Giữ đời cho nhau (Đinh Thiên Tường)

10 Tháng Hai 201212:00 SA(Xem: 20159)
Giữ đời cho nhau (Đinh Thiên Tường)


Giữ đời cho nhau

 Đinh Thiên Tường

 

 Lân choàng tỉnh vừa đúng lúc CD hát tới bài “Căn nhà Xưa” của Nguyễn đình Toàn. Một mình trống vắng trong buổi trưa cuối tuần giữa thinh không tĩnh lặng, Lân nghe Tuấn Ngọc diễn tả nỗi niềm.....<< Em có nhớ căn nhà xưa bên khu vườn cải... ở đó, có giếng nước soi trời trong, có gió mát đêm bình yên, có những tiếng chuông gần lắm, pha hòa tiếng cầu kinh...>>

 Bài hát nầy Lân đã từng nghe, nhưng hôm nay từng chữ như xoáy vào tim can, rồi dẫn dụ Lân vào những ngày xưa nơi quê cũ vùng Tây Nguyên. Ở đó, giếng nước không thể soi trời trong vì giếng sâu lắm, nhưng có những đêm trăng thanh mát lạnh sau cơn mưa, làm người cùng cỏ cây hả hê sau một ngày tháng hạ, có những buổi sáng sương mù, không khí quyện với hương hoa cà phê đang nở rộ trắng phau, có những chiều trời chạng vạng tối phủ màu lam, làm nổi bật nhửng làn khói trắng tủa lên từ nhửng nhà bếp mái tranh. Và một dòng suối nước trong bên ngôi chùa nhỏ, trong đó có một tiểu Sa di ni ...

 Lân không biết ngôi chùa tọa lạc cuối làng được cất lên tự bao giờ, mái ngói giờ đã đen thẫm theo thời gian cùng với nắng mưa, rêu phong phủ quanh tường và trên các khung, ngưỡng cửa tương phản với màu đỏ lấm tấm khắp chân tường đượm vẻ tiêu sơ, chung quanh chùa là những hàng cây cổ thụ bằng lăng cao ngất, tạo nên cảm giác ngôi chùa như một linh cổ tự. Người trụ trì ngôi chùa là một Sư Cô chưa đầy sáu mươi, hiền hòa từ ái, được Phật tử kính mến gọi là Sư Bà. Gia đình Lân là Công giáo, nhưng Lân thường thấy Sư Bà trong những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan .v.v..tại chùa, hoặc thỉnh thoảng thấy Sư Bà trước sân đang chăm sóc cây kiểng hay những bụi phong lan bám lơ lửng trên thân cây. Đệ tử của Sư Bà, Lân quen biết đa số các tiểu Sa di ni cùng tuổi, có người được cha mẹ gởi vào chùa học đạo, có người là trẻ mồ côi bị bỏ rơi được Sư Bà đưa về chùa nuôi nấng. Mặc dầu là Nữ Ni, nhưng Sư Bà rất “cấp tiến” không câu nệ tiểu tiết giữa đời và đạo, nên gởi một số tiểu Sa di ni ra trường làng học để có chút căn bản văn hóa, bởi Sư Bà tâm niệm rằng văn hóa giúp mở mang trí tuệ, có trí tuệ mới thấu hiểu Phật pháp để đưa tâm linh lên cảnh giới vi diệu....Diệu Hiền là một trong số tiểu Sai di ni được gởi ra trường làng nên Lân có cơ duyên quen biết và thường cùng nhau chơi đùa tại trường hay thỉnh thoảng nô đùa bên bờ suối mỗi khi Diệu Hiền theo các Sư Cô ra suối gánh nước hoặc giặt quần áo. Nhờ vào ngộ tánh cao và ngoan hiền nên Diệu Hiền rất được thầy cô thương mên, Lân cũng không ngoại lệ, thìch chơi chung và sẵn sàng bênh vực khi Diệu Hiền bị lấn lướt.

