BABY BOOM, BÍNH TUẤT - HAI THẾ HỆ TUY MỘT MÀ HAI

05 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 25194)
BABY BOOM, BÍNH TUẤT -  HAI THẾ HỆ TUY MỘT MÀ HAI

BABY BOOM, BÍNH TUẤT -

HAI THẾ HỆ TUY MỘT MÀ HAI

Hoàng Ngọc Nguyên

634325429088289890_222x227 634325429336018325_400x299634325430520372405_192x263

 Thế hệ là một ý niệm rất tương đối về thời đại của một con người. Vì tính tương đối này mà con người nhiều khi rất khó xác định hiện mình đang đứng ở đâu, có khi quên mình từ đâu đến, và cũng chẳng biết đang trôi giạt tới đâu về phía trước hay sau.

Là người sinh ra trong năm Bính Tuất, năm dương lịch là 1946, hiện đang sống ở Mỹ và vừa lĩnh thẻ Medicare được mấy tuần nhưng tôi chẳng thể bá vai bá cổ được một cách dễ dàng với một ông Mỹ da đen cao to hơn mình gấp hai gấp ba lần và hoan hỉ nhận vơ: hai chúng mình đều là baby-boomers - những người thuộc thế hệ dân số bộc phát ở Mỹ bất đầu năm ngay sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt và kéo dài đến 18 năm. Ngay cả một người Mỹ hiện nay 64 tuổi, đáng vai em của tôi, và một người 46, nếu họ tình cờ nói chuyện và nhận ra “bà con”, “Hóa ra chúng ta đều thuộc thế hệ baby boom,” thì sau đó có lẽ cũng đường ai nấy đi, chẳng còn gì để nhớ tới nhau, vì chúng ta cứ tưởng tượng đi, người 64 tuổi, chính là bà Hillary Clinton, làm sao có thể thấy gẩn gũi và nói chuyện thực sự được với một người 46 tuổi như Sarah Palin? Ông Bill Clinton họa may!

Tôi có một nguòi anh Giáp Thân đương nhiên hơn tôi hai tuổi, thuộc thế hệ “tiền chiến”, dĩ nhiên “khác” thế hệ của tôi, thế hệ “hậu chiến” nếu chúng ta nghĩ đến thề chiến đã xong rồi, nhưng đúng hơn thì phải gọi “thế hệ đi vào cuộc chiến” bởi vì cuộc chiến tranh Đông Dương thứ nhất vừa mới bắt đầu sau khi giặc Pháp nhất quyết trở lại Việt Nam để đè đầu đè cổ nguòi dân chúng ta như cũ. Làm sao tôi có thể nghiêm mặt nói với anh “Không, chúng ta khác thế hệ” khi hai chúng tôi đều nếm mùi cơ cực ngang nhau trong thời chạy loạn để tránh Tây bố, cùng an hưởng cảnh đất nước thái bình thịnh trị ở đường Đặng Tất, Tân Định dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm… 

Cả tháng nay, chẳng tờ báo nào ở Mỹ không viết vế thế hệ baby boom nhân dịp đầu năm mới, khi người già nhất của thế hệ này, tức là những nguòi sinh năm 1946, lần lượt thấy trong thùng thơ của nhà thẻ Medicare đươc tự động gởi đến, và họ tấp nập đi hỏi chính phủ có còn tiền để trả Social Security cho tôi hay chăng. Một thế hệ người già nhất hơn người trẻ nhất 18 tuổi, người già thì nói đời đáng chán, ngưòi trẻ thì chưa chán đời, phải chăng là quá gượng ép? Những kinh nghiệm chính trị, kinh tế, xã hội… của lứa già so với lứa trẻ của thế hệ này rõ rệt không giống nhau. Một người chẳng hạn chuyên nghe Nat King Cole hay Patti Page hát một cách du dương. Một người thì nghe Elvis Presley hay Paul Anka lăn lộn trên sân khấu. Người thì đọc Farewell to Arms của Ernest Hemingway hay The Catcher in the Rye của J. D. Salinger. Người thì đọc Rabbit, Run của John Updike hay On The Road của Jack Kerouac. Một lớp lớn tuổi có vẻ lạc loài hơn, hoài nghi hơn trước những câu hỏi vế khoảng cách thế hệ, một lớp trẻ hơn hội nhập hơn với thế giới bên ngoài và có thái độ thực tiễn, thực dụng hơn trong cuộc sống. Nhưng những nhà nhân khẩu học (demographer) chẳng tùy tiện mà có cái lý của họ. Thời gian từ 1946 đến 1964 là những năm mà dân số nước Mỹ tăng nhanh vì chuyện sinh đẻ đã trở thành một “cao trào quần chúng”. Những năm mà trước đó, số trẻ em được sinh ra ở Mỹ không quá 3 triệu một năm. Những năm sau đó chẳng vượt qua được 4 triệu một năm.

