ phim của đạo diễn Nga Alexander Mindadze với tựa đề Innocent Saturday tạm dịch là Thứ bảy vô tư, thì lại nhắc đến hậu quả của vụ nổ nhà máy hạt nhân Tchernobyl. Nhìn từ góc độ của giới trẻ thời nay, tai nạn này nhiều thập niên sau vẫn còn là một vết chấn thương chưa lành vết.

Trong chương trình toàn cảnh, ban tổ chức Liên hoan Berlin năm nay đã dành nhiều cảm tình ưu ái cho thể loại phim tài liệu. Trong đó có một cuộn phim về nhà tài phiệt Khodorkovski, cựu chủ nhân của tập đoàn dầu khí Ioukos, hiện đang bị chính quyền Nga cầm tù. Một tù nhân khác nổi tiếng không kém là đạo diễn người Iran Jafar Panahi. Sau liên hoan Cannes năm trước, năm nay ông lại được mời làm thành viên ban giám khảo liên hoan Berlin, nhưng một lần nữa, chiếc ghế dành cho ông vẫn bị bỏ trống.

Berlin tỏ tình đoàn kết với đạo diễn Iran

Đạo diễn Jafar Panahi đã bị chính quyền Teherran kết án 6 năm tù giam cộng thêm 20 năm không được quyền quay phim hay sáng tác. Để bày tỏ tình đoàn kết với nhà đạo diễn, liên hoan Berlin cho tổ chức nhiều buổi hội thảo cũng như cho chiếu lại tác phẩm Offside (tạm dịch là Gạt ra bên lề) của ông, từng có mặt trên bảng vàng của liên hoan Berlin 5 năm về trước.

Năm nay 51 tuổi, ông Jafar Panahi sinh trưởng tại Teheran, tốt nghiệp trường điện ảnh và truyền hình quốc gia. Thời thanh niên ông làm phụ tá cho đạo diễn Abbas Kiarostami. Hai người sau đó sẽ dẫn đầu trong việc phục hồi nền điện ảnh Iran kể từ thập niên 90 trở đi. Sau một thời gian bị tê liệt do cuộc Cách mạng Hồi giáo và cuộc chiến với quốc gia láng giềng là Irak, điện ảnh Iran có dấu hiệu khởi sắc với đợt sóng mới thứ nhì. Làn sóng mới đầu tiên của nền điện ảnh Iran bắt đầu vào năm 1969 rồi bị gián đoạn một thời gian dài. Các đạo diễn như Samira Makhamalbaf, Bahman Ghobadi, Abbas Kiarostami và Jafar Panahi thông qua các liên hoan điện ảnh quốc tế thổi một luồng sinh khí mới đầy sức bật sáng tạo.

Năm 1997, Abbas Kiarostami đoạt Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes nhờ bộ phim Le Goût de la cerise (Mùi vị trái anh đào). Tạp chí Time của Mỹ cũng bình chọn phim này như là tác phẩm điện ảnh tiếng nước ngoài xuất sắc nhất trong năm. Một cách tương tự, đạo diễn Jafar Panahi tạo được bước đột phá ngoạn mục với bộ phim Le Cercle, giải Sư tử vàng năm 2000 tại liên hoan phim Venise. Hai năm sau đó ông đoạt giải thưởng của ban giám khảo Cannes, trong chương trình Một nhãn quan độc đáo (Un certain regard) nhờ bộ phim Máu và vàng (Sang et l’or).

Đến năm 2006, ông đoạt giải Gấu bạc nhờ tài đạo diễn trong bộ phim Offside, có nghĩa là hors jeu, việt vị. Đạo diễn Iran dùng một thuật ngữ bóng đá để nói lên tình trạng phụ nữ Iran bị cho ra rìa, bị gạt ra bên lề xã hội, vì trong phim một nhóm phụ nữ mê bóng đá, muốn đi xem các cuộc tranh tài thể thao nhưng rốt cuộc lại không được phép vào sân vận động, chỉ vì họ là phái nữ.