 Lân nhớ có lần trong năm lớp ba, cô giáo ra bài vẽ “đĩa muối tiêu” xem trò nào vẽ nhanh nhất, cả lớp nhi nhô vẽ với đủ loại bút màu...Diệu Hiền chỉ với cái viết thường màu đen chấm loạn xạ trong cái hình bầu dục tượng trưng cho cái đĩa trên tờ giấy trắng. Một lần tinh nghịch khác sau giờ tan học, khi mùa trái cây đang chín, cả đám cùng nhau rong ruỗi trên đường về nhà, thấy những nhánh xoài đầy trái chín mọng sà xuống ra ngoài hàng dậu nhà ai. Bụng đang đói tăng thêm cơn cám dỗ, thế là cả đám không hẹn cùng nhau lấy đá, cành cây khô ném lên cho xoài rụng. Riêng Diệu Hiền chỉ đứng yên lặng, mặt ra chiều ai oán...

- Cho Hiền một trái to và xanh nè.

- Hiền không ăn trái cây chưa chin.

- Lân thấy con gái ai cũng thích xoài xanh, thì đây, còn một trái chín cho Hiền. 

- Hiền càng không ăn đồ hái trộm.

- Hi ! hi ! đừng nói đồ hái trộm, ăn lẹ lẹ đi, chú Năm thường nói đây là đồ được “hóa duyên” mà !

- Nam mô ! tội lỗi ! Sư Bà nói phạm giới thứ hai sẽ bị đày xuống địa ngục ...

 Ngày đi tháng đến, cả đám bạn cùng lên lớp nhất. Trí óc nhỏ nhoi cùa mỗi đứa cùng lớn theo, ý thức được sự dị biệt nam nữ nên không còn chơi chung nữa, nhất là đám tiểu Sa di ni lại càng khép kín hơn. Rồi một ngày sẽ đến, tất cả cùng linh cảm một điều, bãi trường, bởi trường làng chỉ có bậc tiểu học. Đa số phải rời quê ra tỉnh học, Lân càng buồn hơn vì gia đình dọn đi tỉnh khác lập nghiệp, Diệu Hiền ở lại với Sư Bà trong ngôi chùa cũ. Ngày chia tay cuối năm, cả lớp đồng ý cắm trại bên bờ suối, Diệu Hiền và các tiểu Sa di ni khác được cô giáo xin phép Sư Bà ra họp mặt lần cuối.

 Hôm đó vào tháng hạ mưa nhiều, nước từ triền núi đổ về làm suối sâu hơn và chảy rất xiết. Thấy vậy, gần như cả lớp như bị khích động cùng nhào xuống tắm để bớt cái nóng nực giữa trưa hè. Diệu Hiền ban đầu đứng dậm chân tại chỗ không chịu xuống, nhưng phải buộc lòng rón rén đi xuống nước vì Lân và bạn bè kêu réo. Họa vô đơn chí ! khoảng mấy phút sau, có lẽ bị vọp bẻ hay trượt chân, Diệu Hiền bị ngụp sâu dưới làn nước....Lân gần đó hồn vía lên mây, chỉ kịp la lên “ cứu....” rồi lao theo...Lân cùng chung số phận, bị dòng nước cuốn đi trong kinh hoàng cùng cực, chỉ mơ hồ là nắm được vật gì đó trong tay và nắm càng chặt vì sợ hãi sắp chết....Lân và Diệu Hiền may mắn được thân cây khô gãy nhô ra từ trong bờ giữ lại, không bị cuốn đi và được người lớn tình cờ đi ngang lúc đó vớt vào.

 Kể từ đó, Lân không còn gặp lại Diệu Hiền cho tới khi ghi danh vào Viện Đại Học Đà Lạt, mọi kỷ niệm tưởng sẽ nhòa theo năm tháng, hơn nữa vì hai cảnh đời khác biệt. Cho tới một trưa cuối hè, trước mấy ngày nhập viện , Lân có dịp ghé về quê cũ, vừa xế trưa, Lân lang thang ra bờ suối, nơi tưởng từng chừng chết đi và được cứu sống, nên Lân nhớ từng dấu xưa vết cũ, vẫn khoảng không gian sáng lạng tỏ lộ dòng suối triền miên chảy róc rách từ thượng nguồn, tiếng ve sầu nỉ non từ hai bên rừng xanh vắng thỉnh thoảng pha hòa tiếng chim hót loạn thinh không, những tảng đá hoa cương nằm ngổn ngang trồi lên giữa lòng suối cho người băng ngang hay ngồi giặt quần áo giữa hai kẽ đá. Lân chợt thấy có hai người đang giặt quần áo trong y phục màu nâu, Lân bắt đầu xao động, liên tưởng ngay tới Diệu Hiền, người bạn học cũ suýt đồng tử tại con suối này, nhích tới gần hơn chút nữa, Lân nhận diện nửa khuôn mặt phía trái người nữ ni đầu tiên nhưng không giống như trong tiềm thức, Lân chuyển hướng sang người ngồi phía sau liền mất điềm tĩnh vì khuôn mặt với sống mũi ngắn thẳng trông hao hao giống Diệu Hiền. Lân muốn quan sát thêm chút nữa nhưng sợ bị hiểu lầm bất nhã. Lân cất tiếng chào, cả hai nữ ni nghe tiếng người cùng quay lại ngước lên, Lân luôn dán mắt vào nữ ni thứ hai, bốn mắt giao nhau cùng trân trối khôn cùng, Lân thân thiện lên tiếng

