Những Bài Học Từ Năm Cũ (Hoàng Ngọc Nguyên)

06 Tháng Giêng 201312:00 SA(Xem: 19343)
Những Bài Học Từ Năm Cũ (Hoàng Ngọc Nguyên)

NHỮNG BÀI HỌC TỪ NĂM CŨ

Hoàng Ngọc Nguyên

 

 Khi phải tồng kết một năm đã qua, chúng ta thường phải nhìn lại không chỉ những sự kiện nổi bật trong năm mà còn những bài học lớn có thể rút ra từ đó. Năm 2012 vừa chấm dứt là một năm cực kỳ sóng gió phức tạp, đó là một năm cần được tổng kết nhất. Về chính trị là một cuộc bầu cử mà tầm quan trọng chẳng cần phải nói thêm, chính là ở chỗ sự sống còn của chế độ dân chủ, tự do của Mỹ. Về kinh tế là những thử thách vẫn tiếp tục giăng mắc, cuối cùng chỉ nói với ta một điều: khó thể nuôi dưỡng ảo tưởng kinh tế tư bản tự nó có giải pháp cho những chướng ngại nổi lên. Về xã hội, sự bất an, bất định, mất niềm tin nơi người dân là thấy rõ, dường như tâm tình người dân ngày càng ngoài khả năng hiểu được của tầng lớp lãnh đạo! Bởi thế đã nhìn lại năm cũ, liệu chúng ta khó thể hướng đến năm mới với tâm trạng hy vọng lạc quan hay chăng?
 

image001_347-content 



1. 
Bầu cử 2012 nói lên điều gì?
 

Khi tạp chí Time chọn Tổng thống Barack Obama là “Nhân vật trong năm”, hay hãng tin CNN cho ông là “Nhân vật ly kỳ nhất của năm 2012”, người ta chỉ muốn nói một điều: chiến thắng tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử tồng thống năm 2012 là quá ngoạn mục! Người ta chỉ thấy ông trong cuộc bầu cử này “từ chết đến bị thương”, không chỉ vì sự công phá kịch liệt, mạnh mẽ không phải không có hiệu quả của phía đối phương (tồng cộng ngưòi ta chi ra gần 1.5 tỉ trong cuộc vận động đánh bại Obama) mà còn vì hoàn cảnh ngặt nghèo của một tổng thống đương nhiệm không thoát nổi vòng vây oan nghiệt của kinh tế suy thoái và nạn thất nghiệp không giảm được. Tuy nhiên, có thể nói rằng ông Obama có hai điều may. Vào cuối tháng sáu, nếu ông Chánh án John Roberts của Tối cao Pháp viện có phán quyết bất lợi cho Đạo luật Chăm sóc Y tế trong Khả năng (Affordable Care Act) của ông Obama, có lẽ tình hình y tế công cộng sẽ cực kỳ rối rắm, phía Cộng Hòa sẽ “đồng khởi” triệt hạ những cải cách vừa mới tạo được, và ông Obama sẽ lúng túng gỡ không ra khỏi cuộc khủng hoảng này. Nhưng cái may lớn nhất của ông Obama chính là ông có một đối thủ ngày càng làm mất lòng dân với không biết bao nhiêu lời phát biểu có tính rẻ rúng, miệt thị, không tin cậy nhiều thành phần cử tri thuộc thiểu số. Nổi tiếng nhất là lời phát biểu về “47% cử tri đương nhiên bỏ phiếu cho Tổng thống” và “cứ để cho di dân bất hợp pháp không có việc làm, rồi họ sẽ phải tự trục xuất mà thôi”. Như phân tích của tạp chí Time, người ta bỏ phiếu cho ông Obama vì thấy dù sao ông cũng là người hiểu được, gần được, tin được, và cho dù trong hoàn cảnh khó khăn bị phía Cộng Hòa cản trở bao vây, chẳng phải là không làm được việc, nhất là trong việc gỡ rối đối ngoại tại Iraq và Afghanistan.
 

image003_99 




2. 
Đảng Cổ Đại đáng là một vấn đề nghiêm trọng!
 

