“Để Ngân đi chơi chút rồi sẽ về!”

30 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 24156)
“Để Ngân đi chơi chút rồi sẽ về!”
“Để Ngân đi chơi chút rồi sẽ về!”

634188045401932601_288x243









Teresa Ngan – ảnh tài liệu gia đình
Vũ Hằng/Viễn Đông

Cái Đẹp của 2 nền văn hóa

Mỗi lần nhìn thấy một cái tên Việt Nam chiếu sáng trên “võ đài” thế giới – như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh của Ngũ Giác Đài, Đại Tá Lương Xuân Việt, Lữ Đoàn Trưởng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, Giáo sư Đinh Việt, nguyên phụ tá Thứ Trưởng Tư Pháp trong chính phủ Tổng Thống Bush… tôi lại có thêm một bằng chứng về “cái Đẹp của 2 nền văn hóa”, nghĩa là, họ trổi vượt lên trên, không phải chỉ vì họ giỏi văn hóa Mỹ, điều đó thì đã hẳn, nhưng họ còn có cái nền để cho tinh hoa đó phát triển: Đó là nền văn hóa Việt được ông bà, cha mẹ, và bầu không khí lành mạnh trong gia đình đặt vào lòng họ. Và tôi vẫn dùng cái tiêu chuẩn này để nhận xét về những gương mặt trẻ mà tôi gặp được đâu đó trên bước đường nghề nghiệp… Chẳng hạn như cô bé hôm nay: Kim-Ngân. Tôi gọi như vậy, nhưng nhà trường gọi cô là Teresa Ngân Kim Ngọc Trần.

Lúc đầu tôi cứ nghiễm nhiên coi cô như một Teresa Hài Đồng Giê Su khác, vì cái giọng nói trong trẻo và nét đẹp thơ bé của cô. Nhưng Kim Ngân cải chính, “Quan thầy của con là Thánh Teresa Cả”. Tôi bật cười, vì cứ như tôi thì… đành chịu, mê Teresa Hài Đồng suốt 40 năm qua, tôi chỉ biết có một vị thánh nữ xinh đẹp 24 tuổi đó mà thôi. Mà cái cô bé 16 tuổi này cũng… đáo để! Thời buổi bây giờ nhớ được tên vị thánh quan thầy của mình đã là giỏi, nói gì đến phân biệt giữa những vị trùng tên? Nhất là đối với một thiếu nữ lớn lên ở Mỹ. Quả vậy, trông Kim Ngân “fit” không khác gì như một cô gái Mỹ, chỉ có điều là em nhỏ nhắn hơn và dịu dàng hơn. Nhưng sự thành tựu của em, những gì em vượt hơn những người đồng trang lứa, thì tôi cho rằng đó là nhờ cái nền tảng Văn Hóa Việt Nam, mà em tiếp nhận được từ trong không khí gia đình.

Những ngày khó khăn

Rời Việt Nam lúc mới được 8 tuổi rưỡi, khi còn đang học lớp 3, kỷ niệm về Việt Nam thực sự không có gì nhiều, ngoài một chú chó bông mà Kim Ngân mang theo đến Mỹ. Hôm chia tay với mọi người, cô bé còn hò hẹn, “Để Ngân đi chơi chút rồi sẽ về!”.

Nhưng cô bé không ngờ đây là chuyến đi đổi đời, với những thử thách quyết liệt đang chờ đợi ở đầu kia. Nhập học lớp bốn, những ngày đầu tiên trong trường quả thực là gian nan đầy nước mắt. Là con gái út, nhưng mấy năm nay đã trở thành đứa con độc nhất trong gia đình, sau khi người chị đi lấy chồng, Kim Ngân được thương yêu, cưng chiều, chăm sóc hết mực, nên đương nhiên là rất… mít ướt. Những ngày đầu tiên ở trong lớp, con bé nước mắt doanh tròng, ngồi ngó tập vở, bảng đen và những gương mặt xa lạ. Không hiểu người ta đang nói cái gì, nhưng chắc chắn là không nói tiếng Việt, cái tiếng thương yêu bé vẫn được nghe ầu ơ trong tay mẹ. Chỉ còn một thứ quen thuộc hiện ra lờ mờ qua hàng nước mắt.

