TẢN MẠN VỀ MỘT THỜI ĐÃ MẤT

16 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 24887)
TẢN MẠN VỀ MỘT THỜI ĐÃ MẤT
TẢN MẠN VỀ MỘT THỜI ĐÃ MẤT
Hoàng Ngọc Nguyên

Các sư huynh, sư tỷ, sư ca, sư muội… đã từng một thời chung một mái trường Dalat với tôi. Nay đã gần qua tuổi lục thập tứ, nửa năm nữa đã bước vào lục thập ngũ, tôi đây mới thong thả chiêm nghiệm được một điều: Khi người ta “không còn trẻ nữa”, nói trắng ra là khi người ta đã già, con người ta bỗng trở nên dứt khoát. Người thì cứ nhất quyết cái gì cũng giữ, bởi vì nghĩ rằng ở lứa tuổi tóc và răng chẳng còn giữ được, cái gì cũng có thể dần dần ra đi, nếu những cái còn có trong tay mà không giữ được thì còn gì nữa mang theo khi ra đi - bởi thế nhiều người trong nhà ngỗn ngang, lỉnh kỉnh như đồ đạc chất trong nhà kho hay garage. Người thì nhất quyết chẳng giữ gì, không nhà, không cửa, nói gì đến những thứ hữu hình hay vô hình khác đã từng tích lũy một thời trong quá khứ, bởi vì muốn thanh thản, nhẹ nhàng ngay từ bây giờ cho đến khi ra đi. Ngay cả khi còn trẻ, tôi chẳng bao giờ hung hăng hay quá khích để chỉ biết có một sự lựa chọn. Tôi rất tin tưởng ở sự tương đối của cuộc đời. Và do đó rất tin ở đạo trung dung, giống như tác giả Kim Dung, chẳng chính phái, chẳng tà phái, chẳng khuynh tả, chẳng khuynh hữu, leo lách đi tìm con đường ở giữa. Nay đã vào tuổi có thể mỗi buồi sáng, ngồi trầm tư trước máy computer, nhìn qua cửa sổ mà nhớ tới câu thơ của Cao Bá Quát “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn, Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”, và tính chuyện cái gì nên thải đi cho nhẹ nhàng cuộc đời, cái gì nên giữ lại cho cuộc đời chẳng trắng tay. Những gì tôi đang muốn giữ lại đây, có lẽ có thể chia sẻ một phần với các đại sư tỷ, sư huynh, sư ca, sư muội.

1

Tôi đang ở trong một xóm lao động nghèo ở Salt Lake City. Ở nơi này là căn cứ địa của đạo Mormon, nơi bị ngộ nhận là “vượng địa” của những người polygamists, ta không “trở lại đạo” thì đương nhiên chỉ có đường chen chân vào hàng ngũ “middle-income, working class” của ông Barack Obama. May mà trong thời đại thế giới toàn cầu hóa và hậu chiến tranh lạnh hiện nay, ở nước Mỹ “giai cấp công nhân tiên tiến” ngày càng đông đảo, và công lao không kể được trong vụ này là của ông George W. Bush, cho nên ngưòi ta ở xứ lạnh mà vẫn cảm thấy ấm áp trong mùa đông và mồ hôi nhễ nhại vì chen chúc, đụng chạm trong mùa nóng. Mỗi buổi sáng, từ 6 giờ, tôi và sư muội của tôi hồi xưa thời còn ở phái Hoa Sơn, cách đây 45 năm, nay vẫn là anh em, vẫn chạy bộ, đúng hơn thì đi, vửa chạy vửa đi vừa nói chuyện khoảng 35 phút trong xóm. Dĩ nhiên, mình không phải là những người duy nhất ham sống sợ chết. Trong xóm, trẻ cũng có, vừa cũng có, già cũng có, sáng sớm là chạy rầm rầm, chỉ không có vửa chạy vửa la hét như trong quân trường Thủ Đức, cho nên mình phải chào “Hai” mỏi miệng. Trong