Người ta tính có đến 79 triệu người được sinh ra trong thời Baby Boom. Những ngưòi cúng thời với tôi đều làm lớn như Bill Clinton (1946), George W. Bush (1946), hay cả Barack Obama (1961) hiện nay. Và ta có thể tính rằng trong một hai thập niên tới, nguyên thủ nước Mỹ sẽ vẫn còn là một baby-boomer (ngay cả trong trường hợp bà Palin vào Nhà Trắng năm 2012!). Trong những năm 30 và đầu thập niên 40, số trẻ em được sinh ra ở Mỹ chỉ trung bình 2.3-2.8 triệu một năm. Trong năm 1945, con số này là 2.8 triệu. Năm 1946, năm đầu tiên của thời đại mới, con số trẻ em được sinh ra ở Mỹ nhảy lên đến 3.47 triệu. Trong những năm 50 thuận buồm xuôi gió, sinh suất ở Mỹ tăng nhanh, hai cao điềm được ghi nhận là 1957 và 1961, con số mới sinh đều ở mức 4.3 triệu. Sau năm 1964, năm cuối cùng của thế hệ Baby Boom, con số trẻ sơ sinh ở Mỹ giảm dần. Từ 4 triệu trong năm đó, năm sau người Mỹ chỉ sinh thêm được 3.76 triệu. Và con số cứ thế đi xuống, đến năm 1973, chỉ còn 3.14 triệu – là mức thấp nhất kể từ năm 1945. Mặc dù dân số Mỹ đã gia tăng trong thời gian qua, nhưng con số trẻ được sinh ra ở Mỹ trong từng năm chẳng có thay đổi đáng kể. Trong hai thập niên qua, trung bình hàng năm vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 4 triệu. Trong khi đó, sinh suất của Mỹ đã biến chuyển khá mạnh từ thời baby boom đến nay. Trong năm 1957 chẳng hạn, sinh suất là 2.53 trên 100 người, năm 1973, 1.48. Năm 1990, 1.67. Hiện nay, 1.4.

Những thay đổi này dĩ nhiên có những nguyên nhân sâu xa nơi chuyển biến trong “lối sống Mỹ”, mặc dù cũng chẳng sai khi cho rằng sự hưng phấn của ngưòi Mỹ đã giảm mạnh vì chiến tranh Việt Nam - một cuộc chiến không làm gia tăng dân số đa chủng của Mỹ như sau Đệ nhị Thế chiến mà chỉ ảnh hưởng đến dân số Miền Nam – và sự bất định lớn hơn nơi ngưòi Mỹ về vị thế độc đáo “exceptionalist” của Mỹ trên thế giới. Nói rằng vì hòa bình và thịnh vượng cho nên có “nạn” dân số bùng nổ cũng chỉ là đúng tương đối. Chẳng phải có nhiếu nước giặc giã liên miên, nghèo đói thì chẳng kém ai, nhưng vẫn “top of the world” về sinh suất hay sao.