Không hiểu sự mộng mơ làm sao mà chen vào được giữa những căng thẳng ấy, Kim Ngân đã có một sáng kiến rất lạ: Len lén kiếm những sợi tóc đen huyền của mẹ đem kẹp trong tập vở. Có thể nhờ đó, những sợi tóc trước mặt và hình ảnh mẹ ở trong tim, con bé chịu đựng được sự tra tấn của cô đơn trong mấy ngày đầu. Nhưng sau đó thì hiện tượng lạ này bị bạn bè phát giác. “Chắc tụi nó sợ ô nhiễm… tóc nên trình với cô giáo”, Kim Ngân kể lại. Ơ, phải chi cả cái lớp Bốn trong cái trường tiểu học ở miền Nam California này ô nhiễm được sự hồn nhiên đầy thơ mộng của cô bé Việt Nam! Nhưng người Mỹ thực tế hơn nhiều, nên sợi tóc bị cấm. Những ngày kế tiếp, không có sợi tóc của mẹ, con bé cô đơn hơn, và vẫn không hiểu thêm được một chữ tiếng Anh nào.

Nhìn trân trân lên bảng, Kim Ngân như nhìn thấy gương mặt mình với muôn ngàn dấu hỏi bao quanh. Cô liền vẽ ra trên giấy trắng gương mặt một nữ sinh với những giọt nước mắt đang rơi trên má, và… một triệu dấu hỏi quay cuồng trên đầu. Rồi Kim Ngân giơ cao lên cho cô giáo thấy. Một sáng kiến lạ và táo bạo không ngờ. Cô giáo không thể nào phủ nhận được cái tín hiệu không lời ấy, và thu xếp cho Kim Ngân vào một lớp… yếu về Anh Văn. Đó là biện pháp giúp đỡ duy nhất của nhà trường. Phần còn lại là những nỗ lực của một con bé 9 tuổi vừa bị nhổ rễ, để trồng lại trong một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Vậy đó mà chỉ vài tháng sau, là cô bé có đủ tiếng Anh để theo kịp các bạn, và thêm mấy tháng nữa là Kim Ngân đã được ghi nhận là học sinh giỏi.

Hỏi về kinh nghiệm vươn lên trong những ngày ấy, Kim Ngân chỉ có câu trả lời đơn sơ: “Con cố gắng tự học, có gì không biết thì điện thoại qua hỏi chị con ở Canada. Gấp quá thì con hỏi ba…”.

Nhưng có lẽ ba của Kim Ngân không biết gì nhiều để giúp em. Anh có sự cần cù nhẫn nại, cái khéo tay của người thợ, cộng thêm ít nhiều giai thoại về các nhà thơ tiền chiến, nhưng giỏi tiếng Mỹ thì không. Vậy mà con bé cũng nặn được từ cha những lời chữ cứu nguy cho mình, trong những ngày bươn chải gian nan đó. Tôi nghĩ chắc anh Nhân, cha của Kim Ngân, dạy cho em sự kiên nhẫn, tính kiên cường trong dòng máu Việt Nam. Còn mẹ? Mẹ giúp em về môn Toán. “Cô giáo” này dạy em làm toán với một bảng cửu chương, mà em còn giữ gìn trân quí đến ngày nay.

Những thành tựu cần phải… che giấu!

