MỘT NĂM TRÔI QUA, MỘT THẬP NIÊN CHẤM DỨT, NHỮNG GÌ CÒN ĐỌNG LẠI

17 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 26196)
MỘT NĂM TRÔI QUA,  MỘT THẬP NIÊN CHẤM DỨT,  NHỮNG GÌ CÒN ĐỌNG LẠI

MỘT NĂM TRÔI QUA,

MỘT THẬP NIÊN CHẤM DỨT,

NHỮNG GÌ CÒN ĐỌNG LẠI

Hoàng Ngọc Nguyên

 

Chúng ta vừa kết thúc một cách khá suôn sẻ năm cuối cùng của thập niên thứ nhất của một thế kỷ mới. Đầu năm mới luôn luôn là dịp nhìn lại năm cũ vừa trôi qua, và đầu một thập niên mới cũng là dịp người ta nhìn lại thập niên cũ vừa chấm dứt – trong nỗ lực mường tượng hướng đi của lịch sử trong mười,hai mươi năm tới, hay với mục tiêu khiêm tốn hơn, cố nhớ lại những gì đang đọng lại trong ký ức của chúng ta trong 10 năm đã qua. Có thể xem đó là thông lệ nhìn lại năm qua và thập niên qua đã trôi theo dòng đời như một giấc mơ. Tuy nhiên, cũng có lẽ ít có một khoảng thời gian nào trong đời lại có những tác động mạnh mẽ trong tâm tư và cuộc sống của chúng ta đến như 10 năm đã qua.

Chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã sụp đổ từ năm 1990, và chúng ta xem thập niên 90, thập niên cuối của thế kỷ 20, như một thập niên đổi đời, và nhận thức của chúng ta về thế giới (“thề giới quan”) đã biến chuyển một cách mạnh mẽ, như từ chỗ tối bước ra chỗ sáng còn choáng mắt. Và đương nhiên chúng ta cũng có dịp nhìn lại nước Mỹ trong cái thế giới mới không Cộng Sản, hậu chiến tranh lạnh đó, với niềm tin còn mãnh liệt hơn nữa ở vai trò “bá chủ” thế giới, cùng tính cách “ngoại hạng” hay “phi thường” (exceptionalism) của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà nhiều người khuynh hữu hay bảo thủ hiện vẫn còn hay nói. Nhưng sau mười năm đó khép lại một thế kỷ 20 dài đăng đẳng, chúng ta đã qua mười năm mới, thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, đáng bàng hoàng ở chỗ nhiều chuyện xảy ra đã cho ta thấy những gì chúng ta chỉ mới nghĩ trước đó hầu như đã bị thực tế thách đố, phủ nhận kịch liệt.

Nhìn lại một năm cũ mới đây là chuyện dễ dàng, nhưng để nhớ chúng được lâu dài, đặt chúng vào bối cảnh lịch sử của thập niên trong đó nó có vai trò kết thúc là điều có tác dụng soi sáng và minh hoạ mạnh hơn.

Thập Niên Vỡ Mộng

Trong thập niên đầu này, có những chuyện gì đáng nhớ, dễ nhớ nhất đối với chúng ta để về sau này còn nhắc đến và kể lại? Không cần đọc WikiLeaks, một hiện tượng “độc đáo” trên quốc tế trong năm 2010, người ta có thể tóm được 10 điểm sau:

1.Cuộc tấn công vào ngày 11-9-2001 có tính cách khủng bố của lực lượng Hồi giáo quá khích Al Qaeda của Osama Bin Laden vào Tòa Tháp Đôi ở New York và Bộ Quốc Phòng ở Washington D.C. với hơn 3.000 người chết dưới gạch vụn là cảnh báo nghiêm trọng đầu tiên về những thách đố của những thế lực Hổi giáo quá khích, cấp tiến, dân tộc chủ nghĩa… đối với thề giới phương tây nói riêng và trật tự trên toàn thế giới nói chung.

2. Mỹ mở ra chiến tranh Afghanistan từ năm 2001 như một phản ứng trước cuộc tấn công khủng bố của Al Qaeda trú ẩn ở nước Nam Á này. Tập hợp được một lực lượng liên minh rộng rãi chống khủng bố quốc tế, nhưng thiếu sách lược tiêu diệt địch và mục tiêu chiến thắng, Mỹ sa lầy để cuộc chiến kéo đến năm thứ 10.