Thế hệ baby boom có thể tự hào về vai trò tích cực, năng động, thúc đầy sự phát triền, tiến bộ của nước Mỹ trong cả nửa thế kỷ qua. Trước hết họ là một lực lượng tiêu thụ vô song trên mọi mặt nước Mỹ chưa từng có, mà nước Mỹ, một xã hội tiêu thụ, mà không có người tiêu thụ thì làm sao có thể giữ được ngôi bá chủ trên thế giới. Sự gia tăng sinh suất mạnh mẽ trong thời Baby Boom đã làm cho số cầu tăng trưởng vượt bậc về hàng tiêu dùng, nhà cửa, xe cộ, đường xá và dịch vụ. Sự gia tăng dân số này đã duy trì được nhịp độ tăng trưởng cần thiết để chống lại những sức ép, đe dọa thường trực của suy thoái. Khi dân số tăng nhanh như mức những năm 50 và 60, nguòi ta cần chuẩn bị đáp ứng nhu cầu này của thị trường. Ngưòi ta phải xây nhà và những khu chung cư cho thuê. Đường xá phải mở mang. Những tiện ích công cộng như điện, nước, ánh sáng, cầu cống thoát nước phải tăng cường và mở rộng. Các xí nghiệp, cơ xưởng, cửa tiệm, phố xá, khu mua sắm đương nhiên mọc lên khắp nơi. Và nhu cầu chế tạo và hiện đại máy móc,cơ giới ngày càng thúc đầy những tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Trong 50 năm qua, người ta ghi nhận rằng cùng với sự bộc phát dân số là sự bùng nổ của phong trào phát triền đô thị hóa.

Bảy mươi chín triệu baby-boomers đều có quyền tự hào về những gì đã làm nên, về đoạn đường đã qua. Tổng kết lại, người ta nói họ chiếm 26% trong tổng dân số nước Mỹ hiện nay, nhưng có thể gom đến 90% quyền lực nước Mỹ, sự giàu có ở nước Mỹ, và là thành phần sức khỏe sung mãn nhất nước Mỹ (the mightiest, wealthiest, healthiest of all Americans).

Mỗi thế hệ đều có vai trò, chỗ đứng trong lịch sử. Tại sao hiện nay ngưòi ta có khuynh hướng chỉ nói vể thế hệ dân số bùng nổ này? Một phần câu trả lời là ở chỗ thế hệ này sẽ làm cho nước Mỹ nhanh chóng lão hóa. Thành phần người lớn tuổi sẽ càng ngày càng đông đảo. Vừa vì họ thuộc thế hệ “nhân mãn”. Vừa vì tuổi thọ của con nguòi ở Mỹ ngày càng tăng một cách oái oăm. Người ta tính rằng hiện nay ở Mỹ dân số Medicare, tức là trên 65, chiếm khoảng 13% tồng dân số. Đến năm 1930, khi người cuối cùng của baby boom generation nhận thẻ Medicare, thành phần ngưòi trên 65 tuổi đã chiếm đến 18%. Với các nhà kinh tế quốc gia, người ta chỉ suy nghĩ “một chiều”: với cái đà này, nước Mỹ ngày càng thiếu ngưòi làm việc, trong khi nhà nước phải ôm thêm ngày càng đông người không đi làm. Và chưa đến ngày đó mà người ta đã kêu lên khắp mọi nơi tình trạng cắt cạn kiệt: quỹ hưu bổng của công chức phá sản, quỹ an sinh xã hội bị kiệt, ngân sách Medicare bị cắt, tiền cho Medicaid sắp cạn…