Chưa bao giờ người ta phải đặt ra nghiêm chỉnh như hiện nay những câu hỏi đảng Cộng Hòa đang đi về đâu, và những người Cộng Hòa sẽ đưa nước Mỹ đi về đâu. Người ta không chỉ giật mình khi thấy trong hàng ngũ những người Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống có những khuôn mặt như nữ dân biểu Michele Bachmann, Dân biều Ron Paul, ông pizza Herman Cain, hay cả cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich… Điều đáng ghê sợ chính là những quan điểm bảo thủ cực đoan bất di bất dịch “nhất định không tăng thuế” (mà chủ yếu thực sự là bảo vệ cho tầng lớp giàu 2%), nhất quyết triệt hạ vai trò của chính phủ, và công phá không nương tay những chương trình phúc lợi. Chính lập trường quá khích này đã khiến cho Hạ Viện mà đa số là người Cộng Hòa trở thành một lực lượng đối kháng cản trở hoạt động của chính quyền. Người ta chứng kiến từ trận giặc này đến trận giặc khác làm tiêu hao biết bao sinh lực quốc gia. Đang tái diễn chính là trận chiến “bờ vực ngân sách” vào đầu năm và trận “giới hạn mức nợ” trong tháng giêng năm mới. Những nhà quan sát chính trị đang rất lo ngại ghi nhận đảng Cộng Hòa đang thêm mất bình tĩnh, tâm trạng bất mãn, bực bội, căm giận, hàng ngũ thì thêm phân hóa, chia rẽ, lãnh đạo đảng thì lúng túng và mất khả năng kiểm soát trước hai áp lực đối nghịch trong đảng: một đàng muốn cải cách để gần dân hơn, một đàng nhất quyết bảo thủ để tăng sức mạnh trong đảng. Đây là vấn đề không chỉ của đảng Cộng Hòa mà là vấn đề nghiêm trọng của cả hệ thống chính trị nước Mỹ, vốn xây dựng và phát triển dựa trên sự thỏa hiệp hợp lý giữa hai đảng để vượt qua những dị biệt từng lúc, tứng thời. Bởi vậy, người ta sợ rằng cái bờ vực chính trị hiện nay là có thực và hiểm nghèo gấp mấy lần bờ vực ngân sách trong mùa Giáng Sinh vừa qua!
 

image004_54 




3. 
Những thế lực thiểu số có tính cách quyết định!
 

Khoảng 30-40 năm nữa người da trắng mới trở thành giống dân thiểu số ở Mỹ (có tỷ lệ dân số dưới 50%), nhưng sự đe dọa đối với vai trò “chủ tể” (supremacy) của họ hiện nay ngày càng lớn, ngày càng gần. Trong cuộc bầu cử năm nay, chính những cử tri thiểu số đã quyết định người thắng cử là ông Obama – không phải cử tri da trắng. Những nhà chiến lược chính trị Cộng Hòa trước đây vẫn xem nhẹ lá phiếu của những nhóm thiểu số: người da đen chỉ vào khoảng 10% dân số, người Latino 16%... Tổng cộng chỉ được ¼ tổng số cử tri là cao nhất. Nhưng khối cử tri thiểu số này, một khi người ta có được sự đồng tình, lại có thề trở thành một lực lượng vô địch nếu khối cử tri da trắng có số phiếu phân hóa, bất định. Trong bầu cử vừa qua, số người da đen và ngưòi Latino bỏ phiếu cho ông Obama lên tới 70-72%. Cũng đáng ghi nhận là người ta rũ nhau đi bầu đông hơn các kỳ trước, với ý chí tích cực bảo đảm thắng lợi cho ứng cử viên của mình, đặc biệt là trong số cử tri trẻ ủng hộ ông Obama. Sau bầu cử, ông Romney đã lại cay đắng lỡ lời: “Tổng thống Obama đã cho cử tri của ông quá nhiều món quà trước khi bầu cử”. Nếu không xét đến sự hớ hênh, “không chính trị” trong phát biểu của ông Romney, chúng ta có thể hình dung đâu đây một lời cảnh báo cho những người làm những chính sách di dân, kinh tế, giáo dục, xã hội của nước Mỹ: nền văn hóa đa chủng của Mỹ sẽ chuyển biến thực sự ra sao và có những hệ lụy nào cho xã hội, và những thay đổi trong hệ thống nhân khẩu của Mỹ sẽ là lực trì hay lực đẩy phát triển cho đất nước trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa đầy cạnh tranh quyết liệt ngày nay.
 