xóm, chúng tôi là những người da vàng duy nhất, và tệ hơn nữa, là quá nhỏ con. Thưở xưa, khóa 1 trường Chính trị Kinh doanh có khoảng 450 nam, 250 nữ “chuyên tu” – không kể những người học “hàm thụ”, “tại chức”. Trong số nam sinh viên, tôi chỉ cao hơn được Minh Hân, Lê Kim Lợi và có thể cả Trần Đại, ngang cơ với Dương Tấn Hải. Bởi thế mà ba đứa chúng tôi thủ phận, chơi chung với nhau. Nay Lợi và Đại không còn nữa - để tôi viết một mình. Khóa 2 trường Chính trị Kinh doanh, theo thống kê tự nghĩ, có khoảng 250 nam, 150 nữ, sư muội của tôi có lẽ cũng chỉ cao hơn được hay đồng hạng với một người. Cho nên trong sự lựa chọn của tôi vài năm sau dó cũng là “có Trời mà cũng có ta”. Bởi vì chúng tôi quá nhỏ con cho nên hàng xóm cảnh giác, để ý, người đâu mà nhìn xa thì tưởng là hai trẻ nít, đến gần mới biết hai ông bà già, cho dù bà già nét cũng còn tươi trẻ lắm.
Nói vắn tắt, hàng xóm Mỹ trắng thấy hai ông bà già người châu Á sung quá, mùa hè trời nắng cũng chạy, mùa đông tuyềt rơi lả tả cũng chậm rãi dìu nhau đi vì sợ té trên đường trơn trợt, mới trầm trồ ngợi khen, tổ dân phố họp mấy năm liền bầu là gia đình tiên tiến, và đài truyền hình khu vực mới hỏi vì sao có thề đi bộ bền bỉ thế. Sư muội tôi thì ngại ngùng, e thẹn, tôi thì nhún vai cười, đáp: “Ăn thua gì. Ngày xưa, một ngày tôi đi bộ cả hai ba tiếng, vừa đi vừa về, không hề mỏi mệt, có khi còn hát vang rân khi trời tối chỉ có một mình trên đường âm u để xua tan đi bóng tối hãi hùng”.
Chẳng có gì là cường điệu cả trong những lời có vẻ như tự cao đó. Tôi thuộc khóa 1/72 Thủ Đức, nhưng chấm dứt đời lính ngay sau khi được đeo lon chuẩn úy và chỉ trở lại đời lính khi chui vào trại học tập cải tạo, cho nên chẳng thể nói thói quen đi bộ dẻo dai là nhờ thời gian khoác áo chiến binh. Nhưng trước khi nhập ngũ tôi đã là người đi bộ kinh khủng - dường như thấy trước chuyện 40-45 năm sau, bác sĩ bảo phải đi bộ, phải ăn uống kiêng cử mới tránh được tiểu đường và các bênh về huyết áp hay tim mạch… Cứ tưởng tượng môt tuần bảy ngày, mưa hay nắng, nóng hay lạnh, chẳng có ngày nào mà tôi không “hành quân dã trại” từ nam đại học xá trong viện qua nữ đại học xá trên đường Trương Vĩnh Ký ngoài chợ. Cho dù là không trèo đèo, lội suối, lên thác xuống ghềnh, nhưng con đường lên dốc nữ đại học xá cũng kinh khủng, mà con đường từ dưới dốc đi lên viện đại học cũng không kém – đó đúng là bước dạo đầu của đoạn đường chiến binh trong quân trường Thủ Đức. Hồi đó cha viện trưởng nghĩ tình đồng hương, tuy chẳng đồng đạo, giọng Quảng Trị của tôi khó nghe nhưng dễ thương, nên có cho tôi hoc bồng đối với người bỏ xứ mà vào vùng cao nguyên (“rừng thiêng nước độc”) có chí học tập, chẳng biết tôi tuy là người dân miền trung, ở trong nam, nói tiếng bắc… Nhưng học bổng để chi tiêu vào chuyện chính đáng, không phải để đi xe lam, dường như một cuốc năm đồng từ viện ra phố thì phải. 