Cô bé nói về những kỷ niệm ngày đó với đôi mắt long lanh, dường như chúng mới xảy ra ngày hôm qua và còn rất sống động trong ký ức. Nhưng Kim Ngân bây giờ đã là một học sinh giỏi, được tặng bằng khen của Tổng Thống Hoa Kỳ về thành quả học vấn xuất sắc trong năm lớp Chín, hai lần được xếp vào danh sách Top 25 Best Students (25 học sinh giỏi nhất) trong năm lớp 10 của trường Western High School. Nhà trường tuyên dương, bạn bè nể phục. Ngân có nhiều lý do để hãnh diện, nhưng em không cho rằng đó là điều đáng phô trương. Lúc đầu em giấu kín, cho đến khi mẹ em vô tình thấy được tờ chứng chỉ. Chúng ta có thể tưởng tượng được niềm vui của người phụ nữ Việt Nam như thế nào, khi nhìn thấy thành quả âm thầm của con. Chị muốn khen con, muốn tưởng thưởng cho con, và… cũng muốn trách con sao không chia sẻ với mẹ cái niềm vui đó, thì em bẽn lẽn trả lời, “Tại con thấy rằng chưa làm được gì nhiều…”. Cô bé không hiểu được tâm lý người mẹ. Nhưng tôi tin là Kim Ngân nói thật, em cho rằng kết quả đó là đương nhiên, đối với một người ham học như em, một người có khả năng đọc nhiều, hiểu nhanh, đọc ở mọi nơi mọi lúc… Khả năng đó đã được công nhận và tuyên dương qua chứng chỉ Pioneer Reader Award trong mùa Thu 2009 vừa qua. Thành tích của em đã lọt được vào mắt xanh của trường Đại học University of California, Irvine: Mới đầu năm lớp 10 mà em đã được mời tham dự học trước 4 năm đại học (Early Academic Outreach Program) tại đây. Dĩ nhiên, ngay cả cái vinh dự đồng thời cũng là một thách thức lớn lao này, em cũng giấu… ba má!

Thực sự trong tâm hồn Kim Ngân, luôn luôn đầy ắp tâm tình dành cho cha và mẹ. Em nói: “Ngay cả bây giờ, nếu có gì không hiểu về môn hóa học, số học, hoặc lượng giác, con vẫn phải hỏi ba… Những gì con có được ngày hôm nay là do ba con chỉ dạy. Ba mẹ hy sinh cho con nhiều, ba mẹ là gương sáng cho con học theo”.

Và dường như đối với em lúc này, cái kinh nghiệm nổi bật, cái kinh nghiệm duy nhất cô có thể “truyền” lại cho những bạn Việt Nam sẽ đến sau, những người mà cô biết sẽ trải qua cùng những gian nan như cô trên đất mới, đó là: “Nếu các bạn có nản chí, thì hãy nhìn vào ba má mình đi. Hãy nhìn vào những gì ba má mình đang làm cho mình đi!”. Chắc ba mẹ em không nghe được câu nói này, tôi nghĩ thế. Bởi vì, như tôi, bạn và nhiều người khác, em đã kịp thời học được một… thói xấu rất Việt Nam, đó là “đè nén thương yêu ở trong lòng”, cho dù đối với những người chúng ta yêu quí nhất.

Cái bệ phóng của tuổi trẻ Việt Nam

Có lẽ rồi em sẽ Mỹ hơn, em sẽ có những cách biểu lộ ồn ào hơn, nhưng cái tâm hồn Việt Nam, cái căn cước Việt Nam thì em cho rằng nó mới là động lực thúc đẩy, để em tiến tới những thành tựu cao hơn và xa hơn. Em nói, “điều quan trọng nhất mình là người Việt Nam. Cho dù bây giờ sống ở Mỹ, màu da vàng của mình có hơi sáng lên một chút, nhưng mình vẫn là người Việt”.

 
634188049460694749_288x169




 


Teresa Kim Ngân trước cửa trường – ảnh tài liệu gia đình

Tôi cũng nghĩ như vậy, và đó mới là cái điều đáng nói về người thiếu nữ này. Cô gái 16 tuổi, rời Việt Nam khi hình ảnh làng xóm, quê hương vẫn còn nhập nhòa, thì cái văn hóa Việt Nam lấy gì mà định hình trong tâm hồn cô bé? Vậy đó, nhưng càng lớn lên ở Mỹ, càng xác định được vị trí của mình trong nhà trường Mỹ, thì cô bé lại càng tin rằng mình là người Việt, mình phải làm một cái gì đáng hãnh diện trong tư cách là người Việt.