Tác phẩm bị kiểm duyệt, tinh thần vẫn bất khuất  

Còn trong phim Le Cercle hiểu theo nghĩa đen là cái vòng tròn, hiểu theo nghĩa bóng là vòng luẩn quẩn, đạo diễn Panahi nói lên thân phận của người đàn bà trong xã hội Iran. Khi một người mẹ đến bệnh viện thăm đứa con gái vừa sinh nở, bà bàng hoàng nghe tin con mình sinh một bé gái, trong khi phương pháp xét nghiệm bằng máy siêu âm cho biết là đứa bé sắp chào đời là con trai. Đối với người phụ nữ trung niên, thì tin này chẳng khác gì một tai họa, vì con gái của bà có nguy cơ bị gia đình chú rể từ bỏ đuổi ra khỏi nhà. Bà đau buồn cho đứa con gái và đứa cháu ngoại sơ sinh. Đối với người đàn bà, nỗi bất hạnh truyền kiếp tựa như một chiếc vòng kim cô, siết trên đầu, niệt vào cổ mà không câu thần chú nhiệm mầu nào có thể tháo gỡ nổi.

Các tác phẩm của đạo diễn Panahi hàm chứa những hình ảnh đầy ý nghĩa và câu chuyện sâu sắc, vạch trần được thực tế xã hội Hồi giáo, bất công với người phụ nữ thông qua các chi tiết nhỏ nhặt nhất. Iran còn là một nước nghèo, nền điện ảnh của quốc gia này chẳng những gặp phải tất cả những rắc rối khó khăn trong việc kiếm nguồn kinh phí tài trợ, mà hầu hết các nhà làm phim đều từng gặp phải. Điện ảnh Iran còn vướng phải lưỡi kéo kiểm duyệt khắt khe của các ủy ban tôn giáo, nhưng dường như tất cả các yếu tố đó vẫn không làm nao núng các nhà làm phim tại nước này. Có lẽ cũng vì thế mà điện ảnh Iran đã tạo được cho mình tiếng vang trên khắp thế giới.

Qua các bộ phim của Jafar Panahi, ta biết được phần nào cái hoàn cảnh của một nhà làm phim trong một đất nước nghèo, họ phải học cách luồn lách khéo léo, và diễn đạt ý tưởng một cách gẫy gọn tinh tế, trước hết là vì ràng buộc tài chính, kế đến là do các hình thức kiểm duyệt. Các nhà đạo diễn Iran dấn thân lại càng khổ sở hơn khi tác phẩm của họ bị chụp mũ và bị gán cho cái danh hiệu chống chính quyền.

Nhưng cũng như đạo diễn Panahi đã nói trong bức thư ngỏ gửi đến ban tổ chức Liên hoan Berlin, người ta có thể cấm ông cầm bút sáng tác hay quay phim trong vòng 20 năm, nhưng họ sẽ không bao giờ ngăn cản được một điều : ông sẽ vẫn tiếp tục ôm ấp những giấc mơ, nuôi dưỡng những ý tưởng ở trong tâm trí. Bởi vì một ngày nào đó, khi lệnh cấm không còn, thì ông sẽ dùng những ý tưởng đó để quay phim, viết truyện về hòa bình và tình người trên đất nước mình. Iran càng kiểm duyệt chừng nào, các nhà làm phim càng bất khuất chừng nấy.