Thực ra sức đi bộ của tôi là kinh khủng, tuy chẳng phải nhờ hồi nhỏ vì tây bố, chạy loạn, nhưng chỉ ngồi trong thúng, mạ quẩy gánh mà đi. Hay có đi vào chiến khu thăm ba, thì mạ cũng tay bế tay bồng, chẳng để đứa nào phải trèo đèo lội suối. Sức mạnh nào giúp tôi có thể đi đươc như thế ngoài ý thức sớm sự cần thiết của đi bộ cho một cuộc sống lành mạnh, giống như sự “sớm giác ngộ cách mạng” của những ngưòi “Mác-xít, Lê-nin-nít, như-con-nít”. Còn chỗ nào trên quê hương mà tôi không đi, mà tôi chưa đặt chân đến: nào là Hồ Xuân Hương và đồi cù mênh mông; Hồ Than Thở và con đường từ tiệm cà ri dê bọc theo một ngọn đồi trữ tình để đến nơi nhiều người dại dột đi tìm con đường giải thoát; đi qua Suối Cam Ly mà nhớ ông Nguyễn Hữu Hào và bà Nam Phương Hoàng hậu; bước dưới Thác Prenn mà tưởng như là lạc vào Suối Mơ của Văn Cao; rồi Trại Hầm Trại Mát và bỗng nhiên trở thành người mộ đạo, chùa nào cũng biết cả, cho dù chẳng đi vào bên trong mà cứ ở bên ngoài “hồn bướm mơ tiên”. Chính nhờ những ngày tháng đó mà tuy là dân Saigon, quanh năm suốt tháng hầu như chẳng dám đi đâu xa vì sợ Al Qaeda của thời chiến khủng bố, nhưng tôi lại yêu mến thiên nhiên và hiểu rất sâu sắc một câu học được từ hồi nhỏ: Chỗ quê hương đẹp hơn cả.
2

Đầu tháng tám này, loạn quân Taliban ở Afghanistan đã chận bắt một đoàn công tác y tế gồm 10 người bác sĩ, y tá, thông dịch và tài xế đang lặn lội đi bộ vào một làng vùng núi để giúp dân làng sống ở nơi hẻo lánh chẳng mấy khi biết mặt mũi của những người lương y, điếu dưỡng, mà cũng có lẽ ít khi thấy thuốc men. Trong đoàn này, có sáu người Mỹ, một ngưòi Đức, một người Anh, hai người dân bản xứ. Taliban kết tội những nguòi này vừa đi truyền đạo vừa làm do thám. Theo “luật Hồi giáo”, những người này chỉ có chết mới về được với giáo chủ Mohammed. Cho nên những “chiến sĩ cách mạng” Taliban đã bắt những người này đứng cho thật thẳng hàng để họ lia từng loạt đạn vào người nạn nhân cho thật trúng. Trong những nạn nhân này có bác sĩ tồng quát, nha sĩ, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ nhi đồng… Có người tham gia vì nguồn vui trong cuộc sống của họ không đơn giản là chuyện ngồi ở phòng mạch ở Pennsylvania để làm tiền dễ dàng trong một xã hội tư bản mà bác sĩ nhiều khi mang lương tâm của kẻ sát nhân. Hạnh phúc của những ngưiờ trong đoàn y tế này rõ rang là đến với những ngưòi cùng khổ, tuyệt vọng, sống quằn quại, vô vọng trong bệnh tật. Cũng có người như bà bác sĩ giải phẫu ở Anh, bà quyết nói cho bằng được với những phụ nữ Hồi giáo họ không phải một mình trong cuộc tranh đấu âm thầm và vùi dập cho than phận phụ nữ dưới chế độ Hồi giáo mà bao nhiêu cực hình của luật pháp như ném đá, đánh roi, cắt mắt, cắt mũi… đều dành cho đàn bà mà lẽ ra phần lớn người đàn ông đáng tội hơn trên cuộc đời này - nhất là trong xã hội Hồi giáo.