Một nhà văn - ông Trà Lũ thì phải, hay là ông trích lại lời của nhà văn khác tôi không rõ, xin thành thực xin lỗi quí ông - ví thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên trên đất Bắc Mỹ giống như trái chuối, có ruột trắng mà cái vỏ thì vẫn vàng. Ruột trắng là cái đầu Mỹ, lối suy nghĩ kiểu Mỹ, cái vỏ vàng thì rõ ràng là màu da Việt Nam. Người bản xứ chỉ nhìn thấy các em qua mầu da vàng, nhưng trong đầu nhiều em thì lại nghĩ rằng mình là trắng. Tiếng Việt trở nên một ngôn ngữ… xa lạ, đến nỗi nhiều em không biết nói tiếng Việt, nói gì đến việc chia sẻ được tâm tình Việt. Bước vào cuộc đời, các em hăng hái nhập cuộc với ý nghĩ mình cũng “trắng” như mọi người. Nhưng phải nhận là nhiều lúc em hơi khựng, không hiểu tại sao nhiệt tình của mình không được hoan nghênh trong một số đoàn nhóm nào đó, ngay khi họ vừa nhìn thấy em trong màu da của quả chuối chín vàng. Em khác họ! Vậy thì em là ai? Em giống ai? Đó là câu hỏi quay quắt trong đầu em suốt những tháng ngày bơ vơ, khi mà “chùa lớn không dung mà miếu nhỏ thì chưa muốn về!”. Có thể là em chưa biết lối về. Dễ lắm. Trước tiên, hãy học lại tiếng Việt, hãy tìm về với gia đình mình trước. Rồi từ đó, em sẽ có một cái nền, một bệ phóng để tiến tới những bến bờ xa hơn, không thua gì những người bản xứ, và có thể vượt xa người bản xứ. Nhưng quan trọng hơn cả, em sẽ tìm thấy một nơi di dưỡng để tâm hồn em hạ cánh khi mệt mỏi, để em tưng bừng chia sẻ khi thành công. Chính tại cái không gian bé nhỏ này, và rộng hơn một chút, cái cộng đồng những người cùng chia sẻ với em một nền văn hóa của quê cha đất tổ, mà em tìm lại được mình. “Miếu” tuy vẫn nhỏ nhưng vị trí của nó thật lớn trong lòng em; và “chùa” tuy vẫn lớn nhưng có em, như bông hoa lạ với mùi thơm quyến rũ, sẽ còn bát ngát và phong phú hơn nữa: Em không phải e dè ở ngưỡng cửa “chùa”, mà “chùa” còn hân hạnh chào đón em!

Đó là giải pháp mà thiền sư Nhất Hạnh nêu ra trong một bài giảng “Cái đẹp của hai nền văn hóa”, mà chúng tôi dùng làm tựa của bài viết này.

Tôi còn nhớ một vị linh mục trẻ, ít nhất là trẻ ở cái lúc tôi nghe ông tuyên bố những lời này trong một thánh lễ cho cộng đồng Việt Nam: “Quí ông bà đừng sợ con cái mình không nói giỏi tiếng Mỹ, mà hãy sợ chúng quên tiếng Việt”.

Bởi vì, tiếng Việt, nó chính là cái cầu nối với gia đình và văn hóa của quê cha đất tổ.

Đó là lý do tại sao tôi thấy có nhiều em, khi còn bé không biết nói tiếng Việt, lớn lên đi làm, em lại tự động tìm học tiếng Việt, dấn thân vào những công tác làm đẹp cộng đồng gốc của mình… Đó cũng là lý do tại sao tôi như nhìn thấy mình trong niềm hãnh diện Dương Nguyệt Ánh, niềm tự hào Lương Quốc Việt…