- Xin chào...cô Diệu Hiền, tôi là Lân…Diệu Hiền có nhận ra không ?

- Chào ...Lân, Diệu Hiền nói nhẹ như hơi thở sau một thoáng thời gian.

 Xác định được Diệu Hiền trước mặt, Lân thật sự rúng động trước vẽ đẹp ôn nhu,thanh khiết đượm chút xa vắng của Diệu Hiền. Lân vốn hào phóng, nhưng không tưởng được rằng mình hôm nay là người câm thực sự mặc dầu trong tâm tưởng luôn hy vọng gặp lại Diệu Hiền để tuôn ra nhửng tâm tình ẩn hiện bấy lâu. Diệu Hiền không còn là một cô bé Hiền ngày xưa nữa, một thiếu nữ, là một nữ ni mảnh mai trong lần áo nâu sòng với vầng trán nhẵn bóng làm nổi bật đôi chân mày thanh cong trên khuôn mặt trái xoan nghi phàm có năng lực huyền bí chi phối lòng người. Nhìn sâu trong đáy mắt, Lân mong đọc được từ Diệu Hiền trong ánh mắt có chút đợi chờ để Lân có can đảm và tự nhiên kể lại những ngày thơ dại chơi chung, những lúc chia nhau những mẫu bánh cục kẹo Lân được mẹ cho đưa đi học, những lần đổi cho nhau những món đồ chơi hai đứa tự tay làm lấy và không ngần ngại vì nhau trong hiểm nguy... Tất cả, Lân cảm thấy như một tiết mạn nếu nói ra thành lời với Diệu Hiền. Nhìn thấy Diệu Hiền bình thản nhìn xuồng dòng nước, đôi hàng mi như khép lại, Lân bị bắt hồn trước một bức tranh tuyệt hảo như đã được thi vị hóa thành huyền thoại trong thi ca và quên đi hết những thực tại trái ngang, chỉ thấy đối tượng trước mắt đang chiếm lấn tâm hồn. Lân thả hồn chơi vơi với hạnh phúc nhẹ nhàng bất chợt dâng lên và dâng cao xa tít. Lân mong thời gian ngưng lại và quay ngược về những ngày hồn nhiên xưa cũ để xích tới gần Diệu Hiền trong ân cần hỏi han, bởi Lân biết rằng cô bạn nhỏ ngày xưa sẽ vui mừng đón nhận cái nhiệt tình chơn chất ấy. Lân càng nghĩ, niềm tha thiết càng rực lên trong ánh mắt hướng tới Diệu Hiền, Diệu Hiền càng tỏ ra bất ổn...rồi ngập ngừng ra dấu người sư muội thu dọn quần áo quay về...

 Còn lại một mình nơi suối nước, Lân đứng mãi trông theo cho tới khi bóng dáng Diệu Hiền mất hút vào cổng chùa ... “người đi để lại hồn tôi chết”. Ngày hôm sau Lân quay lại thẩn thờ bên bờ suối như tìm kiếm một mất mát lần đầu trong đời thấm xót xa. Lân không mong hạnh ngộ tình cờ tái diễn như hôm qua, nhưng không trở lại con suối là âm thầm vĩnh biệt. Hôm nay đến đề nuôi hy vọng gặp Diệu Hiền bởi không đành lòng chấp nhận một dang dở không lời dù rằng cái dang dở đó Lân tự vương mang. Lân miên man đi tới chỗ Diệu Hiền giặt quần áo hôm qua và ơ thờ ngồi xuống đợi chờ không biết đã bao lâu, có lẽ dài như tiếng thở dài Lân vừa phải buông xuôi...