3. Mặt trận Afghanistan chưa yên tĩnh, Tổng thống George W. Bush lại mở ra chiến tranh Iraq vào năm 2003 sau khi đổ cho chế độ Saddam Hussein ở Baghdad có “vũ khí giết người hàng loạt”. Vào không có lý do, nay Mỹ rút khỏi Iraq cũng không thực sự cần lý do. Tình hình Iraq vẫn bất ổn, và chẳng ai dám quả quyết làm sao sau khi Mỹ rút hoàn toàn vào năm 2012, các giáo phái, địa phương có thể “chung sống hòa bình” hay lại lao vào một cuộc tương tàn đẫm máu không dứt.

4. Chính sách đối ngoại phiêu lưu của Mỹ dưới thời ông Bush đã làm cho Mỹ kẹt cứng trong những quan hệ bế tắc với Iran, Pakistan và Bắc Triểu Tiên, trong khi một giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine vẫn chỉ nằm trên giấy.

5. Chính sách đối nội hời hợt của Mỹ đã dẫn đến suy thoái bùng nổ từ cuối năm 2007, sự sụp đổ của thị trường tài chánh, ngân hàng, thị trường nhà cửa, và nạn thất nghiệp dằng dai. Cho đến đầu năm 2011 “vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm” cho thị trường lao động và địa ốc.

6. Suy thoái ở Mỹ dính chùm với suy thoái thế giới, mà thách đố nổi bật là ở các nền kinh tế châu Âu, khủng hoảng nơi thị trường tài chánh, nơi ngân sách chính phủ, … làm cho các nước châu Âu thay phiên nhau vỡ nợ, như Hy Lạp,Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha, Hungari…

7.Thập niên này đúng là ảm đạm cho nhân loại, khi những thiên tai tàn sát hang trăm ngàn người nổi khắp nơi, từ tsunami ở Nam Á, Katrina ở Mỹ, động đất ở Trung Quốc, ngập lụt ở Miến Điện, đất chuồi ở Nam Mỹ …

8. Thập niên này cũng nhắc người ta đứng quên rằng nước Nga vẫn là nước Nga, ngang nhiên uy hiếp các nước lân bang vốn là chư hầu một thời như Grudia và Ukraine, và bên trong chẳng cần dân chủ, luật pháp đối với một chế độ vẫn được xem là mafia khi ông lãnh đạo như Vladimir Putin khi thì cho mình làm tổng thống, khi thì làm thủ tướng…Và Trung Quốc nay còn đáng sợ hơn Trung Quốc thời xưa vì nó đã có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và khả năng quân sự đủ mạnh để xây dựng chủ nghĩa bá quyền trên vùng Thái Bình Dương.

9. Mỹ sẽ chẳng có tâm trí đâu mà nhìn đến những nơi xa xôi khi ngay bên cạnh mình là Mexico với trận giặc ma túy cứ muốn tràn sang Mỹ, và phía dưới nam bán cầu, các nước Nam Mỹ như Venezuela, Brazil, Ecuador, Bolivia… bỗng dở chứng muốn thử lại một lần nữa con đường xã hội chủ nghĩa chuyên chế xem sao.

10. Mỹ đang đi tìm đáp số cho tất cả những bài toán đó bằng cách bầu tổng thống da đen đầu tiên vào năm 2008 – ông Barack Obama.

Và nhìn lại năm 2010

Trong năm qua 2010, chẳng có gì khó khi phải ghi lại những gì tác động mạnh mẽ nhất vào quan sát và tâm trí người dân Mỹ bởi vì chúng liên quan rất trực tiếp đến cuộc sống của ngưòi dân. Có 10 chuyện có thể được đúc kết như sau:

1.Tỷ lệ thất nghiệp là ngoan cố bậc nhất. Trong cả một năm rưỡi qua, nó vẫn chỉ quanh quẩn ở mức 9.5%, một tỷ lệ ta cần diễn dịch có ít nhất là 15% dân số lao động vừa thất nghiệp hoặc “bán thất nghiệp” – tương đuơng với cả 27 triệu người. Để hiểu thêm tình hình căng thẳng này, cần nhớ rằng có đến 60% người thất nghiệp lâu hơn sáu tháng, 40% người thất nghiệp lâu hơn chín tháng. Giới chuyên gia kinh tế tính rằng sẽ mất 4-5 năm tỷ lệ này mới có thể trở lại “mức bình thường” vào khoảng 6-6.5%. Trợ cấp thất nghiệp nay đã phải chi tới 99 tuần ở những nơi tỷ lệ thất nghiệp cao.

