Mùa Giông Bão OBAMACARE (Hoàng Ngọc Nguyên)

12 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 19346)
Mùa Giông Bão OBAMACARE (Hoàng Ngọc Nguyên)


THỜI CUỘC TRONG TUẦN
 

MÙA GIÔNG BÃO OBAMACARE


Hoàng Ngọc Nguyên
 

 

image001_397-content

 



Cuộc xung đột triền miên, thường trực giữa Tổng thống Barack Obama một bên và những người Cộng Hòa bảo thủ tại Hạ Viện một bên tuy không hẳn đã tạm lắng dịu phần nào trong một hai tháng qua, nhưng chìm trong hỏa mù cho nên người ngoài nhìn vào chẳng thấy được nhiều chi tiết. Tuy nhiên, giai đoạn đó có thể sắp biến chuyển, vì mùa hè nóng bức đang tới, và phia Cộng Hòa đang chuẩn bị mở lại trận địa Obamacare, tức luật cải cách y tế của ông Obama được ban hành từ 2010, không phải để tiêu diệt người đang tạm cư tại Nhà Trắng mà nhằm củng cố lại hàng ngũ của chính mình.

Mặt trận Obamacare là một chiến địa được ưa chuộng, quen thuộc với người Cộng Hòa – ai cũng có thể xung phong làm chiến sĩ “jihad” tử vì đạo được, nhưng theo giới quan sát thì chẳng có cuộc chiến nào tuyệt vọng hơn. Nếu chẳng thế, hai chương trình An sinh Xã hội (Social Security) từ thời 1935 và Medicare, Medicaid từ năm 1965 đã chẳng còn tồn tại cho đến bây giờ. Và theo những nguồn tin từ giới ngân sách tài chánh tại Washington, thì triển vọng của Medicare đã được cải thiện nhờ nền kinh tế đã mạnh hơn cùng sự gia tăng chậm hơn nơi chi tiêu y tế, trong khi tình hình tài chánh của chương trình An sinh Xã hội cũng chẳng xấu hơn, cho dù vẫn còn là vấn đề về lâu về dài.

Thế nhưng tiếng trống vào trận đã được gióng lên, thì người ta đương nhiên sẽ xông vào.

Theo Bộ trưởng Ngân khố Jacob J. Lew, “Những dự phóng trong báo cáo năm nay về ASXH chủ yếu là chẳng có gì thay đổi so với năm ngoái, trong khi tình hình về Medicare đã cải thiện được phần nào”. Theo giải thích của giới hữu quyền, tình hình tài chánh của Medicare đã sáng sủa hơn phần nào là nhờ mức chi tiêu thấp hơn dự báo cho các nhà an dưỡng chuyên ngành (skilled nursing homes) và những chương trình Lợi điểm Medicare (Medicare Advantage) tư nhân. 

Chính quyền đã cho biết quỹ tín thác bảo hiểm bệnh viện của Medicare sẽ bị cạn vào năm 2026 (tức khoảng 13 năm nữa), trong khi quỹ ASXH cũng sẽ hết tiền vào năm 2033. Trong báo cáo năm 2012, người ta đã đưa ra hạn kỳ 2024 cho Medicare, và 2033 cho ASXH. Những chương trình này là phúc lợi sinh tử cho hơn 57 triệu người, và tính ra một ngày, trung bình có thêm 10.000 người già trong thế hệ “baby-boom” hậu chiến bắt đầu có đủ điều kiện để được hưởng những phúc lợi này.