 *******

 Đêm về, tiếng gõ mõ niệm kinh từ ngôi chùa vang hòa với tiếng côn trùng trong khu rừng vắng làm dậy lên một trời huyền hoặc dưới vầng trăng khuyết. Trong Phật đường, Diệu Hiền ngồi chung với các Sư cô và tỷ muội sau lưng Sư Bà đang cầu kinh ban tối. Buổi cầu kinh hôm nay không như mọi lần, Diệu Hiền phải phấn đấu với hết nghị lực để cầm trí cùng đồng hòa với lời kinh ngân nga, nhưng lỡ điệu vì trong thâm tâm vẫn còn chao động dữ dội từ khi gặp Lân tại con suối trưa nay. Diệu Hiền cảm thấy mệt mỏi khi kinh chiều kết thúc và toan đứng dậy nhưng phải ngừng lại vì tiếng Sư Bà điềm đạm từ đằng trước.

- Hiền nhi ! ta có điều muốn nói với con.

- Dạ ! Bạch sư phụ dạy con chuyện chi ?

- Ta thấy con thất thường hôm nay, ngay cả bài kinh thường nhật con đọc cũng sai là vì sao ?

- Không dám dấu sư phụ, con gặp lại một tín hữu, người đồng môn tại trường cũ và cũng là người có lòng muốn cứu con từ dòng suối năm xưa.

- Con đã nói gì với tín hữu kia để tỏ lòng tri ân.

- Dạ ! con chưa có dịp.

- Con hãy nói khi có dịp để lòng được thanh tịnh, để con còn phải đi tới đích giác ngộ và giải thoát. 

- Con cám ơn Bạch sư phụ chỉ dạy.

 Diệu Hiền lui về hậu liêu với lòng ngổn ngang bốn bề, nếu chỉ nói lên lòng tri ân với Lân để lòng được thanh tịnh như sư phụ khuyên thì Diệu Hiền đã làm được từ hôm qua. Từ vực sâu tâm hồn, Diệu Hiền biết rõ mình đang cưu mang một ‘oan nghiệt’ không thể thổ lộ cùng ai. Ngoài sư phụ, Lân như một nơi nương tựa để Diệu Hiền tựa vào khi an ủi cần đến. Từ khi biết mình là trẻ bị bỏ rơi giữa đời được sư phụ mang về nuôi nấng và cho đi học rồi thân với Lân. Đó là những ngày đẹp đẽ nhất trong đời luôn in đậm trong ký ức của Diệu Hiện cho tới hôm nay và sẽ mãi mãi về sau. Đã nhiều lần trong những buổi cầu kinh khi nhớ về, Diệu Hiền khấn cầu Bồ Tát cho Lân sống vui giữa đời và xin ban cơ hội được thấy Lân một lần dù chỉ trong khoảng khắc. Trong trạng thái mơ hồ không chừng nhớ lại cuộc gặp gỡ hôm qua, Diệu Hiền đưa tay lôi chiếc hộp trên đầu giường rồi ôm lấy vào lòng, đoạn chừng mở ra, trong hộp là những bông, lá cây rừng được đan kết thành những vật đồ chơi nhỏ xinh xắn mà Lân đã làm để trao đổi thủa xưa. Diệu Hiền đăm đăm nhìn vào trong hộp cho đến lúc những hình thù nhòa đi vì những giọt lệ hoen đầy bờ mi...