Trong sự cảm thương cho những ngưòi anh hùng đích thực và hiếm hoi của một thời lắm quỷ, nhiều ma như hiện nay, tôi chợt nhớ đến những ngưòi bác sĩ, y tá, nhân viên làm việc trong một nhà thương “dã chiến” của tổ chức Project Concern nằm trên một đồi cao cách Dalat vào khoảng 50 cây số, con đường đi đến phải băng qua thị trấn Tùng Nghĩa. Mùa hè năm 1966, tôi không về Saigon. Ở lại Dalat, cứ tối ngày ngồi trong quán cà-phê Mekong nhìn mông ra đường, hay dạo quanh khu Hòa Bình ngóng báo từ Saigon theo xe đò Minh Trung lên mãi cũng chán, cho nên tôi nghe lời rũ rê của anh bạn Mỹ của Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (IVS), Dick Beard, một người tình cờ có cùng ngày sinh với tôi và do đó làm sinh nhật chung với tôi, tôi vào làm thong dịch cho myấ ông bác sị, y tá, người Mỹ có Đài Loan có Phi Luật Tân có, Đại Hàn có… ở bệnh viện Project Concern này. Trong những lý do tôi lên đường “vào nơi gió cát” là vì muốn thực tập sau khi đã học hết mấy cuốn “Let’s Learn English”, “Practice Your English”, “Life with the Taylors”, “Mastering American English”, “People in Fact and Fiction”… của Hội Việt Mỹ. Đó là một thơi gian ngắn ngủi, nhưng lý thú. Tôi vẫn còn nhớ những đêm trong nhà sàn, nằm ngủ êm ái trên chiềc giường nhỏ sạch sẽ, chăn ấm, nệm êm, nhìn ánh trăng bên ngoài rọi vào qua cửa sổ, có một không khí âm u của rừng núi, lá cây xào xạc, suối con róc rách sau nhà và bỗng dưng thấy cuộc sống sao êm đềm đáng yêu quá chừng (Hay vì tôi ở “tuổi mộng mơ”, đang yêu?) … Lạ thay tôi lên Dalat học đã từ lâu, nhưng chỉ trong những đêm đó tôi mới thấy mình xa nhà, nhớ nhà. Ban ngày, tôi đến phòng khám. Trên nền đất cứng, người Thượng ngồi la liệt chật cả phòng, phần lớn là người già và trẻ em, nói tiếng Thượng. Sau vài tuần, tôi trở lại Dalat, lý do một phần là vì tôi khám phá ra tôi còn nhỏ quá cho nên từ tâm rất giới hạn, nhưng lý do chính yếu là bất đồng ngôn ngữ: người Thượng nói, tôi không hiểu, tôi nói, người Thượng nhìn tôi ngơ ngác. Tôi chẳng nhớ có ai không dễ thương trong nhóm người này - khoảng 8-10 người gì đó. Mỗi một người, như tôi được nói chuyện với họ, là cả một tấm gương giản dị về lý tưởng phục vụ, cống hiến cho đạo, cho đời. Tôi còn nhớ câu chuyện đầy nước mắt của một cô y tá người Phi tuổi chừng băm mấy, nhưng khi kể cho tôi, Gloria (gì đó) chẳng cần phải nói “smoke gets in my eyes” để che dấu nỗi thương cảm bên trong. Người yêu của cô là một bác sĩ ở vùng quê Phi Luật Tân, bị loạn quân du kích Huk bắt cóc khi người ta tấn công vào bệnh viên nơi ông đang làm viêc. Quân của chính phủ từ Manila hành quân truy kích, và quân “cách mạng” trên đường rút lui đã bắn chết người bác sĩ để “dằn mặt”. Đối với Gloria, với cái chết của người yêu, cuộc đời của cô vừa hết, nhưng lại vừa bắt đầu một khúc quanh mới: cô tham gia vào tổ chức Project Concern và tình nguyện đi Việt Nam để đến với những người nạn nhân chiến tranh.