Thế nhưng Kim Ngân dường như vẫn còn nợ chúng ta một câu hỏi, “Một con bé sang Mỹ lúc 8 tuổi, thì đã biết gì về văn hóa Việt Nam?”. Có lẽ em chỉ có thể trả lời một cách gián tiếp, đó là “hãy nhìn vào ba má con đi, vào cái cách mà ba má săn sóc gia đình và yêu thương con đi!”. Đôi vợ chồng trẻ – Nhân và Thủy – bị nhổ rễ khỏi đất Biên Hòa và làm lại cuộc đời trên xứ lạ, họ có đủ những khó khăn của một gia đình di dân, phải cưu mang con nhỏ trên đất Mỹ. Nhưng họ vẫn giữ được sự nền nã của những con người “chịu thương chịu khó”, “chín bỏ làm mười” và “một sương hai nắng”, để xây dựng một gia đình hạnh phúc… Cái đó tôi hãnh diện gọi là nền văn hóa Việt Nam, là cái tinh hoa mà Kim Ngân đã tiếp nhận được từ trong cái “nôi” của gia đình em.

Sân trường vẫn còn đầy thử thách, đòi hỏi Kim Ngân nhiều cố gắng hơn nữa. Lớp 11, lớp 12, rồi cái chương trình học trước bậc Đại Học… Công việc xem ra còn nhiều lắm. Ấy là chưa kể những việc thiện nguyện mà em đang làm với nhà trường – dạy kèm tiếng Anh cho các bạn mới – và công tác giáo lý viên nơi xứ đạo… Cố lên Kim Ngân, và muôn vàn Kim Ngân khác của dòng dõi Việt Nam. Các bạn là tinh anh của hồn thiêng sông núi Việt. Cha mẹ, anh chị, các bác và cô chú… cầu chúc sự lành và thành công cho các bạn.

(Nguồn: viendongdaily.com)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười Một 2021(Xem: 3770)
"Hôm nay nhiệt kế có lúc lên tới 103. Bác sĩ gia đình trấn an nếu chưa có ... thì vẫn hy vọng chưa dính Covid. Đành phó mặc ông trời vậy”. Ông trời đã quay mặt đi!"
17 Tháng Mười Một 2021(Xem: 3777)
12 Tháng Mười Một 2021(Xem: 5543)
Lời Mẹ Ru - Nhạc Trịnh Công Sơn - Ca Sĩ Khánh Ly
11 Tháng Mười Một 2021(Xem: 3848)
"Bài sau đây của ông Trần Khánh Triệu (Nguyễn Tường Triệu) đã đăng ở báo Thế Kỷ 21 số tưởng niệm Khái Hưng, tháng 12 năm 1997."
04 Tháng Mười Một 2021(Xem: 3828)
NƯƠNG CHIỀU - Nhạc PHẠM DUY - Ca sĩ MAI HƯƠNG
02 Tháng Mười Một 2021(Xem: 6031)
"Nhắn gởi bạn về thăm Đà Lạt Ghé lại lầu chuông cạnh mái trường Phất nhẹ hộ tôi tường đá bụi Có thấy gì không chút khác thường ?"
30 Tháng Mười 2021(Xem: 4268)
"Sự nuối tiếc về cái chết của ngài mà hậu quả là Việt Nam giờ đây chìm trong tối tăm dưới cái bóng khổng lồ của Trung Cộng. Xót xa, nuối tiếc cho một cuộc đời, nuối tiếc cho cả một dân tộc!"
24 Tháng Mười 2021(Xem: 6392)
"Thụ nay nhớ lại thu năm cũ Những lần vui đón Bạn phương xa Tiếng cười hội ngộ còn đâu đó Lao xao hình bóng những ngày qua …"
22 Tháng Mười 2021(Xem: 4208)
"Xuất thân từ một vùng thôn quê, cách thị xã Bạc Liêu 16 cây số, cậu học sinh lớp 11 năm nào, người từng định nhảy xuống biển bơi ngược về nhà trên chuyến tàu vượt biên, giờ đây, đã có thể hãnh diện tự tin ngồi đối thoại, thuyết trình cùng những nhà khoa học Mỹ về các đề án cải tiến kỹ thuật cho việc thám hiểm mặt trăng của cơ quan nghiên cứu không gian NASA."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468