Bởi vì những tiếng la hoảng đó mà trong ngày đầu năm này, tâm tình của những nguòi sinh năm 1946 là bồn chồn, đứng ngồi không yên. Họ ít thấy mình thuộc thế hệ Baby Boom hơn trước, và lại mang tâm trạng bỡ ngỡ trong đám đông những ngưòi cao niên trên 65. Trong thời “vàng son” của thế hệ của mình, người ta đã dễ dàng mơ tưởng chuyện về hưu sớm, tuy không sớm quá như công chức ở California mới 50 tuổi đã nghĩ đến chuyện vui thú điền viên nhưng lĩnh tiền hưu thì cứ như người làm một lúc hai ba “giốp”, nhưng cũng mong đến 60 hay 62 tuổi đã có thể lãnh tiển An sinh Xã hội. Nhiều người cứ mong sớm đến tuổi già để được hưởng cho trọn vẹn cái sướng của “consumer society”. Nhưng ngày nay, người ta không tự mãn nói “nhân sinh lục thập ngũ cổ lai hy” mà nói “Bảy mươi chưa gọi là già” như những người Việt về nước vẫn huênh hoang, huống gì chỉ mới 65! Thực tế là người ta nay sống lâu hơn, cho nên có thể an hưởng tuổi già, hay chịu đựng tuổi già, thêm 3-5 năm nữa so với cách đây 20-30 năm, và bởi thế mà ngưòi ta thấy mình ít già hơn, hay chưa vội đặt ra vấn đề tuổi già, ghét những người khác nói mình là già, khi mình “chỉ mới” 65.

Thế nhưng trong khi người ta còn có thề đi làm, và phải đi làm lâu hơn trước, để sống, phải tính lại ngày về hưu cho thích hợp với thời thế suy thoái toàn cầu hóa hiện nay, thì họ đang đứng trước những mâu thuẫn, nghịch lý điên đầu: xã hội hay doanh nghiệp thì không dành cho họ cơ hội lao động vì cho rằng họ già rồi, và nhà nước thì bảo cứ đi làm nữa đi, còn trẻ chán, về hưu càng trễ,tiến già càng cao! Trong khi tỷ lệ thất nghiệp nói chung của cả nước Mỹ là 9.8%, tỷ lệ này ở người già là 7.8%, không phải ít hơn mức trung bình, nhưng là vì nguòi ta đã bỏ chuyện kiếm việc để đi xin tiến già, tiền nghèo. Và trong số người già còn đi làm việc, đến hơn 60% làm bán thời gian và chẳng có bất cứ tiến phúc lợi gì!

Ngoài nỗi lo này về công việc, cái chính nơi nguời già là sức khỏe, bởi vì tuy nhiều người có thể không nhận rằng mình đã già, nhất là ở phụ nữ, trong thực tế chỉ khi riêng một mình ngưòi ta mới thấm được những triệu chứng của tuổi già ập đến ở nhịp tim, huyết áp, mỡ trong máu, đường trong máu. Thế nhưng khi phải xác định một kế hoạch về Medicare cho mình để đối phó với những nguy cơ, đe dọa đó, bỗng dưng người ta thấy như bị lạc trong khu rừng già không có lối ra. Các công ty bảo hiểm thì tấn công tới tấp, dồn dập, chỉ làm cho người ta thêm hoang mang, bối rối. Nhiếu người sắp được Medicare đọc mãi chẳng hiểu thực sự công dụng của những Advantage plan (chương trình tiện dụng) và supplement (chương trình bổ sung) là gì, bởi vì người ta nghĩ rằng không thể xác định được nhu cầu sức khỏe của mình tốt hơn bác sĩ chuyên môn, trong khi bác sĩ thì nói họ không thể thay mặt mình nói được nhu cầu riêng tư thực sự của thân chủ của mình là gì.

Trong ngày đầu năm khi phải tính chuyện nộp đơn xin Medicare và chợt nhận ra mình có thể đã già hay phải tính đến chuyện già nhưng chẳng tính được, người ta mang tâm trạng như thế đấy: cảm thấy một cái gì đó mơ hồ đã bị bỏ lỡ trong quá khứ; một sự bất bình, phẫn nộ cũng mơ hồ về hiện tình xã hội với những hệ lụy chính trị, kinh tế, văn hóa… cho dù trách nhiệm nơi thế hệ baby boom chắc chắn cũng không nhỏ. Và chẳng hiểu trong những ngày cuối đời mình cần sự êm ả, liệu có được êm ả hay không. Bởi thế, bỗng nhiên cái lứa già của thế hệ Baby Boom này tâm tính bỗng giống như thời còn trai trẻ: bất mãn, nổi loạn, giận dữ và bất định. Chẳng thế mà người ta ghi nhận sự gia tăng nơi con số người già tự sát trong năm năm qua!