Tiền ASXH, mà chúng ta vẫn quen gọi là “tiền già”, và Medicare, mà chúng ta vẫn gọi là “tiền bệnh”, là hai khoản sống còn của người già mà chính phủ vẫn phát ra hàng tháng. Thế nhưng hai khoản này có nguồn gốc từ những đóng góp của người đi làm lấy từ tiền lương hàng tháng của họ (thuế lương bổng 6.2%) và gom vào một quỹ ASXH do chính phủ quản lý – theo nghĩa vừa gìn giữ vừa sinh lợi. Tuy nhiên, cân bằng giữa số tiền trong quỹ và thực chi là chuyện khó, một phần vì sau khi về hưu, người ta có thể sống lâu hơn mức “kế hoạch”; phần khác là vì thế hệ “baby-boom” bước vào tuổỉ hưu trí nhanh quá, đông quá, cho nên quỹ này phải chật vật xoay sở và hao hụt nhanh chóng. Những mức phúc lợi hứa hẹn khả quan trước đây ngày càng khó bảo vệ vì lý do đơn giản: càng ngày mứcthu vào hàng năm càng không đủ trang trải mức phải chi ra. Người ta nói rằng thuế lương bổng cùng những thu nhập khác dành cho ASXH sẽ chỉ đủ để trả ¾ tiền phúc lợi cho ngưòi thụ hưởng khi quỹ tín thác này hết tiền.

ASXH, có từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt, chiếm khoảng 1/5 ngân sách cua chính phủ liên bang. Hai khoản Medicare và Medicaid), có từ thời Tổng thống Lyndon Johnson, còn tốn kém hơn ASXH một tí (khoàng 21%). Về Medicare và Medicaid, tức những chi phí y tế mà chính phủ phải bỏ ra cho người thụ hưởng (những người già và người nghèo), thì nhờ năm nay lợi tức thuế của liên bang có gia tăng, đồng thời sự gia tăng nơi chi phí y tế cũng đã chậm lại, cho nên chính phủ có phần nào cảm thấy dễ thở. Theo bà Bộ trưởng Y tế Kathleen Sebelius, chi tiêu cho Medicare tính trên đầu người thụ hưởng năm vừa qua đã gia tăng chỉ có 0.4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lâu nay. Tuy nhiên, số người thụ hưởng Medicare sẽ gia tăng nhanh chóng, hiện nay là 52 triệu, và 12 năm nữa có thể lên đến 73 triệu. Thách đố về lâu vể dài chính là ở chỗ đó. Đó là chúng ta chưa nói đến sự mở rộng cho chương trình Medicaid, một khi Đạo Luật Chăm sóc Y tề trong Khả năng (Affordable Care Act), thường được gọi là Obamacare, được áp dụng đầy đủ.

Ai cũng nói, và cũng đồng ý là hai chương trình “quyền phúc lợi” (entitlement) này khó tồn tại lâu dài nếu không có những cải cách, thế nhưng người ta cứ cãi nhau về cách để cải. Có lẽ cả hai đảng đã có một thỏa thuận ngầm duy trì tình trạng bất đồng này để họ có chuyện để làm, chuyện để nói.

Theo chính quyền Obama, viễn cảnh của quỹ tín thác Medicare đã sáng sủa hơn là nhờ có luật y tế 2010, luật này đã siết lại đến gần 500 tỷ của Medicare trong thời gian 10 năm. Đạo luật này đã cắt xén những chi trả Medicare cho những cơ quan cung cấp dịch vụ y tế trên giả định rằng những nơi này sẽ trở nên có hiệu quả hơn. Một yếu tố khác là Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011 đòi hỏi giảm đến cả 2% dự phóng chi tiêu về Medicare từ năm 2013 đến 2021.

Mặt khác, ngân sách của Tổng thống Obama sẽ làm chậm lại sự gia tăng của chi tiêu cho ASXH bằng cách dùng một thước đo khác về lạm phát để tính toán những khoản phải điều chỉnh do giá sinh hoạt gia tăng. Những người Cộng Hòa đương nhiên khoái “sáng kiến’ này của ông Obama, nhưng phản ứng từ ngay phía Dân Chủ - nhất là cánh “liberal” trong đảng – thì mạnh mẽ không lường. Tuy nhiên, đề nghị này của ông Obama chỉ là một thủ thuật mặc cả về ngân sách để đổi lấy chuyện tăng thuế, mà phía Cộng Hòa lại chống đối quyết liệt. Mọi chuyện vẫn còn tắc tị vì thế.