Nghĩ lại chuyện ngày xưa mới thấy mình may mắn. Ví dụ như trong những ngày đó, “cách mạng” đột nhiên nổi hứng tấn công vào cái nhà thương Project Concern này. Chắc chắn cái “tiền đồn” này phải thất thủ. Cả đám này sẽ trở thành tù binh. Chắc chắn mấy người Mỹ, người Phi, người Tàu, người Hàn… không sao. Họ sẽ trở thành những con tin có nhiều công dụng chính trị và quân sự. Nhưng liệu tôi có thoát được số phận tử sĩ hay chăng. Nhưng nhà thương Project Concern này thanh bình quá, êm ả quá, như một giấc mơ “siêu thực” trên dất nước chiến tranh, giặc giã thân yêu của chúng ta. Sau vụ Mậu Thân, ngưòi ta không còn nghe nói về nhà thương này nữa. Năm 1968, tôi trở về Saigon theo học lớp báo chí ở Việt Tấn Xã. Chẳng có hy vọng gì gặp lại những con người “larger than life” này.

3.

Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều… Ở Mỹ hiện nay người ta đang vào mùa tựu trường. Và người ta đang nói nhiều đến cuộc khủng hoảng trong ngành giáo dục ở Mỹ, cuộc khủng hoảng kinh tế suy thoái, và một tình hình nói chung nhìn đâu cũng thấy khủng hoảng. Riêng về cuộc khủng hoảng giáo dục, dường như tôi đã cảm thấy được điều này trong bấy lâu nay, mặc dù “nói chẳng ai nghe”, qua quan sát được một phần lối học, lối sống, lối ăn nói của sinh viên Mỹ mà tôi đã gặp nơi làm việc, là thư viện của trường đại học Utah. Ở Mỹ, “khách hàng luôn luôn đúng”, “khách hàng là thượng đế”, những câu nói mà bây giờ ở Việt Nam người ta đã thuộc, cho dù người dân còn lâu mới là khách hàng. Khách hàng của một thư viện là các giáo sư, các người nghiên cứu, sinh viên, và cả những người homeless - cứ nhìn những va li và những thứ đồ lỉnh kỉnh họ mang vào trong những backpacks thì biết nhà cửa của họ ở đâu. Nước Mỹ là thiên đường của chủ nghĩa cá nhân, ý thức về chủ nghĩa xã hội trong nghĩa sống phải biết người khác rất thiếu ở nhiếu ngưòi, cứ xem thái độ của “khách hàng” vào thư viện là thấy rõ điều đó. Người ta có thái độ tự nhiên xem là đương nhiên tất cả những gì họ có quyền được hưởng, đúng họ là ông trời, là thượng đế, đến mức càng ngày càng thiếu thái độ văn minh, lịch sự cần thiết. Và cứ xem người ta sử dụng thư viên như thế nào ngày nay! Đúng là “sách báo ích gì cho buổi ấy”! Người ta ngày nay chẳng đọc báo, mặc dù nhà trường bỏ tiền ra mua báo New York Times, Wall Street Journal, USA Today, Salt Lake Tribune, Deseret News… cho không như báo chợ, lý do đơn giản là để biết tin tức người ta cứ xẹt vào cnn.com là biết hết mọi chuyện. Quầy circulation của thư viện bị giảm ngưởi làm mạnh mẽ, bời vì sinh viên ngày càng ít mượn sách, trả sách, chẳng them “thó” sách. Người ta ngày nay cần gì? Ngay cả những web sites chuyên vế nghiên cứu của các bộ môn khác nhau mà những người làm ở thư viện từng phải học để hướng dẫn cho sinh viên như Academic Search Premier, PsyInfo, Business Source Pemier, Econlit… sinh viên thời nay lúng túng hơn thời trước, bởi vì một đàng người ta cấn có kiến thức tổng quát khá hơn đề tận dụng những tư liệu trong thư viện, một mặt khác là sinh viên ngày nay lệ thuộc quá nhiếu đến như hoàn toán vào google.com, vừa ít tốn thì giờ nghiên cứu, vừa không cần phải sáng tạo, và nhiếu khi có người viết sẵn, làm sẵn, mà sinh viên chỉ cần “copy” và “paste” - chẳng phải thấy giáo nào cũng khó tính, bắt bẻ người sao chép vế tội “plagiarism”. Thư viện của đại học bây giờ, nhất là vào buồi chiếu và tối, giống như nơi cho người ta vào xem phim, chơi game trên máy miễn phí.