 image005_4-content




4. 
Học khôn về kinh tế.
 

Cuộc tranh cãi kinh tế giữa hai đảng tuy không có chất lượng, không có chiều sâu, nhưng nhờ dai dẳng và kịch liệt cho nên đã giúp cho người dân dần dần hiểu được những bài học kinh tế căn bản cũng như nhận thức được giữa lý thuyết và thực tế là cả một vực hiện thực. Một bên là thuyết của người Cộng Hòa, thường được xem là trường phái Chicago và trong hệ tư tưởng của kinh tế gia Mỹ Milton Friedman, nhìn về phía cung của thị trường (giới kinh doanh, sản xuất, buôn bán, đầu tư…) nhằm tạo những điều kiện thuận lợi, hấp dẫn (thuế thấp; tỷ suất lợi nhuận cao; kiểm tra, quản lý của chính quyền thư giãn) để người kinh doanh mở rộng làm ăn. Một bên là thuyết của người Dân Chủ, nặng tư tưởng của kinh tế gia người Anh John Maynard Keynes, nhìn về phía cầu, tức người tiêu thụ, và nhấn mạnh những biện pháp chi tiêu “kích thích” của chính phủ (xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ cấp xã hội, phát triển giáo dục…) để tạo sức cầu đó. Năm 2008, người dân đã chứng kiến sự phá sản của đường lối kinh tế một chiều của ông George W. Bush. Trong bốn năm qua, người ta cũng đã dần quen thuộc với chủ trương “kích thích” của ông Barack Obama, nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để đánh giá đường lối này, trong khi những nhà kinh tế chẳng giúp soi sáng được bao nhiêu. Một đàng, ông Obama bi bó tay bó chân. Đàng khác, cái thiếu hụt, nợ nần do “kích thích” mà ra có thể rất kinh khiếp ngàn đời sau. Và quan trọng hơn cả là không có bài toán nào được giải quyết ổn thỏa. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, trong khi phân tích hiện trạng của thị trường nhân dụng người ta còn thấy nhiều sự lệch lạc trầm trọng hơn. Tỷ lệ kinh tế tăng trưởng vẫn còn thiếu sức duy trì lâu dài, như thể kinh tế Mỹ giống kinh tế châu Âu ở chỗ chưa trả lời được cho sự thách đố của những thế lực cạnh tranh ngày càng đông đúc, chen chúc trong một nền kinh tế thế giới toàn cầu hóa. Trong năm qua, nhiều nhà kinh tế Mỹ đang chỉ ra một hướng mà ông Obama cũng đang quan tâm: cơ sở hạ tầng của nước Mỹ đang lão hóa, bất cập trước những tấn công của thiên nhiên trong mười năm vừa qua. Tái thiết một cách qui mô cơ sở hạ tầng của nước Mỹ chính là một hướng thực tế cho kinh tế nước Mỹ trỗi dậy vững chắc trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này.
 

 image007_22-content




5. 
Văn hóa súng đạn làm nổi bật bệnh tâm thần trong xã hội.

Trong năm qua, chúng ta đã biết có không biết bao vụ người có súng xả súng bắn bừa bãi váo đám đông gây tử thương cho hàng loạt người, nhưng vụ nổ súng tại trường tiểu học Sandy Hook, thuộc tiểu thị trấn Newtown, Connecticut, chỉ hai tuần trước khi năm 2012 kết thúc, đã gây một chấn động khắp nước Mỹ. Người gây tội ác là một thanh niên 20 tuổi mang bệnh tâm thần (tự kỷ) sống trong một khung cảnh gia đình mà anh ta có thể không cảm thấy là chỗ nương tựa. Nạn nhân chính là bà mẹ hết lòng vì anh ta, và tệ hơn nữa, 26 người trong trường, trong đó là 20 trẻ em học lớp 1 tuổi từ 6 đến 7. Người ta bắt buộc nhìn đến xã hội tâm thần ở Mỹ và nền văn hóa súng đạn lạc hậu, cổ hủ nhưng vẫn còn rất thịnh hành do cái thế lực ma quái của Hội Súng Toàn Quốc (National Rifle Association – NRA) thúc đẩy. Người ta nói có đến một phần tư dân số vị thành niên (adult population) có ít nhiều bệnh tâm thần: 57.5 triệu người! Có thể nào nhiều hơn? Có thể nào ít hơn? Ông cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), cựu tướng David Petraeus, có thể ít nhiều cũng bị tâm thần chăng, khi mang trọng trách như thế mà lại còn dễ dàng vướng vào những chuyện như thế để đến nổi thân bại danh liệt. Một số người Cộng Hòa quyết giữ trọn lời thề “Không tăng thuế”? Những tài tử điện ảnh lao vào từ vụ tai tiếng này đến tai tiếng khác như Charlie Sheen và Lindsay Lohan? Và những ông tổng giám đốc, phó tổng giám đốc điều hành NRA vừa phát biểu kêu gọi phải “quân sự hóa học đường” để bảo vệ trẻ em và đưa ra thuyết “cây súng vô tội”, chỉ có con người bị xã hội làm hư gây tội, để duy trì loại súng tấn công như AR-15 trên thị trường. Tâm thần bất ổn đang là một vấn đề nghiêm trọng của xã hội ta - dường như xã hội này ngày càng làm cho người ta dễ bị tâm thần hơn. Nó nghiêm trọng ở chỗ tuy không hẳn là bất lực, xã hội, gia đình… chưa đủ sức lo hết cho hàng chục triệu người như thế. Và bởi thế đó là một tình trạng nguy hiểm, nhất là trong thời buổi người ta không đẩy lùi được văn hóa súng đạn bởi vì tổ chức NRA còn lẫn tránh được phiên tòa lịch sử đang chờ đợi nó!