2. Cuộc khủng hoàng nhà cửa song hành với nạn thất nghiệp, cho nên cũng đáng bị gán hai chữ “ngoan cố”, vì tình hình cải thiện chậm chạp, với lý do đơn giản, thất nghiệp nặng như thế, mấy ai dám mua nhà, mấy ai có khả năng trả nợ. Tính tất cả nhà bị bán dưới mức nợ (short sale), nhà bị kéo (foreclosure), nhà bị lấy lại (repossession)… , tổng cộng có đến 22 triệu căn. Sự tiêu điều của thị trường địa ốc nổi rõ ở Arizona, Nevada, Florida, California…

3. Ai cũng có cảm tưởng kinh tế hồi phục, với thị trường chứng khoán khá mạnh mẽ trong năm 2010, các chỉ số căn bản đều đạt được mức cao nhất trong vòng hai năm rưỡi nay, nhưng cảm tưởng lạc quan còn rất mơ hồ vì người dân còn dè dặt trong chi tiêu, mãi lực suy yếu. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quí tư có thể mở ra những hy vọng lớn nếu nó được ở mức 3.5% nhờ mùa mua sắm Thanksgiving và Giáng Sinh khá rôm rã so với hai năm trước đó - sau những quí hai và quí ba trong năm 2010 mất máu.

4. Việc Quốc Hội thông qua luật cải tổ y tế và Tổng thống ban hành luật “Chăm sóc trong khả năng” (Affordable Care Act) vào ngày 23-3 mở ra triển vọng cho ít nhất 30 triệu nguời không có bảo hiểm y tế cũng như những cải tổ bảo đảm cho những người có bệnh trạng từ trước. Đây là điều người Mỹ đã chờ đợi ít nhất là 70 năm nay, nhưng có luật là một chuyện, thi hành là chuyện khác, và luật có thọ hay không là chuyện khác nữa. Phía Cộng Hòa đang muốn hủy bỏ ít nhất điều khoản ai cũng phải có bảo hiểm.

5. Cuộc khủng hoảng kinh tế trong ba năm qua cũng đã phơi bày những chỗ nhược của chính quyền Mỹ, cấp liên bang cũng như tiểu bang và các địa phương: đó là sự thâm lạm ngân sách chồng chất, kinh niên, vừa do hao phí, lạm dụng (trong tiền lương công chức, trong qui chế hưu bổng), vừa do quản lý kém đến độ các quỹ hưu bổng và An sinh Xã hội trở nên cạn kiệt. Người dân nay cũng thấy những giải pháp khó khăn: tăng thu cũng khó, giảm chi cũng khó.

6. Rõ ràng năm 2010 là một năm cho thấy nước Mỹ lắm chuyện. Một trong những chuyện mà những tiểu bang sát biên giới Mexico như Arizona, New Mexico, California, Texas… thấy rõ là mối đe dọa ngày càng gia tăng của cuôc chiến tranh ma túy giữa các tập đoàn tội ác, sau bốn năm đã giết chết hơn 34.000. Càng ngày giặc càng lộng hành, hành quyết bằng cách chặt đầu,treo cổ. Người ta nói lực lượng cảnh sát ủa Mexico đang trở nên hoàn toàn vô hiệu. Còn hơn bất cứ cuộc nội loạn hay chiến tranh giữa các quốc gia.

7. Từ cuộc chiến tranh này mà vấn đề di dân trở thành nghiêm trọng trên nhiều mặt: tăng cường an ninh biên giới, kiểm soát di dân không giấy tờ, như ta thấy luật ở Arizona được ban hành hồi tháng tư năm 2010 tuy gây nhiều tranh cãi nhưng được nhiều tiều bang đồng tình. Mặt khác, với một dân số cứ 6 người lại có một người gốc Latino, áp lực từ khối cử tri di dân này không thể không được các nhà chính trị tính tới. Sự thất bại của “Đạo luật Giấc mơ” hứa hẹn việc “ân xá” cho người đi lính và người chịu học rốt cuộc chỉ báo hiệu những mối quan hệ căng thẳng giữa những tiều bang muốn ngăn chận sự lạm dụng trong vấn đề di dân và khối người di dân muốn chính phủ cải tổ theo hướng có lợi cho hơn 10 triệu người không có giấy tờ hợp pháp.