 Nhưng quan sát cách sinh hoạt của các trường và của sinh viên và nhìn tình hình của nước Mỹ, xã hội Mỹ ngày nay, người ta khó tránh được một tâm trạng hoang mang, bất định về vai trò hay sứ mệnh của các đại học ở đây. Dĩ nhiên, các dại học Mỹ vốn nổi tiếng thành công trong mục đích truyền bá kiến thức chuyên môn, chuyên ngành mà người đi học tìm kiếm. Và vào một thời nào đó, việc truyền bá kiến thức này được coi như là đã đủ đề cho đại học Mỹ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trong cái thời mà nước Mỹ dang thay đổi, chuyển biến, thế giới đang thay đồi, chuyển biến, thỉ cái sứ mệnh như thế đã đủ chưa. Bởi vì con người ta không thế cá nhân chủ nghĩa quá để quên rằng mình còn là của tập thế, của xã hội, của đất nước; nhà trường cũng chẳng thể quên được sứ mệnh đào tạo ra những con người có ý thức về tập thể, xã hội, đất nước và có ý hướng phục vụ tập thề, xã hội, đất nước như sự đeo đuổi một sự nghiệp trong đời. Trước sự phân hóa cùng cực hiện nay ở Mỹ, trước sự tranh cãi không cùng hiện nay về “nhân dạng” người Mỹ, trách nhiệm của giáo dục Mỹ hiện nay là ở chỗ nào.
Có một cuốn sách nhiều khi tôi muốn viết nhưng có lẽ sẽ không đủ sức viết và cũng e rằng không có ngưòi đọc. Sách có tựa: “Như thế nào những trại công tác đã làm tôi nên người?”. Tôi tham gia Hội Thanh niên Thiện chí Công tác và Nghị luận của Dalat vào khoảng giữa năm 1965. Một phần bởi vì sống xa nhà cho nên tôi rất dễ gắn bó với những người của hội. Nhưng nói như thế không phải để khỏi nói đến những tác động êm thắm của người chung quanh đối với tôi làm cho tôi đưa con người “TTS/TT” mà Cộng Sản chẳng ưa của mình hội nhập với tập thể. Qua những trại công tác, ý thức về tinh thần tập thề đến với tôi dễ dàng: đó là ý thức vế sự việc mình là một thành phần trong một tập thể (a sense of belonging) với đầy đủ lợi ích và trách nhiệm của một thành viên. Lợi ích đó là tình thân ái trong đời sống tập thể, và trách nhiệm là làm tăng tình thân đó bằng cách cùng làm việc với những người khác trong mục tiêu chung của tập thể, và con người chỉ có thể làm việc được với nhau hữu hiệu nếu chủ nghĩa cá nhân ít đi, và nhìn người khác qua những mặt tích cực mà không bị ám ảnh hay phiền hà vế những gì chúng ta cho là tiêu cực. Chẳng có ai tôi quen biết trước cả, từ Trần Văn Minh, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyển Quang Tuyến, đến Nguyễn Khải, Trần Đại, Trần Khánh Tuyết, Trần Túy Nga (sao họ Trần và họ Nguyễn nhiều thế), nhưng chúng tôi nhanh chóng xáp lại với nhau, làm như chơi nên nhiều chuyện lớn, và chắc chắn trong tập thể này phải kể đến những người bạn đáng quí, lắm tình người là Chris Jenkins và Dick Beard của tôi. Vào cái thời chúng ta đang còn trẻ thế, đang còn hăng thế, thế mà tuyệt diệu thay chúng ta luôn luôn giữ được hòa khí mà cả tình anh em, đống đội, gia đình – mà chẳng cần ai phải ca lên bài hát “Quê hương anh nước mặn đồng chua…”.