Về phía Cộng Hòa, mà tiêu biểu là ông Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ Viện, người từng được ông Mitt Romney chọn ra đứng phó cho mình trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012, đề nghị cải cách của họ là đơn giản: chuyển gánh nặng Medicare và Medicaid cho ngưòi thụ hưởng và cho các tiểu bang. Liên bang chỉ cho các tiểu bang một phần và một lần (lump sum), tiểu bang nhận lấy và lo phần còn lại. Còn người thụ hưởng? Cố xoay sở để đi tìm thầy, tìm thuốc cho vừa túi tiền của mình! B.S.! Theo nhận định của tờ The New York Times: ông Ryan đã bất nhân lờ đi hai vấn đề quan trọng nhất trong hệ thống y tế của quốc gia hiện nay: chi phí y tế gia tăng không ngừng, và con số ngày cũng càng cao những người không có bảo hiểm.

Khi nhìn đến sự khác biệt trong quan điểm của chính quyền Obama (muốn nắm) và phía Cộng Hòa (muốn buông), chúng ta hiểu rằng mùa hè sắp tới đây sẽ nóng bức đến như thế nào - trừ phi ra phía Cộng Hòa người ta bắt đầu nghĩ lại trước áp lực của dư luận không thể chấp nhận một đảng lớn lại cứ đi theo lối mòn “ngăn cản, phá hoại” (obstructionism) để làm tê liệt chính quyền, mà thực chất là phương hại đến quyền lợi của người dân. Cần nhớ rằng một số không ít các thống đốc tiểu bang theo đảng Cộng Hòa đã có ý kiến là phải chấp nhận chương trình Medicaid bởi vì đó là sự mong đợi của lớp quần chúng có lợi tức ở mức nghèo đói. Sự khác biệt quan điểm giữa thống đốc Cộng Hòa là người phải có trách nhiệm với đời sống người dân và các dân biểu Hạ Viện Cộng Hòa, nhất là những người theo phong trào Tea Party, tắc trách đối với sự an lành của người dân nghèo, ngày càng lộ rõ.

Cuộc chiến như thế là đã xác định rõ: một bên phải chiến đấu để xúc tiến Obamacare, một di sản lịch sử của “triều đại Obama”, một bên Cộng Hòa cố tình làm cho Obamacare bại xuội, tê liệt trong năm 2014, vừa là năm luật y tế có đầy đủ hiệu lực vừa là năm có bầu cử giữa mùa, Theo ôg Julian Zelizer, một sử gia của Đại học Princeton cùng là một nhà bình luận trụ cột của CNN: “Trong giai đoạn thực hiện luật, những người Cộng Hòa có mọi cách để gây trở ngại cho chính quyền”.