Tôn giáo có thể làm gì được để uốn nắn chính trị và xã hội đi vào đạo lý? Vẻ nguy nga, tráng lệ bên ngoài của nhà thờ, chùa chiền ngày nay không che đậy được sự thất bại của tôn giáo như một định chế lo “phần hồn” của con người trong cuộc vận động đi lên của dân tộc. Bởi vì những điều người ta mong đợi tôn giáo lên tiếng, người ta chỉ nghe sự im lặng. Trong khi những gì người ta mong đợi ở sự bình lặng của tôn giáo, người ta lại nghe những âm thanh hội hè, đình đám, kinh doanh nơi những người không giữ được lòng thanh tịnh.

Người Mỹ vốn không nhìn xa, bởi vì những nhà chính trị thường chỉ nhìn trong giới hạn nhiệm kỳ của mình. Người Mỹ cũng vốn không nhìn xa theo nghĩa chỉ nhìn thấy mình không thấy được thế giới chung quanh cho dù vẫn thích làm bá chủ. Nhưng trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008 đến nay, người ta bắt buộc đã phải tập nhìn xa và bắt đầu hiểu nhiều hơn tính cách liên lập (inter-dependence), nhất thể (integration) trong đời sống toàn cầu hóa của thời đại này. Bởi vậy mà người ta có nhiều lý do để lo ngại khi nhìn tình hình châu Âu năm nay. Châu Âu hầu như bị khủng hoảng cùng thời với nước Mỹ - vào đầu năm 2008. Nhưng từ khủng hoảng tài chánh tưởng là bình thường, tình hình phát tác và ngày càng thách thức cơ chế Liên Âu, cơ chế vùng Euro (eurozone) đã có chỉ mới hơn mười năm nay. Và cuộc khủng hoảng đặt ra một cách nghiêm trọng khả năng tồn tại của cơ cấu kinh tế của những nền kinh tế chủ đạo của khu vực này. Cho nên, trong suốt cả năm nay, tình hình chẳng những chẳng yên ở nơi nào, mà dường như đang trở nên xấu thêm. Ở Anh, người ta đang điên cuồng tính chuyện tách ra khỏi khối Liên hiệp này. Ở Pháp, cơ chế phúc lợi xã hội đang rệu rã giữa lúc số người trông mong vào nó lên cao hơn bao giờ hết. Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi đều có vấn đề. Tình hình xấu và tuyệt vọng đến mức một thủ tướng đầy tai tiếng như Silvio Berlusconi của Ý đang tính chuyện trở lại chính trường khi đã gần 80! Châu Âu cứ nhìn qua Mỹ để mong Mỹ sẽ sớm ổn định để có thể đi cứu kinh tế châu Âu như thời sau Đệ nhị Thế chiến, trong khi Mỹ cũng nhìn qua châu Âu hy vọng châu Âu sẽ sớm ổn định đề có thể mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất cảng của Mỹ!

Năm 2012 này khó khăn đến mức người ta những tưởng những ngày cuối cùng của năm sẽ cho thế giới một món quà Xuân là sự thành công của Cách mạng lật đổ chế độ độc tài của Tổng thống Bashar Al-Assad. Tiếc thay, cho cùng người ta chỉ mới thấy được “ánh sáng cuối đường hầm”, khi chính Nga vốn bảo trợ cho Assad mãn đời nay cũng nhìn nhận rằng tình hình của Assad đã hết thuốc chữa. Mùa Xuân A Rập cũng chẳng gây mấy phần khởi ở những nơi nó đã đến như Ai Cập, Libya… Và nhìn chung Bắc Phi và Trung Đông, tình hình ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Iran… người ta mới hiểu tại sao có nhận định trong giới bình luận ông Obama sẽ càng thêm “thối lui” trong đường lối đối ngoại cho dù có những áp lực từ phía Cộng Hòa muốn ông nhắm mắt sấn tới.