8. Năm 2010 là một năm nổi bật một “chính trường tồi tệ”. Sự hình thành và phát triển của phong trào Trà hội lan tràn trong đảng Cộng Hòa là nguyên nhân đáng kể trong sự phổ biến của nạn suy thoái chính trị: nguòi ta dần dần không tính đến lý lẽ (common sense) và lối cư xử tương kính trong chính trị. Ngôn ngữ cay độc, hận thù, dữ tợn… đang lan tràn trong các cuộc vận động chính trị. Giữa hai đảng người ta không còn nói đến quan hệ hợp tác và thỏa hiệp, mà là sự tầy chay và chống phá (filibuster). Vấn dề là nước Mỹ đang phải tìm giải pháp trước những thử thách của một thời đại mới, không lý lẽ, và khgông lệ độ trong đối thoại, làm sao nguòi ta tính tìm ra được gì?

9. Cuộc bầu cử giữa mùa năm nay với dấu ấn của quyết định của Tối cao Pháp viện cho các doanh nghiệp và công đoàn tham gia vận động theo quyền “Tự do Ngôn luận” đã có kết quả chiến thắng to lớn của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, Thượng Viện và bầu thống đốc. Lá phiếu người dân đúng hơn phản ảnh sự bất an, bất mãn trước thành quả ổn định kinh tế của chính quyền Obama, nhưng nó vẫn cho đảng Cộng Hòa một thế vô song trong hai năm tới khi họ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

10. Giữa tình thế có vẻ như tuyệt vọng của một Quốc Hội “vịt què” vào tháng 12, chờ đợi năm mới, Tổng thống Obama và phía Cộng Hòa đã đạt được những thỏa hiệp quan trọng một tuần trước Giáng Sinh để ông Obama có thể ký luật vế giảm thuế và gia hạn trợ cấp thất nghiệp, luật phê chuẩn hiệp định kiểm soát vũ khí chiến lược ký với Nga, luật về “Đừng Hỏi, Đừng Nói” xác định quyền lợi của quân nhân đống tính trong quân đội.

There will be blood?

Đầu năm mới, đảng Cộng Hòa đã hứa hẹn đầy đe dọa.”There will be blood”! Người ta đòi hủy bỏ luật y tế,mặc dù đó là viểc khó. Người ta đòi cắt giảm chi tiêu chính phủ, trong khi chính họ lại có những đề nghị làm cho chi tiêu không thề cắt giảm được. Người ta đòi thu nhỏ lại chính quyền, nhưng chẳng chỉ ra được chỗ nào phải xén bớt.Trong ngôn ngữ chính trị hiện nay, trong các lý lẽ hiện nay, trong văn minh cư xử hiện nay:There will be blood.

Chúng ta đang đứng trước năm mới. Hơn thế nữa, chúng ta đang đứng trước hai ba năm sắp tới đất nước Mỹ đang cần phải tương đối nhanh chóng ra khỏi đường hầm còn hun hút hiện nay. Ý định tử chiến của Cộng Hòa và nhu cầu tìm lối thoát cho đất nước là hoàn toàn đối nghịch.

Cho nên đứng trước tương lai, để hiểu rồi đây đất nước đi về đâu, người dân phải nhìn xem những nhà chính trị của chúng ta có thể hiện được lý tưởng đơn giản của một chính phủ của dân,do dân,vì dân hay chăng. Hay chỉ là chính phủ của những quyền lợi riêng tư, do những quyền lợi riêng tư, và vì những quyền lợi riêng tư, nếu ta mượn lời của ông cựu thống đốc California mô tả chính quyển của “tiểu bang vàng” Golden State: “một chính phủ của công chức, do công chức và vì công chức” (a government of public employees, by public employees, for public employees).

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Năm 2010(Xem: 38044)
Chúng ta lâu nay quả có lo ngại rằng với ảnh hưởng của truyền thông “qui ước” của Mỹ cũng như của những nhà nghiên cứu có tính “kinh điển” của Mỹ, những thế hệ sau này, người Mỹ và người Mỹ gốc Việt, sẽ nhìn lại cuộc chiến “chẳng ra sao cả”. Năm nay với nhưng tác giả như Rufus Phillips, Sol Sanders, Richard Botkin…, chúng ta có thể bắt đầu hy vọng: viễn ảnh chẳng đến nỗi đáng quá lo như thế. Hoàng Ngọc Nguyên
23 Tháng Tư 2010(Xem: 83964)
Quần đảo Hoàng Sa ở giữa vĩ tuyến 16 và 17, ngoài khơi ranh giới khi trước giửa Bắc Việt và Việt Nam Cộng Hòa, nghĩa là rất xa bờ biển Trung Quốc ... Quần đảo Trường Sa lại còn xa Trung Quốc hơn nhiều, ở tận vĩ tuyến 12, ngang tầm vớl hạ lưu sông Cửu Long (Mékong) ở miền nam Việt Nam... GS Nguyễn Phú Đức
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468