(RFI)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Mười 2010(Xem: 36684)
Mùa thu trong thơ văn cổ điển Trung hoa (phần 2) Trần Văn Lương Nói đến mùa thu mà không nhắc đến trăng thu là một điều thiếu sót lớn.Trăng thu nhắc nhở đến sự ly biệt, đến sự cô đơn của người lính thú, đến cảnh về già của một lão tướng hết thời, đến nỗi buồn của người cung nữ bị thất sủng... Trăng thu thật là buồn:
11 Tháng Mười 2010(Xem: 31209)
Mùa thu trong thơ văn cổ điểnTrung hoa Biên khảo: Trần Văn Lương Thạch Lai Kim K1: Chú thích Hán văn Mùa thu đã chiếm một vị trí độc đáo trong gia tài thơ văn của nhân loại. Mùa thu là niềm gợi hứng cho các thi văn sĩ tự cổ chí kim. Chúng ta chắc không ai quên được những vần thơ tuyệt tác về thu của Nguyễn Khuyến, Lưu Trọng Lư, Tản Đà, Paul Verlaine, Guillaume Apollinaire v.v... Riêng trong kho tàng thơ văn cổ điển của Trung hoa, mùa thu buồn là một đề tài truyền thống rất được các văn thi sĩ ưa chuộng, và được dùng làm bối cảnh khi tác giả muốn phơi bày một tâm sự không vui.
11 Tháng Mười 2010(Xem: 26309)
LẨN THẨN CUỐI TUẦN Hoàng Ngọc Nguyên ... nếu người ta nghĩ rằng tuần này có tính cách kết luận và quyết định cho cuộc bầu cử 24 ngày nữa, thì câu trả lời, đúng là ưu thế đang đổ về cả ph ía Cộng Hòa, nhưng đảng Dân Chủ còn cơ hội để nói tiếng cuối cùng ...
11 Tháng Mười 2010(Xem: 24442)
TỰ DO, DUNG CHẤP VÀ HỘI NHẬP Hoàng Ngọc Nguyên Nếu không hiểu được đặc tinh của nước Mỹ là nước của di dân, không hiểu được điều kiện để sống còn và phát triển của Mỹ là dung chấp, thì không sao hiểu được tại sao người Hồi giáo có cơ hôi đến đây và sinh sống.
10 Tháng Mười 2010(Xem: 26203)
Châu Á : Trung Quốc hung hăng, Hoa Kỳ hưởng lợi REUTERS/Jason Reed Trong thập kỷ qua, Hoa Kỳ cũng đã phạm phải một số sai lầm phi lý tương tự. Thế nhưng gần đây, Mỹ đã giảm bớt chủ nghĩa đơn phương và tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ. Và điều đó đã mang lại hiệu quả.
10 Tháng Mười 2010(Xem: 23581)
10 Signs The U.S. Is Losing Its Influence In The Western Hemisphere By Gus Lubin in Recession, Emerging Markets Even if the U.S. hadn't crashed into a financial crisis, there are demographic, material, and political forces that have been spreading power around the Americas for decades.
09 Tháng Mười 2010(Xem: 23457)
TỪ NHỮNG CHUYỆN THỜI SỰ Hoàng Ngọc Nguyên Và bản tin thứ ba cho thấy trong tình hình đất nước như thế, xã hội như thế, đã làm nổi rõ một số thành phần đang chịu “nguy cơ”, bất trắc trong xã hội. Nay đi đâu ng ư ời ta cũng thấy quen thuộc với cụm từ “at risk”. Children at risk. Seniors at risk! Women at risk! Nation at risk!
03 Tháng Mười 2010(Xem: 24097)
CHIẾN THẮNG NGỌT NGÀO Hoàng Ngọc Nguyên ... cách kết luận duy nhất chúng ta có thể có về một tuần tưởng như hỗn lo ạ n nhưng lại kết thúc êm đẹp là chẳng có chiến thắng nào ngọt ngào hơn, có ý nghĩa hơn, đáng suy nghị hơn cho người Mỹ.
29 Tháng Tám 2010(Xem: 26080)
CHÚC MỪNG TRUNG QUỐC Hoàng Ngọc Nguyên Bởi thế, trong dịp này, chúng ta nên nói với người bạn Hoa rằng : “Congratulation, xính xáng”, thay vì xuống đường đả đảo!
28 Tháng Tám 2010(Xem: 26886)
LÃNH ĐẠO VÀ SỰ NHẬY CẢM Hoàng Ngọc Nguyên
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468