Thế hệ baby boom đó khác với thề hệ Bính Tuất của tôi đây mặc dù ở nơi đây tôi cũng đương nhiên đứng vào hàng ngũ của họ tại những văn phòng Social Security. Thế hệ Bính Tuất không dài đến 18-19 năm. Tôi chỉ tính được 8-9 năm cho đến khi Miền Nam thương yêu của tôi chuyến qua giai đoạn lịch sử mới. Một thế hệ được cũng nhiều mà mất cũng lắm. Một thế hệ phong phú qua bao nhiêu đời nhưng cũng nghèo nàn vì cuộc sống tưởng như luôn luôn đứng bên lề. Chúng tôi đây đã hưởng một thời đẹp đẽ trong một lứa tuổi đẹp đẽ mà những thê hệ khác hoặc không biết đến hoặc đã trải qua nhưng vào một lứa tuổi khác cho nên cái cảm giác thần thánh đó không mạnh mẽ như nơi thế hệ chúng tôi. Đó là cái cảm giác sống trong một đất nước, trong một xã hội mình tin tưởng, mình tự hào. Sống trong một gia đình mình thấy được những giá trị của tình thương, của hiếu đạo, của sự đùm bọc, có đủ ông bà, cha mẹ, anh chị em. Hàng ngày đến trường mà ta thấy cả một tương lai tươi sáng chờ đợi trước mặt, và cho đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy cái học thời đó chẳng hỏng tí nào. Lớn lên trong một bối cảnh văn hóa, với âm nhạc, với văn chương, với những quan hệ giao tiếp,với cách nghĩ, cách sống, cách làm của một thời cho đến thời nay vẫn là một di sản to lớn dù trong những nỗi ray rứt, luyến tiếc trong từng ngày qua. Thế nhưng có thế hệ nào mất mát lớn hơn thế? Mất mát một thời tuổi trẻ và lập thân vì chiến tranh. Mất mát cả sự nghiệp vì một cuộc sống vong thân “xã hội chủ nghĩa”. Mất mát vì sự tìm kiếm vô vọng nhân dạng xã hội của mình trên “vùng đất của những cơ hội”. Mất mát vì ôm cả một di sản to lớn nhưng không hưởng được. Có thế hệ nào có được năm quãng đời phong phú, khác biệt đến thế: chiến tranh Đông Dương thứ nhất, thái bình an lạc, chiến tranh Đông Dương thứ hai, cuộc sống tha hương ngay trên quê nhà, và cuộc sống tha huơng thực sự. Làm sao một cuộc đời ông trời cho ngắn ngủi nhưng cũng quá ưu đãi trong “thực đơn” đến thế. Nhưng cũng có thế hệ nào khốn khổ hơn thế, chăng bao giờ chủ động được trong viểc tìm kiếm cuộc đời của chính mình.