 Ngày hôm sau cũng là ngày Lân trở lại bên bờ suối, Diệu Hiền có thể thấy mọi sinh hoạt tại con suối vì vị thế của chùa trên triền dốc không xa, thấy Lân thẩn thờ lang thang bên bờ suối, Lân có lúc ngồi ơ thờ trên tảng đá ngay nơi Diệu Hiền ngồi gìặt quần áo hôm qua. Diệu Hiền thấy lòng quặn đau, hơi thở dồn dập như muốn ngạt thở choáng váng, phải đưa tay ra tìm điểm tựa vào thân cây và từ từ ngồi xuống. Nhìn vào vết thẹo nơi cổ tay sau khi được cứu vớt từ dòng suối oan nghiệt, vết thương ngoài da và vết thương trong lòng thường đưa đẩy nhau dày xéo tâm hồn và hôm nay nó làm tim Diệu Hiền như vỡ tan. Diệu Hiền như muốn chạy băng xuống dòng suối với Lân để bù đắp những thiếu sót hôm qua, nhưng Diệu Hiền đã sức cùng lực kiệt sợ rằng gặp Lân lần nầy sẽ yếu mềm ngã vào Lân để tìm chút yêu thương và bình yên. Diệu Hiền thổn thức ... «Huynh ơi ! Hãy tha thứ cho muội không thể đến với huynh vì muội còn sư phụ, nghiệp của muội kiếp nầy. Nếu huynh tin vào căn duyên của cửa Phật..muội xin hẹn đến kiếp mai.. » 

 Perth, Đông 08

« Huynh ơi ! Hãy tha thứ cho muội không thể đến với huynh vì muội còn sư phụ, nghiệp của muội kiếp nầy. Nếu huynh tin vào căn duyên của cửa Phật..muội xin hẹn đến kiếp mai.. »  

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Ba 2023(Xem: 13359)
"Món cơm nguội rẻ tiền, lúc trước chỉ dành cho người bình dân, lao động, nay rất được ưa thích, nổi tiếng ở Cồn Hến, và đã trở thành món ăn đặc sản của xứ Huế, mà chính người bổn xứ ai cũng ngất ngư vì cay xé lưỡi. Hít hà trong nước mắt khi ăn thì mới đúng điệu."
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2896)
"KhônKhông ai đã ở trên đất Mỹ mà không biết ngày Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day mang ý nghĩa mừng được mùa thu hoạch và cảm tạ Chúa ban cho cuộc sống no đủ, đồng thời cũng để cám ơn những người dân bản địa đã giúp cho những di dân. "
15 Tháng Tám 2022(Xem: 3716)
"Bà nội, thầy mẹ tôi nằm xuống, tới bẩy anh em tôi mươi năm nữa cũng nằm xuống cả, đã có bầy măng non tới bốn chục đứa, mong rằng chúng còn có thể vươn cao hơn và mạnh hơn cả ông bà cha mẹ chúng."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3671)
"Mình cũng già. Khi bé Nhiên lớn lên mình đâu còn sống với con; gia đình không còn ai, con bé lại bơ vơ lần nữa. Thôi thì cứ để anh em làm quen với nhau. Chờ khi nó lớn lên, ăn học tới nơi tới chốn rồi hẳn cho hay. Còn giờ, thỉnh thoảng dẫn nó xuống làng cho anh em chúng gặp nhau kẻo tội."
13 Tháng Năm 2022(Xem: 4018)
"Tôi phải chờ đến sau ngày 9 tháng 5 mới ngồi gõ “Phiếm Loạn” số 4. Sao thế? Vì tôi nghe lời ông tổng thống nước Nga để xem cuộc duyệt binh mừng đại thắng. Một là đại thắng phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Hai là đại thắng do “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với nước láng giềng “phát xít” Ukraine."
10 Tháng Ba 2022(Xem: 3803)
"Xin cầu nguyện cho dân Ukraina “không được” giải phóng bởi Nga."
04 Tháng Ba 2022(Xem: 3653)
“Chúng ta như hai dòng sông gặp nhau để rồi cùng chẩy ra biển, hay gặp nhau để rồi lại xa nhau, làm sao biết được anh nhỉ?...Nhưng tại sao anh lại là anh Chương Đà Lạt độ nào!”
23 Tháng Giêng 2022(Xem: 16387)
"tôi vẫn hãnh diện tôi là người Hà Nội. Hà Nội vẫn luôn ở trong trái tim tôi : Hà Nội Quê Hương Trong Trí Nhớ. "
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3996)
"Mùa NOEL năm ấy 1975 đã để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi chẳng thể nào quên : “Đêm Thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”."
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3910)
"Cuối đời ôn theo Phật lấy câu : tâm bình thường là đạo nên tụi chị sống an nhàn là đúng rồi. Biết chừng nhờ mả ôn phát mà tụi chị được vậy chứ không thì “ đi ăn mày Tàu” rồi!"
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468