Tập thể này đã chứng tỏ được sức mạnh cũa mình, có lẽ bởi vì chẳng ai nghĩ đến riêng mình trong đó. Chúng tôi có trụ sở, có thư viện; chúng tôi tổ chức đi trại công tác làm đường, làm nhà giúp dân; chúng tôi ra báo, mở lớp học; chúng tôi tổ chức các buổi ca nhạc dân tộc, các hôi thảo…Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến các chuyến đi công tác, từ gần tới xa, từ làm đường ở dốc Nhà Bò, đi sơn quét cho trường tiêu học Xuân An mà tôi một thời đã mài đủng quần ở đó, làm con đường từ Nhà Xác dẫn xuống Hai Bà Trưng… đến những trại Suối Thông A, Suối Thông B… Không có những trại đó, làm sao có thể nẩy nở trong đầu những ý thức vế xã hội, vế tình cảm với những người dân nghèo, với những người dân thiều số, với những người tuyệt vọng ở các trại cùi, với những bà xơ cực kỳ can đảm sống hoàn toàn quên mình ... Không có những trại công tac ở Long Xuyên, ở Cam Lộ Đông Hà quê tôi trong khói lửa của mủa hè năm 1967… làm sao chúng ta cảm nhận được một quê hương ở miền trung đau đớn trong chiến tranh ngu xuẩn, và môt quê hương ở miền nam yên bình với những người dân hiến hòa, an phận trong cảnh sông nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Không có những buổi ca nhạc Ca khúc Da vàng, Phạm Duy/Steve Addis, Du ca… làm sao ta biết được những bài ca như “Giọt Mưa Trên Lá”, “Để lại cho em” hay”Tiếng Hát To” để hiều được những đau thương lịch sử của đất nước và sự bất hạnh không cùng của dân tộc mà lỗi lầm chính là ở chúng ta.

4

Thông thường, người ta phải viết xong mới đặt tựa. Tôi đặt tựa cho bài viết này trước khi “đặt bút” viết nội dung. Ở tuổi chúng ta, ai cũng đang ở trong quá trình “à la recherche du temps perdu” – đi tìm một thời đã mất. Đây là một cuộc tìm kiếm vô tận - vừa tìm kiếm vừa thải đi những gì muốn thải vừa giữ lại những gì muốn giữ. Bắt đầu thì dễ. Kết thúc thì khó. Chỉ có “tản mạn” mới giúp người viết kết thúc mà lương tâm không bị cắn rứt với chính mình vì một “symphonie inachevée”. Tôi đã từng góp mặt trên nhiều đặc san Thụ Nhân – cũng nói năng huyên thiên bằng cách cố gợi trí nhớ mông lung để thấy vui hơn trước con đường ngắn ngủi trước mặt. Lúc bàn chuyện này lúc bàn chuyện khác, nhưng vẫn chỉ là những chuyện đáng nhớ của một thời đáng nhớ.