Con người ta có một số mốc trong đời, và người ta nói ở Mỹ có hai mốc chính: mốc 18 khi có driver’s licence, và mốc 65 khi có thẻ Medicare. Khi có bằng lái xe, người ta có cảm tưởng như tương lai mênh mông trước mặt. Khi có thẻ Medicare, người ta chỉ nghĩ đến home care hay nursing home. Là thành viên thế hệ baby boom, nhưng lại từ thế hệ Bính Tuất mà ra, tôi có driver’s licence rất trễ nên chẳng hào hứng gì.Nay có thẻ Medicare, cũng chẳng có gì lo sợ. Từ lâu, vì thuộc thế hệ Bính Tuất, tôi đã tập được tánh nhìn đời mà hiều chẳng có gì qua được số phận. Như trong mở đầu của A Tale of Two Cities, chúng ta đã sống trong thời “the best of times, the worst of times”. Trong cuộc đời đảo điên này, nếu chẳng có một thái độ triết lý, làm sao chúng ta có thê vươn lên được trong tuổi già?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4435)
"5G là công nghệ (Technology) cao, tạo ra công nghiệp (Industry) thần kỳ. Dựa vào đặc tính quan trọng là nối kết, công nghiệp nầy sản xuất ra những dụng cụ, gọi là thiết bị thông minh. "
06 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4495)
"Hai hãng dược Pfizer và Merck đã phát triển thuốc viên chống virus chứng tỏ hiệu quả hứa hẹn trong các cuộc thử nghiệm trên các bệnh nhân COVID có nguy cơ cao bị bệnh nặng."
05 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4624)
"Mỹ đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất trong vòng 13 năm với giá cả các mặt hàng tăng vọt, khiến cho đời sống dân lao động Mỹ gặp khó khăn. Nguyên nhân có phải là do khủng hoảng năng lượng toàn cầu, sự gián đoạn của chuỗi cung hay các gói ứng cứu khổng lồ của chính quyền Joe Biden?"
02 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4135)
"Năm 1975 khi qua Mỹ, cụ tiếp tục là một tiếng nói đóng góp vào dòng chính để nước Mỹ hiểu chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời, cụ đi khắp nơi để trao truyền bó đuốc cách mạng cho những thế hệ trẻ về sau."
02 Tháng Mười Một 2021(Xem: 4321)
"Việc Facebook đặt lợi nhuận lên trên hết không chỉ dẫn đến hậu quả là ‘để cho tin giả tràn lan’, ‘khuyến khích sự nóng giận của người dùng’ mà còn ‘dập tắt tiếng nói của sự thật theo yêu cầu của các nhà nước độc tài’, một kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ gốc Việt vốn dành nhiều thời gian theo dõi Facebook nói với VOA."
31 Tháng Mười 2021(Xem: 4457)
"Trong một đất nước độc tài, toàn trị thì những ý kiến gì không hợp với chính quyền đều bị coi là những ý tưởng đến từ thế lực thù địch. "
30 Tháng Mười 2021(Xem: 4510)
"Nhân ngày Chiến Sĩ Trận Vong 1-11, ngày Quốc Khánh Đệ nhất VNCH 26-10, ngày Giỗ TT Ngô Đình Diệm, xin kinh dâng nén tâm hương chân thành tưởng nhớ đến các vị anh hùng đã bỏ mình vì Tổ Quốc." PCT
29 Tháng Mười 2021(Xem: 4240)
"Mối quan hệ sinh tử của sự sống là Đất và Nước được kết chặt vào nhau bằng Rừng. Năm mươi năm nay, với lòng tham vô độ, bất chấp mọi lời kêu cứu thất thanh, ta đã chặt đứt cái khâu sinh tử: Rừng."
26 Tháng Mười 2021(Xem: 4514)
"Thơ của em, Night sky with exit wound (Trời đêm với những vết thương xuyên thấu) và quyển tiểu thuyết Trên trái đất chúng ta một thoáng huy hoàng (On the earth, we’re gorgeous) được dịch ra 30 thứ tiếng kể cả tiếng Việt ở VN, quyển tiểu thuyết được báo New York Times cho là “biến cố văn chương” của năm 2019, và nằm trong danh sách best sellers trong 6 tuần liên tiếp."
25 Tháng Mười 2021(Xem: 4164)
"Tuy sự kiện Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội bị khởi tố vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (1) không làm thiên hạ ngạc nhiên nhưng cảm xúc về sự kiện này trên mạng xã hội vẫn phức tạp, đó là sự đan xen lẫn lộn giữa buồn, tiếc và ngán ngẩm..."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468