 

image009_11-content 

 


Thực ra, nhìn ra bên ngoài, đâu đâu Mỹ cũng có thể nhìn thấy thử thách. Một châu Phi mà Hồi giáo đang muốn xâm nhập hay áp đặt một “trật tự” mới. Một châu Á Trung Quốc đang muốn xác nhận mình là thiên triều, một bá chủ khu vực trong khi phản ứng của những tiểu quốc chung quanh ngày càng mạnh mẽ. Và nếu chúng ta quan ngại về cái điên di truyền của Bắc Triều Tiên như ta thấy trong vụ bắn hỏa tiễn tầm xa cuối năm, cũng đáng để ý là sự tăng cường cảnh giác có tính trưởng thành hơn của Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Đài Loan.

Năm 2012 quá u ám. Năm 2013 sẽ như thế nào? Những tiên đoán có thể có cơ sở khi trong những ngày tới chúng ta theo dõi nước Mỹ sẽ hành động như thế nào - trước bờ vực, và trước chuyện thay đổi luật lệ về súng đạn. Nếu chúng ta thoát được bờ vực, và Tổng thống Obama trong tháng giêng ban hành đạo luật cấm buôn bán, lưu hành vũ khí tấn công, chúng ta có thể vui mừng nước Mỹ vẫn còn có thể đi tới. Nếu không…

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Tư 2023(Xem: 2566)
"Trong khi thuyết trình, GS Trần Gia Phụng đã chiếu lên màn hình một phần bản tin nhan đề “China admits 320,000 troops fought in Vietnam” (Trung Quốc thú nhận đã đưa 320,000 lính qua chiến đấu tại Việt Nam). Và kế tiếp, chiếu lên màn hình bản đồ cho thấy các vị trí đóng quân của 320,000 lính Trung Quốc tại miền Bắc. "
29 Tháng Ba 2023(Xem: 2678)
"Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ như giọt nước mắt bi tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của anh, hồn nhiên và trong sáng."
15 Tháng Ba 2023(Xem: 2611)
"Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm gọi sự kiện Gạc Ma ngày 14/03/1988 là cuộc thảm sát do Hải quân Trung Quốc thực hiện."
30 Tháng Giêng 2023(Xem: 3033)
"Có hai cái Tết trước đây lẽ ra đã có thể giúp chúng ta thời đó rút ra những bài học sống còn – nếu chúng ta chịu học. "
25 Tháng Giêng 2023(Xem: 2816)
"Nhắc lại chuyện xưa để biết chuyện nay. Nhắc lại những chuyện trong năm đã qua để cố hình dung những gì có thể xảy ra trong năm mới là một thông lệ trí thức không thể thiếu được của người gõ máy, nhất là khi người ta đang sống trong một thời trí nhớ đang bị thử thách nghiêm trọng trên mọi mặt. "
09 Tháng Giêng 2023(Xem: 2462)
"Một đất nước được gọi là tăng trưởng mạnh, có đảm bảo cho tất cả người dân, đảm bảo cho mọi đứa trẻ mọi miền đất nước được cải thiện những phúc lợi tối thiểu? Hay sự giàu lên, hạ tầng đồ sộ tiên tiến hơn, chỉ dồn vào một số chỗ trũng, một bộ phận dân cư, chỉ chảy vào một số nhóm người riêng?"
27 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 2595)
"Cuộc sống bị đảo lộn khi các con đập do Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn lấy đi lượng phù sa quý giá của đồng bằng sông Cửu Long. Đứng bên bờ sông Mekong, ông Trần Văn Cung có thể nhìn thấy ruộng lúa của mình bị cuốn trôi ngay trước mắt. Rìa lúa đang vỡ vụn hòa vào châu thổ."
28 Tháng Mười 2022(Xem: 4041)
"Buổi hội ngộ kỷ niệm 58 năm của nhóm CTKD1-2 tại Nam California đã được tổ chức với những gương mặt tươi vui, rạng rỡ, đầy tiếng nói cười trong tình Thụ Nhân ấm áp sau biến cố COVID-19. "
28 Tháng Mười 2022(Xem: 3613)
"Các bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” bị cho là đã thu lợi hàng nghìn tỉ đồng, theo thông tin mà một đại diện của Bộ Công an Việt Nam đưa ra với báo giới mới đây. Điều này lại làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 2722)
"Ông Putin có vẻ như đang tuyệt vọng, phải dùng đến những vốn liếng cuối cùng của mình; nghề bài bạc gọi là “đánh cạn láng.”
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468