Đối với Nhà Trắng, giai đoạn tới của cuộc chiến là một loạt hành động nhằm sử dụng truyền thông xã hội, các trang mạng, tiếp xúc với người dân nơi công cộng, và nhằm vào những người nói tiếng Tây Ban Nha và người trẻ tuổi để thuyết phục càng nhiều càng tốt những người không có bảo hiểm hãy đi mua bảo hiểm khi đến kỳ hạn 1-10. Chỉ tiêu của Nhà Trắng là phải “bán” được ít nhất Obamacare này cho 7 triệu khách hàng chưa có bảo hiểm y tế. Cho đạt được mục tiêu này, chính quyền đang tính đưa ra một mẫu đơn xin bảo hiểm trước đây dài đến cả 21 trang nay được rút ngắn chỉ còn ba trang. Mặt khác, trong thử nghiệm về thị trường giao dịch bảo hiểm cho tiểu bang quản lý (state exchange), phí tổn đã được kéo xuống mức thấp không ngờ được - chỉ $304 một người, tức một nửa mức dự tinh ban đầu. Đây là giá người dân California sẽ thấy. Trong khi đó, những người Cộng Hòa sẽ đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền khủng bố của mình, nhằm hạ thấp giá trị và làm suy giảm hiệu quả của luật, hy vọng sự thất bại của Obamacare sẽ làm cho đảng Cộng Hòa gây được khí thế mới, đoàn kết hơn và có đường hướng hơn. Người ta đương nhiên nhắm đến cuộc bầu cử năm 2014 – toàn phần Hạ Viện và một phần Thượng Viện. Mục tiêu là duy trì thế đa số tại Hạ Viện, và giành lại được quyền kiểm soát Thượng Viện trong tay đảng Dân Chủ. Họ hy vọng rằng một số người vốn có bảo hiểm y tế của chủ nhân cấp sẽ bị mất bảo hiểm và phải đi ra “chợ trời” kiếm bảo hiểm cá nhân, lúc đó người ta sẽ có phản ứng với Obamacare. Nên nhớ rằng người Cộng Hòa tại Hạ Viện đã bỏ phiếu tất cả 37 lần để hủy bỏ Obamacare nhưng đều là công dã tràng. Một lần nữa mất thì giờ chẳng có nghĩa lý gì đối với những người không có khái niệm về thời gian. Họ vẫn quan niệm một cách ngụy biện là Obamacare làm hại cho nền kinh tế và làm tăng chi phí y tế, trong khi thực tế đều ngược với những gì họ tuyên truyền. Với quyền lực lập pháp trong tay, họ đã làm ngơ trước những yêu cầu của Bộ Y Tế được giải ngân để thực hiện luật này.

Nước Mỹ vẫn được tiếng là có trình độ dân trí cao. Đương nhiên. Dân trí liên quan đến học thức, tri thức, khả năng nhận xét, lý luận, phân tích, biết phải trái. Dân trí cao thì người dân dễ gần nhau, dễ đoàn kết, dễ nhất trí… - là những điều giúp cho một chính quyển của dân, do dân, vì dân hành động đúng đắn, vì lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc. Thế nhưng chúng ta không dễ gì giải thích kết quả của những thăm dò dư luận về vấn đề này hay vấn đề khác. Bởi vì chẳng hạn như trong vấn đề súng đạn, di dân, kích thước và trách nhiệm chính phủ liên bang… người Mỹ vẫn còn xa nhau quá. Và ngay cả trong một việc mà chúng ta đều thấy là nhằm đến lợi ích chung. Theo thăm dò của Kaiser Family Foundation, có đến 49% những người được hỏi ý kiến cho thấy họ không biết Obamacare sẽ ảnh hưởng họ như thế nào. Cũng đến 40% còn chẳng biết luật này đang được thực hiện! Nhiều người còn không biết làm sao xin bảo hiểm cho con của mình. Đa số còn chống đối luật này, vì họ chẳng biết mấy nội dung, và cho rằng luật làm cho tình hình thêm phức tạp. Trong số những ngưòi chống đối, đến hơn ¼ cho rằng luật này còn chưa dám tiến bộ đến mức người ta mong đợi.

Xem chừng dân trí càng cao, chính phủ càng không biết phải làm sao cho người dân hiểu để ủng hộ chuyện mình làm! 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2023(Xem: 1341)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình".
03 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1607)
"Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 2017)
"Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York"
12 Tháng Mười 2022(Xem: 1941)
"Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam."
10 Tháng Mười 2022(Xem: 1889)
"Một cuốn sách của hai tác giả Phương Tây nêu ra ba lý do khiến nền tảng quyền lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam rất bền vững."
17 Tháng Chín 2022(Xem: 1770)
"Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội."
13 Tháng Chín 2022(Xem: 1754)
"Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và “Người ngựa, ngựa người” - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1)..."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 1755)
"Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới »... Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết."
12 Tháng Tám 2022(Xem: 2012)
“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 2080)
"Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng "vũ khí lúa mì". L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ "bội chi ngân sách công" không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468