Trong cuộc sống, chúng ta đã nhiều lần phải quyết định, việc nhỏ, việc lớn. Có việc làm đuợc, làm đúng; có việc không làm được, làm sai. Có lần đải BBC của Anh, RFA của Mỹ, RFI của Tây phỏng vấn tôi, hỏi rằng nếu ngài được sống lại thời xưa cũ, có quyết định gì ngài thấy hối tiếc và nếu có cơ hội ngài sẽ làm khác hay không. Tôi trả lời chẳng nhớ những gì mình muốn vặn ngược đồng hồ trở lại. Nhưng chăc chắn có một việc tôi chẳng ưa tí nào, đó là hai năm đúng “học tập cải tạo”, một sai lầm nhỏ cho một người và một tai họa to lớn của cả một chế độ. Và có hai quyết định tôi sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Thứ nhất, đó là quyết định lên Dalat học. Sau này tôi còn lang thang đến vài chỗ khác, nhưng nếu không “từ đó bắt đầu cả một dời”, thì làm sao tôi có thể biết được vũ trụ mênh mông, kiến thức loài người như biển lớn, những gì mình có chỉ như là ao hồ không đủ cho con thuyển lướt lên như một dòng sông? Chuyện thứ hai, tôi sẽ không bao giờ nói vì là chuyện riêng tư, nhưng muốn biết thì cứ hỏi sư muội của tôi. Người ta tìm hỏi bà, bà cũng chẳng trả lời rõ ràng, chỉ đáp “Anh ấy đã quyết định, bao giờ mà chẳng đúng!”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Giêng 2022(Xem: 3611)
“Xin đừng hót những lời chim chóc mãi/ Đừng lớn lối khi dân lành ốm đói/ Vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn…”
20 Tháng Giêng 2022(Xem: 3682)
"Vụ tham nhũng Việt Á, vụ cổ phiếu FLC ở Việt Nam gần đây cho thấy dường như có một thế lực vô hình đang thao túng chính sách, lũng đoạn thị trường mà nếu không được vạch mặt chỉ tên và có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì đất nước sẽ suy sụp."
11 Tháng Giêng 2022(Xem: 3643)
"Tựu chung Trung Quốc đang ấp ủ những tham vọng rất lớn nhưng đồng thời vẫn là một ông khổng lồ với nhiều nhược điểm mà những nhược điểm đó có thể bị các đối thủ khai thác trong cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng về mặt địa chính trị »."
11 Tháng Giêng 2022(Xem: 4216)
"Dư luận Việt Nam đã rúng động mạnh mẽ và bức xúc dữ dội khi vụ kít xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (gọi tắt là kít xét nghiệm COVID-19) của Việt Á bị phanh phui với nhiều tình tiết bất thường liên quan tới sự can dự của nhiều cơ quan nhà nước và bộ chủ quản."
01 Tháng Giêng 2022(Xem: 3747)
"Còn bài điểm sách của Jude Blanchette trên tờ Washington Post viết: "Sách của Shum nổi bật như một tài liệu nội bộ chân chính hiếm hoi về mối quan hệ ngược hẳn chủ nghĩa xã hội giữa tiền bạc và chính trị trong hệ thống chính trị độc tài của Trung Quốc. Sách phải đọc cho bất kỳ ai quan tâm đến việc xuyên thủng lớp tuyên truyền được kiểm soát và dàn dựng cẩn thận mà Bắc Kinh đã dựng lên."
28 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3744)
- ĐẠI TỈNH THỨC MÙA GIÁNG SINH - ĐẠI DỊCH CHÍNH TRƯỜNG - MỘT CUỘC CHIẾN TỒI TỆ - THẤT NGHIỆP? LẠM PHÁT? QUẲNG GÁNH LO ĐI!
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3825)
"GS Vũ Quốc Thúc là một CÂY ĐAI CỔ THỤ trong làng Luật VN. Ông được coi như những ngườì đã dày công xây dựng trường Luật của VNCH ngay sau khi người Pháp rút về nước. Ông cũng còn là một chính khách lỗi lạc của VN trong mọi thờì đại và được kính mến của nhiều thế hệ trí thức của nước nhà."
20 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 4214)
"Ngày 19 ta cùng thờ lạy 20 năm nhớ lại ơn thiêng Đức Ông quá vãng quy tiên Về nơi vĩnh phước linh thiêng trên trời."
16 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3879)
"Điều hiển nhiên nhất hiện tại là liên hệ ngày càng khắng khít giữa Qatar với Trung Quốc về kinh tế, đầu tư và thương mại. Kèm theo đó sẽ là những « ảnh hưởng về phương diện ngoại giao và quân sự » trong tương lai."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468